Thần Học Về Diaconatus – Chương V

0
562


 

CHƯƠNG V

VIỆC PHỤC HỒI CHỨC DIACONATUS CỐ ĐỊNH TẠI CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

 

 

Trong ba văn kiện, Công đồng Vaticanô II dùng những thuật ngữ khác nhau để mô tả điều Công đồng nhằm thực hiện khi đề cập đến chức diaconatus như một cấp bậc ổn định trong phẩm trật Hội thánh. Hiến chế Lumen gentium số 29b sử dụng khái niệm restitutio (tái lập),167 Sắc lệnh Ad gentes trong số 16f lại sử dụng từ restauratio (khôi phục),168 trong khi đó Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum số 17 dùng từ instauratio (phục hồi). 169 Cả 3 thuật ngữ này đều bao hàm ý nghĩa phục hồi, canh tân, tái lập và tái hoạt động. Chương này sẽ đề cập đến hai điểm sau đây: Trước hết, cần phải biết những lý do tại sao Công đồng muốn khôi phục chức diaconatus cố định; và thứ hai, cần xem xét hình thái của tác vụ này như Công đồng muốn.

I. Những ý định của Công đồng

Ý tưởng tái lập chức diaconatus như một cấp cố định của hàng phẩm trật không nảy sinh tại Vaticanôô II. Ý tưởng này đã lưu hành trước Đệ nhị Thế chiến, nhưng được phát triển thành một kế hoạch rõ ràng sau năm 1945, nhất là ở các quốc gia nói tiếng Đức.170 Thách đố để đáp trả lại nhu cầu mục vụ của các cộng đoàn lúc đó, khi các linh mục đang đối diện với việc bị bắt giam, trục xuất hay bị giết. Điều này đã dẫn đến việc phải nghiêm túc xem xét ý tưởng này. Nhiều nhà chuyên môn đã sớm đưa ra những nghiên cứu về những khía cạnh thần học và lịch sử của chức vụ diaconatus.171 Thậm chí một vài người nam đã suy nghĩ về ơn gọi chức diaconatus và đã thành lập nhóm gọi là “Cộng đoàn Diaconatus”.172 Một thần học được canh tân trong Hội thánh xuất phát từ các phong trào Thánh Kinh, Phụng Vụ và Đại Kết đã mở ra con đường cho tính khả thi của việc phục hồi chức diaconatus như một hàng ngũ ổn định của phẩm trật.173

Vì thế, trong thời gian trước Công đồng, ý tưởng về chức diaconatus cố định đã sôi động tại một số môi trường quan trọng của Giáo hội và đã tác động đến nhiều giám mục cũng như các chuyên gia trong suốt Công đồng.

Những động lực thúc đẩy Vaticanô II mở ra khả năng phục hồi tác vụ diaconatus cố định đã được vạch ra chính yếu trong Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen gentium và Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh Ad gentes. Vì tính chất đạo lý của Lumen gentium, nên trước tiên chúng tôi sẽ khảo sát nguồn gốc những phát biểu của Hiến chế này liên quan đến chức diaconatus cố định sẽ được xem xét trước tiên.

Trong khóa thứ nhất của Công đồng (1962)174, vấn đề về tác vụ diaconatus không mấy thu hút được sự chú ý như một chủ đề riêng biệt: điều này đã đưa một vài Nghị phụ vạch ra sự thiếu sót vì không thấy nhắc đến tác vụ diaconatus trong chương bàn về hàng giám mục và linh mục.175 Nhưng giữa hai khóa họp (1962-1963), nhiều Nghị phụ đã bắt đầu gợi lên khả năng phục hồi tác vụ diaconatus cố định. Một số vị đã cho thấy những mặt thuận lợi của tác vụ này trong lãnh vực truyền giáo và đại kết, số khác lại yêu cầu hãy thận trọng hơn. Tuy nhiên, đa số các vị tập trung đến những vấn đề thực hành hơn là lý thuyết: nhất là họ đã thảo luận việc kết nạp những người nam đã kết hôn và những hậu quả của nó đối với đời sống độc thân của hàng giáo sĩ. 176

So với khóa thứ nhất, mức độ bàn luận của khóa thứ hai (1963) đề cập đến nhiều vần đề và yếu tố cần thiết để hiểu những ý định của Công đồng.177 Ba tham luận về tác vụ diaconatus cố định có thể xem là “nền tảng” theo nghĩa là chúng ấn định cách nào đó những hướng đi và thông số cả về phương diện học thuyết lẫn thực hành được đưa ra trong vòng tranh luận. Đó là các tham luận của Hồng y Julius Dopfner,178 Joannes Landázuri Ricketts179 và Leo Joseph Suenens. 180 Những tham luận khác lấy lại các đề tài mà các ngài đã gợi lên.

Trước hết, chúng ta bắt đầu với các Nghị phụ ủng hộ việc tái lập tác vụ diaconatus cố định. Các vị nhấn mạnh sự kiện là Công đồng chỉ xem xét khả năng của việc tái lập tác vụ này tùy vào thời điểm và nơi chốn mà thẩm quyền Giáo hội thấy là thuận tiện. Không có chỗ nào cho thấy việc tái lập tác vụ diaconatus cố định là điều bắt buộc trong tất cả các Giáo hội địa phương. Các nghị phụ lên tiếng trong các buổi tham luận cho rằng, xét dưới khía cạnh thực hành và mục vụ, Giáo hội sẽ được hưởng nhiều ích lợi. Sự hiện diện của các diaconi cố định sẽ giúp giải quyết một số vấn đề mục vụ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu linh mục ở các nước truyền giáo và những nơi bị bách hại.181 Vì thế, việc cổ động ơn gọi tác vụ diaconatus có thể sẽ làm chức linh nổi bật hơn.182 Điều này cũng sẽ giúp cải thiện cho những tương quan đại kết của Giáo hội Latinh với các Giáo hội khác vốn vẫn duy trì tác vụ diaconatus cố định.183 Hơn nữa, những người nam tha thiết dấn thân cách triệt để hơn cho sứ vụ tông đồ hoặc những ai hiện đang dấn thân trong một hình thức tác vụ nào đó, đều sẽ có thể thuộc về hàng phẩm trật này.184 Cuối cùng, việc chấp nhận cho người nam đã kết hôn được lãnh tác vụ diaconatus càng cho thấy rằng ơn gọi độc thân của hàng linh mục tỏa sáng hơn như là một đặc sủng được ôm ấp trong tinh thần tự do.185

Các tham luận cũng vạch ra nền tảng thần học cho việc tái lập tác vụ diaconatus cố định. Một số Nghị phụ đã lưu ý rằng vấn đề tác vụ diaconatus cố định không chỉ nguyên là chuyện kỷ luật, nhưng thật sự một vấn đề thần học.186 Xét như một hàng ngũ trong hàng phẩm trật thánh của Giáo hội, chức vụ diaconatus là một thành phần của thể chế Giáo hội ngay từ buổi sơ khai.187 Hồng y Dopfner đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Schema nostrum, agens de hierarchica constitutione Ecclesiae, ordinem diaconatus nullo modo silere potest, quia tripartitio hierarchiae ratione ordinis habita in episcopatum, presbyteratum et diaconatum est juris divini et constitutioni Ecclesiae essentialiter propria. 188 Nếu Công đồng phục hồi tác vụ diaconatus cood định, thì đó không phải là làm biến thái những yếu tố hiến định của Giáo hội nhưng đúng hơn chỉ là du nhập lại điều đã bị bỏ qua. Giáo huấn của Công đồng Trentô (sessio 23, can. 17) cũng thường được viện dẫn ở đây. Hơn nữa, các Nghị phụ xác nhận rằng tác vụ diaconatus là một bí tích chuyển thông ân sủng và một ấn tích.189 Không nên chỉ coi một diaconus như là ngang với một người giáo dân trong việc phục vụ Giáo hội, bởi vì tác vụ diaconatus ban cấp một ân sủng để thi hành trong một chức vụ đặc thù.190 Vì thế, diaconus không phải là một giáo dân được nâng lên một cấp độ cao hơn của tông đồ giáo dân, nhưng là thành phần của hàng phẩm trật do ân sủng bí tích và ấn tích được lãnh nhận lúc truyền chức. Các diaconi cố định sẽ sống và làm việc giữa lòng các giáo dân và thế giới trần tục, cho nên họ sẽ đóng vai trò làm “cầu nối hay trung gian giữa hàng phẩm trật và các tín hữu”.191 Vì thế, các Nghị phụ có ý định phục hồi tác vụ diaconatus như một cấp bậc của hàng giáo phẩm nhằm thâm nhập vào xã hội trần thế theo cách thế như những người giáo dân. Tác vụ diaconatus cố địnhnày không được xem như một tiếng gọi lên chức linh mục, nhưng như là một tác vụ riêng biệt nhằm phục vụ Giáo hội.192 Như vậy đối với Giáo hội, tác vụ này có thể là một dấu chỉ của ơn gọi để trở nên người tôi tớ của Đức Kitô và của Thiên Chúa.193 Do đó, sự hiện diện của diaconus sẽ giúp canh tân Giáo hội trong tinh thần khiêm tốn và phục vụ theo Tin Mừng.

Những ý kiến ủng hộ việc phục hồi tác vụ diaconatus cố định cũng gặp nhiều vấn nạn. Một số Nghị phụ cắt nghĩa rằng tác vụ diaconatus cố định không giải quyết việc thiếu linh mục vì lẽ các diaconi không thể hoàn toàn thay thế linh mục.194 Nhiều vị lo sợ rằng sự kiện chấp nhận cho những người nam đã kết hôn trở thành diaconus có thể đe dọa đời sống độc thân của các linh mục.195 Nó có thể tạo ra một nhóm giáo sĩ thua kém các thành viên tu hội đời là những người có lời khấn khiết tịnh. 196 Các Nghị phụ này đề nghị những giải pháp ít nguy hại hơn, chẳng hạn như chia sẻ công tác mục vụ cho nhiều người nam nữ hơn, những giáo dân dấn thân và các thành viên tu hội đời.197

Bản văn cuối cùng của Hiến chế Lumen gentium, được công bố ngày 21 tháng 11 năm 1964 đã trình bày một vài mục tiêu mà Công đồng muốn nhắm đến khi tái lập tác vụ diaconatus như một cấp bậc riêng và cố định của hàng phẩm trật trongGiáo hội Latinh.198

Trước hết, theo Hiến chế Lumen gentium số 28a, Công đồng Vaticanô II đã tái lập tác vụ diaconatus như một cấp bậc riêng biệt và cố định của hàng giáo phẩm, nhìn nhận như là một tác vụ Giáo hội do Thiên Chúa thiết lập theo đà tiến triển của dòng lịch sử. Như vậy, một động lực đức tin, thậm chí một sự nhận ra hồng ân của Thánh Thần trong thực tại phức tạp của các chức thánh, đã cung cấp lý chứng sau cùng cho quyết định của Công đồng tái lập tác vụ diaconatus.

Tuy nhiên, Lumen gentium số 29 trình bày điều mà ta có thể đặt tên là “lý do hoàn cảnh” cho việc khôi phục tác vụ diaconatus cố định.199 Vaticanô II thấy trước các diaconus khi dấn thân chu toàn nhiệm vụ (munera) vốn rất cần thiết cho đời sống Giáo hội ad vitam ecclesiae summopere necessaria, nhưng có thể gặp rất nhiều khó khăn ở nhiều nơi do kỷ luật hiện hành của Giáo hội Latinh ở thời điểm đó. Những khó khăn hiện thời phát sinh do việc thiếu các linh mục đòi hỏi một lời giải đáp. Việc chăm sóc linh hồn các tín hữu pro cura animarum là một yếu tố quyết định cho việc tái lập tác tác vụ diaconatus cố định trong một Giáo hội địa phương. Vì thế, tái lập tác vụ diaconatus cố địnhnhằm đáp trả những nhu cầu mục vụ trầm trọng chứ không chỉ thứ yếu. Điều này một phần giải thích lý do vì sao việc khôi phục này là trách nhiệm của các Hội đồng giám mục quốc gia, chứ không phải của giáo hoàng, để quyết định có cần thiết để truyền chức cho các diaconi như thế hay không, bởi họ nắm bắt trực tiếp những nhu cầu của các Giáo hội địa phương.

Như vậy, một cách gián tiếp, Vaticanô II cũng phải bắt đầu làm sáng tỏ hơn về căn tính của linh mục vốn không phải là người có thể đảm trách hết mọi nhiệm vụ thiết yếu trong đời sống Giáo hội. Vì thế, Giáo hội có thể kinh nghiệm những sự phong phú của các cấp bậc khác nhau của bí tích Truyền Chức Thánh. Đồng thời, Vaticanô II cũng cho phép Giáo hội vượt lên lối hiểu hạn hẹp về chức thánh gắn liền với chức tư. 200 Bởi vì các diaconi được truyền chức “non ad sacerdotium, sed ad ministerium”, cho nên có thể quan niệm về đời sống giáo sĩ, phẩm trật và tác vụ thánh trong Giáo hội rộng hơn phạm trù tư tế.

Ngoài ra, nên ghi nhận ở đây là tác vụ diaconatus cố định có thể được trao cho những người nam đã đứng tuổi viris maturioris aetatis, thậm chí cho những người sống trong bậc hôn nhân, nhưng cũng luật độc thân vẫn còn giá trị đối với những ứng viên trẻ tuổi hơn. Lumen gentium không cho biết lý do về quyết định này. Nhưng các tranh luận tại Công đồng chỉ ra rằng các Nghị phụ mong muốn làm cho tác vụ diaconatus cố định này trở thành một hàng ngũ nối kết phẩm trật thánh và đời sống trần thế của người giáo dân cách chặt chẽ hơn.

Sắc lệnh Ad gentes số 16 cho thấy những động lực khác. Ở đây, người ta có thể thấy Công đồng không tái lập tác vụ diaconatus cố định chỉ bởi vì sự thiếu hụt linh mục. Thật tế, đã có những người nam thi hành tác vụ của diaconusrồi. Nhưng qua việc đặt tay, họ “được kiện cường và được liên kết mật thiết hơn với bàn thờ” (corroborari et altari arctius conjungi). Ân sủng bí tích của tác vụ diaconatus làm cho họ có khả năng thi hành tác vụ hiệu quả hơn. Ở đây, Công đồng II được thúc đẩy không chỉ bởi những khó khăn mục vụ hiện thời, mà còn bởi nhu cầu công nhận sự hiện diện của tác vụ diaconus nơi một số cộng đoàn. Qua ân sủng bí tích, Công đồng mong muốn xác nhận những người đã thi hành tác vụ của diaconus rồi, hoặc bày tỏ rõ hơn đặc sủng của tác vụ này.

Như thế có một sự xê dịch nào đó trong những ý hướng của Công đồng từ Hiến chế Lumen gentium đến Sắc lệnh Ad gentes. Những ý hướng này có một tầm quan trọng đặc biệt để hiểu không chỉ về tác vụ diaconatus nhưng còn về bản chất đích thực của bí tích này. Chúng ta có thể nhận ra ba lý do chính yếu cho việc khôi phục tác vụ diaconatus cố định. Trước tiên, việc phục hồi tác vụ này như một cấp bậc riêng biệt trong các chức thánh cho phép nhận ra các yếu tố cấu thành của hàng phẩm trật thánh như ý Chúa muốn. Thứ hai, đáp ứng cho nhu cầu cần đảm bảo sự chăm sóc mục vụ không thể thiếu đối với các cộng đoàn không có linh mục. Cuối cùng, sự khôi phục này là một sự chứng thực, một sự củng cố và một sự sáp nhập trọn vẹn hơn của những ai đã thi hành cách thực sự de facto tác vụ của các diaconi vào trong tác vụ của Giáo hội.

II. Hình thái tác vụ diaconatus cố định được Vaticanô II khôi phục

Vaticanô II đã ban hành 6 văn kiện chứa đựng giáo huấn liên quan đến tác vụ diaconatus: Lumen gentiumAd gentesDei VerbumSacrosanctum conciliumOrientalium Ecclesiarum và Christus Dominus. Những đoạn sau đây sẽ trình bày những yếu tố chính trong giáo huấn của Vaticanô II để nhận diện cách tỏ tường hơn hình thái hay “dung mạo” của tác vụ diaconatus cố định đã được khôi phục.

1. Vaticanô II công nhận diaconatus là một trong các thánh chức. Lumen gentium số 29a xác lập rằng các diaconus thuộc về cấp bậc thấp nhất trong hàng phẩm trật (in gradu inferiori hierarchiae sistunt diaconi). Họ được “củng cố nhờ ân sủng bí tích” (gratia sacramentali roborati) và đón nhận việc đặt tay “non ad sacerdotium, sed ad ministerium”. Nhưng không thấy nơi nào trong các văn kiện của công đồng giải thích cụm từ quan trọng này,- được trích từ Statuta Ecclesiae antiqua, là một thuật ngữ cổ hơn nữa của Traditio Apostolica của thánh Hippolitô.201

Vaticanô II dạy rằng Đức Kitô đã thiết lập các tác vụ thánh để dưỡng nuôi và làm cho Dân Thiên Chúa không ngừng lớn mạnh. Những tác viên ấy được phú ban quyền hành thánh thiêng để phục vụ Thân Thể Đức Kitô hầu mọi người có thể đạt tới ơn cứu độ (LG 18a). Vì thế, giống như các thừa tác viên chức thánh khác, các diaconus dâng hiến chính bản thân họ cho sự triển nở của Giáo hội và cho việc theo đuổi kế hoạch cứu độ.

Bên trong đoàn ngũ các thừa tác viên, thì các giám mục, – là những người có được sự sung mãn của chức tư tế-, đảm trách việc phục vụ cộng đoàn bằng cách điều khiển đoàn chiên thay mặt Thiên Chúa với tư cách là thầy dạy, tư tế và mục tử. Các diaconi, cùng với các linh mục, giúp đỡ các giám mục trong tác vụ của các ngài (LG 20c). Thuộc về cấp bậc tác vụ thấp nhất, các diaconi triển nở trong đời sống thánh thiện qua việc hoàn thành cách trung tín tác vụ của mình như là người chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô Thượng Tế. Missionis autem et gratiae supremi Sacerdotis peculiari modo participes sunt inferioris quoque ordinis ministri, imprimis Diaconi, qui mysteriis Christi et ecclesiae servientes (LG 41d). Dù có những cấp bậc khác nhau trong phẩm trật, cả ba cấp bậc xứng đáng được gọi là các tác viên của ơn cứu độ (AG 16a), khi thực thi một tác vụ Hội thánh duy nhất trong sự hiệp thông phẩm trật. Nói đúng hơn, các diaconus tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô chứ không phải sứ vụ của giám mục hay linh mục. Tuy nhiên, những cách thức cụ thể để thực thi sự tham dự này được xác định cho những đòi hỏi của sự hiệp thông trong hàng phẩm trật. Sự hiệp thông phẩm trật này chẳng những không làm giảm thứ bậc của hàng linh mục và diaconus trong hàng phẩm trật, nhưng còn đặt họ vào trong một sứ vụ duy nhất của Đức Kitô, được chia sẻ qua các cấp bậc khác nhau ở những mức độ khác nhau.

2. Những chức năng mà Công đồng quy cho các diaconi cũng cho thấy cách Công đồng nhìn về hàng ngũ này. Nên nhớ rằng, theo Công đồng Vaticanô II, chức năng căn bản của tất cả các tác viên thánh là nuôi dưỡng Dân Thiên Chúa và dẫn dắt họ đến ơn cứu độ. Vì thế, Lumen gentium 29b tuyên bố rằng tác vụ diaconatus cố định có thể được tái lập nếu các thẩm quyền quyết định việc chọn lựa các diaconi, ngay cả những người nam đang sống đời hôn nhân, vì sự chăm sóc các linh hồn pro cura animarum là thích hợp. Tất cả nhiệm vụ được ủy cho các diaconi là để phục vụ trong trách vụ cơ bản trong việc xây dựng Hội thánh và chăm sóc các tín hữu.

Về những nhiệm vụ đặc thù, Lumen gentium số 29a đã trình bày việc phục vụ mà các diaconus đem đến cho Dân Thiên Chúa trong thuật ngữ của bộ ba tác vụ: phụng vụ, lời và đức ái. Các công tác cụ thể của một diaconus có thể xếp trong khuôn khổ của tác vụ này hay tác vụ kia. Tác vụ phụng vụ hay thánh hóa đã được Lumen gentium triển khai khá dài. Tác vụ này bao gồm việc ban bí tích rửa tội cách trọng thể (cf. SC 68), bảo quản và phân phát Thánh Thể, chứng hôn và chúc lành hôn phối nhân danh Giáo hội, mang Của Ăn Đàng cho những người sắp chết, chủ sự nghi thức thờ phượng và cầu nguyện cho các tín hữu, cử hành các Á Bí Tích, và cuối cùng là cử hành các nghi thức cầu hồn và an táng cho người quá cố. Chức năng giảng dạy bao gồm việc công bố Tin Mừng cho các tín hữu, dạy dỗ và khuyến dụ dân chúng. Dei Verbum số 25a và Sacrosanctum concilium số 35 kể các diaconus vào số những người dấn thân cách chính thức cho tác vụ lời. Tác vụ “cai quản” không được đề cập đến theo nghĩa hẹp của từ, đúng hơn nó được gọi là tác vụ của đức ái. Việc quản trị được đề cập đến ít nhất.

Rõ ràng, chức năng của một diaconus được Lumen gentium mô tả trước hết liên quan đến phụng vụ và bí tích. Những vấn nạn không thể tránh khỏi nảy sinh từ khái niệm đặc trưng về việc truyền chức diaconus non ad sacerdotium sed ad ministerium. Hình thái của tác vụ diaconus dựa trên Lumen gentium mời gọi một khám phá sâu hơn nữa về ý nghĩa của sacerdotium và ministerium.

Sắc lệnh Ad gentes đưa ra một hình thái khác cho tác vụ diaconatus cố định, như ta có thể thấy khi nhìn vào các chức năng được gán cho tác vụ này,có lẽ bởi vì nó nảy sinh từ kinh nghiệm của các vùng truyền giáo. Trước hết, Ad gentes ít bàn về tác vụ phụng vụ của diaconus. Việc giảng thuyết lời Thiên Chúa được đề cập đến khi nối kết với việc dạy giáo lý. Tác vụ “cai quản” được bàn luận rộng hơn trong số 16f. Các diaconi cai quản các cộng đoàn Kitô hữu xa xôi nhân danh cha quản xứ và giám mục. Họ cũng thực hành đức ái trong các công việc xã hội hay từ thiện.

Vaticanô II tỏ ra do dự trong việc mô tả tác vụ diaconatus cố định mà Công đồng đang phục hồi. Khởi đi từ viễn tượng đạo lý, Lumen gentium có ý nêu bật hình ảnh phụng vụ và tác vụ thánh hóa của diaconus. Trong viễn cảnh truyền giáo của Ad gentes, điểm nhấn được chuyển sang khía cạnh quản trị, bác ái nơi hình ảnh người diaconus và tác vụ cai quản của người diaconus. Tuy nhiên, điều thú vị đáng ghi nhận là không thấy chỗ nào Công đồng tuyên bố rằng hình thái diaconatus cố định được đề xuất là một sự khôi phục (restauratio) của một hình thái đã có từ trước. Đây là lý do vì sao các nhà thần học tránh dùng thuật ngữ “khôi phục”, vì nó dễ làm cho người ta có cảm tưởng rằng một điều gì đó được mang trở lại từ tình trạng nguyên thủy của nó. Nhưng Vaticanô II không bao giờ chủ ý làm như vậy. Điều được tái lập ở đây là nguyên tắc thi hành của tác vụ diaconatus cố định, chứ không phải là một hình thái đặc thù nào đó đã được đảm nhận trong quá khứ.202 Khi tuyên bố có thể tái lập tác vụ diaconatus cố định, Công đồng dường như mở ra những hình thái có thể có trong tương lai, nhằm đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thực hành của Giáo hội, nhưng luôn trung thành với Truyền Thống. Người ta không thể hy vọng Vaticanô II sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng cụ thể của tác vụ diaconatus cố định, bởi một sự ngắt quãng quá lâu trong đời sống mục vụ của những thời kỳ trước, không như trường hợp của chức giám mục và linh mục. Điều tốt nhất Công đồng có thể làm là mở ra khả năng cho việc tái lập tác vụ diaconatus như một cấp bậc riêng biệt, cố định trong hàng ngũ phẩm trật và như là một nếp sống ổn định; đưa ra một số nguyên tắc thần học tổng quát, ngay cả khi chúng dường như còn rụt rè; và xác lập một số chuẩn mực thực hành chung. Công đồng không có thể làm gì khác hơn điều này là chờ đợi sự tiến triển về hình thái hiện thời của tác vụ diaconatus cố định. Sau cùng, thái độ xem ra ngập ngừng và do dự của Công đồng có thể trở thành lời mời gọi đến cho Giáo hội để tiếp tục làm việc hầu phân định loại hình tác vụ thích hợp cho tác vụ diaconatus này qua việc thực hành của Giáo hội, pháp chế giáo luật và suy tư thần học.203  

 

 

————————————————//———————————————————

 

167 “Diaconatus in futurum tamquam proprius ac permanens gradus hierarchiae restitui poterit”, LG29b.

168 “Ordo diaconatus ut status vitae permanens restauretur ad normam constitutions de ecclesia”,AG 16f.

169 “Exoptat haec sancta synodus, ut institutum diaconatus permanentis, ubi in desue-tudinem venerit, instauretur”, OE 17.

170 Xc. J. Hornef – P. Winninger, “Chronique de la restauration du diaconat (1945— 1965)”, in P.Winninger –Y. Congar (ed.), Le Diacre dans l’Eglise, 205—22.

171 Một hồ sơ cuả những nghiên cứu thần học và lịch sử do K. Rahner và H. Vorgrimler biên soạn, được xuất bản tại Đức, với nhan đề Diaconia in Christo: Über die Erneuerung des Diaconatuss, QD 15/16 (Freiburg am Breisgau, 1962).

172 Xc. J. Hornef – P. Winninger, “Chronique”, 207-8.

173 Chẳng hạn, Yves Congar nghiên cứu ảnh hưởng của thần học về dân Thiên Chúa và của thực thể ân sủng đối với sự hiểu biết mới về các thừa tác vụ; điều này có thể mở ra khả năng để phục hồi tác vụ diaconatus. xc. “Le diaconat dans la théologie des ministères”, trong P.Winninger – Y. Congar (ed.), Le Diacre dans l’Eglise, đặc biệt pp. 126f.

174 Công đồng thảo luận về lược đồ đầu tiên của De Ecclesia kể từ phiên họp lần thứ 31, ngày 1 tháng 12 năm 1962, cho đến phiên họp lần thứ 36, ngày 7 tháng 12 năm 1962.

175 Hồng y Joseph Bueno y Monreal (31 GC, 1/12/1962), AS 1/4, 131. Còn Đức cha Raphael Rabban đặt câu hỏi tại sao lược đồ này đề cập đến “de duobus gradibus ordinis, de episcopatu scilicet et de sacerdotio” và không đề cập đến tác vụ diaconatus “qui ad ordinem pertinet”, ibid., 236.

176 Xc. G. Caprile, Il Concilio Vaticano II: II primo periodo 1962-1963 (Roma, 1968), 337, 410, 413, 494, 498, 501, 536.

177 Công đồng thảo luận chương về cấu trúc phẩm trật của Giáo hội từ ngày 4-30 tháng 10 năm 1963.

178 HY Julius Dopfner (43 GC, 7/10/1963), AS 2/2, 227-30.

179 HY Joannes Landazuri Ricketts (43 GC, 8/10/1963), ibid., 314-17.

180 HY Leo Joseph Suenens (43 GC, 8/10/1963), ibid., 317-20.

181Xc. Mgr. Franciscus Seper (44 GC, 9/10/1963), ibid., 359; Mgr. Bernardus Yago (45 GC, 10/10/1963), ibid., 406; Mgr. Joseph Clemens Maurer (45 GC, tham luận viết), ibid., 412; và Mgr. Paul Yu Pin (45 GC), ibid., 431.

182Cf. HY Paul Richaud (44 GC, 9/10/1963), ibid., 346-47; Mgr. Bernardus Yago, ibid., 406.

183Mgr. F. Seper, ibid., 359.

184 HY Landázuri Ricketts, ibid., 315; HY J. Dopfner, ibid., 229.

185 Xc. Mgr. J. Maurer, ibid., 411; Mgr. Emmanuel Talamas Camandari (46 GC, 11/10/1963), ibid., 450; và Mgr. George Kemere (47 GC, 14/10/1963), ibid., 534.

186 Xc. HY J. Dopfner, ibid., 227; HY J. Landazuri Ricketts, ibid., 314.

187 Xc. HY L. Suenens, ibid., 317; Mgr. Joseph Slipyj (46 GC, 10/10/1963), ibid., 445.

188 HY J. Dopfner, ibid., 227.

189 Cf. Mgr. Armandus Fares (47 GC, 14/10/963), ibid., 530-31; Mgr. Narcissus Jubany Arnau (48 GC, 15/10/1963), ibid., 580; Mgr. J. Maurer, ibid., 411.

190 HY J. Landazuri Ricketts, ibid., 314-15; HY L. Suenens, ibid., 318; Mgr. Seper, ibid., 319.

191Mgr. Yu Pin, ibid., 431.

192 Mgr. B. Yago, ibid., 407.

193 Mgr. J. Maurer, ibid., 410.

194 Anicetus Fernandez, O.P. (45 GC, 10/10/1963), ibid., 424; Mgr. Joseph Drzazga (49 GC, 16/10/1963), ibid., 624.

195 Mgr. Franciscus Franic (44 GC, 10/10/1963), ibid., 378; Mgr. Dinus Romoli (48 GC, 15/10/1963), ibid., 598; Mgr. Petrus Cule (47 GC, 14/10/1963), ibid., 518.

196 Mgr. Joseph Carraro, ibid., 525-26.

197 HY F. Spellman, ibid., 83; A. Fernandez, ibid., 424; Mgr. Victorius Costantini, ibid., 447.

198 Vào ngày 15/9/1964, Đức Cha Aloysius Eduardo Henriquez Jimenez đọc bản tường trình relatio giải thích bản văn của Ủy ban Đạo lý về tác vụ linh mục và diaconatus, trước khi các Nghị phụ tiến hành việc bỏ phiếu cho của hiến chế Lumen gentium bàn về phẩm trật. Giải thích quan điểm của bản văn, ngài tuyên tố rằng trong Giáo hội, các Giám mục, linh mục và diaconi chia sẻ quyền bính trong những cách thức khác nhau và theo các mức độ khác nhau. Cũng như ở Công đồng Trentô, bản văn dạy rằng tác vụ diaconatus thuộc về phẩm trật thánh, đứng ở cấp thấp nhất. Được truyền chức cho tác vụ chứ không phải cho chức tư tế, các diaconi nhận lãnh ân sủng bí tích và được ủy thác với ba việc phục vụ: phục vụ trong phụng vụ, phục vụ lời và phục vụ bác ái. Tác vụ diaconatus có thể được trao ban cho những người nam đã kết hôn. xc. AS 3/2, 211-18. Đức Cha Franciscus Franic trình bày những quan điểm ngược lại, ibid., 193-201.

199 K. Rahner, “L”Enseignement de Vaticanô II sur le diaconat et sa restauration”, in P. Winninger – Y. Congar (ed.), Le Diacre dans l’Eglise, 221.

200 Xc. A. Borras – B. Pottier, La grâce du diaconat (Bruxelles, 1998), 22-40.

201Cf. A. Kerkvoorde, “Esquisse d’une théologie du diaconat”, in P. Winninger – Y. Congar, Le Diacre dans l’Eglise, 157-71.

202 A. Borras – B. Pottier, La grâce du diaconat, 20.

203 Cf. A. Kerkvoorde, “Esquisse d”une théologie du diaconat“, 155-56.