Tác Phẩm: Chấm Nối Chấm – Chuyện Nhà Giảng Thuyết – Thánh Martinô Tông Đồ Bác Ái – Hiểu Tôma Một Phút

0
1021


Học Viện Đaminh

 

HVĐM (01-11-2016) – Như thường lệ, vào mỗi dịp nghỉ hè, anh em sinh viên Học Viện Đaminh dành thời gian để hoàn thiện một số tác phẩm để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu,… nhưng cũng có những tác phẩm dành cho việc mục vụ, sách đạo đức, hạnh các thánh,… Tất cả các tác phẩm này một phần do chính các anh em viết, một số được chuyển ngữ từ những tác phẩm của các tác giả khác trên thế giới mà phần nhiều là của anh em Đaminh. Trong niên khóa này, anh em Học Viện Đaminh xin giới thiệu đến quý vị đọc giả một số tác phẩm mới được hoàn thiện:

***

***

 

– Tác phẩm: CHẤM NỐI CHẤM

                     Suy niệm Tin Mừng hằng ngày

                     Phụng Vụ Năm A: 2016-2017

Tác giả: Học Viện Đaminh

Nhà xuất bản: Phương Đông

Năm xuất bản: tháng 09-2016

Kích cỡ: 14,5cm x 20,5cm

Số trang: 431 trang

 

Lời giới thiệu

Thánh Phaolô dạy rằng, cuộc đời con người là hành trình hướng về Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu không bao giờ hư nát (x. 1Cr 9,24-25). Trên hành trình này, con người gặp rất nhiều khó khăn, thử thách từ những cám dỗ của ma quỷ, sự yếu đuối của bản thân và việc chống đối, bách hại của thế gian,… Tất cả những điều này làm cho con người dễ sa ngã và lạc lối khiến họ đánh mất mục tiêu tối thượng của đời mình. Vì thế, để đạt được Nước Trời vĩnh phúc, con người cần sự hướng dẫn và soi sáng của Lời Chúa, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Lời Chúa giúp con người tránh mọi cạm bẫy xấu xa và hướng dẫn họ theo đường ngay nẻo chính.

Hơn thế nữa, Lời Chúa còn là thần lương mang lại sức mạnh giúp con người vượt thắng những khó khăn trên hành trình về Quê Trời. Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum viết: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng giúp nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho các Kitô hữu” (số 21). Vì thế, càng học hỏi và suy niệm Lời Chúa, người tín hữu càng trở nên khôn ngoan, sáng suốt và can đảm, mạnh mẽ để hoàn trọn hành trình đời mình.

Trong tâm tình và ý nghĩa đó, Học viện Đaminh xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả tập sách suy niệm Chấm nối Chấm. Ước mong sao tập sách sẽ giúp mỗi người dễ dàng hơn trong việc suy niệm Lời Chúa và nhờ đó kín múc được thật nhiều ân sủng và bình an của Thiên Chúa trên hành trình hướng về Quê Trời.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18.09.2016

Lễ kính thánh Gioan Maisan, OP.

Ts. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

 

***

 

Tác phẩm: CHUYỆN VỀ MỘT NHÀ GIẢNG THUYẾT

Nguyên tác: St. Dominic: The story of a Preaching Friar

Tác giả: Donald J. Goergen, OP.

Lời tựa: Fr. Timothy Radcliffe, OP.

Nhà xuất bản: Paulist Press, 2016.

Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh

Kích cỡ: 12,5cm x 20,5cm

Số trang: 237 trang

 

Lời giới thiệu

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 800 năm ngày Dòng Giảng Thuyết được châu phê. Quả là một thời điểm tuyệt vời để chúng ta nói về đời sống của Đấng sáng lập – cha thánh Đaminh. Nhưng tại sao không có nhiều bản tiểu sử của thánh Đaminh? Thánh Phanxicô, người cùng thời với cha thánh, là chủ đề của rất nhiều bản tiểu sử. Tại sao cha Đaminh lại không được chú ý nhiều?

Thánh Phanxicô mong ước noi theo đời sống của Chúa Kitô, và vì thế thật hợp lý khi chúng ta nhìn kỹ vào ngài và cách ngài nên giống Chúa. Ngài mang dấu thánh của Chúa Kitô trên mình. Thánh Đaminh là một nhà giảng thuyết, vì thế ngài mời gọi chúng ta chú ý đến Tin Mừng hơn là chính ngài. Nhà giảng thuyết phải giống như thánh Gioan Tẩy Giả, người đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3,30). Nhà giảng thuyết phải theo cách này. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi Đấng sáng lập Dòng Giảng Thuyết không phải là chủ đề để người ta chú ý. Chúng ta tôn vinh ngài bằng cách học hỏi Lời Chúa. Thánh Đaminh luôn mang bên mình Tin Mừng Mátthêu và các thư thánh Phaolô, chắc phải là rất nặng bởi vì lúc đó chưa phát minh ra ngành in. Ngài mời gọi chúng ta cũng phải chú ý đến các sách ấy.

Vậy thì tại sao cần phải viết một bản tiểu sử cha Đaminh? Ngài không thu hút sự chú ý về mình không có nghĩa ngài là một nhân vật hư cấu, mờ nhạt, hoặc một sứ giả không có gì đặc sắc. Một nhà giảng thuyết chỉ có thể đem đến cho chúng ta sự sống sung mãn, nếu như người ấy sống động, nhân ái, đầy tình cảm, tâm linh. Người nào hoàn toàn không có gì đặc sắc thì khó có thể chỉ ra Chúa của sự sống. Thánh Đaminh rõ ràng là một con người thu hút, là người mà anh em rất yêu thích. Chân phước Giôđanô, bề trên Tổng quyền kế vị cha Đaminh, viết rằng: vì cha yêu mến mọi người nên đã được mọi người mến yêu. Cha thích trò chuyện với các chị em, và trên giường bệnh, cha thú nhận rằng cha thích nói chuyện với các thiếu nữ hơn là với các chị lớn tuổi. Chắc chắn, cha cười khi nói điều này!

Các anh em tiên khởi rõ ràng là những người sôi nổi và nhân văn. Cha Giôđanô viết về tình bạn của ngài với cha Henry, bề trên tu viện Cologne như thế này: “Người bạn rất thân mến của tôi trong Chúa Kitô, tôi yêu quý anh ấy hơn bất kỳ ai trên thế gian này. Anh ấy thực sự là một chiếc bình vinh dự và ân sủng. Nếu không lầm, tôi chưa từng gặp thụ tạo nào tuyệt vời hơn trên cõi đời này”. Cha Giôđanô cũng đã viết một số lá thư cho chân phước Diana Andalò, được coi là hay nhất và xúc động nhất của thời Trung cổ. Chẳng có gì phải sợ “tình bạn riêng tư”.

Cha Đaminh là một người khổ hạnh thích dùng rượu. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà sứ vụ của cha bắt đầu từ một quán rượu! Dụ ngôn Tin Mừng chủ đạo trong các thế kỷ đầu của Dòng là “rượu mới”. Cha chỉ ra Chúa, một đàng bằng cách trở thành con người mà Thiên Chúa gọi cha trở thành, một đàng nên lời duy nhất mà Thiên Chúa nói trong và qua cha. Đó là những nhà giảng thuyết, những người không cảm thấy dễ dàng trong cơ thể, và không thoải mái nơi nhân tính mình, những người thu hút chúng ta chú ý tới họ mà sao nhãng Tin Mừng.

Một lý do khác giải thích tại sao không có nhiều bản tiểu sử của thánh Đaminh là bởi vì, cha không bao giờ muốn được xem như là một Đấng sáng lập vĩ đại, nhưng chỉ như một người anh em. Nhiều thông tin về cuộc sống của cha đến với chúng ta từ một cuốn sách thời đầu của Dòng được gọi cách thích hợp là Vitae Fratrum – Đời sống anh em. Việc giảng thuyết Tin Mừng được bén rễ trong đời sống anh em. Anh em Đaminh được đào luyện để nói Lời Thiên Chúa bằng nguyên tắc sống cùng, yêu thương và tha thứ cho nhau. Làm sao người ta có thể nói về Thiên Chúa là Đấng yêu thương nếu như họ không thể yêu mến người ở phòng bên cạnh?

Nhà giảng thuyết luôn bị cám dỗ trở thành sao. Một trong các anh em tiên khởi, người rất thành công trong việc giảng thuyết, đã giận điên lên, vì khi anh đi cắt tóc, chẳng thấy anh em đổ xô vào thu lượm những mẩu tóc rơi! Cha Đaminh muốn anh em được sai đi giảng thuyết từng hai người một, vượt qua bản thân để hướng tới Chúa.

Thật thích hợp khi việc thiết lập Dòng Giảng Thuyết không phải là dự án của một người duy nhất, rồi áp đặt lên những người đi theo. Trước tiên, cha Đaminh khám phá ra sứ vụ khi cha đồng hành với Đức cha Diego, Giám mục của cha. Không ai rõ cha Đaminh hay Đức cha Diego là người đầu tiên có ý tưởng về một nhóm người giảng thuyết. Có thể ý tưởng này nảy sinh từ những cuộc trao đổi của các ngài trên đường đi. Từ bản tiểu sử này, tôi nhận thấy rằng việc chọn lựa tu luật thánh Augustin có lẽ do anh em, hơn là chỉ do cha Đaminh. Cũng thật thuyết phục khi cho rằng chính Đức Giáo Hoàng Innocente III là người có ý tưởng về một Dòng Giảng Thuyết, với sứ vụ phổ quát, hơn là một cộng đoàn địa phương nhỏ bé tại miền Nam nước Pháp. Thế nên, Dòng được sinh ra từ nhiều cuộc đối thoại, trao đổi. Cha Đaminh là tiêu điểm trong những cuộc đối thoại cùng với Đức Giáo Hoàng, với Đức cha Diego – Giám mục của cha, với các nữ đan sĩ ở Prouilhe, và với các anh em tiên khởi. Cha chăm chú lắng nghe ý kiến của người khác. Thiên tài của cha phải là “bà đỡ” của một lối sống mới trong đời tu, bởi đã mở ra với ý tưởng và trực giác của người khác.

Trước hết, nhà giảng thuyết là người biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, Kinh Thánh, Giáo Hội, anh chị em, và bất kể ai muốn nói. Chúng ta chẳng có gì để nói cho tới khi đã lắng nghe. Nếu không lắng nghe, chúng ta sẽ áp đặt chương trình của mình lên người khác, hơn là đem đến cho họ sự khôn ngoan của Chúa.

Nguyên tắc quan tâm đến nhau này được thể hiện trong cách thức quản trị của cha Đaminh. Theo đó, chúng ta quy tụ tại công hội để quyết định về đời sống chung và sứ vụ của chúng ta. Tinh thần của cha Đaminh được hiện thân trong thể chế dân chủ này. Đây là điều làm cho nhiều người ngạc nhiên. Tất nhiên, cha Đaminh sống trong thời đại khi mà nền dân chủ, trong nhiều hình thức, vẫn là điều viển vông. Năm 1215 là năm công bố Đại Hiến Chương (Magna Carta) tại Anh quốc. Tuy nhiên, tinh thần dân chủ Đaminh là điều gì đó hơn là một cách quản trị hiệu quả. Nó vừa duy trì lại vừa dựa trên đời sống huynh đệ, vốn củng cố việc giảng thuyết của chúng ta. Mỗi anh chị em được trao một điều gì đó để nói nhờ Chúa.

Điểm cuối cùng: cha Don Goergen nhấn mạnh rằng, cha Đaminh là một nhà giảng thuyết lữ hành chiêm niệm. Cha luôn ở trên đường, ngang dọc châu Âu, giảng thuyết Tin Mừng, thăm viếng anh chị em. Nhưng, trung tâm đời sống của cha là thinh lặng chiêm niệm, mở lòng ra với Thiên Chúa và những người cha gặp trên đường. Cha cho thấy đời sống chiêm niệm không đòi chúng ta phải rút lui khỏi thế giới, ẩn trong đan viện kín cổng cao tường; nhưng là giữa sự ồn ào náo nhiệt của châu Âu thế kỷ XIII, cùng với các thành phố và đại học mới lập, đời sống thương mại và tri thức mới nổi, sự tái khám phá ra việc học tiếng Hylạp cổ, và đối thoại với Hồi giáo.

Tám trăm năm sau, đây là một thách thức cho chúng ta. Thậm chí, chúng ta còn bận rộn hơn nữa, tất bật trong giao tiếp qua điện thoại, máy tính, vội vã chạy từ nơi này đến nơi khác bằng xe hơi hay máy bay. Cha Đaminh mời gọi chúng ta khám phá ra cách thức nào đó để chúng ta vẫn là những nhà giảng thuyết, nhưng lại có thể chiêm niệm trong ngôi làng toàn cầu cuồng nhiệt này. Nếu không như thế, chúng ta sẽ chẳng thể trao tặng gì để nuôi dưỡng những người đương thời đang quá đói khát Lời ban sự sống.

 

Timothy Radcliffe, OP.

(nguyên Tổng Quyền Dòng Đaminh)

 

***

 

Tác phẩm: THÁNH MARTINO PORRES TÔNG ĐỒ BÁC ÁI

Nguyên tác: IL FIORETTI DEL BEATO MARTINO

Tác giả: Giuliana Cavallini

Bản tiếng Anh: SAINT MARTIN DE PORRES APOSTLE OF CHARITY

Nhà xuất bản: Tan Book

Năm xuất bản: 1979

Chuyển ngữ: Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, OP.

Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

Kích cỡ: 12,5cm x 20,5cm

Số trang: 358 trang

 

Phê chuẩn chính thức của Dòng Đaminh

Quyển tiểu sử thánh Martino Porres thú vị và truyền cảm này có tựa đề gốc là IL FIORETTI DEL BEATO MARTINO (Những đóa hoa nhỏ của chân phước Martino), được xuất bản vào năm 1957. Cũng cùng năm đó, tu sĩ Michael Cardinal Browne, OP., lúc bấy giờ là Tổng quyền Dòng Đaminh đã viết một bức thư khen ngợi tác giả Giuliana Cavallini.

Lúc chân phước Martino Porres được tôn phong hiển thánh năm 1963, quyển tiểu sử này đã được văn phòng Tổng Thỉnh Nguyện Dòng Đaminh phát hành với ấn bản mới có tựa đề là VITA DI SAN MARTINO (Cuộc đời thánh Martino). Cùng lúc đó, phiên bản tiếng Anh của tủ sách Cross and Crown of Spirituality cũng được Caroline Holland của công ty sách B. Herder ở Chicago chuẩn bị phát hành. Nhiều chi tiết mới đã được thêm vào tập sách gốc nhằm làm cho quyển tiểu sử thánh Martino thêm đầy đủ hơn.

Tôi rất hài lòng khi cha Jordan Aumann, OP., tổng biên tập tủ sách Cross and Crown of Spirituality, đã chọn tập tiểu sử tiếng Anh này để xuất bản ở Hoa Kỳ. Tôi chắc rằng, qua bản dịch xuất sắc này, thêm nhiều độc giả sẽ biết đến cuộc đời thánh Martino Porres, còn những ai đã thành tâm sùng kính ngài cũng sẽ có nhiều điều thú vị hơn về cuộc đời thánh thiện của ngài.

Với sự cho phép của cha Aniceto Fernández, OP., Tổng quyền Dòng Đaminh, tôi thông báo rằng tập sách này được công nhận là quyển tiểu sử chính thức về thánh Martino Porres.

Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Martino, chúc lành cho tập sách này.

 

Tu viện Santa Sabina, Roma, Italy.

Linh mục Tarcisius Piccari, OP.

Tổng thỉnh viên

 

Lời tựa

Mùa hè năm 1955, khi hoàn thành quyển tiểu sử này, tôi có viết một lời tựa để giải thích nhan đề “Những bông hoa nhỏ của chân phước Martino”.

Bây giờ, sau khi chân phước Martino đã được tôn phong hiển thánh và cuốn “Những bông hoa nhỏ” này cũng được xuất bản bằng tiếng Anh, tôi thấy không cần thiết phải thay đổi lời tựa gốc, mặc dù tựa đề không cùng tên với ấn bản tiếng Ý. Tựa đề gốc chuyển ngữ sang tiếng Anh có thể sẽ nghèo nghĩa hơn.

Cuốn “Những bông hoa nhỏ” này không phải là một quyển sử kí, cũng không phải là một bản lịch sử phê bình cuộc đời thánh Martino Porres. Đó là những tình tiết được lấy từ lời khai của các nhân chứng trong tiến trình điều tra án phong chân phước cho Martino. Các nhân chứng này là những người đã biết thánh nhân khi ngài còn tại thế và đã tuyên thệ trước khi kể về ngài. Vì vậy, chắc chắn họ đã trung thành thuật lại những sự việc có thật mà họ biết. Đó là những sự kiện rất phi thường, và lại bởi chúng chỉ mới xảy ra, nên người ta đã không thể nào quên được.

Lý lẽ bào chữa duy nhất cho việc trình bày những mẩu chuyện lạ thường xảy ra trong cuộc đời thánh Martino Porres – vốn không thể giải thích được từ bất kì lý lẽ tự nhiên nào – đó là con người thánh nhân đã thực sự nổi bật lên trong lời khai của các nhân chứng. Như vậy, việc xâu kết các mẩu chuyện lạ thường về thánh Martino là chuyện thật tự nhiên và thậm chí là cần thiết, vì dung mạo của thánh nhân sẽ vẫn chưa trọn vẹn nếu bỏ qua những biểu hiện bên ngoài của sự thánh thiện chân thực nơi ngài.

Chúng ta có thể chấp nhận, thậm chí còn vui mừng, với những mẩu chuyện đáng kinh ngạc này khi biết rằng, sự thánh thiện đích thực của thầy trợ sĩ Dòng Đaminh ở Lima này lại dựa trên một nền tảng khác, đó là việc liên lỉ và dũng cảm thực hành các nhân đức cao cả, đặc biệt là đức ái, vốn là nhân đức trổi vượt trong toàn bộ cuộc đời thánh Martino.

Cuộc đời của thánh Martino đã được viết đi viết lại rất nhiều lần suốt hơn 100 năm qua, nhất là ở Hoa Kỳ, nơi mà lòng mộ mến thiết tha dành cho thánh nhân đã phổ biến rộng khắp từ những năm 1866. Vào năm đó, cha Felice Barotti đã cho xây cất một nhà nguyện ở Washington để làm nơi quy tụ người da đen, là những người cha phục vụ. Cha Barotti đã đặt ngôi nguyện đường nhỏ bé đó dưới sự bảo trợ của tu sĩ da màu thánh thiện Martino, vị thánh mà cha xem như là mẫu hình và là biểu tượng hy vọng cho các nạn nhân đang phải chịu đau khổ vì nạn phân biệt chủng tộc lúc bấy giờ.

Martino Porres có một cuộc đời nên thánh thật phong phú và đa dạng ở nhiều khía cạnh. Ngài là một vị thánh có sức lôi cuốn và là nguồn ủi an cho nhiều người. Là một người con đích thực của thánh Đaminh, Martino luôn trung thành với những truyền thống nghiêm khắc nhất của Dòng. Ngài có nơi mình một khối óc và một con tim rộng mở, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của anh em. Và trong khi lên kế hoạch thực hiện những công trình to lớn, đầy ý nghĩa, mà ngày nay chúng ta gọi là việc tông đồ xã hội, thánh nhân cũng không coi thường các loài súc vật và những giống cây trồng tầm thường khác, trái lại, ngài vận dụng hết những kĩ năng và thậm chí cả ơn chữa lành có được để chăm sóc và chữa trị chúng.

Trong số vô vàn những quyển sách viết về thánh Martino, trong đó có những quyển rất giá trị, cuốn “Những bông hoa nhỏ” có vẻ khá khiêm tốn. Chúng hé nụ như là kết quả của một sự tăng trưởng tâm linh nơi “cây bác ái” là tâm hồn Martino, theo cách diễn tả của thánh Catarina Siena. Trong hình ảnh ẩn dụ của mình về thân cây được trồng trên mảnh đất khiêm nhường và được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, thánh nữ đã tuyên bố rằng, những thân cây như thế sẽ trổ hoa trong tình yêu, để ca ngợi Thiên Chúa và sinh ích cho muôn người.

Tôi chỉ muốn thêm vào lời tựa gốc này một niềm hy vọng rằng, quyển “Những bông hoa nhỏ” đây, khi vượt ra khỏi ranh giới mảnh đất mà chúng đã đơm hoa, sẽ có thể mang đến cho thế giới rộng lớn bên ngoài hương vị ngọt ngào từ đời sống thánh thiện của thánh Martino, đồng thời có thể thông truyền cho các tâm hồn lòng yêu mến tha thiết với vẻ đẹp của đời sống thánh thiện. Theo cách thức nhỏ bé của mình có lẽ chúng cũng sẽ góp phần làm sống động Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mong muốn khi triệu tập Đại Công Đồng Vatican II cũng như trong lời tuyên bố long trọng khi tôn phong hiển thánh cho chân phước Martino Porres.

 

Giuliana Cavallini

Tuyên úy học đường

 

***

 

Tác phẩm: HIỂU TÔMA CHỈ MỘT PHÚT

Tác giả: Kevin Vost, Psy.D.

Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh

 

Lời tựa

Ai là người xuất chúng nhất?

Ai là người xuất chúng nhất thế giới? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Điều này không giống như những chương trình tìm ra người khỏe nhất thế giới, với những quả tạ khổng lồ, những hòn đá to, hay những chiếc xe tải mà các vận động viên có thể dễ dàng nâng lên, ném xa, và kéo lê được. Thêm nữa, tôi không chỉ muốn nói tới người xuất chúng nhất của ngày hôm nay, nhưng của mọi thời đại.

Bạn nghĩ sao về Albert Einstein? Không phải ngày nào cũng có người đưa ra được công thức E = mc2 [năng lượng (E) bằng khối lượng (m) nhân với bình phương tốc độ ánh sáng (c); chẳng biết nghĩa chính xác của nó là gì]. Nhiều người cho rằng Einstein giúp cho Isaac Newton (cha đẻ ba Định luật về Chuyển động) trở nên vĩ đại hơn một khi công thức trên giải thích được các bí ẩn của vũ trụ vật lý này.

Nhân vật tiếp theo là Aristote, “cha đẻ của luận lý học”. Nhà khoa học xã hội Charles Murray, tác giả của Human Accomplishment (Thành tựu của nhân loại), khi so sánh các nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong giới khoa học, triết học, văn chương, và nghệ thuật, cho rằng Aristote của Hylạp cổ đại là chuyên gia hàng đầu của mọi thời, về mọi lĩnh vực, cách riêng là triết học. Thêm nữa, Murray còn xếp Aristote đứng hàng thứ hai chỉ sau Charles Darwin về lĩnh vực sinh học. Quả thực, lần đầu tiên khi đọc tác phẩm của Aristote, Darwin đã viết rằng, mặc dù Linnaeus và Cuvier từng được ông coi là “những ông thần”, nhưng ông thấy họ “chỉ là những cậu học sinh so với một Aristote già dặn”.

Còn một ứng cử viên khác nữa mà bất cứ ai yêu mến khoa học hẳn phải biết. Ông là người để lại nhiều tác phẩm nhất mọi thời, là vị giáo sư người Đức nổi danh nhất thời bấy giờ – một bộ bách khoa di động với những tác phẩm đề cập mọi đề tài từ giải phẫu học, nhân học, và thiên văn học đến động vật học. Ông có một trí tuệ xuất chúng đến nỗi người ta gọi ông là Magnus (Vĩ Đại) khi ông còn đang sống. Ông là bổn mạng của các khoa học gia và các học giả – đó là thánh Alberto Cả (1193-1280). Dầu vậy thánh Alberto Cả vẫn nhìn nhận một nhân vật còn vĩ đại hơn mình; sáng láng đến nỗi khi thánh Alberto đọc hết toàn bộ kiệt tác của vị này, và thôi không còn viết lách nữa, lý do là không ai có thể viết một tác phẩm ngang tầm hoặc vượt qua được tác phẩm đó. Vậy nhân vật đó là ai? Đó chính là học trò của thánh Alberto, thánh Toma Aquino (1225-1274). Khi thánh Toma qua đời ở tuổi bốn mươi chín, thánh Alberto đã than khóc về sự ra đi của “bông hoa và sự rạng ngời của thế giới”.

Tôi (và nhiều người khác) tin rằng thánh Toma Aquino chính là người xuất chúng nhất mà Thiên Chúa thương ban cho thế giới.

Ai nói rằng thánh Toma là người tài trí?

Thánh Toma không tự tuyên bố mình là thiên tài. Trong tác phẩm đầu tiên được viết theo yêu cầu, Summa Contra Gentiles (Tổng luận chống dân ngoại), ngài cáo lỗi với các độc giả rằng nỗ lực trình bày tác phẩm có lẽ đã vượt “tài năng có hạn” của mình, tuy vậy ngài đã viết trong niềm xác tín vào “lòng thương xót của Chúa”.

Nhưng kể từ khi ngài qua đời vào ngày 07 tháng 03 năm 1274, qua hơn bảy trăm năm nay, các Giáo Hoàng, học giả, và các thánh đều nhất trí rằng sự khôn ngoan và tài trí của ngài, chẳng “giới hạn”, mà kiệt xuất đến nỗi ngài được gọi là Tiến sĩ Thiên thần.

Các triết gia vô thần, cả những người theo thuyết khách quan của Ayn Rand, đều nhìn nhận những thành quả trổi vượt của thánh Toma trong lĩnh vực lý trí cũng như trong việc làm hồi sinh và phổ biến các tác phẩm của Aristote. Charles Murray, một người theo thuyết bất khả tri, đã đưa thánh Toma vào danh sách những “người khổng lồ” của triết học phương Tây, xếp ngài đứng hàng thứ sáu trong những người gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại – trên cả Socrates và thánh Augustin. Cũng cần nhớ rằng triết học không phải là chuyên môn của thánh Toma, nhưng chỉ là công cụ – “nữ tì” của thần học, thần học mới là ngành cao nhất của con đường học hành nghiên cứu.

Thánh Toma cho thấy rõ điều này, ngài viết: “Khi đọc những lời của [thánh] Hilario ‘tôi biết rằng mình có được điều này là nhờ Thiên Chúa, trách nhiệm chính yếu của đời tôi là từng lời và từng ý nghĩ của mình đều phải nói về Người’”.

Khi các nhà tâm lý hiện đại nghiên cứu về đặc tính rõ nét nhất của trí tuệ siêu việt nơi con người, thì nhiều lần, họ đều nhất trí rằng điểm nổi bật nhất vẫn là khả năng lý luận trừu tượng. Đó là khả năng nhìn thấy được những sự vật và biến cố cụ thể trong thế giới và nắm bắt được nguyên nhân và nguyên lý cơ bản của chúng; mặt khác, cũng thấu hiểu được những quy tắc nền tảng và phổ quát về thực tại và áp dụng chúng vào những sự vật và biến cố cụ thể.

Khả năng đó chính là sở trường của thánh Toma; nó đóng vai trò rất quan trọng trong đóng góp to lớn của ngài vào việc khai hóa – sẽ dạy chúng ta biết cách suy tư trong thế giới của Thiên Chúa và tìm thấy con đường tiến đến sự khôn ngoan đích thực. Chính thánh Toma đã diễn tả điều này như sau: “Kinh nghiệm cho thấy có một vài người hiểu biết sâu sắc hơn người khác; chẳng hạn như một người đưa ra được một kết luận đến tận những nguyên lý đệ nhất và nguyên nhân cuối cùng thì người đó thấu hiểu vấn đề tốt hơn người chỉ tìm ra được nguyên nhân gần mà thôi”. Như trong phần I của tập sách này, chúng ta sẽ thấy thánh Toma còn giải thích cách thức hoạt động của việc trừu xuất. Suốt đời, ngài dành trọn trí tuệ cho nguyên nhân tối cao, quan trọng và nền tảng nhất. Trong phần II của tập sách này, ngài sẽ cho chúng ta thấy: “Nguyên nhân ấy, chúng ta gọi là Thiên Chúa”.

Thiên tài của nhân loại

Tuy vậy, chúng ta phải nhớ kỹ rằng thánh Toma là con người thực tế chứ không phải là một “con mọt sách” hay một nhà hàn lâm uyên bác với đầu óc trên mây, chỉ viết lách cho giới giáo sư hay sinh viên đại học mà thôi. Nhưng vì là con cái của thánh Đaminh, thành viên của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, thánh Toma còn dùng tài năng Chúa ban để diễn giải sứ điệp Tin Mừng Chúa Kitô cho người giáo dân bình thường nữa. Hồi còn trẻ, sau khi lãnh tác vụ linh mục tại Cologne, những bài giảng của ngài bằng tiếng Đức bản xứ (chứ không phải là tiếng Latinh) đã thu hút đông đảo dân chúng. Vào năm cuối đời, ngài giảng thuyết một loạt bài bằng phương ngữ Napoli tại nhà thờ thánh Đaminh, mà theo những người đầu tiên viết tiểu sử, những bài giảng đó đã lôi kéo “hầu hết dân chúng thành Napoli”, và quả thực “dân chúng cung kính nghe ngài giảng như thể lời giảng đó đến từ Thiên Chúa”. Thế nên thánh Toma là con người của tư duy, người của Thiên Chúa, nhưng cũng là người của thường dân.

Không thể nào xuất chúng mà lại không khôn ngoan. Như “Aristote cổ đại” đã nói: “Biết chút ít về những điều cao cả thì hơn là biết nhiều mà toàn là những điều tầm thường”. Nói cách khác, vì không ai trong chúng ta biết hết mọi sự, nên người khôn ngoan thường chỉ nhắm vào những điều quan trọng nhất, và đó là điều mà thánh Toma đã làm, và một số ít người trước và sau ngài cũng vậy.

 

 

—————————-

Ghi chú:

– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình, Nhà Sách Đền Thánh Martino – Hố Nai – Biên Hòa  và một số Nhà sách Công giáo khác.

– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM