Sứ Vụ Của Anh Em Đa Minh Trên Vùng Đất Đông Nam Á

0
2254


 

SỨ VỤ CỦA ANH EM ĐA MINH

TRÊN VÙNG ĐẤT ĐÔNG NAM Á

 

 

Trích trong tập “Dấu Ấn Thời Gian”,

Học Viện Đa Minh, 2016

 

 

Từ khi nào Dòng Đa Minh bắt đầu hiện diện tại châu Á? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì lãnh thổ “châu Á” khá rộng: thánh địa cũng thuộc về châu Á! Nếu hiểu châu Á như là miền Viễn Đông, khởi đi từ Ấn Độ cho đến Nhật Bản, thì có thể nói rằng từ thế kỷ XIV anh em đã được Tòa Thánh ủy thác phụ trách Giáo tỉnh Sultania, với lãnh thổ trải dài từ Ấn độ đến Biển Đen, và anh Jourdain Catalani (de Sévérac, k.1280-1330) được Đức Thánh Cha Gioan XXII đặt làm Giám mục Quilon (Coulom ở Ấn độ hay Colombo ở Sri Lanka) ngày 21/8/1329, với lãnh thổ bao trùm các nước Pakistan, Afganistan, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka ngày nay. Trong khi thăm viếng những nơi mình coi sóc, anh đã viết lại cuốn hồi ký Mirabilia descripta kể lại địa lý, khí hậu tập tục, của bán đảo Ấn Độ. Tiếc rằng những bước khởi đầu đã bị gián đoạn trong gần hai thế kỷ.

I- TÌNH HÌNH TRUYỀN GIÁO TẠI VÙNG ĐÔNG NAM Á VÀO THẾ KỶ XVI

Với việc “khám phá Tân Thế giới”, Đức Thánh Cha Alexandrô VI phân chia công cuộc truyền giáo cho hai hoàng triều Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với các sắc chiếu từ năm 1493 cho đến năm 1522): Bồ Đào Nha phụ trách châu Phi và châu Á, cộng thêm Brasil; Tây Ban Nha phụ trách châu Mỹ cộng thêm Philippines, mở đầu cho chế độ “Bảo trợ” (Padronato). Miền Viễn đông nằm trong lãnh thổ truyền giáo của Bồ Đào Nha.

Anh em Đa Minh Bồ Đào Nha đã sớm lên đường đi Phi châu và Á châu. Họ đã có mặt tại Congo năm 1486, và đã thiết lập nhiều cứ điểm truyền giáo tại Etiopia và Mozambique.[1]Năm anh em Đa Minh, do cha Domingo de Souza hướng dẫn, theo phái đoàn của ông Alfonso Albuquerque đặt chân lên Ấn Độ năm 1503.

Anh em đặt cứ điểm truyền giáo tại Cochin, rồi từ đó tiến sang Ormuz, Goa (1510). Từ Goa, anh em đi sang mạn Đông, đặt chân lên Colombo, Cămbốt (1554), Xiêm (1567), Myanmar (1604), Malacca và quần đảo Indonesia: Solor (1566), Flores…

Nhằm tổ chức công cuộc truyền giáo được quy mô hơn, một thực thể được thành lập vào năm 1548, mang danh là Congregatio S. Crucis Indiarum orientalium, với địa bàn hoạt động trải dài từ Phi châu sang Á châu.[2] Những Giám mục tiên khởi tại Goa (1533) và Cochin (1558) đều thuộc hàng ngũ Dòng Giảng Thuyết.

Khi quốc công Bồ Đào Nha phân chia khu vực truyền giáo, các cha Đa Minh được trao khu vực phía Tây của Goa, còn dòng Phanxicô được trao phần đất phía Đông. Sau khi được phân chia khu vực truyền giáo, đến năm 1630, các ngài đã thiết lập 70 tu viện với khoảng 320 anh em Đa Minh trên vùng đất Ấn Độ và trông coi lãnh thổ rộng lớn gồm: Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và Indonesia. Anh em Đa Minh được coi như là những người đầu tiên đặt chân lên Cambodia và Timor.[3] Tuy nhiên, sự nghiệp truyền giáo của Tỉnh dòng Goa bị ngưng lại vào thế kỷ XIX khi các dòng tu ở Bồ Đào Nha bị giải tán.

Trong số các nhà truyền giáo nổi tiếng, nên ghi nhận cha Gaspar da Cruz, người đã đặt chân lên Trung Hoa năm 1555; Jorge de Santa Luzia (Giám mục tiên khởi của Giáo phận Malacca 1558-79),[4] Silvestre de Avezedo (tông đồ Cambodia).

Cha Gaspar da Cruz (k.1520-1570) đã có công lao rất lớn trong việc truyền giáo tại miền Viễn Đông. Cha Gaspar da Cruz được nhận vào dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu viện Azeitão. Năm 1548, cùng với 10 tu sĩ khác, Gaspar da Cruz đã lên tàu rời Bồ Đào Nha đến Ấn Độ dưới chỉ thị của cha Diogo Bermudes với mục đích thiết lập một sứ vụ Đa Minh tại Viễn Đông. Trong 6 năm, ngài đã ở Hindustan (Bắc Ấn), có lẽ ở Goa (Tây Ấn), Chaul (một tỉnh phía Bắc Ấn Độ) và Kochi (thành phố cảng phía Tây Nam Ấn Độ), bởi vì Dòng đã thiết lập được cơ sở tại đó. Trong khoảng thời gian này, ngài cũng đã đến thăm Sri Lanka.

Năm 1554, cha Cruz đã ở Malacca, nơi đó ngài thiết lập một tu xá cho Dòng, và sống ở đó cho đến tháng 9/1555. Sau đó ngài được chuyển đến Cambodia. Theo sử sách, cha là người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Hà Tiên hiện nay vào năm 1550. Dù sao giáo hội Cambodia đã dựng bia kỷ niệm 450 năm cha Gaspar loan báo Tin Mừng năm 1554. Cuối năm 1556, cha sang Trung quốc và ở lại đây cho đến năm 1557. Cha Gaspar nổi tiếng trong lịch sử vì viết cuốn tường thuật về Trung quốc (Tratado das cousas da China, xuất bản tại Evora năm 1569).

Thái Lan

Năm 1567, hai cha Jéronimo da Cruz và Sebastiao da Canto đến Ayutthaya và được cấp một nơi ở xứng hợp, nơi này tọa lạc tại nơi đẹp nhất trong thành phố. Hai cha đã đi giảng trong vòng 3 năm tại đây. Trong thời gian này, hai cha đã học tiếng Siam một thời gian ngắn và có thể giao tiếp với mọi người. Người Hồi giáo ghen tỵ sự thành công của các ngài và lo sợ ảnh hưởng của các ngài trên dân chúng, nhưng họ không thể tấn công một cách công khai các nhà truyền giáo, vì các ngài được mọi người kính trọng và yêu mến, vì họ có nguy cơ gặp rắc rối từ chính quyền Xiêm. Nhưng cuối cùng họ cũng đạt được mục đích. Trong một cuộc chiến tranh với đất Xiêm La vào năm 1569, những người Hồi giáo đã dùng lưỡi đòng để kết liễu cha Jéronimo. Còn cha Sebastiao thì bị ném đá bởi đám đông nổi loạn. Trước khi tắt thở, cha xin vua Xiêm không truy cứu những kẻ giết mình vì cha không muốn thấy thêm cảnh đổ máu. Khâm phục trước hành động này, nhà vua đã đồng ý. Cha Sebastiao còn xin vua đặc ân là cử sứ giả đến Malacca và trở về với các nhà truyền giáo. Hai vị linh mục được gửi đến theo yêu cầu của cha Sebastiao, nhưng lịch sử không nêu danh tính của hai vị này.

Khi các nhà truyền giáo trở lại Ayutthaya, họ tiếp tục loan báo Tin Mừng, mục vụ cho các công dân Bồ Đào Nha đang làm việc tại Xiêm và cho người bản xứ. Cuộc chiến với người Burma (Myanmar) vào năm 1569 kết thúc với sự thất bại của vua Xiêm. Người Burma đã tìm thấy ba nhà truyền giáo đang cầu nguyện trong nhà thờ và xử trảm họ vào ngày 11/02/1569. Cùng số phận với họ, các cha Mota và Fonseca của chúng ta cũng chịu tử đạo trong thời gian sau đó (1600).

Sứ vụ truyền giáo chỉ tiếp tục trở lại với cha Francisco da Annuncicao vào những năm đầu của thế kỷ XVII, và sứ vụ truyền giáo trên mảnh đất Chùa Vàng kết thúc vào thế kỷ XVIII sau nhiều lần gián đoạn.

Cambodia

Cha Gaspar da Cruz được xem như nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên Cambodia năm 1550, do lời yêu cầu của nhà vua. Nhưng sau một năm hoạt động, cha thấy nhà vua chỉ muốn lợi dụng cơ hội để liên lạc với người Bồ Đào Nha, và cũng vì lý do sức khỏe, cha rời xứ.

Năm 1570, khi Abram Langara nên ngôi, nhận thấy quốc gia không thể đương đầu với vương quốc Xiêm La, nên cần đến sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha. Vua cho mời các giáo sĩ và binh sĩ đến, hứa sẵn sàng giúp đỡ để xây cất nhà thờ. Vào khoảng 1582–1583, hai cha Lopo Cardoso và Joao Madeira đến Lovek, thiết lập cơ sở để có thể dâng lễ, rao giảng Lời Chúa và rửa tội cho mọi người.

Tuy nhiên, sau khi vua Abram Langara băng hà và Barom Reachea II lên ngôi, chính sách tôn giáo thay đổi. Là một người sùng Phật giáo, vua rút lại phép giảng đạo cho dân bản xứ. Trước tình cảnh khó khăn, cha Cardoso muốn bỏ cuộc, nhưng không được bề trên chấp nhận. Năm 1584, cha Đại diện Giám tỉnh ở Malacca gửi cha Silvestre de Azevedo đến Cambodia để thay thế cha Joao Madeira và sau đó, hai cha Reginaldo de Santa Maria và cha Gaspar do Salvador đến thay thế cho cha Lopo Cardoso. Tuy nhiên, tình hình tại đất nước này đã khiến cho các ngài hoảng sợ và cuối cùng, đã lẩn trốn.

Tuy còn lại một mình, nhưng cha Silvestre de Azevedo tiếp tục với nhiệm vụ của mình và dần dần chiếm được tình cảm của quốc vương. Ngài trở thành cố vấn và được ban tước trong triều đình với danh hiệu “Pa” (Cha). Cha được vinh dự ngự triều, đội vương miện hoàng gia, bên cạnh nhà vua. Vua Barom Reachea II cho phép cha rao giảng Tin Mừng, xây dựng nhà thờ, và thậm chí cắt đặt một học giả trong triều đình đến hỗ trợ cha trong việc soạn thảo sách giáo lý (Misterios da Fe Crista) bằng tiếng Khmer.

Kể từ đó, các nhà truyền giáo được gửi đến Cambodia đều đặn và liên tục. Năm 1580, hai cha Gregoire de la Motte (người Pháp) và Luis de Fonseca (người Bồ Đào Nha) còn tiến xa hơn, đến tận Quảng nam để giảng đạo cho người Chiêm và người Việt. Năm 1586, hai cha bị vua Chiêm bắt đem về thành Chà Bàn (Qui Nhơn ngày nay) lẫn với nhiều tù binh. Hai cha tiếp tục giảng đạo, và bị giết năm 1588 do lệnh của nhà vua.

Đang khi đó, trên xứ Cambodia, năm 1585, có thêm hai cha dòng Đa Minh, Antonio Orta và Antonio Caldeira, cùng với hai cha dòng Phan-sinh. Họ đã được phép giảng đạo, và rửa tội cho khoảng 300 trẻ em. Tuy nhiên, mối thiện cảm của nhà vua hoàn toàn có dụng ý chính trị, nghĩa là nhờ sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha. Vì thế khi tổng trấn Johor lo sợ bị Mã lai xâm lăng đã cảnh báo nhà vua về sự hiện diện của các nhà thừa sai đến từ Malacca, nhà vua liền ra lệnh trục xuất họ, và chỉ giữ lại một mình cha Silvestre de Azevedo. Tuy nhiên vì nhận thấy biện pháp có những hệ quả tai hại đối với bang giao bên ngoài, cho nên không lâu sao, nhà vua lại cho phép các nhà thừa sai trở lại. Năm 1592-1593, lo sợ bị Xiêm tấn công, vua Baroam Reachea II sai hai cha Silvestre de Azevedo và Diogo Veloso đi Malacca và sau đó qua Manila để cầu viện, đồng thời hứa sẽ dành nhiều thuận lợi cho việc giảng đạo. Tiếc rằng, trước khi nhận được phúc đáp, thì tháng 04/1594, quân Xiêm đã tràn vào Lovek, và bắt các cha Silvestre de Azevedo, Jorge da Mota, Luis da Fonseca, cùng với ba tu sĩ Phan-sinh, giải về Siam. Sau khi được phóng thích, chỉ còn cha Silvestre de Azevedo trở lại Cambodia và qua đời năm 1602. Sau đó, Dòng còn gửi thêm hai tu sĩ Alonso Ximenes và Diego Aduarte nhưng họ không dừng lại lâu, vì hoàn cảnh chiến tranh. Sứ vụ của anh em Đa Minh tại Cambodia xem như chấm dứt.[5]

II- MIỀN VIỄN ĐÔNG

Trên đây chúng ta đã theo dõi hoạt động truyền giáo của anh em Bồ Đào Nha, từ Goa và Malacca, đã đến truyền giáo ở Đông Nam Á, và được nhìn nhận là những người đầu tiên mang Tin Mừng đến Cambodia, Đông Timor. Hai cha Luis de Fonseca và Gregoire de La Motte cũng đáng được xem như là những nhà truyền giáo đầu tiên của xứ Đàng Trong (1580), vào lúc mà Việt Nam và Chiêm Thành còn đang tranh chấp biên giới, đồng thời cũng là những vị chứng nhân Tin Mừng đầu tiên đã đổ máu trên đất này.

Bây giờ chúng ta quay sang một địa bàn khác, ở phía Đông của nước Việt Nam. Công cuộc truyền giáo tại đây do các anh em Tây Ban Nha thuộc Tỉnh dòng Mân Côi Philippines đảm nhận. Tỉnh dòng được phép thành lập ngày 14/7/1582. Nên lưu ý về sự khác biệt giữa thủ tục thành lập các Địa phận và Tỉnh dòng ở các miền truyền giáo thời xưa và thời nay. Thời nay, người ta bắt đầu bằng một giáo điểm, rồi lên giáo xứ; kế đó là hạt Phủ doãn Tông tòa do một thừa sai đứng đầu; kế đó là Đại diện Tông tòa và sau cùng là Giáo phận do Giám mục cai quản (Có thể xem lịch sử Giáo phận Lạng sơn như một thí dụ). Một cách tương tự như vậy, khi Dòng mới đến một vùng nào đó, thì trước tiên là gắng thiết lập một cộng đoàn, rồi sau đó tiến đến Phụ tỉnh, Dự tỉnh, Tỉnh dòng. Thời xưa thì tiến trình trái ngược. Một Giám mục (thừa kế các thánh tông đồ) được cử đến một địa điểm truyền giáo, và lập Giáo phận tại đó, khởi đầu cho công cuộc truyền giáo Tin Mừng. Các dòng tu cũng vậy. Tỉnh dòng Mân Côi được thiết lập với việc bổ nhiệm một Giám tỉnh (cha Juan Chrysostomo, sau đó trao quyền lại cho cha Juan de Castro) và cho phép chiêu mộ 30 tu sĩ đi truyền giáo ở Viễn Đông.

Ngày 17/7/1586, đoàn truyền giáo gồm 40 anh em rời cảng Cadiz (nam Tây Ban Nha) sang Mexico (vùng bảo trợ Tây Ban Nha), rồi từ đó đến Philippines (chứ không thể dùng đường vòng qua châu Phi, vì vùng này thuộc quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha). Khi đến cập bến Cavite ở Philippines ngày 22/7/1587, lễ thánh Madalena, đoàn truyền giáo còn được 15 người (một số đã ở lại Mexico vì bệnh, 03 người chết dọc đường, một số trở về quê mẹ). Tỉnh hội lần đầu tiên, họp ngày 10/6/1588, đã nhận Nữ vương Rất thánh Mân côi làm bổn mạng đệ nhất, và thánh Maria Madalena làm bổn mạng đệ nhị.

Vào cùng năm ấy, anh em đã bắt tay vào việc truyền giáo ngay tại nước Philippines. Nên biết là Đức Giám mục đầu tiên của Manila là Đức cha Domingo Salazar, một tu sĩ của Dòng (1581-1594).

Nhật Bản

Từ Philippines, Tỉnh dòng đã gửi phái đoàn truyền giáo sang Nhật Bản vào đầu tháng 7 năm 1602, và kéo dài cho đến năm 1637, khi Nhật hoàng tuyên bố bế môn tỏa cảng. Trong thời gian bị bách hại (từ năm 1614), Dòng đã có rất nhiều vị tử đạo, được tôn phong vào hai dịp:

1/ Ngày 7/7/1867, chân phước Alfonso de Navarrete (†1/6/1617) với 125 bạn, trong đó có 12 linh mục, 2 tư giáo, 5 trợ sĩ, 15 nam và 4 nữ hội viên Dòng ba.

2/ Ngày 18/2/1981, chân phước (và hiển thánh ngày 18/10/1987), linh mục Ibanez de Erquicia (†14/5/1633) và 15 bạn trong đó có 9 linh mục, 2 trợ sĩ, 2 nữ hội viên Dòng Ba.

Tỉnh dòng Mân Côi trở lại truyền giáo ở Nhật từ năm 1904.

Trung quốc

Năm 1626, cha B. Martinez và bốn anh em đã đến Đài Loan để truyền giáo, và từ đây, vào năm 1630 đã vào Trung Hoa, và kể từ năm 1633, cha J.B. Morales đã củng cố vùng hoạt động tại Phúc Kiến. Tại đây, Dòng Đa Minh đã dâng cho Chúa vị thánh tử đạo tiên khởi của Trung hoa, cha Francisco Capillas (†15/1/1648). Dòng Đa Minh cũng được vinh dự có vị Giám mục bản xứ đầu tiên vào năm 1685, Đức Cha Gregorio Lo (Lopez: Luo Wenzao, 1616-1691). Công cuộc truyền giáo tiếp tục cho đến năm 1955.

Việt Nam

Các cuộc “thám hiểm” của Tỉnh dòng Mân Côi đến Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1595 với cha Giám tỉnh Alonso Jimenez và Diego Aduarte theo một đoàn hải quân Tây Ban Nha đến Cửa Hàn, nhưng không dừng lại lâu. Ba chuyến kế tiếp vào các năm 1598, 1603, 1628 cũng không may mắn hơn. Phải chờ đến năm 1676, Tỉnh dòng mới cử hai cha Juan de Santa Cruz và Juan de Arjona tới Phố Hiến, theo lời mời của Đức cha Francois Pallu, Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài, mở đầu cho hoạt động lâu dài ở Việt Nam cho đến năm 1954[6].

III- PHỤ LỤC

Các tu sĩ Đa Minh Việt Nam giai đoạn I (thế kỷ XVIII- XIX)

Tuy Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam mới được thành lập năm 1967 (vào giữa thế kỷ XX) nhưng bóng dáng các tu sĩ Đa Minh Việt Nam đã xuất hiện từ trung tuần thế kỷ XVIII. Vì lý do chính trị (Pháp đặt nền đô hộ tại Việt Nam), từ năm 1877, Dòng không thâu nhận các tu sĩ Việt Nam nữa. Vì thế dòng lịch sử bị gián đoạn, và được đặt tên là “giai đoạn I”. Giai đoạn II được mở ra vào năm 1934, với việc trao áo dòng cho 13 thỉnh sinh tại tập viện Quần Phương.6 Chúng ta nên ôn lại lịch sử của các vị “tiền bối” dựa theo một bài viết (vô danh, có lẽ là của cha Bùi Đức Sinh) đăng trong tập Kỷ yếu Bách Chu niên 4 Chân phước Tử đạo tại Hải dương 1861-1961[7]. Tác giả đã phân chia thành hai nhóm dựa theo từng thế kỷ (XVIII và XIX); thế kỷ XIX lại tái phân thành hai kỳ.7 Chúng tôi xin trích hầu như nguyên văn của bài nghiên cứu ấy.

A. Thế kỷ XVIII

Nếu Đức Cha khả kính Juan de Santa Cruz (Thập) đã được vinh hạnh làm tiên phong địa phận truyền giáo Dòng Đa Minh tại Việt Nam, thì chính ngài cũng đã chiếm được vinh hạnh đào tạo một số con dân nước Việt vào Dòng Đa Minh để chung sức trong việc mở mang nước Chúa. Năm 1738 có hai linh mục triều khôn ngoan đạo đức đã được diễm phúc khấn Dòng Đa Minh trong tay cha chính Giuse Valerio. Một trong hai vị nói trên đã được Đức Cha Thập săn sóc nuôi nấng từ thuở nhỏ. Để tỏ lòng biết ơn Ngài, cả hai cha Dòng Đa Minh tiên khởi hình như thi đua lấy tên của Đức Cha để đặt cho mình. Vì vậy một cha đã xin đặt trên trong Dòng là Pio de Santa Cruz, còn cha kia tên là Juan de Santo Domingo. Cha này trước đã có đôi bạn, nhưng đến sau, với sự đồng ý của bạn và Tòa Thánh, Ngài xin đi tu làm linh mục triều, sau xin mặc áo và khấn Dòng Đa Minh. Sau khi đã khấn, cha chỉ còn sống có 4 năm, nhưng đã lập nhiều công đức lớn lao cho Giáo hội Việt Nam. Cha Pio đã theo giúp Đức Cha Thập từ còn niên thiếu. Sau khi chịu chức linh mục được 10 năm, cha mới xin nhập Dòng Đa Minh. Trong khi hoạt động tông đồ, cha đã bị bắt giam hai lần vì đạo, nhưng được chuộc lại. Cha qua đời năm 1756. Đó là « trái đầu mùa » Dòng Đa Minh Việt Nam. Lịch sử đã tặng cho ngài tước hiệu « Đáng kính », vì đời ngài thánh thiện, hơn nữa, ngài cũng đã nếm thử xiềng xích gông cùm vì danh thánh Chúa Giêsu.

Mười năm sau, tức là năm 1748, cha chính Giuse Valerio nhận hai linh mục trẻ tuổi và một phó tế vào Dòng và cho khấn. Nên biết rằng trong thời gian đó chỉ có một cha thừa sai, nhưng Chúa quan phòng đã cho thêm bốn cha người Việt để bổ khuyết phần nào vào công cuộc truyền giáo bên cạnh các cha triều.

Từ 1748 đến 1796 đã tổ chức 14 lớp khấn dòng, tổng cộng 35 cha, hầu hết là những linh mục trẻ trung, nhiều cha mới 26-27 tuổi. Trong số đó, có 6 cha và 1 thầy bốn chức được khấn dòng tại Manila. Hầu hết các cha khác đã qua năm tập Dòng tại Chủng viện Trung Linh (Bùi Chu).

Thế kỷ XIX

Lịch sử các cha Dòng Đa Minh Việt Nam trong thế kỷ này có thể tạm chia thành 2 kỳ căn cứ vào hai kỳ cấm đạo tàn khốc dưới triều vua Minh Mạng và Tự Đức. Mỗi kỳ được một thời tương đối thái bình để các chiến sĩ có thời giờ chuẩn bị xông pha chiến trường. Kỳ I từ 1802, năm vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế, đến 1841 năm vua Minh Mạng băng hà. Kỳ II khởi đầu bằng thời gian tương đối yên tĩnh dưới thời vua Thiệu Trị và chấm dứt năm 1882.

Kỳ I : 1802-1840

Đây là hoàng kim thời đại trong lịch sử Dòng Đa Minh Việt Nam : đoàn thể các cha Dòng Việt Nam đồng tiến cả về phẩm lẫn lượng tới mức tối đa trong lịch sử. Phần đông các linh mục triều xuất sắc trong địa phận đã xin mặc áo và khấn dòng. Không đầy 40 năm mà con số các cha Dòng VN đã lên tới 63 vị, ấy là chưa kể 16 cha đã khấn dòng cuối thế kỷ trước và phần đông còn sinh sống hoạt động dưới triều vua Minh Mạng. Ngay trong 7 năm đầu (1802-1809) đã có 13 linh mục triều trẻ trung được khấn dòng, trong số này có thánh Vinh Sơn Yến khấn dòng năm 1808 và tử đạo dưới triều Minh Mạng.

Từ 1812 đến 1840, hai cha Chính Giuse Amando Chiêu và Vinh Sơn Bombin Trang đã làm tăng con số các cha Dòng Đa Minh Việt Nam lên mức tối đa trong lịch sử. Chúa Quan Phòng đã dùng hai vị thừa sai tài đức này để huấn luyện một đạo binh anh dũng cần thiết cho cuộc chiến đấu hết sức gay go dưới triều vua Minh Mạng và Tự Đức sau này. Trong vòng 28 năm có 50 linh mục được khấn dòng ; trong số đó có 18 vị được phước tử đạo ; các cha khác phải sống chui rúc dưới hang hầm, chịu đựng nhiều hy sinh cay cực. Sử gia Gispert đã viết về đời sống hàng giáo sĩ Bắc kỳ trong 4 năm cuối đời Minh Mạng như sau :

Trong không đầy 4 năm trời, các giám mục thuộc hai địa phận Đông và Tây ký đã bị tống giam và xử tử. Hầu hết các vị thừa sai, và đa số các linh mục bản xứ cũng đã chịu chung một số phận. Năm 1840, địa phận Đông ký thuộc dòng Đa Minh còn 3 vị thừa sai, 37 cha dòng Việt Nam và một số rất ít linh mục triều. Trong thời gian cực kỳ tang thương đó, các ngài đã làm được các phép bí tích như sau : Rửa tội 143 người lớn, 1.012 trẻ em ; giải tội 118.307 ; cho rước lễ 109.515 ; làm phép cưới 1.630 ; xức dầu kẻ liệt 1.730. Cũng trong thời gian đó, cha chính Giêrônimô Hermosilla Liêm đã nhận cho 6 linh mục xuất sắc mặc áo và khấn dòng, trong số đó 4 vị được phúc đổ máu để chứng minh đức tin dưới triều vua Tự Đức.[8]

Thánh Đa Minh Trạch đã kết thúc « mùa tử đạo » dưới thời vua Minh Mạng : ngày 18/9/1840, theo đề nghị của Trịnh Quang Khanh, tổng đốc Nam Định, vua Minh Mạng ký án xử tử linh mục Đa Minh Trạch. Đó là bản án cuối cùng của nhà vua độc ác này, để rồi ngày 22/01/1841, chính vua Minh Mạng phải điệu đến trước Tòa án tối cao của Thiên Chúa lãnh án theo phép công bằng xứng đối với việc nhà vua đã làm khi còn tại thế. Người ta biết rằng : ngày 22/01/1841 là hạn chót vua đã định để tiêu diệt cho kỳ hết giống « cỏ xấu hoa lang tả đạo ».

Kỳ II : 1842-1882.

Trong vòng 40 năm, chỉ có 30 cha khấn Dòng, các lớp mặc áo Dòng thưa dần và giảm số vì cơn bão táp phũ phàng dưới triều vua Minh Mạng đã quét sạch mọi cơ sở huấn luyện. Tiếp đến cuộc cấm đạo dưới triều vua Tự Đức đã làm hầu tê liệt mọi hoạt động truyền giáo. Năm 1856 có một lớp khấn Dòng tương đối đông nhất là 6 cha. Trong số các cha Dòng đã khấn trong kỳ này có 10 vị được phúc tử đạo; thêm vào số đó có 11 vị tử đạo khác đã khấn trong kỳ trước nhưng đã được phúc tử đạo trong kỳ này.

Trong số 30 cha dòng nói đây, có 4 vị đã qua đời trước khi vua Tự Đức ra chỉ cấm đạo, còn bao nhiêu đều đã hăng hái hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam.

Năm 1849, cha già Đa Minh Dược được hân hạnh chết vì đức tin để mở đầu cho một mùa tử đạo mới: cha bị bắt cùng với một thầy giảng, 6 chú Nhà Đức Chúa Trời và một ông đồ. Mấy cha con bị giải về Nam Định. Mặc dầu bị tra tấn cực kỳ dã man, các chú nhỏ vẫn tỏ ra trung thành với Thiên Chúa khiến các quan vô cùng ngạc nhiên và tha cho về vì còn bé chưa nỡ giết. Còn cha Đa Minh vì thân già sức yếu chịu không nổi những cực hình đau đớn đó nên đã chết rũ tù ngày 13/5/1849.

Năm 1850, sau cuộc âm mưu phản loạn của ông Hoàng Bảo, vua Tự Đức ra chỉ cấm đạo ngặt hơn trước. Lần này nhà vua nhất định tầm nã tiêu diệt cho kỳ hết bọn « tây dương đạo trưởng ». Ai cả lòng chứa chấp các vị đó cũng sẽ bị phân thây. Để đi đến kết quả đó, nhà vua hứa thưởng 300 lạng bạc cho những ai tố giác tây dương đạo trưởng. Cuộc cấm đạo khốc hại này kéo dài hơn 10 năm trời, nhưng đôi khi ngưng hoạt động vì những lý do chính trị không cho phép. Nhờ có những thời gian « ngưng chiến » đó mà năm 1856, cha Manuel Ignacio Rianho Hòa đã có thể tổ chức lại chủng viện và các lớp tập dòng tại Phú Nhai. Từ 1850 đến năm 1862, có 26 cha dòng Đa Minh Việt Nam phải ngã gục trên vũng máu đào để làm chứng đức tin của mình, trong số đó hai vị đã được đặt lên bàn thờ: cha Đa Minh Mậu tử đạo năm 1858 và Giuse Tuân tử đạo năm 1861.

Năm 1874, cha Đa Minh Cần được nhận cho khấn dòng, sau đó được cử đi xứ Kẻ Mèn. Tiếp đến cha Giuse Nghiêm được khấn dòng năm 1877 và được cử đi coi xứ Cao Mộc (Thái Bình).

Năm 1882 đến lượt cha Bartolomêô Oanh khấn dòng và khóa sổ các cha Đa Minh Việt Nam trong giai đoạn I. Cha còn sống cho đến ngày 23/7/1919 mới qua đời. Sau đó người ta phải chờ cho đến năm 1934 mới lại thấy bóng dáng người Việt Nam trong bộ áo trắng của dòng Đa Minh. Trong giai đoạn này, lịch sử đã ghi lại 134 linh mục và 1 thầy bốn chức người Việt được mặc áo và khấn dòng. Trong số đó, 35 vị được phúc lấy máu đào làm chứng đức tin, và 11 vị được tôn phong hiển thánh.[9]

 


[1]    Công cuộc truyền giáo tại Phi châu vào thời này rất hời hợt: người Bồ Đào Nha chỉ dừng lại ở vài cửa biển nhằm việc thương mại. Mãi tới thế kỷ XIX, việc truyền giáo tại Phi châu mới có tính cách quy mô hơn. Xc. Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Africa (14/9/1995) của đức Gioan Phaolô II, số 31-33.

[2]    B. Biermann, Die Missionen der portugiesischen Dominikaner in Hinterindien, in: Zeitschr. fur Miss. 21(1931) 305-327. Id. Documenta quaedam initia missionum Ordinis Praedicatorum in India orientali illustrantia (1503-1548), in: Archivum Fratrum Praedicatorum 10 (1940) 132-157. C.M. De Witte, Aux origines de la Congrégation indienne de l’Ordre des frères Prêcheurs (1546-1580), in: Archivum Fratrum Praedicatorum 36 (1966) 457-492.

[3]   Giáo hội Đông Timor cử hành 500 năm Tin Mừng được loan báo do các tu sĩ Đa Minh ngày 15/8/2015. Trước đây (cho đến năm 1975) Quốc huy có khắc huy hiệu của dòng.

[4]    Giáo phận Malacca được thiết lập ngày 04/02/1558, nay được gọi là Melaka-Johor, trực thuộc giáo tỉnh Kuala Lumpur (Malaysia).

[5] Vanessa Loureiro, The Jesuits In Cambodia: A Look Upon Cambodian Religiousness, Bulletin of Portuguese-Japanese Studies, 2005, n.10-11, p. 193-222.

[6]    Thư tịch: Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, Tập I, Saigon 1993.Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh Gò vấp 2013, chương 28 (Linh đạo truyền giáo).

[7]    Bách chu niên 4 chân phước tử đạo tại Hải Dương (1861-1961),Chân lý xuất bản, Sàigòn, 1961, trang 61-64.

[8]    Marcos Gispert, Historia de las misiones dominicanas en Tungking, Avila 1927, p.368.

[9]    Xem thêm danh sách các anh em: Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, In lần thứ hai Sàigòn 1993 tập I, trang 75-80; 125-133; 267-278; – tập II, trang 23-30.