PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI – P. 1

0
3550

Nguyên tác: La Liturgie de L’Église của Dom Robert le Gall,
Đan viện Trưởng đan viện Sainte Anne, Kergonan

Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

——————

LỜI NÓI ĐẦU

Thật ý nghĩa khi văn kiện đầu tiên của Công Đồng Vaticanô II được công bố là Hiến chế Phụng Vụ (PV). Thật vậy, Phụng vụ là hành động cao cả nhất trong đời sống của Giáo Hội : “Vì đó là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (PV 7).

Canh tân phụng vụ, cũng chính là canh tân toàn bộ đời sống Giáo Hội. Xác tín này đã được diễn tả ngay trong những dòng đầu tiên của Hiến chế : “Thánh Công Đồng chủ tâm phát huy đời sống Kitô giáo ngày càng tốt đẹp hơn nơi các tín hữu, thích ứng những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ võ những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô và kiện cường những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, thánh Công Đồng thấy có bổn phận phải lo canh tân và cải tiến phụng vụ” (PV 1).

Phụng vụ là đời sống của Giáo Hội, một đời sống được cô đọng, tập trung để được tiến dâng cho Thiên Chúa. Đức tin, đức cậy và đức mến của Giáo Hội được diễn tả cả bên ngoài lẫn bên trong, theo cách thức vừa cá nhân, vừa cộng đồng, trong chính hành động gặp gỡ với Thiên Chúa của Giao Ước.

Điều quan trọng là các tín hữu phải hiểu biết di sản đích thực của Công Đồng, bởi vì có những khuynh hướng trái ngược nhau, nhất là trong lãnh vực phụng vụ, vẫn được nêu lên để tự cho phép mình theo nhiều hướng khác nhau, hoặc là từ chối. Di sản này cốt yếu gồm 4 Hiến chế, còn 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn là những áp dụng cụ thể. Trước đây, các Giáo phụ nói rằng phải kính trọng 4 Công Đồng đầu tiên là Nicea (325), Constantinople (381), Epheso (431) và Calcedonia (451), vì tương ứng với 4 Tin Mừng : ngày nay, cũng thật phù hợp khi thêm 4 Hiến chế của Công Đồng Vaticanô II.

Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội được xem như nguyên tắc nền tảng cho mọi văn kiện của Giáo Hội. Nếu muốn hiểu đúng đắn về điều Thánh Thần muốn nói với Giáo Hội hôm nay, người ta phải luôn trở về với tài liệu này (x. Kh 2,7). Toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự vào chức tư tế hoàng vương của Đức Kitô, – mặc dù tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng khác nhau không chỉ về đẳng cấp, mà về bản chất –, chính nhờ chức tư tế của Đức Kitô mà Dân Thiên Chúa có khả năng đi vào phụng vụ Giao Ước Mới (s.10).

Hiến chế Mặc Khải chỉ dạy cách thức mà Thánh Truyền và Thánh Kinh sử dụng để làm cho tín hữu có thể hiểu được chương trình cứu độ. Chương trình này đã được thực hiện một lần cho tất cả trong Mầu nhiệm Phục Sinh, và được thông ban cho các tín hữu trong hy lễ Thánh Thể và trong toàn bộ phụng vụ. Tại đó, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu (s.21). Thánh Kinh đã được hình thành dần dần trong phụng vụ và cho phụng vụ; và cũng chính trong phụng vụ, Thánh Kinh sẽ còn tất cả sức mạnh và ý nghĩa của mình.

Trong các văn kiện lớn của Công Đồng Vaticanô II, xếp thứ ba là Hiến chế về phụng vụ thánh, vì phụng vụ giả thiết phải có mầu nhiệm Giáo Hội và là giải thích hoàn hảo nhất về Giáo Hội, đồng thời cũng là kho tàng Thánh Kinh để phân phát cho các tín hữu. Nếu lược bỏ hết các bản văn Thánh Kinh, phụng vụ sẽ chẳng còn là gì cả. Phụng vụ là đỉnh cao của mầu nhiệm Giáo Hội, cũng là nơi xứng hợp nhất để công bố Lời Thiên Chúa. So với hai văn kiện đầu, văn kiện thứ ba không có nhiều tính chất tín lý : Phụng vụ là hình thức cao nhất trong đời sống Giáo Hội, khi bao hàm cả tín lý, thì phụng vụ vượt cả tín lý, vì phụng vụ cử hành mầu nhiệm mà tín lý giảng dạy. Trong Institutions Liturgiques, Dom Guéranger đã viết : Phụng vụ là chính Thánh Truyền ở mức độ cao nhất về uy quyền lẫn sự long trọng… Phụng vụ vẫn được coi là giáo huấn cao nhất của tín lý, nhưng đồng thời cũng là hình thức bình dân nhất của tín điều.

Bản văn thứ tư trong số các văn kiện lớn của Công Đồng là Hiến chế Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Đây không phải là một hiến chế thu nhỏ, cho dù có nhiều trang của văn kiện này được liên kết với thời kỳ công bố, và do đó, có vài điều vô hiệu. Những nguyên tắc lớn, được trình bày tuyệt vời trong phần đầu, như để gợi hứng cho Giáo Hội mọi thời, cũng như phần thứ hai gợi hứng cho mọi công cuộc phát triển về văn hoá. Khi cử hành mầu nhiệm trong phụng vụ, và nhờ đó đi vào trong chương trình của Thiên Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh, Giáo Hội sẽ đem đến cho thế giới Tin Mừng mới về ơn cứu độ trong Đức Kitô : Chỉ nơi Người, con người vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có thể nhận biết và sống đúng phẩm giá của mình. Qua phụng vụ, nhờ sức mạnh kín múc từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của Giao Ước, Giáo Hội được sai đi thực thi sứ vụ trong thế giới, để quy phục mọi sự trong Đức Kitô, và để cũng chính trong phụng vụ, tiến dâng lên Thiên Chúa Cha phần nhân loại tuyệt hảo đã được giao hoà, trở nên người cùng thông phần với Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ (x. s.38,45).

Như thế, Hiến chế Phụng Vụ là phần trọng tâm trong bốn văn kiện lớn của Công Đồng : Mầu nhiệm Giáo Hội và kho tàng Thánh Kinh gặp gỡ nhau trong việc cử hành Giao Ước Mới và vĩnh cửu, để từ đó ra đi thi hành sứ vụ trong thế giới và tiến dâng thế giới này qua việc quy phục trong hiến lễ của Đức Kitô. Hiểu được giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II về phụng vụ, là đã đi vào toàn bộ tư tưởng của Công Đồng, “ân sủng lớn lao nhất của thế kỷ”, như lời kết luận trong bản phúc trình của Thượng Hội Đồng ngoại thường năm 1985.

Để các linh mục và tín hữu hiểu biết rõ về ý nghĩa của phụng vụ, như Công Đồng Vaticanô II đã canh tân, cần phải có chương trình huấn luyện : Bản Phúc Trình của Thượng Hội Đồng nói rõ : “Các giám mục chớ nên hài lòng với việc sửa trị những lạm dụng, nhưng hãy giải thích rõ ràng cho dân chúng về nền tảng thần học của kỷ luật bí tích và phụng vụ. Giống như trong Giáo Hội thời sơ khai, các buổi giáo lý ngày nay cần phải trở thành con đường dẫn vào đời sống phụng vụ (giáo lý khai tâm). Các linh mục tương lai hãy học hỏi bằng cách thực hành đời sống phụng vụ và hãy am tường thần học phụng vụ” (II, B, b, 2).

Nếu muốn đánh giá tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống Giáo Hội, và hiểu rõ hơn sự thúc bách phải có sự huấn luyện đích thực về phụng vụ, cần phải đọc Tông thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày ban hành Hiến chế Phụng Vụ (4-12-1988). Đức Giáo Hoàng viết : “Thật cần thiết và xứng hợp, lại phải có một công cuộc huấn luyện kỹ càng để khám phá sự phong phú hàm chứa trong phụng vụ hiện nay”, theo hướng đào sâu tất cả những gì phụng vụ đem đến (s.14). Về phía các giám mục, Đức Giáo Hoàng yêu cầu các vị phải đặc biệt “Khai triển nét đẹp và sự cao quý của việc cử hành phụng vụ cũng như các nơi chốn phụng vụ” (s.21).

Tập sách này mong muốn góp phần vào việc huấn luyện phụng vụ, không chỉ cho hôm qua hay cho ngày mai.

I. PHẨM GIÁ CÁC MẦU NHIỆM

Để họ được nên một như Chúng Ta là một : Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con.

Trong lời nguyện hiến tế (Ga. 17), Đức Kitô cho thấy ý nghĩa hay cùng đích mà Người đã gán cho cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh, và việc trở về cùng Chúa Cha của mình : Vì họ, con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến (17,19).

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ sự hiệp thông Ba Ngôi ngõ hầu đạt đến sự hiệp thông Giáo Hội, nhờ hiến lễ của Đức Kitô. Toàn thể Giáo Hội, như Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II đã giới thiệu ngay từ đầu “là, trong Đức Kitô, một cách nào đó, bí tích vừa là dấu chỉ vừa là công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (s.1). Sự hiệp nhất của nhân loại chỉ có thể được thực hiện trong sự kết hợp với Thiên Chúa.

Giáo Hội là một mầu nhiệm : một mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Thiên Chúa-Ba Ngôi và nhờ cuộc nhập thể cứu độ của Ngôi Hai. Hai “mầu nhiệm” này gói gọn toàn bộ đức tin Kitô giáo : một trong Ba Ngôi đã làm người như chúng ta, để trong Thiên Chúa, chúng ta được trở thành một trong Ba Ngôi như Người. Nhờ Đức Kitô và Thánh Thần, Giáo Hội từ Ba Ngôi đã đi vào giữa lòng thế giới, để nhờ Đức Kitô và Thánh Thần, Giáo Hội dẫn đưa thế giới đến cùng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chính khi cử hành các mầu nhiệm bí tích, đặc biệt là Thánh thể, “mầu nhiệm đức tin”, Giáo Hội đi vào chính mầu nhiệm của mình và làm cho con người nhận biết mầu nhiệm ấy. Nhiều tài liệu gần đây cho thấy, Huấn quyền trở về với giáo huấn của hai Hiến chế Công Đồng Vaticanô II về Giáo Hội và về Phụng vụ. Những trang sau đây muốn nhấn mạnh: ngày nay, bằng cách nào, Giáo Hội động viên chúng ta cử hành những mầu nhiệm này cách xứng đáng. Những trang viết này chỉ phân tích bản Phúc trình của Thượng hội đồng ngoại thường năm 1985.

Bản Phúc trình của Thượng Hội Đồng ngoại thường năm 1985

Phúc trình của Thượng hội đồng ngoại thường năm 1985 được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng mang tiểu đề : “Trong phụng vụ lời Chúa, Giáo Hội cử hành những mầu nhiệm của Đức Kitô vì ơn cứu độ của nhân loại.” Điều này có nghĩa là, Phụng vụ là tâm điểm của đời sống Giáo Hội : Phụng vụ chính là việc cử hành những mầu nhiệm của Đức Kitô ngõ hầu dẫn đưa tất cả mọi người thấm nhập vào Mầu nhiệm Thiên Chúa.

Bản Phúc trình này làm rõ, bằng cách nào Công Đồng Vaticanô II đã soạn thảo, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, một học thuyết về Giáo Hội dựa trên “sự hiệp thông với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và được thực hiện trong Lời Chúa và các bí tích” (II, C, 1). Chúng ta gặp lại chân lý nền tảng mà chúng ta đang cố gắng làm rõ : nhờ những mầu nhiệm bí tích vốn là tâm điểm của Phụng vụ, chúng ta sẽ bước vào mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mầu nhiệm mà thánh Phaolô đã nói đến, ít nhất ba lần, trong các thư của ngài bằng những từ ngữ mà chúng ta không thể bỏ qua hay không tham chiếu.

Bản văn chính là chương ba của thư gửi tín hữu Êphêxô do thánh Phaolô viết vào cuối đời, trong thời gian ngài bị cầm tù ở Rôma, từ năm 61 đến năm 63. Toàn bộ bức thư được viết bằng một ngôn ngữ rất cô đọng. Những lời mở đầu của bức thư này mà chúng tôi sắp trích dẫn một phần lớn, vị Tông đồ tỏ ra tự hào về hiểu biết của ngài về Mầu nhiệm, nhưng cũng cần nói ngay rằng, sự hiểu biết đó thánh nhân đã được lãnh nhận một cách nhưng không.

“Vì lý do đó, tôi, Phao-lô, người tù của Đức Kitô Giêsu vì anh em, những người dân ngoại… (câu này chưa kết thúc). Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (3,1-12).

Người ta ước lượng khí thế, hứng thú và sự cân bằng của trang viết này : Mầu nhiệm, đó là lời mời gọi tất cả mọi người, cho dù họ là ai chứ không dành riêng cho người Dothái, bước vào Thân thể Chúa Kitô ; vì được kết hợp với Con Thiên Chúa nhập thể, họ có thể tiến lại gần Chúa Cha với tất cả tin tưởng trong sự nhiệt tình của Chúa Thánh Thần.

Trước đó, thánh Phaolô đã kết thúc thư gởi tín hữu Rôma (viết khoảng những năm 57-58) bằng một bài thánh thi về Mầu nhiệm (16,25-27) :

Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen.

Một luồng sáng tương tự toả ra từ thư gởi tín hữu Côlôxê, được viết khoảng cùng thời với thư gởi tín hữu Êphêxô, nghĩa là trong thời gian thánh Phaolô bị cầm tù ở Rôma :

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em : đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại : đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô” (1,24-28).

Tư tưởng của vị Tiến sĩ lương dân rất sáng tỏ : Mầu nhiệm, đó là lời mời gọi toàn bộ con người tháp nhập vào Thân thể Đức Kitô, điều này được hiểu như lời kêu gọi bước vào cùng một vinh quang của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm, đối với thánh Phaolô, đó là Thực tại toàn vẹn của Thiên Chúa và của kế hoạch yêu thương của Người. Thực tại hay sự Viên mãn ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta nhưng được giới thiệu với chúng ta nhờ Đức Kitô và nhờ Hội thánh Người, và chúng ta cần phải ưng thuận với Giáo Hội. Trong Giáo Hội, các tông đồ là những người phân phát các mầu nhiệm để đưa vào trong Mầu nhiệm, theo như lời của thánh Phaolô ngỏ cùng các tín hữu Côrintô : “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1). Vì vậy, các mầu nhiệm dẫn đưa chúng ta vào Mầu nhiệm, nói một cách cụ thể, chiều kích thánh thiêng (“mầu nhiệm”) của Phụng vụ là yếu tố hàng đầu, vì chiều kích này lấy Mầu nhiệm của Đấng Cứu Độ chúng ta để gắn kết chúng ta vào Mầu nhiệm ấy, nghĩa là đặt lên hàng đầu Công trình của Thiên Chúa (Opus Dei trong tu luật của thánh Biển Đức) trong việc cử hành Giao Ước.

Tư tưởng này rất gần gũi với giáo huấn của của Công Đồng Vaticanô II, ngay từ trang đầu tiên của Hiến chế Phụng vụ, chúng ta đọc thấy : “Nhờ phụng vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà ‘công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện’. Phụng vụ góp phần quan trọng giúp các tín hữu, qua cuộc sống của mình, diễn tả và biểu lộ cho những người khác về mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình quy hướng về những thực tại vô hình, hoạt động hướng về chiêm niệm và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm” (s.2).

Nếu các tín hữu, bằng chính đời sống của mình, phải diễn tả và bày tỏ cho thế giới biết về Mầu nhiệm của Đức Kitô, điều đó có nghĩa rằng, họ phải trở thành bí tích của Mầu nhiệm Giao Ước trong Đức Kitô cho thế giới. Chẳng có gì khó để nhận ra sự mạch lạc sâu sắc trong giáo thuyết của Công đồng : Toàn thể Giáo Hội ở “trong Đức Kitô, một cách nào đó, là bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (Lumen gentium, s.1) ; vì lẽ ấy, Giáo Hội là Mầu nhiệm cứu độ. Hiến chế về Phụng vụ xác định rõ rằng, trong Giáo Hội, người tín hữu không thể là bí tích của Mầu nhiệm này nếu họ không tham dự Phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh thể, mà người phương Tây gọi là “Thần vụ” (la divine Liturgie), là nơi mà đỉnh cao là toàn bộ Công trình của Đấng Cứu Độ chúng ta được thực hiện.

Tiếp đến bản văn nói đến đời sống lứa đôi để minh hoạ ấn tích của Giáo Hội, điều này không ngừng được củng cố trong việc tham dự phụng vụ : từ nhân tính đến thần tính, từ thực tại hữu hình đến thực tại vô hình, từ hoạt động đến chiêm niệm, từ đất lên trời ; nhưng thần tính mà Giáo Hội đang cưu mang cũng biến đổi nhân tính, vô hình toả sáng trong Giáo Hội cũng sẽ tỏ hiện trong hữu hình, an bình và sức mạnh của việc chiêm niệm sẽ chuyển sang hành động, sự sống trên thiên quốc hiệp thông với sự sống trần gian. Giáo Hội – bí tích không ngừng chuyển từ bình diện này sang bình diện khác, và đó là Mầu nhiệm của Giáo Hội.

Các nguyên tắc tổng quát của việc canh tân phụng vụ theo mong muốn của Công Đồng (PV s.1) cho thấy một cách rõ ràng rằng, khía cạnh thánh thiêng (mầu nhiệm) chiếm vị trí hàng đầu, vì trong phụng vụ, nếu chỉ nhấn mạnh đến thực tại hữu hình, chúng ta sẽ dừng lại ở bình diện con người (chiều ngang) : nhân tính chỉ có thể tìm thấy toàn bộ tầm vóc của mình trong thiên tính. Một nền phụng vụ bị giản lược đến độ chỉ còn mang yếu tố con người, ít nhiều chỉ cử hành trong cộng đoàn mà lối phụng vụ ấy quy tụ, chứ không phải là Mầu nhiệm của Giao Ước với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Mười ba số đầu tiên của Hiến chế Phụng vụ nhấn mạnh sự kết hợp toàn vẹn giữa nhân tính và thần tính trong các cuộc cử hành phụng vụ theo Kitô giáo. Nhưng trong khi những nguyên tắc này mời gọi hãy thận trọng thì người ta lại nhanh chóng bỏ qua chúng để vội vàng áp dụng : ngôn ngữ phổ thông, đơn giản hoá các nghi thức, sự tham dự tích cực của các tín hữu. Không biết người ta khám phá hương vị thần tính của phụng vụ đến mức nào khi người ta gạt bỏ hết tính chất huyền nhiệm của Mầu nhiệm này.

Bản Phúc trình của Thượng hội đồng ngoại thường năm 1985 cảnh báo chống việc làm “bốc hơi” ý nghĩa huyền nhiệm của phụng vụ : “Việc tham dự tích cực của các tín hữu không chỉ bao gồm trong hoạt động bên ngoài, nhưng hơn thế nữa, còn thể hiện trong việc tham dự nội tâm và tâm linh, việc tham dự sống động và kết sinh hoa trái, vào mầu vượt qua của Đức Giêsu Kitô (x. PV 11). Rõ ràng, phụng vụ phải lưu tâm và làm toả sáng chiều hướng thánh thiêng. Phụng vụ phải chìm đắm trong sự kính cẩn, tôn thờ và tôn vinh Thiên Chúa” (II, B, b, 1).

Nếu quá nhấn mạnh đến việc tham dự tích cực của các tín hữu sẽ nảy sinh nguy cơ chỉ nhắm đến việc tham dự bên ngoài bằng lời nói và cử chỉ. Rõ ràng đây là chiều kích chính yếu của phụng vụ, nhưng một chiều kích khác, chiều kích nội tâm và tâm linh, còn quan trọng hơn nhiều. Việc thúc đẩy hứng thú ca hát, làm gia tăng những cử chỉ biểu cảm, hay tham gia vào nhiều cách khác nhau, sẽ bóp nghẹt lời cầu nguyện nội tâm : phụng vụ không phải là một phiên chợ, cũng chẳng phải là một hoạt động bảo trợ. Chẳng hạn, việc dùng phim đèn chiếu hay dán affiche, hình vẽ của trẻ em ở mặt trước bàn thờ và trên tường nhà thờ không phải là chỗ của chúng trong việc cử hành thánh lễ hay các bí tích. Ngược lại, trước tiên nên lưu tâm đến sự sạch sẽ, tiếp đến là chất lượng của những gì liên quan đến phụng tự : khăn bàn thờ, áo anba, áo lễ, nến. Nên tạo bầu không khí tươi đẹp, trang nhã, chú ý đến sự kín đáo trong việc sử dụng ngôn từ và cử chỉ, và để người ta có thể ca hát trong tĩnh lặng. Có thể nói, tất cả những yếu tố này tạo cảm hứng cho những thái độ nội tâm mà Thượng hội đồng đã đòi hỏi : “Các giám mục chớ nên hài lòng với việc sửa trị những lạm dụng, nhưng hãy giải thích rõ ràng cho dân chúng về nền tảng thần học của kỷ luật bí tích và phụng vụ. Giống như trong Giáo Hội thời sơ khai, các buổi giáo lý ngày nay cần phải trở thành con đường dẫn vào đời sống phụng vụ (giáo lý khai tâm). Các linh mục tương lai hãy học hỏi bằng cách thực hành đời sống phụng vụ và hãy am tường thần học phụng vụ” (II, B, b, 2).

Tiếp bước Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là con người thật, Giáo Hội được trao phó nhiệm vụ khai tâm thật. Thực hiện việc khai tâm, đó là dẫn dắt một người được khai tâm (mustès, trong tiếng Hylạp nghĩa là “người được khai tâm” và agaguéin là “dẫn dắt”). Giáo Hội là người đảm nhận việc khai tâm chính yếu trong phụng vụ : khi cử hành các bí tích khai tâm (thanh tẩy, thêm sức, thánh thể), Giáo Hội dẫn đưa vào Mầu nhiệm Thiên Chúa bằng kinh nghiệm về các mầu nhiệm bí tích.

Chính qua phụng vụ mà các Giáo phụ, như bản Phúc trình của Thượng hội đồng đã nhắc lại, đã để lại lời chứng sống động nhất về ý nghĩa đời sống Kitô hữu của họ : bài giảng của các Giáo phụ là một phần của việc cử hành phụng vụ lời Chúa, trong đó các bài giảng đem lại ý nghĩa và thể hiện tính thời sự (hiện thể tính) ; giáo lý khai tâm của các Giáo phụ hay những lời giải thích các nghi thức bí tích đã dẫn dắt các tín hữu vào tâm điểm của Mầu nhiệm. Với tư cách mục tử và giám mục, các Giáo phụ dẫn đưa người tín hữu đến với các mầu nhiệm và “làm nên” các mầu nhiệm, nhưng các ngài luôn ý thức về quyền năng thần hoá của chính các mầu nhiệm. Lúc đầu, các buổi giáo lý khai tâm chỉ diễn ra sau khi đã lãnh nhận các bí tích khai tâm mà chúng ta đã nói trên đây. Các Giáo phụ biết rõ rằng, người tín hữu được khai tâm vào các mầu nhiệm ít hơn được khai tâm bằng chính các mầu nhiệm.

Và đây là một thí dụ, những lời của thánh Ambrôsiô ngỏ cùng các tân tòng : “Nếu chúng tôi có ý đả động đến ý nghĩa của các bí tích trong khi anh chị em còn chưa được khai tâm, người ta có thể sẽ bảo rằng chúng tôi phản bội hơn là khám phá một truyền thống. Hơn nữa, chính ánh sáng của các mầu nhiệm dễ dàng chiếm lấy những ai chưa chuẩn bị trước hơn những người đã được chuẩn bị trước bằng một sự huấn giáo tầm thường” (De Mysteriis, I, 1).

Rõ ràng, thánh Ambrôsiô không hề có ý khẳng định rằng việc dạy giáo lý dự bị là không cần thiết ; thánh nhân chỉ muốn chứng minh một cách tỏ tường rằng chức năng của ngài có liên quan với vai trò của vị Tiền hô : mở lối cho Đấng ngự đến tự nguyện dâng hiến thân mình cho các tín hữu. Si ignoras, gusta, thánh Augustino mời gọi : “Nếu bạn chưa biết thì hãy trải nghiệm đi” (En. in Tv 33,12 ; PL 36, 315).

Chúng tôi vừa trích dẫn thánh Ambrôsiô và thánh Âutinh, nhưng các bản giáo lý khai tâm danh tiếng nhất lại của các Giáo phụ Hylạp : Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, Theodore de Mopsueste và thánh Mácximô hiển tu.

Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, chỉ có thể nuôi dưỡng nhu cầu của mình và ý thức về linh thánh của mình nếu như các mục tử chú tâm khắc sâu điều ấy vào tâm hồn họ, điều được thực hiện nhờ phẩm chất các cử hành mà các vị chủ toạ. Nhưng điều này giả thiết các linh mục phải được huấn luyện sâu xa về thần học và việc thực hành phụng vụ ; từ đó nảy sinh nhu cầu huấn luyện phụng vụ. Bản văn của Thượng Hội Đồng dường như nói rõ ràng, ngay từ trong chủng viện, điều quan trọng nhất là thực hành các cử hành đơn giản và trang trọng, tại đó các linh mục tương lai học để hiểu biết và thưởng nếm công trình của Giáo Hội là nguồn mạch và đỉnh cao cho mọi hoạt động của mình. Cũng tại đó, việc đi vào Mầu nhiệm được thực hiện qua việc thi hành các mầu nhiệm : nhờ sự tham dự cả bên trong lẫn bên ngoài, cả tinh thần lẫn thể xác, vào những cử hành khác nhau, các chủng sinh dần dần hiểu rõ công trình phụng vụ của Thiên Chúa, điều mà các giảng khoá thần học về phụng vụ sẽ đào sâu sau đó.

Khi Hiến chế Phụng Vụ được áp dụng theo đúng nghĩa chân thực và trong lý luận hỗ tương, hoa trái của việc canh tân phụng vụ sẽ rất phong phú : giản dị, đẹp đẽ, sâu sắc, hiểu biết các nghi thức, tiếp cận với các bản văn Thánh Kinh được chọn lựa kỹ càng…

Vì thế, cần phải tạ ơn Thiên Chúa, như phần kết luận của bản Phúc Trình : Vào cuối hội nghị này, Thượng Hội Đồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, vì ân huệ lớn lao nhất trong thế kỷ này, đó là Công Đồng Vaticanô II.

Với điều kiện để biết, để hiểu, cảm nhận và áp dụng điều Công Đồng muốn, được quyền giáo huấn giải thích, thì Thượng Hội Đồng chắc chắn là một cơ quan được quyền công bố, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.