Những Văn Kiện Đời Tu (Tập 1) – Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, P.3

0
2208

CHƯƠNG II
SIGNUM FRATERNITATIS

ĐỜI THÁNH HIẾN,
DẤU CHỈ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI

—————

I. NHỮNG GIÁ TRỊ THƯỜNG HẰNG

Theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi

41. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giê-su đã kêu gọi những ai Người muốn, để giữ họ lại bên Người và chuẩn bị cho họ theo gương Người sống cho Chúa Cha và cho sứ mạng Người đã nhận lãnh (x. Mc 3,13-15). Như vậy, Người đã tạo ra gia đình mới, gia đình sẽ quy tụ qua dòng thời gian hết những ai sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mc 3,32-35). Sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ ân ban Thánh Thần, một cộng đoàn huynh đệ đã thành hình quanh các Tông Đồ, họ tụ họp lại để ca ngợi Thiên Chúa và sống kinh nghiệm hiệp thông cụ thể (x. Cv 2,42-47 ; 4,32-35). Đời sống của cộng đoàn này, và hơn nữa, kinh nghiệm của Nhóm Mười Hai đã chia sẻ mọi sự với Đức Ki-tô, luôn luôn là khuôn mẫu cảm hứng cho Giáo Hội mỗi khi Giáo Hội muốn sống với lòng sốt sắng của thời nguyên thuỷ và kín múc thêm sức lực Tin Mừng cho cuộc hành trình của mình trong lịch sử (86).

Trong thực tế, Giáo Hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, đoàn dân được kết hiệp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (87). Đời sống huynh đệ nhằm phản ánh chiều sâu và sự phong phú của mầu nhiệm này, bằng cách tạo ra một nơi cư ngụ cho Thiên Chúa Ba Ngôi giữa môi trường nhân loại, nhằm tiếp tục đưa vào lịch sử những ân huệ hiệp thông mà chỉ duy Ba Ngôi Thiên Chúa mới có. Trong đời sống Giáo Hội hẳn có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa. Khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống cho” Thiên Chúa và sống bởi” Thiên Chúa, và chính vì thế, họ có thể tuyên xưng quyền năng hoà giải của ân sủng, là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ nằm trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội.

Đời sống huynh đệ trong tình yêu

42. Đời sống huynh đệ, hiểu như là một đời sống chia sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Giáo Hội. Nó được vun trồng kỹ càng trong các dòng tu và các tu đoàn tông đồ, những nơi mà đời sống cộng đoàn mang một ý nghĩa đặc biệt (88). Nhưng chiều kích hiệp thông huynh đệ cũng không thiếu nơi những tu hội đời, hoặc những hình thái cá nhân của đời thánh hiến. Các ẩn sĩ lắng chìm trong cô tịch không đứng ngoài sự hiệp thông Giáo Hội, nhưng họ phục vụ sự hiệp thông này bằng đoàn sủng chiêm niệm chuyên biệt của họ ; các trinh nữ tận hiến giữa đời sống ơn thánh hiến của họ trong mối tương quan đích thực hiệp thông với Giáo Hội địa phương và phổ quát. Điều này cũng đúng với các quả phụ và người goá vợ được thánh hiến.

Khi sống thân phận làm môn đệ theo Tin Mừng, tất cả những con người ấy dấn thân thực thi điều răn mới” của Chúa, bằng cách yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Tình yêu đã đưa Đức Ki-tô đến trao hiến thân mình, hy sinh tận cùng trên thập giá. Giữa các môn đệ cũng thế, không có sự hiệp nhất đích thực nếu không có tình yêu hỗ tương vô điều kiện ấy, một tình yêu đòi hỏi phải sẵn sàng phục vụ không tính toán, sẵn sàng đón tiếp người khác dù họ thế nào đi nữa, không xét đoán” họ (x. Mt 7,1-2), có khả năng tha thứ dù cả tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Những người tận hiến, hợp nhau nên một lòng một ý” (Cv 4,32) nhờ tình yêu đã được Chúa Thánh Thần đổ chan hoà vào trong các tâm hồn (x. Rm 5,5), cảm thấy trong lòng yêu sách là đặt mọi sự làm của chung : những tài sản vật chất và những kinh nghiệm thiêng liêng, những tài năng và những cảm hứng, kể cả những lý tưởng tông đồ và việc phục vụ bác ái : Trong đời sống cộng đoàn, sức mạnh Thánh Thần tác động trong một người, thì cũng được chuyển thông cho hết mọi người […]. Mỗi người không những chỉ được hưởng những ân ban riêng cho mình nhưng còn gia tăng chúng lên bằng cách thông chia với những người khác, và như thế mỗi người được hưởng những ân huệ của kẻ khác như là những ân huệ của chính mình” (89).

Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa phục sinh (x. Mt 18,20) (90). Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giê-su Ki-tô (x. 1 Ga 1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ. Nhờ Thánh Thần, các cộng đoàn sống đời thánh hiến được hướng dẫn trong nỗ lực chu toàn sứ mạng của họ, là phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại theo linh ứng nguyên thuỷ của mình .

Trong viễn tượng này, các tu nghị” toàn dòng, hoặc các tu nghị” riêng (hoặc các cuộc hội họp tương tự), mang một tầm quan trọng đặc biệt ; trong những buổi họp đó, mỗi tu hội được kêu gọi bầu chọn những bề trên, thể theo những quy tắc được hiến chương xác định, và biện phân, dưới ánh sáng của Thánh Thần, những hình thái nào tốt nhất để bảo tồn và thích nghi đoàn sủng và gia sản thiêng liêng riêng của mỗi tu hội cho hợp với những hoàn cảnh xã hội và văn hoá khác nhau (91).

Trách nhiệm của quyền bính

43. Trong đời thánh hiến, vai trò của các bề trên nam nữ, trung ương cũng như địa phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với sứ vụ. Trong những năm thử nghiệm và thay đổi gần đây, đôi khi người ta cảm thấy cần kiểm điểm về chức năng này. Nhưng phải nhìn nhận rằng những người hành sử quyền bính không thể từ khước bổn phận của họ, là những người hữu trách đầu tiên trong cộng đoàn giữ vai trò hướng dẫn anh chị em trên con đường thiêng liêng và tông đồ.

Trong những khung cảnh quá nặng chủ nghĩa cá nhân, không dễ gì giúp người ta nhìn nhận và đón tiếp vai trò quyền bính phải có nhằm mưu ích cho mọi người. Dù vậy, phải tái khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ này, rất cần thiết để củng cố sự hiệp thông huynh đệ, và để đừng cho lời khấn vâng phục trở nên vô nghĩa. Nếu quyền bính trước hết phải có tính huynh đệ và thiêng liêng, và do đó, nếu những ai giữ quyền bính phải biết dùng đối thoại để đưa anh chị em mình vào trong tiến trình quyết định, thì cũng nên nhớ rằng, lời nói cuối cùng thuộc về quyền bính, và sau đó quyền bính có nhiệm vụ giúp người ta tôn trọng những điều đã quyết định (92).

Vai trò của những người cao niên

44. Việc chăm sóc những người già cả bệnh tật mang tầm quan trọng trong đời sống huynh đệ, nhất là vào thời đại chúng ta, khi tại một số miền trên thế giới, con số những người tận hiến cao niên ngày càng gia tăng. Họ đáng được trân trọng và ân cần săn sóc không phải chỉ vì do một bổn phận công bằng bác ái và do lòng tri ân, nhưng những cử chỉ đó muốn diễn tả niềm xác tín là chứng tá của những vị cao niên rất có ích cho Giáo Hội và tu hội, và sứ mạng của họ vẫn còn đáng giá và đầy công đức, cho dù vì tuổi tác và bệnh tật, họ đã phải rời bỏ việc làm. Chắc chắn các vị đó có nhiều kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm để cống hiến cho cộng đoàn, nếu cộng đoàn biết gần gũi, ân cần săn sóc họ và lắng nghe họ.

Trong thực tế, sứ mạng tông đồ, trước khi là hoạt động, phải là một chứng tá phó thác toàn thân cho ý muốn cứu độ của Chúa, kín múc nơi những nguồn mạch của kinh nguyện và sám hối. Do đó những người cao niên có thể được kêu mời sống ơn gọi của họ theo nhiều cách : chuyên cần cầu nguyện, kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh, sẵn sàng phục vụ trong tư cách linh hướng, cha giải tội hoặc hướng dẫn cầu nguyện (93).

Theo hình ảnh cộng đoàn tông đồ

45. Đời sống huynh đệ là một yếu tố cơ bản trong hành trình thiêng liêng của những người tận hiến, để họ tự canh tân thường xuyên và để họ hoàn tất trọn vẹn sứ mạng của họ trong thế giới. Xác tín này dựa trên những nền tảng thần học, và đã được chính kinh nghiệm củng cố. Vậy tôi khuyến khích những người tận hiến hãy nhiệt thành vun trồng đời sống huynh đệ, theo gương các Ki-tô hữu tiên khởi Giê-ru-sa-lem, chuyên cần trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, cầu nguyện chung, tham dự bí tích Thánh Thể, chia sẻ của cải vật chất và thiêng liêng (x. Cv 2,42-47). Tôi đặc biệt khuyến khích các thành viên của các tu đoàn tông đồ, hãy sống cho trọn tình yêu hỗ tương, diễn tả tình yêu ấy theo cách phù hợp với bản tính của mỗi tu hội, ngõ hầu mỗi cộng đoàn là một dấu chỉ sáng ngời của thành Giê-ru-sa-lem mới, nhà của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại” (Kh 21,3).

Toàn thể Giáo Hội trông chờ nhiều nơi chứng tá của các cộng đoàn tràn ngập niềm hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13,52). Giáo Hội ước muốn giới thiệu cho thế giới gương sáng của những cộng đoàn, trong đó việc quan tâm giúp đỡ nhau giúp vượt thắng cảnh cô đơn. Sự thông hảo thúc đẩy mỗi người cảm thấy đồng trách nhiệm, sự tha thứ giúp hàn gắn những vết thương, và quyết tâm sống hiệp thông của mỗi người được kiện toàn. Trong các cộng đoàn như vậy, bản chất các đoàn sủng đang điều động các năng lực, nâng đỡ lòng trung thành và hướng dẫn công việc tông đồ của mọi người nhắm tới một sứ mạng duy nhất. Để giới thiệu cho nhân loại hôm nay gương mặt đích thực của mình, Giáo Hội thực sự cần có những cộng đoàn huynh đệ như thế ; bằng chính cuộc sống của mình, họ đang góp phần vào công cuộc tái tuyền giảng Tin Mừng, bởi vì họ đang cho thấy cách cụ thể những hoa trái của điều răn mới”.

Sentire cum Ecclesia : Đồng cảm với Giáo Hội

46. Một nhiệm vụ quan trọng được giao phó cho đời sống thánh hiến, dưới ánh sáng của đạo lý về Giáo Hội xét như là hiệp thông đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định. Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông (94), như những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa” (95). Cảm thức về hiệp thông trong Giáo Hội, khi trở thành linh đạo hiệp thông, cổ võ một lối suy nghĩ, nói năng và hành động giúp cho Giáo Hội tiến về chiều sâu và chiều rộng. Quả thật, đời sống hiệp thông trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin vào Đức Ki-tô […]. Như thế, sự hiệp thông đưa tới sứ vụ, và biến thành sứ mạng, hoặc đúng hơn “sự hiệp thông sinh ra sự hiệp thông và chủ yếu của nó là hiệp thông sứ vụ” (96).

Các đấng sáng lập dòng luôn tỏ ra một cảm thức nhạy bén về Giáo Hội, cảm thức này được biểu lộ bằng việc họ tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội trong mọi chiều kích và bằng sự vâng phục mau mắn đối với các vị mục tử, đặc biệt với Đức thánh cha Rô-ma. Chính vì tình yêu đối với Hội Thánh, cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1 Tm 3,15), mà ta hiểu được lòng sùng kính của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di đối với ngài giáo hoàng” (97), sự táo bạo đầy tình con thảo của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na đối với đấng mà nữ thánh gọi là Đức Ki-tô hiền lành trên mặt đất” (98), lòng vâng phục tông đồ và đồng cảm với Giáo Hội, sentire cum Ecclesia, của thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la (99), việc hân hoan tuyên xưng đức tin của thánh Tê-rê-xa Giê-su : Tôi là con của Giáo Hội” (100). Chúng ta cũng có thể hiểu được ước ao mãnh liệt của thánh Tê-rê-xa Lisieux : Trong lòng Giáo Hội, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu…” (101). Những chứng từ này nói lên sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội mà các thánh nam nữ, các đấng sáng lập dòng, đã sống vào những thời đại và trong những hoàn cảnh khác nhau và thường rất khó khăn. Đó là những gương sáng mà những người tận hiến phải thường xuyên quy chiếu, để kháng cự lại những sức ly tâm và huỷ hoại đang hoành hành ngày nay.

Một khía cạnh nổi bật của sự hiệp thông với Giáo Hội là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với huấn quyền của các giám mục ; tất cả những người tận hiến, đặc biệt những ai dấn thân trong công việc nghiên cứu thần học, trong việc giảng dạy, trong việc xuất bản sách vở, trong huấn giáo, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (102), phải nghiêm chỉnh thi hành và minh chứng rõ ràng điều này trước mắt Dân Thiên Chúa. Bởi vì những người tận hiến giữ một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, cho nên thái độ của họ đối với huấn quyền có một tầm quan trọng lớn trước toàn thể Dân Thiên Chúa. Chứng tá của lòng mến yêu hiếu thảo của họ mang lại sức mạnh và sinh khí cho hoạt động tông đồ của họ. Trong khuôn khổ của sứ mạng ngôn sứ chung cho hết mọi tín hữu, đặc điểm chung của hoạt động tông đồ là những hình thức hợp tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm (103). Như thế, với những đoàn sủng phong phú, các người tận hiến giúp Giáo Hội thể hiện ngày một sâu xa hơn bản tính của mình là bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (104).

Tình huynh đệ trong Giáo Hội phổ quát

47. Những người tận hiến được kêu gọi trở thành chất men hiệp thông sứ vụ trong Giáo Hội phổ quát, vì các đoàn sủng khác nhau của các tu hội khác nhau được Chúa Thánh Thần ban cho là để mưu ích cho toàn Nhiệm Thể, nên họ phải phục vụ công việc xây dựng Nhiệm Thể (x. 1 Cr 12,4-11). Theo lời thánh Tông Đồ, con đường trổi vượt hơn cả” (1 Cr 12,31), điều cao trọng hơn cả” (1 Cr 13,13) là đức mến, vì đức mến dung hoà mọi khác biệt, thúc đẩy mọi người nâng đỡ nhau để hăng hái dấn thân trong công việc tông đồ. Chính là để đạt tới lòng mến mà đời thánh hiến dưới nhiều hình thức khác nhau và các tu đoàn tông đồ, muốn được liên kết trong tình hiệp thông đặc biệt với đấng kế vị thánh Phê-rô trong tác vụ kiến tạo sự hiệp nhất và thúc đẩy công cuộc truyền giáo phổ quát. Lịch sử linh đạo cho thấy mối liên kết này đã có một vai trò quan phòng trong việc bảo đảm chân tính đời thánh hiến và phát triển công cuộc loan báo Tin Mừng. Như các nghị phụ Thượng hội đồng đã nhận xét, nếu không có sự đóng góp của các tu hội tận hiến và các tu đoàn tông đồ, thì khó mường tượng được làm sao Tin Mừng có thể được phổ biến rộng rãi, Giáo Hội bén rễ vững chắc tại nhiều nơi trên thế giới, làm sao có được mùa xuân Ki-tô giáo nở rộ tại các Giáo Hội trẻ như vậy. Qua các thời đại, các tu hội giữ vững sự hiệp thông với các đấng kế vị thánh Phê-rô, và các ngài luôn tìm gặp nơi họ những người quảng đại mau mắn tận tuỵ truyền giáo và sẵn sàng hy sinh đến mức anh hùng khi hoàn cảnh đòi hỏi.

Như thế có thể thấy rõ đặc tính phổ quát và hiệp thông của các tu hội tận hiến và các tu đoàn tông đồ. Do bản tính không bị ràng buộc vào một giáo phận, dựa trên tương quan đặc biệt với tác vụ của thánh Phê-rô, họ cũng sẵn sàng phục vụ công cuộc hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương (105) ; nhờ khả năng cổ võ hữu hiệu việc trao đổi các ân sủng” và góp phần vào việc hội nhập Tin Mừng vào văn hoá, nhờ vậy các giá trị phong phú của các dân tộc được Phúc Âm thanh lọc, đánh giá và hấp thụ (106). Ngày nay, trong các Giáo Hội trẻ, hiện tượng nở rộ các ơn gọi đời thánh hiến cho thấy rằng đời thánh hiến diễn tả được những khát vọng của các dân tộc và các nền văn hoá khác biệt trong sự duy nhất của Giáo Hội Công Giáo.

Đời thánh hiến và Giáo Hội địa phương

48. Giữa lòng các Giáo Hội địa phương, những người tận hiến cũng có một vai trò đầy ý nghĩa. Khởi đi từ đạo lý của Công Đồng về Giáo Hội như hiệp thông và mầu nhiệm, về các Giáo Hội địa phương như là những phần của Dân Thiên Chúa trong đó Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Đức Ki-tô hiện diện và hành động thực sự” (107), sự kiện này đã được đào sâu và quy định thành luật trong nhiều văn kiện. Các bản văn này nêu rõ tầm quan trọng cơ bản của sự cộng tác giữa những người tận hiến với các giám mục, để phát triển hài hoà công việc mục vụ giáo phận. Các đoàn sủng của đời thánh hiến có thể góp phần đắc lực vào việc xây dựng đức mến trong Giáo Hội địa phương.

Quả vậy, những hình thái đa dạng của việc sống các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ và kết tụ các ân huệ thiêng liêng mà các đấng sáng lập nam nữ đã nhận được. Như vậy, các hình thái ấy làm nên “một cảm nghiệm Thần Khí được trao lại cho các đồ đệ để họ sống, gìn giữ, đào sâu, triển khai thường xuyên hoà nhịp với Thân Thể Đức Ki-tô đang tăng tưởng không ngừng” (108). Bản sắc của mỗi tu hội bao hàm một linh đạo và hoạt động tông đồ riêng, quy định dần dần trong một truyền thống nhất định, với những yếu tố khách quan (109). Theo chiều hướng này, Giáo Hội quan tâm lo cho các tu hội được tăng trưởng và phát triển trong sự trung thành với tinh thần của các đấng sáng lập và với những truyền thống lành mạnh của họ (110).

Do đó, mỗi tu hội vẫn có một quyền tự trị chính đáng, nhờ vậy họ có thể duy trì một kỷ luật riêng và bảo toàn một gia sản thiêng liêng và tông đồ. Các đấng bản quyền có bổn phận bảo toàn và che chở quyền tự trị này (111). Vậy các giám mục được yêu cầu đón tiếp và trân trọng các đoàn sủng của đời thánh hiến, dành cho chúng một chỗ trong các kế hoạch mục vụ giáo phận. Các ngài phải đặc biệt quan tâm đến các tu hội thuộc quyền giáo phận, được giao phó cho giám mục sở tại chăm sóc đặc biệt. Một giáo phận không có đời thánh hiến hẳn sẽ thiếu mất nhiều ân huệ thiêng liêng, thiếu những nơi dành cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu những hoạt động tông đồ và những phương pháp mục vụ chuyên biệt ; hơn nữa giáo phận ấy có thể suy yếu đi rất nhiều bởi thiếu vắng tinh thần truyền giáo là đặc trưng của đa số các tu hội (112). Vậy cần biết đón nhận hồng ân đời thánh hiến mà Thánh Thần khơi lên trong Giáo Hội địa phương, bằng cách quảng đại tiếp nhận với tâm tình quảng đại và tri ân.

Hiệp thông phong phú và quy mô trong Giáo Hội

49. Giám mục là cha và mục tử của toàn thể Giáo Hội địa phương. Người có nhiệm vụ nhìn nhận và tôn trọng những đoàn sủng khác biệt, thăng tiến và phối hợp chúng. Vậy trong tình bác ái mục vụ, người phải đón tiếp đoàn sủng đời thánh hiến như một ân huệ, không phải chỉ liên hệ đến một tu hội, mà còn có lợi cho toàn thể Giáo Hội. Như thế người phải tìm cách nâng đỡ và trợ giúp những người tận hiến, hầu họ sống hiệp thông với Giáo Hội, mở ra những viễn tượng thiêng liêng và mục vụ đáp ứng những đòi hỏi của thời đại chúng ta, mà vẫn trung thành với đoàn sủng sáng lập của họ. Phần họ, những người tận hiến đừng quên quảng đại cộng tác với Giáo Hội địa phương, tuỳ theo sức lực của họ và tôn trọng đoàn sủng của họ, hoạt động trong tinh thần hiệp thông trọn vẹn với giám mục ở các lãnh vực truyền giảng Phúc Âm, huấn giáo, sinh hoạt giáo xứ.

Nên nhắc lại rằng khi điều phối việc phục vụ Giáo Hội phổ quát với việc phục vụ Giáo Hội địa phương, các tu hội không thể nại đến quyền tự trị chính đáng của mình, và thậm chí quyền miễn trừ (113) mà nhiều tu hội được hưởng, để biện minh cho những chọn lựa đi ngược lại những đòi hỏi của sự hiệp thông hữu cơ cần thiết cho đời sống lành mạnh của Giáo Hội. Ngược lại, phải làm sao cho các sáng kiến mục vụ của những người tận hiến được quyết định và thực hành trong một cuộc đối thoại thân ái và cởi mở giữa các giám mục và các bề trên của các tu hội khác nhau. Thái độ quan tâm của các giám mục đối với ơn gọi và sứ mạng của các tu hội và thái độ kính trọng của các tu hội đối với thừa tác vụ của các giám mục, được diễn tả qua việc mau mắn đón nhận những chỉ thị cụ thể về mục vụ giáo phận, diễn tả hai hình thái liên kết chặt chẽ của một đức ái duy nhất trong Giáo Hội, đức ái đòi hỏi mỗi bên phải phục vụ sự hiệp thông hữu cơ – vừa mang tính đoàn sủng, vừa được kết cấu theo phẩm trật – của toàn Dân Thiên Chúa.

Liên lỉ đối thoại nhờ đức ái linh hoạt

50. Việc đối thoại liên lỉ giữa các bề trên các hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ với các giám mục là điều rất hữu ích. Hiểu biết nhau là điều kiện cần thiết để hợp tác hữu hiệu, nhất là trong lãnh vực mục vụ. Nhờ các cuộc trao đổi thường xuyên như vậy, các bề trên nam nữ có thể thông báo cho các giám mục biết những dự án tông đồ mình đang nhắm đến trong các giáo phận của các ngài, để cùng đi tới những thoả thuận cần thiết cho việc thực hiện. Cũng thế, nên mời những đại biểu của các Hiệp hội các bề trên nam nữ thượng cấp tham dự các cuộc họp của Hội đồng giám mục và ngược lại, nên mời những đại biểu của các Hội đồng giám mục tham dự các Hội nghị của bề trên nam nữ thượng cấp, dựa theo những thể thức cần được xác định. Trong viễn tượng đó, một điều rất có lợi là thành lập – tại những nơi nào chưa có – những uỷ ban hỗn hợp gồm các giám mục và các bề trên thượng cấp ở bình diện quốc gia (114), để làm việc và sẽ cùng nhau cứu xét những vấn đề đem lại lợi ích chung. Cũng vậy, nhằm phát động việc hiểu biết giữa đôi bên, nên đưa thần học và linh đạo đời thánh hiến vào chương trình thần học của các linh mục giáo phận, cũng như nên tiên liệu trong chương trình huấn luyện những người tận hiến việc nghiên cữu kỹ càng nền thần học Giáo Hội địa phương và linh đạo giáo sĩ giáo phận (115).

Sau cùng, thật là an ủi khi nhắc lại rằng tại Thượng hội đồng đã có nhiều tham luận về đạo lý hiệp thông, và người ta vui sướng chứng kiến các giám mục và các nam nữ tu sĩ hiện diện đã đối thoại với nhau trong một bầu không khí tin tưởng và cởi mở. Ước gì kinh nghiệm thiêng liêng này, về hiệp thông và cộng tác, được mở rộng ra toàn thể Giáo Hội (116), cả sau phiên họp Thượng hội đồng nữa. Đó cũng là nguyện vọng của tôi : mong sao mọi người tấn tới trong thái độ hiệp thông và linh đạo hiệp thông.

Tình huynh đệ trong một thế giới chia rẽ và bất công

51. Giáo Hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt : đó là phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng đồng Giáo Hội và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ. Được tháp nhập vào trong những xã hội của thế giới, – những xã hội thường bị cày xới bởi những đam mê và quyền lợi xung đột nhau, đang khao khát hiệp nhất nhưng lại ngập ngừng về những đường lối phải theo -, các cộng đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ và văn hoá lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành những dấu chỉ chứng minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có thể hài hoà được nhờ có hiệp thông.

Các cộng đoàn sống đời thánh hiến được sai đi để qua chứng tá đời sống, loan báo giá trị của tình huynh đệ Ki-tô giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng (117), nhìn nhận mỗi người là con cái Thiên Chúa, và thúc đẩy đi tới tình yêu dâng hiến đối với hết mọi người, cách riêng với những người thấp kém nhất. Các cộng đoàn này là những nơi sống niềm hy vọng và khám phá ra các mối phúc, những nơi mà tình yêu được bồi dưỡng nhờ kinh nguyện, nguồn hiệp thông, được kêu gọi trở thành khuôn mẫu của cuộc sống và nguồn mạch niềm vui.

Vào thời đại chúng ta, với đặc điểm là các vấn đề mang tính toàn cầu và các thần tượng của chủ nghĩa quốc gia lại xuất hiện, các tu hội quốc tế có trách nhiệm đặc biệt là duy trì cảm thức về sự hiệp thông giữa các dân tộc, các màu da, các nền văn hoá, và làm chứng về các điều đó. Trong một bầu khí huynh đệ, thái độ cởi mở với chiều kích toàn cầu của các vấn đề sẽ không bóp nghẹt những nét phong phú địa phương, và việc khẳng định một sắc thái địa phương không xung khắc với các sắc thái khác hoặc với sự hiệp nhất. Các tu hội quốc tế có thể thực hiện điều đó cách hữu hiệu, bởi vì chính họ phải chấp nhận thách đố hội nhập văn hoá bằng cách vừa chứng tỏ có óc sáng tạo vừa vẫn bảo toàn được căn tính của mình.

Hiệp thông giữa các tu hội khác nhau

52. Các mối quan hệ thiêng liêng huynh đệ và sự cộng tác giữa các hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ khác nhau được củng cố và nuôi dưỡng bởi cảm thức về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo Đức Ki-tô – sequela Christi – và được thúc đẩy bởi cùng một Thánh Thần, không thể nào không biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin Mừng tình yêu, như là những cành của một Cây Nho duy nhất. Khi nhắc lại gương các đấng lập dòng nam nữ, lúc còn sống ở trần gian, đã kết thân với nhau trong một tình bạn thiêng liêng mà vẫn trung thành với bản tính của tu hội mình, thì những người tận hiến cũng được kêu mời sống trong một tình huynh đệ gương mẫu, có sức khích lệ các thành phần khác nhau trong Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng trong việc dấn thân hằng ngày.

Lời của thánh Bê-na-đô về các hội dòng khác nhau vẫn luôn luôn mang tính hiện đại : Tôi thán phục tất cả các dòng […]. Tôi thuộc về một trong các dòng đó do kỷ luật, nhưng thuộc về tất cả do đức mến. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau : điều thiện hảo thiêng liêng mà tôi không có, hay không chiếm hữu, thì tôi nhận được từ những dòng khác […]. Trong cuộc lưu đày này, khi mà Giáo Hội còn đang lữ hành, có thể nói rằng tính duy nhất của Giáo Hội thì đa dạng và tính đa dạng của Giáo Hội thì duy nhất […]. Và tất cả những khác biệt của chúng ta, biểu lộ các ân huệ phong phú của Thiên Chúa, sẽ còn tồn tại trong nhà Cha, vì nơi đây có nhiều chỗ ở. Ngày nay thì có sự phân phối các ân sủng, ngày ấy sẽ có sự phân biệt các vinh dự. Sự hiệp nhất, ở dưới thế này cũng như ở trên đó, là do cùng một đức mến” (118).

Các cơ quan điều phối

53. Những Hiệp hội bề trên nam nữ thượng cấp và Hiệp hội các tu hội đời có thể góp phần đáng kể vào sự hiệp thông. Được Công Đồng Va-ti-ca-nô II (119) và các văn kiện sau này (120) khích lệ và ra những quy tắc, các cơ quan ấy có mục tiêu chính là cổ võ đời sống thánh hiến tháp nhập vào toàn thể sứ mạng của Giáo Hội.

Do trung gian các Hiệp hội kể trên, các tu hội biểu lộ sự hiệp thông giữa các tu hội và tìm kiếm những phương tiện để củng cố sự hiệp thông này mà vẫn tôn trọng và nêu bật giá trị các đặc điểm riêng của những đoàn sủng khác nhau, phản ánh mầu nhiệm Giáo Hội và sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa (121). Tôi khuyến khích các tu hội tận hiến cộng tác với nhau, nhất là tại những quốc gia vì gặp những khó khăn riêng, nên dễ bị cám dỗ co quắp lại chính mình, làm hại cho chính đời thánh hiến và cho Giáo Hội. Trái lại, họ phải giúp nhau tìm hiểu chương trình của Thiên Chúa trong những thăng trầm hiện tại của lịch sử (122), hầu đáp trả trọn vẹn hơn bằng những sáng kiến tông đồ thích hợp. Trong viễn tượng hiệp thông và cởi mở trước những thách đố của thời đại chúng ta, các bề trên nam nữ, trong khi làm việc hài hoà với hàng giám mục”, hãy biết sử dụng những cộng sự viên khá nhất của mỗi tu hội và hãy tạo ra những chương trình không chỉ nhằm giải quyết những giới hạn tạm thời mà còn nhằm tạo ra một kiểu huấn luyện đời thánh hiến cho có phẩm chất” (123).

Tôi mời các Hiệp hội bề trên nam nữ thượng cấp tìm cách tiếp xúc thường xuyên và đều đặn với Bộ hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, để biểu lộ sự hiệp thông của họ với Toà Thánh. Cũng nên duy trì những quan hệ tích cực và tin tưởng với các Hội đồng giám mục của mỗi quốc gia. Trong tinh thần của văn kiện “Các liên hệ hỗ tương”, Mutuae relationes, nên thiết lập một hình thức liên hệ bền vững, ngõ hầu có thể duy trì một sự điều phối thường xuyên và thích hợp mỗi khi nảy ra sáng kiến mới. Nếu kiên trì làm đúng những điều này trong tinh thần gắn bó trung thành với các chỉ thị của Huấn quyền, thì các cơ quan điều phối và hiệp thông sẽ rất hữu ích, giúp tìm ra những giải pháp tránh được bao hiểu lầm và căng thẳng cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành (124) : Như vậy các cơ quan ấy sẽ góp phần vào việc phát huy sự hiệp thông giữa các hội dòng tận hiến và các giám mục, cũng như vào việc hoàn tất chính sứ mạng của các Giáo Hội địa phương.

Hiệp thông và cộng tác với các giáo dân

54. Vào những năm gần đây, đạo lý về Giáo Hội là hiệp thông đã giúp hiểu rõ hơn rằng các thành phần khác nhau trong Giáo Hội có thể và phải hiệp lực, trong tinh thần cộng tác và trao đổi các ân huệ, để tham gia hữu hiệu hơn vào sứ mạng Giáo Hội. Chúng ta sẽ có một hình ảnh đúng đắn và đầy đủ hơn về Giáo Hội, và nhất là chúng ta sẽ vững mạnh hơn để giải đáp những thách đố lớn của thời đại chúng ta, nhờ sự góp phần hài hoà của các ân huệ khác nhau.

Đối với các dòng đan tu và chiêm niệm, mối quan hệ với các giáo dân chủ yếu nằm ở bình diện thiêng liêng, còn đối với các tu hội dấn thân vào việc tông đồ thì mối quan hệ ấy được diễn tả qua sự hợp tác mục vụ. Những thành viên các tu hội đời, giáo dân hoặc giáo sĩ, duy trì những quan hệ với các tín hữu khác, trong những hình thức thông thường của cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, nhiều tu hội, thường là do những hoàn cảnh mới, xác tín rằng đoàn sủng của họ có thể được chia sẻ với giáo dân ; do đó, các giáo dân được mời gọi tham dự nhiều hơn vào linh đạo và sứ mạng của chính tu hội. Ta có thể nói rằng, dựa trên kinh nghiệm lịch sử tựa như kinh nghiệm của các dòng ba hoặc huynh đoàn giáo dân khác nhau, một chương mới, đầy hy vọng, đang được mở ra về những tương quan giữa những người tận hiến và giáo dân.

Để đi tới một năng động thiêng liêng và tông đồ mới mẻ

55. Những kinh nghiệm mới về hiệp thông và cộng tác này đáng được khuyến khích vì nhiều lý do. Thật vậy, tiên vàn chúng giúp phổ biến linh đạo đưa tới hoạt động vượt qua biên giới của tu hội : nhờ đó mà tu hội có thêm nhân lực mới, có thể bảo đảm tiếp tục trong Giáo Hội những sinh hoạt tiêu biểu của tu hội. Một hiệu quả nữa rất tích cực là những người tận hiến và giáo dân sẽ dễ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, dựa trên sứ mạng của tu hội ; nhờ gương thánh thiện của những người tận hiến, giáo dân sẽ có kinh nghiệm trực tiếp về tinh thần của các lời khuyên Phúc Âm, và được khích lệ sống và làm chứng cho tinh thần các mối phúc (125), hầu có thể biến đổi thế giới theo chương trình của Chúa.

Việc tham gia của các giáo dân thường mang lại một số cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về một vài khía cạnh của đoàn sủng, đưa tới việc giải thích nó một cách thiêng liêng hơn và rút ra những hướng đi mới cho sinh hoạt tông đồ. Khi tham gia bất cứ hoạt động hoặc tác vụ nào, những người tận hiến nên nhớ rằng, trước hết họ phải là những người có khả năng hướng dẫn đời sống thiêng liêng, do đó, họ phải làm sao vun trồng cho tài năng quý báu nhất : đó là tinh thần” (126). Về phần mình, giáo dân mang lại cho các dòng tu một phần đóng góp quý báu của họ là sống giữa đời và phục vụ chuyên biệt.

Các giáo dân tình nguyện và hội viên

56. Một hình thức rất ý nghĩa để giáo dân tham gia vào sự phong phú của đời thánh hiến là cho các tín hữu giáo dân được kết nạp vào các tu hội dưới hình thức mới gọi là hội viên”, hoặc tuỳ theo nhu cầu của từng bối cảnh văn hoá, có thể là một hình thức tham gia trong một thời gian vào đời sống cộng đoàn và một cam kết đặc biệt tham gia vào việc chiêm niệm hay hoạt động tông đồ của tu hội. Dĩ nhiên với điều kiện là những hình thức vừa nói không được làm phương hại bản chất đời sống nội bộ của tu hội (127).

Thật đáng trân trọng thể thức tình nguyện này phát sinh từ sự phong phú của đời thánh hiến : tuy nhiên phải quan tâm đến việc huấn luyện những người tình nguyện, để ngoài sự đóng góp bằng khả năng chuyên môn, họ luôn có những động lực thiêng liêng sâu sắc trong ý hướng và một cảm thức sắc bén về cộng đoàn và Giáo Hội trong các dự phóng của họ (128). Cũng nên nhớ rằng, nếu những sáng kiến trong đó giáo dân tham gia ở cấp quyết định muốn được công nhận là những công việc của một tu hội nào đó, thì sáng kiến ấy phải theo sát mục tiêu của tu hội và phải được thực hiện dưới sự trách nhiệm của tu hội. Vì thế, nếu giáo dân đảm nhận điều hành những công việc đó thì họ phải báo cáo với các bề trên nam nữ có thẩm quyền. Tất cả các điều này cần được cứu xét rõ ràng và quy định thể theo những hướng dẫn riêng của mỗi tu hội, được quyền bính thượng cấp chuẩn nhận. Trong các văn bản đó, cần xác định thẩm quyền của tu hội, của cộng đoàn, và thẩm quyền của các hội viên hoặc của những người tình nguyện.

Những người tận hiến, được các bề trên phái đi và luôn vẫn tuỳ thuộc các ngài, có thể cộng tác theo các thể thức thích hợp với những sáng kiến của giáo dân, đặc biệt trong những tổ chức và những định chế đang phục vụ những người ở bên lề, và có mục tiêu xoa dịu nỗi đau khổ của nhân loại. Nếu sự cộng tác này được thúc đẩy và hỗ trợ bởi một bản sắc Ki-tô hữu trong sáng và mạnh mẽ, và nếu tôn trọng những đặc tính của đời thánh hiến, thì sự cộng tác này có thể chiếu toả sức mạnh và ánh sáng của Tin Mừng vào những hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc sống con người.

Trong những năm gần đây, nhiều người tận hiến đã tham gia vào một vài phong trào Giáo Hội hiện nay đang thịnh hành. Nói chung, những người ở trong các phong trào đó cũng được hưởng nhiều điều tốt qua kinh nghiệm này, đặc biệt là một sự đổi mới thiêng liêng. Tuy vậy, cũng không thể chối cãi là có những trường hợp, việc tham gia đó đã gây phiền toái, khiến cho có những cá nhân và cộng đoàn đi lạc hướng, nhất là khi có những xung đột với đời sống cộng đoàn và linh đạo của tu hội. Vậy phải làm sao để cho việc tham gia các phong trào Giáo Hội được thực hiện trong sự tôn trọng đoàn sủng và kỷ luật của tu hội (129), với phép của các bề trên và vẫn hoàn toàn đón nhận những quyết định của các ngài.

Phẩm giá và vai trò của người phụ nữ tận hiến

57. Giáo Hội chứng tỏ sự phong phú thiên hình vạn trạng của mình về mặt thiêng liêng, khi biết vượt lên mọi thứ kỳ thị và biết đón nhận như một hồng phúc đích thực những ân huệ Thiên Chúa ban cho những người nam và người nữ, bởi vì đôi bên đều bình đẳng về nhân phẩm. Những phụ nữ tận hiến được mời một cách rất đặc biệt hãy sống đời thánh hiến thật viên mãn và vui tươi. hầu trở nên dấu chỉ của lòng âu yếm Thiên Chúa dành cho loài người và làm chứng một cách đặc biệt về mầu nhiệm Giáo Hội là trinh nữ, hiền thê, hiền mẫu (130). Sứ mạng của phụ nữ tận hiến được nêu lên tại Thượng hội đồng, tại đây một số đông đã tham gia, đã lên tiếng và được mọi người trân trọng lắng nghe. Nhờ những đóng góp của họ mà có thêm những đề nghị hữu ích cho đời sống Giáo Hội và cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Không thể chối cãi tính cách hợp lý của nhiều đòi hỏi liên quan đến vị trí của người nữ trong nhiều môi trường xã hội và Giáo Hội. Cũng nên ghi nhận rằng ý thức mới của các phụ nữ về chính mình đã giúp những người nam xét lại não trạng, cách hiểu biết về chính bản thân họ, cách họ tự định vị trong lịch sử và cách họ giải thích lịch sử, tổ chức đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và đời sống Giáo Hội.

Đức Ki-tô đã trao cho Giáo Hội một sứ điệp có sức giải phóng, vậy Giáo Hội có sứ mạng ngôn sứ là phổ biến sứ điệp ấy, bằng cách khuyến khích người ta có những đường lối suy nghĩ và xử sự phù hợp với ý muốn của Chúa. Trong bối cảnh này, người phụ nữ tận hiến có thể khởi đi từ kinh nghiệm của mình về Giáo Hội và từ đời sống phụ nữ của mình trong Giáo Hội, mà góp phần loại trừ một số quan niệm một chiều không giúp nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của người nữ, nhìn nhận phần đóng góp chuyên biệt của họ vào đời sống, vào hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội. Như thế, thật là hợp pháp khi người nữ tận hiến khao khát muốn thấy căn tính của mình, khả năng chuyên môn, sứ mạng và trách nhiệm của mình được nhìn nhận rõ ràng hơn, cả trong tâm thức của Giáo Hội lẫn trong đời sống hằng ngày.

Không thể nào nghĩ đến tương lai của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, cũng như của tất cả hình thái hoạt động truyền giáo khác, nếu không có phần đóng góp mới mẻ của các phụ nữ, đặc biệt của những phụ nữ tận hiến.

Những viễn tượng mới về hiện diện và hoạt động

58. Bởi vậy, cần có ngay một vài hành động cụ thể, bắt đầu bằng cách mở cho phụ nữ những cơ hội tham gia những lãnh vực khác nhau và trên mọi bình diện, kể cả tham gia vào tiến trình quyết nghị quyết định, và đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Việc huấn luyện những phụ nữ tận hiến, ngang với việc huấn luyện những người nam, cần phải được thích nghi với những đòi hỏi khẩn cấp mới xuất hiện, và phải tiên liệu một thời gian và một cơ chế đầy đủ để thực hiện một sự đào tạo có hệ thống, bao trùm mọi lãnh vực, từ lãnh vực thần học và mục vụ đến lãnh vực nghề nghiệp. Việc huấn luyện mục vụ và huấn giáo vốn dĩ rất quan trọng, lại càng hữu dụng cho cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, đang chờ mong phụ nữ tham gia một cách mới mẻ.

Dĩ nhiên, một sự đào tạo vững chắc sẽ giúp người phụ nữ được thánh hiến hiểu rõ những ơn huệ họ đã lãnh nhận, đồng thời sẽ khích lệ một sự trao đổi hai chiều trong lòng Giáo Hội. Trong lãnh vực suy tư thần học, văn hoá và tâm linh, người ta chờ đợi nhiều ở thiên tài của người nữ, không những liên quan đến những khía cạnh chuyên biệt của đời tận hiến nữ giới, mà còn trong mọi hiểu biết về những phương thức diễn tả đức tin. Về điểm này, lịch sử linh đạo rất mang ơn các thánh nữ như Tê-rê-xa Giê-su và Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, hai phụ nữ đầu tiên được tôn phong danh hiệu tiến sĩ Giáo Hội, và biết bao nhà thần bí khác đã đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa và phân tích đường lối Thiên Chúa hành động nơi các tín hữu ! Giáo Hội trông chờ nhiều vào phần đóng góp độc đáo của các phụ nữ tận hiến để phát triển đạo lý, phong hoá, đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt trong những gì liên quan đến phẩm giá phụ nữ và việc tôn trọng đời sống con người (131). Quả thế, các phụ nữ đóng một vai trò độc đáo và hẳn là quyết định cả về tư tưởng lẫn về hành động : họ có nhiệm vụ thăng tiến một phong trào nữ quyền mới, không bị cám dỗ hoạ lại những mẫu điển hình trọng nam, ngõ hầu nhìn nhận và diễn tả thiên tài chân thực của nữ giới qua phong cách sống trong xã hội, biết chống lại mọi hình thức kỳ thị, bạo động và bóc lột” (132).

Có những lý do để hy vọng rằng, một khi sứ mạng của người nữ được công nhận rõ ràng hơn, thì đời thánh hiến của nữ giới sẽ ý thức sống động hơn về chính vai trò của mình, và sẽ tận tâm tận lực sống cho Nước Thiên Chúa hơn. Điều này được minh hoạ qua nhiều công trình, như dấn thân vào việc truyền giảng Phúc Âm, hoạt động giáo dục, tham gia vào việc huấn luyện các linh mục tương lai và những người tận hiến, linh hoạt các cộng đoàn Ki-tô hữu, đồng hành thiêng liêng, thăng tiến những điều thiện cơ bản của đời sống và hoà bình. Ngỏ lời với các phụ nữ tận hiến với khả năng tận tâm phi thường của họ, tôi nói lên một lần nữa sự thán phục và lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội ; Giáo Hội nâng đỡ họ bởi vì họ đang sống viên mãn và vui tươi ơn gọi của họ và họ đang cảm thấy được kêu mời chu toàn một nhiệm vụ cao cả, đó là huấn luyện người phụ nữ hôm nay.

II. TIẾP TỤC CÔNG TRÌNH CỦA THÁNH THẦN :
TRUNG THÀNH TRONG ĐỔI MỚI

Các nữ đan sĩ sống trong dòng kín

59. Đời sống đan tu nữ giới và nội vi của các đan sĩ đáng được quan tâm đặc biệt, vì cộng đoàn Ki-tô giáo vẫn rất trân trọng lối sống ấy, là dấu chỉ về sự hiệp nhất tuyệt đối của Giáo Hội – Hiền Thê với Chúa của mình, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự. Quả thật, các nữ đan sĩ dòng kín chủ yếu sống đời cầu nguyện, khổ chế và ra sức tiến lên trong đời sống thiêng liêng, là một con đường đưa về Giê-ru-sa-lem thiên quốc và một sự tiền dự vào Giáo Hội cánh chung, khi được sở hữu và chiêm ngưỡng Thiên Chúa” (133). Dưới ánh sáng của ơn gọi và sứ mạng ấy trong Giáo Hội, nội vi đáp lại đòi hỏi được nhìn nhận là ưu tiên, đó là được ở với Chúa. Khi chọn một không gian giới hạn làm nơi sống, các nữ tu dòng kín tham dự vào sự tự huỷ của Đức Ki-tô, trong một sự nghèo khó triệt để, không những từ bỏ các sự vật vật chất, mà cả không gian”, cả những cuộc tiếp xúc và những điều thiện hảo của công trình sáng tạo nữa. Việc hiến dâng thân xác” mình một cách chuyên biệt như thế đưa các chị đi vào mầu nhiệm Thánh Thể cách khả giác hơn. Các nữ tu dòng kín cùng dâng mình với Đức Giê-su để cứu độ thế giới. Ngoài chiều kích hy lễ và đền tạ, lễ dâng của các chị cũng mang ý nghĩa một lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha, trong sự tham dự vào lễ tạ ơn của Chúa Con yêu dấu.

Bám rễ trong một khát vọng thiêng liêng sâu xa như thế, nội vi không chỉ là một phương thế khổ chế có giá trị vô song, nhưng cũng là một cách sống cuộc vượt qua của Đức Ki-tô (134). Từ kinh nghiệm là cái chết”, nội vi trở thành sự sống vô cùng dồi dào, và xuất hiện như một lời loan báo vui tươi và một cuộc tiền dự, mang tính ngôn sứ, vào khả năng được ban cho mọi người và cho toàn thể nhân loại, đó là sống chỉ riêng cho một mình Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô (x. Rm 6,11). Vậy nội vi gợi lên phòng kín của con tim trong đó mỗi người được kêu gọi sống kết hợp với Chúa. Được đón nhận như một ân huệ và được lựa chọn như một đáp trả tự do trong tình yêu, nội vi là nơi sống hiệp thông thiêng liêng với Thiên Chúa và với anh chị em, nơi mà không gian và các tiếp xúc bị giới hạn nhằm cổ võ việc nội tâm hoá các giá trị Tin mừng (x. Ga 13,34 ; Mt 5,3.8).

Các cộng đoàn dòng kín, được đặt như một thành phố trên núi và như một ngọn đèn trên giá đèn (x. Mt 5,14-15), dù trong nếp sống đơn giản, vẫn gợi lên cách hữu hình mục tiêu toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đang hướng đến, một Giáo Hội vừa nhiệt thành hoạt động vừa chuyên cần chiêm niệm” (135), đang tiến trên những nẻo đường của đời này, mắt đăm đăm hướng về cuộc chung kết tương lai của tất cả mọi sự trong Đức Ki-tô, khi Giáo Hội xuất hiện với Đức Lang Quân của mình để hưởng phúc vinh quang” (x. Cl 3,1-4), và khi Đức Ki-tô trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha, sau khi đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần […], và như vậy Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,24.28).

Vậy tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với các chị em rất thân yêu này và tôi khuyến khích chị em trung thành với đời sống dòng kín theo đoàn sủng riêng biệt của chị em. Nhờ gương sáng của chị em, lối sống này vẫn còn nhận được nhiều ơn gọi, vì được lôi cuốn bởi tính triệt để của một cuộc sống hôn ước” hoàn toàn dành cho Thiên Chúa trong chiêm niệm (136). Đời sống chiêm niệm là một cách diễn tả tình yêu thuần tuý có giá trị hơn mọi hoạt động, phát sinh hiệu năng tông đồ và truyền giáo phi thường (137).

Các nghị phụ Thượng hội đồng rất trân trọng giá trị của nội vi, đồng thời các ngài quan tâm cứu xét những thỉnh cầu chỗ này chỗ kia nêu lên về kỷ luật cụ thể của nội vi. Các góp ý của Thượng hội đồng về vấn đề này và, đặc biệt, nguyện ước trao trách nhiệm bao quát hơn cho các bề trên thượng cấp về những liên hệ đến việc huỷ bỏ nội vi vì những lý do nghiêm trọng và chính đáng (138), sẽ được cứu xét kỹ càng, trong chiều hướng cuộc canh tân được thực hiện kể từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II (139). Theo chiều hướng này, nội vi được phân thành hình thức khác nhau và mức độ khác nhau – từ nội vi giáo hoàng, và theo hiến chương cho tới nội vi đan viện – sẽ phù hợp hơn với các tu hội chiêm niệm và các truyền thống đan viện rất khác nhau.

Như Thượng hội đồng nhắc lại, cần cổ võ các hiệp hội và liên hiệp giữa các đan viện, điều mà Đức Pi-ô XII và Công Đồng Va-ti-ca-nô II khuyến khích (140), nhất là tại những nơi không có những hình thức hữu hiệu để điều phối và tương trợ, hầu bảo toàn và thăng tiến những giá trị của đời sống chiêm niệm. Tuy vẫn bảo vệ tính tự trị hợp pháp của các đan viện, các cơ chế đó giúp giải quyết thoả đáng các vấn đề chung, chẳng hạn như công việc canh tân thích hợp, huấn luyện sơ khởi và huấn luyện thường xuyên, việc tương trợ về mặt kinh tế, và cả việc tổ chức lại các đan viện nữa.

Các tu huynh

60. Thể theo đạo lý truyền thống của Giáo Hội, đời thánh hiến do bản tính không mang tính giáo dân hoặc giáo sĩ (141) và, do đó, sự thánh hiến giáo dân” nam giới hoặc nữ giới, tự nó là một bậc sống đầy đủ với việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm (142). Vì vậy, đời sống thánh hiến có một giá trị chuyên biệt cho cá nhân cũng như cho Giáo Hội, không gắn liền với tác vụ chức thánh.

Theo giáo huấn Công Đồng Va-ti-ca-nô II (143), Thượng hội đồng rất trân trọng lối sống đời thánh hiến của các tu huynh. Các anh em đang chu toàn những việc phục vụ quý báu và đa dạng ở trong hay ngoài các cộng đoàn ; như thế là tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng về sứ mạng ấy bằng đức mến trong đời sống hằng ngày. Quả thế, một số những việc phục vụ ấy đã được coi như những thừa tác vụ Giáo Hội thực thụ, mà quyền bính hợp pháp ký thác cho họ. Điều này đòi hỏi được huấn luyện thích hợp và toàn diện : huấn luyện nhân bản, thiêng liêng, thần học, mục vụ và nghề nghiệp.

Theo từ ngữ hiện hành, các tu hội, do ý hướng của đấng sáng lập và một truyền thống hợp pháp, có đặc tính và mục tiêu không hàm chứa việc thi hành chức thánh, được gọi là các dòng giáo dân” (144). Tuy nhiên, tại Thượng hội đồng, người ta cho thấy là các từ ngữ này không diễn tả thích hợp đặc tính riêng của ơn gọi các thành viên thuộc các tu hội ấy. Quả thế, cho dù vẫn thực hiện nhiều hoạt động giống như các tín hữu giáo dân, các tu sĩ làm theo căn tính của họ là những người tận hiến và như thế họ diễn tả một tinh thần hiến dâng trọn vẹn cho Đức Ki-tô và cho Giáo Hội, thể theo đoàn sủng chuyên biệt của họ.

Vì lý do đó, để tránh hàm hồ và lẫn lộn với đặc tính trần thế của các tín hữu giáo dân (145), các nghị phụ tại Thượng hội đồng muốn đề nghị từ ngữ các dòng anh em (dòng các tu huynh) (146). Đề nghị này thật ý nghĩa, nhất là khi người ta nhận rằng từ ngữ anh em” cũng gợi lên một nội dung thiêng liêng phong phú. Các tu sĩ này được kêu gọi trở thành những anh em của Đức Ki-tô, kết hợp sâu xa với Người, trưởng tử giữa một đoàn anh em đông đúc” (Rm 8,29) ; trở thành anh em với nhau, trong tình yêu mến nhau và trong sự cộng tác vào cùng một công việc phục vụ để mưu ích cho Giáo Hội ; trở thành anh em của từng người bằng việc làm chứng về đức mến của Đức Ki-tô đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người nhỏ bé và những người nghèo túng nhất ; trở thành anh em để đạt tới một tình huynh đệ lớn lao hơn trong Giáo Hội” (147). Khi sống cách đặc biệt đặc điểm chung của đời Ki-tô hữu và đời thánh hiến, tu huynh” nhắc nhở cho các tu sĩ linh mục cách hữu hiệu về chiều kích căn bản của tình huynh đệ trong Đức Ki-tô, vì họ phải sống với nhau và với bất cứ người nào, và họ công bố cho mọi người lời của Chúa : Tất cả các con đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).

Trong các dòng tu huynh, khi tu nghị toàn dòng đã biểu quyết, thì không có gì cấm cản một số thành viên nhận các chức thánh để phục vụ cộng đoàn tu sĩ trong tư cách linh mục (148). Tuy nhiên, Công Đồng Va-ti-ca-nô II không minh nhiên khuyến khích theo chiều hướng này, nhất là bởi vì Công Đồng ước muốn các dòng anh em cứ trung thành với ơn gọi và với sứ mạng của họ. Điều này rõ ràng khi nói tới tư cách để đảm nhận nhiệm vụ bề trên, lý do vì nhiệm vụ này phản ánh cách đặc biệt bản tính của chính tu hội.

Ơn gọi của các tu huynh trong các dòng gọi là giáo sĩ” thì khác ; bởi vì, theo dự phóng của đấng sáng lập hoặc theo một truyền thống hợp pháp, các tu hội này tiên liệu việc thi hành các chức thánh, trao quyền cai quản cho các giáo sĩ và quyền bính của Giáo Hội công nhận như thế (149). Trong các tu hội này, tác vụ chức thánh cấu thành yếu tố của đoàn sủng, xác định bản tính, mục tiêu và tinh thần của đoàn sủng. Các tu huynh hiện diện trong tu hội tham gia một cách khác vào sứ mạng của tu hội, bằng việc đảm nhận những việc phục vụ bên trong cộng đoàn hoặc những công tác tông đồ, họ cộng tác những người thi hành tác vụ linh mục.

Các tu hội hỗn hợp

61. Có vài tu hội, theo dự định nguyên thuỷ của đấng sáng lập, là những huynh đệ đoàn, trong đó mọi thành viên, linh mục và không linh mục, được coi như bình đẳng ; nhưng qua dòng thời gian, họ đã mang một hình thái khác. Các tu hội ấy mang danh là hỗn hợp”, cần phải đào sâu đoàn sủng sáng lập, để cứu xét có nên và có thể trở lại với cảm hứng nguyên thuỷ chăng.

Các nghị phụ tại Thượng hội đồng bày tỏ nguyện ước là trong các tu hội ấy, tất cả các tu sĩ được nhìn nhận là có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, ngoại trừ những quyền lợi và nghĩa vụ xuất phát từ chức thánh (150). Để cứu xét và giải quyết các vấn đề liên hệ đến điều này, một uỷ ban đặc biệt đã được thiết lập, chúng ta nên chờ kết luận của uỷ ban này để chọn lựa cho thích hợp, thể theo những gì sẽ được xác định cách hợp pháp.

Những hình thái mới của đời sống Phúc Âm

62. Nếu ở những thời đại trước đây, Thánh Thần đã luôn luôn khơi dậy nhiều hình thức đời thánh hiến, thì ngày nay Người cũng vẫn không ngừng trợ giúp Giáo Hội, hoặc là khích lệ các tu hội hiện hành quyết tâm tự canh tân đời sống để trung thành với đoàn sủng nguyên thuỷ, hoặc là ban dồi dào những ân sủng mới cho những người nam nữ thuộc thời đại này để họ làm nảy sinh những định chế đáp ứng được những thách đố của ngày hôm nay. Một dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp có thể nhận thấy nơi cái được gọi là những cơ sở mới, với điểm độc đáo khác so với những gì đã có từ trước tới nay.

Tính độc đáo của những cộng đoàn mới mẻ thường hệ tại chỗ họ gồm người nam và nữ, giáo sĩ và giáo dân, người đã lập gia đình và những người độc thân, chọn một nếp sống đặc biệt, có khi thì dựa theo một nếp sống cổ truyền nào đó, có khi thì thích ứng nếp sống cho phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Họ cam kết sống Tin Mừng dưới những hình thức khác nhau, nhưng ý hướng chung là khao khát mãnh liệt sống cộng đoàn, khó nghèo và cầu nguyện. Giáo sĩ và giáo dân tham gia vào việc quản lý các cộng đoàn này, tuỳ theo khả năng chuyên môn của họ. Các công việc tông đồ của các cộng đoàn này chú trọng đến những đòi hỏi của việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Dưới một mặt nào đó thì đáng vui mừng vì thấy Thánh Thần hoạt động, còn dưới mặt khác thì thấy cần phải sử dụng việc biện phân các đoàn sủng. Để có thể gọi là đời thánh hiến, điều căn bản là những nét chuyên biệt của các cộng đoàn mới và các nếp sống mới ra đời cần phải căn cứ trên những yếu tố thần học và giáo luật chính yếu thuộc đời thánh hiến (151). Cần phải biện phân ở cấp độ địa phương lẫn cấp độ toàn cầu, nhằm đi tới chỗ cùng vâng phục một Thánh Thần duy nhất. Trong mỗi giáo phận, giám mục sẽ cứu xét tính chính thống và chứng tá đời sống của các vị sáng lập các cộng đoàn ấy, linh đạo của họ và cách họ cảm thức về Giáo Hội khi họ thực hiện sứ mạng, các phương pháp huấn luyện và cách gia nhập cộng đoàn; người phải khôn ngoan lượng định những nhược điểm nếu có, trong khi kiên nhẫn chờ đợi hoa trái (x. Mt 7,16), để có thể xác nhận tính trung thực của đoàn sủng (152). Cách riêng, căn cứ trên những tiêu chuẩn rõ ràng, người phải xác định được khả năng của những thành phần trong các cộng đoàn này muốn lãnh chức thánh (153).

Đời thánh hiến là một thể loại chuyên biệt, vậy thể theo nguyên tắc biện phân vừa nói, người ta không thể xếp vào loại đời thánh hiến những hình thức dấn thân rất đáng ca ngợi của những cặp vợ chồng tìm gia nhập một hiệp hội hay một phong trào. Vì muốn đưa tình yêu đã được thánh hiến” một cách nào đó trong bí tích hôn nhân đến mức toàn hảo của đức ái (154), nên họ xác nhận ý muốn đó bằng một lời khấn sống đức khiết tịnh trong đời hôn nhân, rồi tuy không sao nhãng bổn phận đối với con cái, họ tuyên khấn khó nghèo và vâng phục (155). Việc xác định bản chất những thử nghiệm này không nhằm đánh giá thấp con đường nên thánh đặc biệt trong đó chắc hẳn có sự can thiệp của Thánh Thần, Đấng ban muôn vàn ân huệ và cảm hứng.

Trước hiện trạng các ân huệ và đà tiến canh tân đang nở rộ, thiết tưởng nên lập ra một uỷ ban đặc trách các vấn đề liên quan đến những hình thái mới sống đời thánh hiến, hầu nêu lên những tiêu chuẩn xác nhận tính trung thực, giúp cho việc biện phân và quyết định (156). Một trong số những công tác phải làm là, sau khi rút kinh nghiệm của những thập niên vừa qua, uỷ ban phải nhận định những hình thức thánh hiến nào có thể được giáo quyền chính thức công nhận, với sự cẩn trọng mục vụ và nhằm ích lợi chung, để giới thiệu cho các tín hữu đang khao khát sống một đời Ki-tô hữu hoàn hảo hơn.

Các hiệp hội mới xuất hiện để sống theo Tin Mừng không thay thế những tu hội đã có từ trước đến nay ; các định chế này vẫn giữ một vị trí cao mà truyền thống đã dành cho chúng. Dù vậy, các hình thái mới cũng là ân huệ của Thánh Thần, giúp cho Giáo Hội đi theo Chúa với tâm tình quảng đại, chăm chú lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa được diễn tả qua những dấu chỉ của thời đại. Như thế, Giáo Hội tỏ mình ra cho thế giới, với vô vàn những lối sống thánh thiện và phục vụ khác nhau, như là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (157). Các tu hội cổ điển, trong số đó nhiều tu hội đã trải qua những thử thách rất đau đớn mà vẫn can đảm chịu đựng qua các thời đại, có thể được trau dồi kinh nghiệm nhờ đối thoại và trao đổi ân huệ với các tu hội mới chào đời trong thời đại chúng ta.

Như thế, sinh lực của những hình thức khác nhau thuộc đời thánh hiến, từ những hình thái cổ nhất cho đến những hình thái mới nhất, cũng như sức năng động của những cộng đoàn mới, sẽ duy trì được lòng trung thành với Chúa Thánh Thần, là nguyên lý hiệp thông và ban sự sống đổi mới thường xuyên.

III. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Những khó khăn và viễn tượng

63. Trong nhiều vùng trên thế giới, đời thánh hiến phải đương đầu với những đổi thay hiện nay của xã hội và sự giảm sút số ơn gọi. Các công cuộc tông đồ của nhiều tu hội và ngay cả sự hiện diện của họ tại một vài Giáo Hội địa phương cũng bị đe doạ. Như đã từng xảy ra trong lịch sử, thậm chí một số tu hội còn có cơ nguy bị xoá sổ. Giáo Hội phổ quát rất biết ơn các tu hội đó đã góp phần lớn lao vào việc xây dựng Giáo Hội, bằng chứng tá và việc phục vụ của họ (158). Những gian truân hiện nay của họ không xoá bỏ các công lao và kết quả đạt được nhờ cố gắng của họ.

Đối với một số tu hội khác thì vấn đề lại là tổ chức lại các công việc. Việc này khó khăn và thường gây đau khổ, đòi hỏi phải tìm kiếm và biết biện phân, dựa vào một số tiêu chuẩn. Chẳng hạn, nên bảo toàn ý nghĩa của đoàn sủng riêng, thăng tiến đời sống huynh đệ, quan tâm tới những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương, chú trọng tới những gì mà thế gian xao lãng, đáp lại một cách quảng đại và táo bạo, ngay cả bằng những hành động dĩ nhiên là có giới hạn, những hình thức mới của nghèo khó, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất (159).

Các khó khăn đủ loại, phát xuất do việc giảm bớt nhân sự và công tác không bao giờ được làm mất niềm tin vào sức mạnh Tin Mừng của đời thánh hiến, một đời sống luôn luôn có ý nghĩa và không ngừng tác động trong Giáo Hội. Nếu không một tu hội nào dám nghĩ mình sẽ sống mãi, đời thánh hiến không vì thế mà không tiếp tục nuôi dưỡng nơi các tín hữu lời đáp trả của tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em. Vì vậy, cần phân biệt giữa định mệnh lịch sử của một tu hội nhất định, hay của một hình thức đời thánh hiến, với sứ mạng Giáo Hội của đời thánh hiến xét như đời thánh hiến. Hình thức có thể đổi theo hoàn cảnh nhưng sứ mạng vẫn tồn tại.

Điều này đúng cho hình thức chiêm niệm cũng như cho hình thức dấn thân vào các công cuộc tông đồ. Cách chung, dưới tác động luôn luôn mới mẻ của Thần Khí, đời thánh hiến luôn luôn làm chứng xán lạn về sự kết hiệp bất khả phân ly giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em. Đời thánh hiến tỏ ra là ký ức sống động của sự phong nhiêu của tình yêu Thiên Chúa, kể cả trên bình diện nhân bản và xã hội. Nhưng hoàn cảnh khan hiếm cần được giải quyết với thái độ bình thản của những người biết rằng Thiên Chúa đòi nơi mỗi người sự trung tín dấn thân hơn là sự thành công. Tuyệt đối phải tránh sự thất bại thực sự của đời thánh hiến, tức là thất bại không phải do số ơn gọi giảm sút mà do việc kém gắn bó với Thiên Chúa, với ơn gọi riêng và với sứ mạng. Ngược lại, khi trung tín bền đỗ trong sự gắn bó nói trên, người ta công bố rõ ràng, trước mặt thế giới, niềm trông cậy vững vàng nơi Đấng là Chủ lịch sử. Người nắm trong tay thời gian và định mệnh con người, các cơ chế và các dân tộc và do đó, Người sắp đặt việc ban ơn vào những thời điểm khác nhau. Các tình trạng khủng hoảng đau khổ thúc đẩy người tận hiến tuyên xưng một cách mạnh mẽ niềm tin vào sự chết và sống lại của Đức Ki-tô, để trở nên những dấu chỉ hữu hình của cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống.

Những nỗ lực mới cho mục vụ ơn gọi

64. Sứ mạng của đời thánh hiến và sức sống của các tu hội hẳn là tuỳ thuộc vào sự hăng say trung tín của những người tận hiến đáp lại ơn gọi của họ, nhưng tương lai của họ tuỳ thuộc vào sự kiện là cần có những người nam nữ khác sẵn sàng đón nhận tiếng Chúa gọi. Vấn đề ơn gọi là một thách thức trực tiếp cho các tu hội, nhưng cũng liên quan tới toàn thể Giáo Hội. Nhiều sức lực tinh thần và vật chất quan trọng đã được đem dùng vào mục vụ ơn gọi, nhưng kết quả không luôn luôn đáp ứng những mong đợi và cố gắng. Mặc dầu có sự gia tăng trong những Giáo Hội trẻ và trong những Giáo Hội đã bị các chế độ độc tài bách hại, các ơn gọi sống đời thánh hiến đôi khi trở nên hiếm hoi tại các nước mà theo truyền thống vẫn có nhiều ơn gọi, nhất là ơn gọi truyền giáo.

Hoàn cảnh khó khăn trên làm các người tận hiến đôi khi tự hỏi : có lẽ chúng ta không còn khả năng thu hút được các ơn gọi mới nữa chăng ? Phải tin vào Chúa Giê-su, Người vẫn còn tiếp tục gọi người ta theo Người, và phải trông cậy nơi Chúa Thánh Thần là nguồn mạch và là Đấng ban phát các đoàn sủng của đời thánh hiến. Vì thế, đang khi vui sướng khi thấy tác động của Thần Khí làm trẻ lại Hiền Thê của Đức Ki-tô bằng cách cho đời thánh hiến nảy nở trong nhiều nước, chúng ta phải dâng lên lời tha thiết khẩn cầu Chủ gặt, xin Người sai thợ tới cánh đồng Giáo Hội, hầu đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của việc tái truyền giảng Phúc Âm (x. Mt 9,37-38). Ngoài việc cổ võ cầu nguyện cho ơn gọi, còn phải cấp thời trình bày rõ ràng và huấn giáo thích hợp để khuyến khích những ai được gọi vào đời thánh hiến, biết đáp lại một cách tự do, mau mắn và quảng đại, nhờ vậy ơn gọi đạt được kết quả.

Lời mời của Đức Giê-su Hãy đến mà xem” (Ga 1,39) vẫn còn là quy luật vàng cho mục vụ ơn gọi. Theo gương các đấng sáng lập, mục vụ ơn gọi nhằm cho thấy sức thu hút của bản thân Chúa Giê-su và vẻ đẹp của việc tận hiến vì Tin Mừng. Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên của tất cả mọi người tận hiến là can đảm công bố bằng lời nói và gương sáng lý tưởng theo Chúa Ki-tô, sequela Christi, và tiếp đó nâng đỡ lời đáp trả những thôi thúc của Thần Khí trong lòng các người được gọi.

Sau những giây phút phấn khởi của lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Ki-tô, dĩ nhiên cần phải cố gắng kiên trì đáp trả mỗi ngày hầu biến ơn gọi thành một mối tình bằng hữu với Chúa. Để đạt mục đích đó, mục vụ ơn gọi phải dùng các phương tiện thích hợp, như linh hướng, để nuôi dưỡng lời đáp trả yêu thương của mỗi người với Chúa, điều kiện chính yếu để trở thành môn đệ và tông đồ của Nước Chúa. Nếu việc gia tăng số ơn gọi trong nhiều vùng trên thế giới cho phép lạc quan, thì việc giảm sút tại một số vùng khác không được đưa tới chỗ ngã lòng, hay bị cám dỗ chiêu mộ cách dễ dàng và thiếu thận trọng. Nhiệm vụ cổ võ ơn gọi cần được thực hiện sao cho người ta thấy rõ hơn, đây là công việc chung của cả Giáo Hội (160). Cho nên nhiệm vụ này đòi hỏi sự cộng tác tích cực của các chủ chăn, các tu sĩ, các gia đình, các nhà giáo dục, bởi vì nó tương ứng với một việc phục vụ nằm trong toàn bộ chương trình mục vụ của mỗi Giáo Hội địa phương. Trong mỗi giáo phận, nên có một tổ chức chung để phối hợp và tăng cường năng lực, không những không gây thiệt hại mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động cổ động ơn gọi của từng tu hội (161).

Sự cộng tác tích cực của toàn thể Dân Thiên Chúa, được Chúa Quan Phòng nâng đỡ, thế nào cũng thu hút dồi dào ơn huệ của Thiên Chúa. Tình liên đới Ki-tô hữu giúp giải quyết các nhu cầu đào tạo ơn gọi trong các nước nghèo về kinh tế. Việc cổ võ ơn gọi tại các nước này phải được các tu hội thực hiện trong sự hoà hợp với các Giáo Hội địa phương, khởi đầu bằng sự hội nhập tích cực và bền bỉ vào sinh hoạt mục vụ của các Giáo Hội địa phương (162). Cách trung thực nhất để góp phần vào công việc của Chúa Thánh Thần là đầu tư rộng rãi các tài lực xuất sắc nhất vào công tác cổ động ơn gọi, và đặc biệt là tận tình quan tâm tới mục vụ giới trẻ.

Đào tạo sơ khởi

65. Thượng hội đồng đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo những người muốn hiến mình cho Chúa (163) vì Thượng hội đồng nhận thấy việc này có tầm quan trọng quyết định. Mục tiêu chính của tiến trình đào tạo là chuẩn bị một người dâng trót mình cho Thiên Chúa trong việc theo Chúa Ki-tô, để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội. Trả lời xin vâng” đáp lại tiếng Chúa gọi bằng cách chính mình dấn thân làm cho ơn gọi của mình ngày một trưởng thành thêm, việc này thuộc trách nhiệm không thể thoái thác được của những người được gọi, họ phải mở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động ; điều này giả thiết quảng đại theo lộ trình đào tạo, đón nhận, trong đức tin, các trung gian mà Chúa và Giáo Hội đề nghị (164).

Do đó, việc đào tạo phải thấm nhập sâu xa chính con người, sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn (165). Do cứu cánh của đời thánh hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su trong lễ dâng trọn vẹn của Người (166), việc đào tạo phải hướng về đó. Đây là một lộ trình giúp từ từ có được những tâm tình của Đức Ki-tô đối với Chúa Cha.

Nếu mục đích của đời thánh hiến là vậy, thì quy trình đưa tới đó cần phải có và cho thấy tính toàn diện : việc đào tạo phải bao trùm toàn diện con người (167) trong mọi khía cạnh nhân cách người đó, trong cách ăn ở cũng như trong các ý hướng. Vì nó nhằm biến cải toàn bộ con người, nên nhiệm vụ đào tạo không bao giờ chấm dứt. Thật vậy, nên luôn luôn tạo cho những người tận hiến những cơ hội củng cố sự gắn bó của họ với đoàn sủng và sứ mạng của tu hội họ.

Việc đào tạo toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Ki-tô hữu và đời sống thánh hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng, mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau. Phải dành cho việc đào tạo sơ khởi một thời gian khá dài, vì đây là một tiến trình tiệm tiến, trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành của con người, – từ trưởng thành tâm lý và thiêng liêng đến trưởng thành thần học và mục vụ –. Đối với các ứng sinh tiến lên chức linh mục, thời gian này sẽ trùng hợp và hoà hợp với một chương trình học chuyên môn, đặt vào trong một quy trình đào tạo rộng hơn.

Nhiệm vụ của các người phụ trách đào tạo

66. Qua việc không ngừng ban phát Đức Ki-tô và Thánh Thần, Chúa Cha là Đấng đào tạo siêu việt những người tận hiến cho Người. Nhưng trong một tiến trình như thế, Người dùng trung gian con người và đặt bên cạnh những người được Người gọi, một vài anh, chị từng trải. Như vậy, đào tạo là tham gia vào công việc của Chúa Cha ; qua Thánh Thần, Chúa Cha phát huy trong lòng người trẻ, thanh niên, thiếu nữ, những tâm tình Người Con. Các người phụ trách đào tạo phải là những người có bước đi vững chắc trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, để có thể đồng hành với những người khác trong cuộc hành trình. Quan tâm tới tác động của ơn sủng, họ chỉ cho thấy các trở ngại kín đáo nhất, nhưng nhất là họ cho thấy vẻ đẹp của việc theo Chúa Ki-tô và giá trị của đoàn sủng thể hiện việc theo Chúa. Các kiến thức do sự khôn ngoan thiêng liêng được liên kết với những kiến thức do các phương tiện loài người cung cấp, sẽ giúp biện phân ơn gọi và đào tạo con người mới thành một con người thực sự tự do. Việc gặp gỡ riêng là một phương tiện đào tạo căn bản cần được sử dụng một cách đều đặn theo một nhịp độ nào đó, vì đây là một việc làm được coi là hữu hiệu và không thể thay thế được.

Trước những nhiệm vụ tế nhị như vậy, cần phải chuẩn bị những người phụ trách đào tạo có khả năng, biết lo thi hành nhiệm vụ một cách hài hoà, cùng một nhịp bước với toàn thể Giáo Hội. Nên có những cơ chế thích hợp để đào tạo các vị đào tạo, nếu được, tại những nơi có thể tiếp xúc với môi trường văn hoá trong đó các nhà đào tạo sẽ phải thi hành công tác mục vụ. Trong nhiệm vụ đào tạo, các tu hội đã có nền tảng vững vàng phải giúp các tu hội mới lập, bằng cách cho mượn một vài thành phần ưu tú của mình (168).

Một việc đào tạo có tính cộng đoàn và tông đồ

67. Nếu việc đào tạo cũng phải có tính cộng đoàn, thì cộng đoàn là nơi đào tạo chính đối với các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ. Cộng đoàn tập cho biết cố gắng và hưởng niềm vui của đời sống chung. Trong đời sống huynh đệ, mỗi người học sống với những người mà Thiên Chúa đặt bên cạnh mình, chấp nhận những tính tình cùng với những khác biệt và giới hạn của họ. Cách riêng, mỗi người tập chia sẻ các ân huệ đã lĩnh nhận, hầu xây dựng mọi người, vì Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7) (169). Đồng thời, đời sống cộng đoàn, ngay bước đầu đào tạo, phải cho thấy chiều kích truyền giáo tất yếu của việc thánh hiến. Để được vậy, trong các hội dòng tận hiến, trong thời kỳ đào tạo sơ khởi, nên có những thử nghiệm cụ thể, với sự đồng hành thận trọng của người phụ trách, hầu phát huy tinh thần tông đồ, các khả năng thích nghi và óc sáng tạo, tuỳ theo khung cảnh văn hoá địa phương.

Một điều quan trọng là người tận hiến phải dần dần tạo cho mình một trí phán đoán dựa vào Tin Mừng, để phê phán những giá trị tích cực và tiêu cực trong nền văn hoá của họ, và trong những nền văn hoá họ sẽ tiếp xúc trong môi trường hoạt động tương lai. Mặt khác, họ phải luyện tập nghệ thuật khó khăn là thống nhất đời sống của họ, biết kết hợp chặt chẽ lòng yêu mến Thiên Chúa với lòng yêu mến anh chị em mình, cần ý thức rằng cầu nguyện là linh hồn của công việc tông đồ, còn công việc tông đồ lại thêm sức sống cho cầu nguyện và thúc đẩy cầu nguyện.

Cần có một chương trình đào tạo đầy đủ và cập nhật hoá

68. Trong các dòng nữ cũng như các dòng tu huynh, nên sắp đặt một thời kỳ dành cho việc đào tạo, kéo dài cho tới khi khấn trọn. Điều này về cơ bản cũng áp dụng cho những cộng đoàn dòng kín ; phải soạn một chương trình thích hợp để thực sự đào tạo sống đời tu chiêm niệm và thi hành sứ mạng đặc thù của đời chiêm niệm trong Giáo Hội.

Các nghị phụ ân cần mời gọi tất cả các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ hãy sớm soạn một chương trình đào tạo dựa theo đoàn sủng sáng lập, trình bày rõ ràng và năng động con đường phải theo để được thấm nhuần linh đạo tu hội. Chương trình đào tạo đáp ứng một nhu cầu khẩn cấp ngày nay : một đàng nó cho thấy cách truyền đạt tinh thần tu hội để các thế hệ mới sống tinh thần ấy một cách trung thực, trong sự khác biệt về văn hoá và hoàn cảnh địa lý ; đàng khác, giới thiệu cho các người tận hiến những phương tiện sống tinh thần này trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống, tiến dần tới một niềm tin thật trưởng thành vào Đức Ki-tô.

Như vậy, nếu quả là cuộc đổi mới đời thánh hiến tuỳ thuộc vào việc đào tạo thì cũng đúng là việc đào tạo lại tuỳ thuộc vào khả năng đưa ra được một phương pháp đầy khôn ngoan thiêng liêng và sư phạm, dẫn đưa dần dần những ai khao khát tận hiến đến chỗ thấm nhuần tâm tình Chúa Ki-tô. Đào tạo là những quy trình sống đưa người ta tới chỗ hoán cải, trở về với Ngôi Lời Thiên Chúa từ trong thâm tâm, và đồng thời học được nghệ thuật nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa giữa các thực tại trần thế. Vào một thời mà văn hoá ngày một tách khỏi các giá trị tôn giáo, quy trình đào tạo đó quan trọng gấp đôi : nhờ đó, người tận hiến có thể không những tiếp tục thấy” Thiên Chúa với cặp mắt đức tin trong một thế giới không nhận ra sự hiện diện của Người, mà còn làm cho người khác, một cách nào đó, cảm nhận” được sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ một chứng tá tuỳ theo đoàn sủng của mỗi dòng.

Thường huấn

69. Đối với các tu hội tông đồ cũng như những tu hội chiêm niệm, thường huấn là một đòi hỏi của việc thánh hiến tu trì. Tiến trình đào tạo, như đã nói, không bị giới hạn vào giai đoạn sơ khởi : Do các giới hạn của con người, người tận hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất nơi mình việc thai nghén con người mới”, con người mà trong mọi hoàn cảnh sống đều phải mang chính những tâm tình của Đức Ki-tô. Do đó, việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố bằng việc thường huấn, đặt người tận hiến trong thế sẵn sàng để được đào tạo mỗi ngày trong đời mình (170).

Vì thế điều rất quan trọng là mỗi tu hội phải tiên liệu trong khuôn khổ của chương trình đào tạo, việc ấn định – càng chính xác và càng có hệ thống càng tốt – dự phóng thường huấn mà mục đích chính là hướng dẫn tất cả mọi người tận hiến bằng một chương trình liên tục, kéo dài suốt cuộc đời. Không ai có thể miễn cho mình khỏi phải quan tâm tới việc tăng trưởng về mặt nhân bản và về mặt tu trì ; cũng vậy, không ai có thể tự mãn và muốn sống cô lập được. Không giai đoạn nào trong cuộc đời người ta có thể tự coi như đủ tự tin, đủ sốt sắng để không cần có những cố gắng cụ thể nhằm bảo đảm sự trung tín bền đỗ, cũng như không có tuổi nào mà người ta có thể coi là mình đã hoàn toàn trưởng thành.

Trong sự trung tín năng động

70. Có một sự trẻ trung của tinh thần mà thời gian không thể xoá được : đó là khi đương sự tìm và thấy được trong mọi giai đoạn của cuộc sống, một nhiệm vụ mới cần thực hiện, một phong cách riêng biệt khi sống phục vụ và yêu mến (171).

Trong đời thánh hiến, những năm đầu của việc hội nhập trọn vẹn vào hoạt động tông đồ là một thời kỳ đầy khó khăn, vì chuyển từ một đời sống được hướng dẫn sang một đời sống mà mình phải lãnh trách nhiệm hoàn toàn về công việc. Người trẻ tận hiến cần được nâng đỡ và đồng hành với một người anh hay một người chị giúp họ sống trọn vẹn mối tình tươi trẻ và lòng hăng say nồng nhiệt đối với Đức Ki-tô.

Giai đoạn tiếp theo có thể có nguy cơ sống theo thói quen và do đó, bị cám dỗ chán nản trước những kết quả sơ sài. Lúc đó cần giúp những người tận hiến ở tuổi trung niên, xét lại sự lựa chọn ban đầu của họ dưới ánh sáng của Tin Mừng và của đoàn sủng, không lẫn lộn cái tuyệt đối của tận hiến với cái tuyệt đối của kết quả. Điều này sẽ giúp tìm lại một đà tiến mới và những động lực mới cho việc chọn lựa cá nhân. Đây là thời gian tìm kiếm cái cốt yếu.

Cùng với việc tăng trưởng bản lĩnh, giai đoạn đứng tuổi có thể có nguy cơ rơi vào một nếp sống cá nhân chủ nghĩa nào đó, kèm theo sự lo sợ không thích nghi được với thời thế ; hoặc tật cứng cỏi, khép kín và buông thả. Việc thường huấn ở đây có mục đích không những giúp sống đời thiêng liêng và tông đồ sốt sắng hơn, mà còn khám phá ra tính đặc thù của giai đoạn này trong cuộc sống. Thật vậy, nhờ một vài khía cạnh của nhân cách được thanh luyện, việc tận hiến cho Thiên Chúa trở nên trong sáng hơn, quảng đại hơn ; và tuôn trào ra cho anh em chị em mình một cung cách an bình hơn, kín đáo hơn, và dồi dào ơn Chúa hơn. Đó là hồng ân và là kinh nghiệm của sự làm cha làm mẹ thiêng liêng.

Với tuổi cao niên, một số vấn đề mới sẽ được đặt ra, và cần được chuẩn bị đối phó, nhờ một chương trình hỗ trợ thiêng liêng khôn ngoan. Việc bớt dần sinh hoạt và, trong một số trường hợp, bệnh tật và bị buộc ngưng hoạt động, là một kinh nghiệm có thể có tính cách giáo dục sâu xa. Giai đoạn này thường là một giai đoạn đau khổ, nhưng người tận hiến cao niên được tôi luyện bởi kinh nghiệm vượt qua này (172) để nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng làm theo ý Chúa Cha đến mức trao cho Người hơi thở cuối cùng. Sự đồng hình với Đức Ki-tô là một cách mới mẻ để sống việc tận hiến lúc này không còn gắn liền với tính hữu hiệu của một trách nhiệm quản trị hay một công tác tông đồ nữa.

Khi tới lúc kết hiệp với giờ cao điểm của cuộc thương khó Đức Ki-tô, người tận hiến biết rằng từ nay Chúa Cha hoàn tất nơi mình con đường đào tạo nhiệm mầu đã bắt đầu từ lâu. Cái chết lúc đó sẽ được chờ đón và chuẩn bị như hành vi tối hậu của tình yêu và dâng hiến.

Nên thêm rằng người ta có thể gặp những hoàn cảnh khó khăn trong mọi giai đoạn của cuộc sống, do những yếu tố bên ngoài – như chuyển công tác, khó khăn trong công việc hay thất bại trong công cuộc tông đồ, bị hiểu lầm hay bị đặt ra ngoài lề…, hoặc do những nguyên nhân có tính cách cá nhân hơn, – như bệnh hoạn thể lý hay tinh thần, khô khan thiêng liêng, tang tóc, các vấn đề thuộc phạm vi tương giao nhân bản, cơn cám dỗ mạnh mẽ, khủng hoảng đức tin hay khủng hoảng căn tính, cảm thấy mình vô dụng… – Khi người nào thấy khó giữ lòng trung tín thì họ phải được nâng đỡ bằng một sự tin cậy lớn hơn, một tình yêu đặm nồng hơn, ở bình diện cá nhân cũng như ở bình diện cộng đoàn. Lúc ấy, sự gần gũi âu yếm của bề trên rất cần, sự giúp đỡ đầy kinh nghiệm của một người anh hay một người chị sẽ là một trợ lực quý báu. Sự hiện diện ân cần và thái độ sẵn sàng của họ có thể giúp tìm lại được ý nghĩa của giao ước mà Thiên Chúa đã có sáng kiến và Người không muốn từ bỏ. Nhờ đó, người bị thử thách sẽ đi tới chỗ chấp nhận được thanh luyện và lột xác, như con đường ưu việt để đi theo Đức Ki-tô bị đóng đinh. Chính thử thách cũng sẽ hiện ra như một phương tiện đào tạo trong tay Chúa Cha an bài sắp đặt, như một chuộc chiến không chỉ có tính cách tâm lý của cái tôi đối diện với chính mình và với những yếu đuối của mình, mà còn có tính cách đạo đức, vì hàng ngày mang dấu hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của thập giá.

Chiều kích của thường huấn

71. Nếu trong mọi giai đoạn của cuộc sống, con người phải chủ động trong việc đào tạo mình, thì cứu cánh của việc đào tạo phải nhắm tới toàn thể con người, được mời gọi tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” (Đnl 6,5) và yêu tha nhân như chính mình (x. Lv 19,18 ; Mt 22,37-39). Tình yêu Thiên Chúa và anh em là một sức mạnh năng động, luôn luôn có thể làm nguồn cảm hứng cho tiến trình tăng trưởng và trung tín.

Đời sống trong Thần Khí hiển nhiên phải được đặt lên hàng đầu. Sống trong Thần Khí, người tận hiến tìm lại được căn tính của mình và một sự thanh thản sâu xa, quan tâm nhiều hơn tới những lời mời gọi thường nhật của Lời Thiên Chúa, và để cho trực giác nguyên thuỷ của tu hội hướng dẫn. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các buổi nguyện gẫm, thinh lặng và cô tịch phải được kiên trì bảo toàn, khẩn khoản nài xin Đấng Tối Cao ơn khôn ngoan trong công việc mỗi ngày (x. Kn 9,10).

Chiều kích nhân loại và huynh đệ bao hàm sự biết mình và biết giới hạn của mình, để được khích lệ và nâng đỡ trên đường giải phóng hoàn toàn. Trong bối cảnh ngày nay, phải đặc biệt quan tâm đến tự do nội tâm của người tận hiến, sự trưởng thành tình cảm, khả năng thông đạt với mọi người, đặc biệt trong chính cộng đoàn của mình, sự thanh thản của tinh thần, sự thông cảm với những người đau khổ, lòng yêu mến sự thật và sự hoà hợp giữa lời nói và việc làm.

Chiều kích tông đồ mở lòng mở trí người tận hiến và chuẩn bị cho họ liên tục cố gắng trong hoạt động tông đồ, đó là dấu chỉ của tình yêu Đức Ki-tô thúc đẩy (x. 2 Cr 5,1-4). Trên thực tế, điều này có nghĩa là phải cập nhật hoá các phương pháp và các mục tiêu hoạt động tông đồ, trong sự trung tín với tinh thần và ý định của đấng sáng lập và với những truyền thống đã được thành hình sau này, nhưng cũng biết để ý tới những thay đổi trong các điều kiện lịch sử và văn hoá phổ quát hay địa phương tại môi trường làm việc.

Dựa trên một huấn luyện thần học vững chắc giúp biện phân, chiều kích văn hoá và nghề nghiệp cần được cập nhật hoá liên tục và quan tâm đặc biệt tới những lãnh vực khác nhau, tuỳ theo mỗi đoàn sủng. Vì thế, cần phải giữ tinh thần cởi mở và sẵn sàng học hỏi, để việc phục vụ được quan niệm và thực hiện theo những đòi hỏi của thời nay, biết dùng những phương tiện mà tiến bộ văn hoá cung cấp.

Sau hết, xét theo chiều kích đoàn sủng của mỗi tu hội, tất cả các yếu tố khác được kết lại, làm thành một tổng hợp, tổng hợp này đòi không ngừng đào sâu việc thánh hiến riêng, trong những chiều kích tông đồ, tu đức và thần bí. Điều này có nghĩa là mọi phần tử phải chuyên cần học hỏi về tinh thần tu hội mình, về lịch sử sứ mạng của tu hội, để cá nhân và cộng đoàn cùng thấm nhuần (173).

———————

(86) DT s. 15 ; thánh Âu-tinh, Regula ad servos Dei, 1, 1.

(87) Thánh Xýp-ri-a-nô, De Oratione Dominica, 23. X. GH s. 4.

(88) X. Kiến Nghị 20.

(89) Thánh Ba-xi-li-ô, Les Grandes Règles (luật dài), Quest. 7,2.

(90) X. Thánh Ba-xi-li-ô, Les petites Règles (luật ngắn), Quest. 225.

(91) YT s. 51 ; GL điều 631, §1 ; GLĐP điều 512, §1.

(92) X. HĐ ss. 47-53 ; GL điều 618 ; Kiến Nghị 19.

(93) X. HĐ s. 68 ; Kiến Nghị 21.

(94) X. Kiến Nghị 28.

(95) TT II s. 24.

(96) Đức Gio-an Phao-lô II, tông huấn sau THĐ-GM Christifideles laici (30-12-1988), s. 31-32.

(97) Regula Bullata, I, 1.

(98) Các thư 109, 171, 196.

(99) X. Quy luật số 13 ở cuối cuốn Linh Thao (Exercices spirituels).

(100) Dichos, s. 217.

(101) Thủ bản tự thuật B, 3v.

(102) X. Kiến Nghị 30, A.

(103) X. HA s. 15.

(104) GH s. 1.

(105) Bộ Giáo lý đức tin, thư gửi các giám mục Giáo Hội Công Giáo về một vài khía cạnh của Giáo Hội xét như là sự hiệp thông, Communionis notio (28-5-1992), s. 16.

(106) GH s. 13.

(107) GM s. 11.

(108) LH s. 11.

(109) X. Ibid.

(110) X. GL điều 576.

(111) X. GL điều 586 ; LH s. 13.

(112) X. TG s. 18.

(113) X. GL điều 586, §2 ; 591 ; GLĐP điều 412, §2.

(114) X. Kiến Nghị 29, 4.

(115) X. Kiến Nghị 49, B.

(116) Kiến Nghị 54.

(117) X. HĐ ss. 47-56.

(118) Apologie à Guillaume de Saint-Thierry, IV, 8 : PL 182, 903-904.

(119) X. DT s. 23.

(120) X. LH ss. 21 ; 61 ; GL điều 708-709.

(121) X. DT s. 1 ; GH s. 46.

(122) X. MV s. 4.

(123) Đức Gio-an Phao-lô II, sứ điệp gửi cho đại hội tu sĩ lần thứ XIV của Brazil (11-7-1986), s. 4 ; X. Kiến Nghị 31.

(124) X. LH ss. 63 ; 65.

(125) GH s. 31.

(126) Thánh An-tôn M.Da-ca-ri-a, Scritti. Sermone II, Roma (1975), tr. 129.

(127) X. Kiến Nghị 33, A và C.

(128) X. Kiến Nghị 33, B.

(129) X. HĐ s. 62 ; HL ss. 92-93.

(130) X. Kiến Nghị 9, A.

(131) X. Kiến Nghị 9.

(132) Đức Gio-an Phao-lô II, thông điệp Evangelium vitae (25-3-1995), s. 99.

(133) Bộ các dòng tu và các tu hội đời, huấn thị về đời sống chiêm niệm và nội vi các nữ tu, Venite seorsum (15-8-1969), V.

(134) X. Ibid, I.

(135) PV, s.2.

(136) GH s. 6.

(137) X. Thánh Gio-an Thánh Giá, Cantique Spirituel, str. 29,1.

(138) X. GL, điều 667, §4 ; Kiến Nghị 22,4.

(139) X. Đức Phao-lô VI, Tự sắc, Ecclesiae Sanctae (8-6-1966), II, ss. 30-31 ; DT ss. 7 ; 16 ; Thánh bộ các dòng tu và các tu hội đời, huấn thị về đời sống chiêm niệm và nội vi các nữ tu Venite seorsum (15-8-1969), VI.

(140) X. Đức Pi-ô XII, tông hiến Sponsa Christi (21-11-1950), VII ; DT s. 8 ; 10.

(141) X. GL điều 588, §1.

(142) X. DT s. 10.

(143) X. DT ss. 8 ; 10.

(144) GL điều 588, §3 ; x. DT s. 10.

(145) X. GH s. 31.

(146) X. Kiến Nghị 8.

(147) Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (22-2-1995), La Documentation Catholique 92 (1995), tr. 306.

(148) X. DT s. 10.

(149) X. GL điều 588, §2.

(150) X. Kiến Nghị 10 ; DT s. 15.

(151) X. GL điều 573 ; GLĐP điều 410.

(152) X. Kiến Nghị 13, B.

(153) X. Kiến Nghị 13, C.

(154) X. MV s. 48.

(155) X. Kiến Nghị 13, A.

(156) X. Kiến Nghị 13, B.

(157) GH s. 1.

(158) X. Kiến Nghị 24.

(159) X. HĐ s. 67.

(160) X. Kiến Nghị 48, A.

(161) X. Kiến Nghị 48, B.

(162) X. Kiến Nghị 48, C.

(163) X. Kiến Nghị 49, A.

(164) X. HL s. 29.

(165) X. Kiến Nghị 49, B.

(166) X. YT s. 45.

(167) X. GL điều 607, §1.

(168) X. Kiến Nghị 50.

(169) X. HĐ ss. 32-33.

(170) X. Kiến Nghị 51.

(171) X. HĐ ss. 43-45.

(172) X. HL s. 70.

(173) X. HL s. 68.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here