Những Văn Kiện Đời Tu (Tập 1) – Giới thiệu

0
2398

Giới thiệu

Trong tập hợp tuyển này, chúng tôi xin giới thiệu những văn kiện quan trọng của Giáo Hội bàn về đời tu, kể từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II cho tới Thượng hội đồng giám mục thế giới khoá IX năm 1994, với những kết luận được trình bày trong tông huấn “Vita consecrata” (25-3-1996).

Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã đánh dấu mốc quan trọng cho việc canh tân Giáo Hội vào hậu bán thế kỷ XX, một cuộc canh tân bằng cách vừa trở về nguồn vừa lưu ý tới những yêu sách của thời đại. Đời tu cũng nằm trong luồng canh tân của toàn thể Giáo Hội. Tựa đề của sắc lệnh Công Đồng về các Dòng tu rất có ý nghĩa: De accommodata renovatione vitae religiosae: “canh tân và thích nghi”. Canh tân bằng việc trở về nguồn gốc của đời tu (sequela Christi: theo Đức Ki-tô) và của mỗi Hội Dòng (ý định của vị sáng lập), đồng thời thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Thực ra Công Đồng chỉ mới vạch ra những hướng đi chứ chưa thể nào đạt tới đích điểm! Việc canh tân còn phải được tiếp tục không ngừng, bởi vì không những các hoàn cảnh lịch sử xã hội không ngừng biến chuyển, nhưng nhất là vì cuộc canh tân nội tại (nhắm đạt tới đức ái trọn hảo) không bao giờ chấm dứt. Thiết tưởng đó là lý do ra đời của những văn kiện hậu Công Đồng: chúng có thể được coi như là những chỉ dẫn cho việc canh tân đời tu dưới nhiều phương diện: tinh thần, pháp chế, chiều kích chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ cũng như chiều kích truyền giáo phục vụ. Dù sao, việc sưu tầm các văn kiện không phải chỉ nhằm trình bày quan điểm của Giáo Hội về đời tu nhưng còn nhằm để giúp cho các tu sĩ đào sâu ơn gọi của mình. Thực vậy, từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II, các văn kiện được soạn thảo với giọng văn mang tính chất thần học, tu đức, mục vụ, kể cả trong các văn bản pháp lý (tựa như Bộ Giáo Luật). Các tu sĩ có thể tìm thấy nơi đây chất lượng cho những bài suy niệm, những khoá tĩnh tâm bồi dưỡng.

Tiếc rằng vì khuôn khổ của quyển sách, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu những văn kiện quan trọng hơn cả. Để có một cái nhìn bao quát hơn, chúng tôi xin lượt qua các văn kiện liên quan đến đời tu cho dù không được trích dịch trong tập này (được đánh dấu hoa thị * ở đầu).

I. Công Đồng Va-ti-ca-nô II

Văn kiện căn bản về đời tu là sắc lệnh Đức ái trọn hảo” (Perfectae caritatis: 28-11-1965). Tuy nhiên, về mặt thần học, không thể nào bỏ qua hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium: 21-11-1964): ở chương Sáu, Công Đồng cho thấy vị trí của đời tu trong mầu nhiệm Hội Thánh. Các tu sĩ không thuộc về cơ chế phẩm trật của Giáo Hội (chương Ba) nhưng được xếp vào bản chất thánh thiện (chương Năm) và cánh chung (chương Bảy) của Giáo Hội.

Ngoài ra, Công Đồng còn đề cập tới các tu sĩ trong các văn kiện khác mà chúng tôi chỉ quy chiếu chứ không trích dẫn trong tập này.

* Sắc lệnh về các Giám mục (Christus Dominus: 28-11-1965) đã dành các số 33-35 cho vấn đề hoạt động mục vụ của các tu sĩ trong giáo phận. Công Đồng đã đặt ra những quy tắc cho mối liên hệ giữa Giám mục và tu sĩ. Những quy tắc này sẽ được khai triển trong văn kiện “Mutuae relationes” (1978), làm nền tảng cho các điều 678-683 của Bộ Giáo Luật 1983.

* Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo (Ad gentes: 7-12-1965) nói tới các tu sĩ ở các số: 15 (vai trò bất khả thay thế); 18-19 (phát huy đời tu ở các xứ truyền giáo); 20 (lòng nhiệt thành của các tu sĩ); 27 (các tu hội truyền giáo); 40 (nhiệm vụ truyền giáo của các tu sĩ). Tưởng cũng nên biết là các văn kiện hậu Công Đồng về truyền giáo đều nhắc đến các tu sĩ: * tông huấn Loan báo Tin Mừng” (Evangelii nuntiandi: 8-12-1975), số 79; * thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris missio: 7-12-1990), số 69-70.

* Các tu sĩ còn được Công Đồng nói tới trong những văn kiện sau đây:

– Hiến chế tín lý về Mặc khải, số 25.

– Hiến chế về Phụng vụ, số 15-18; 55; 57; 80; 95; 98; 99; 101; 111; 115.

– Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 38; 43.

– Sắc lệnh về tác vụ linh mục, số 6; 8-9.

– Sắc lệnh về đào tạo linh mục, số 2; 19.

– Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, số 21; 23; 25-26.

– Sắc lệnh về các Giáo Hội đông phương, số 6; 22.

– Sắc lệnh về công cuộc đại kết, số 6; 10; 15.

– Sắc lệnh về truyền thông xã hội, số 15; 20.

– Tuyên ngôn về giáo dục, số 10.

II. Đức thánh cha Phao-lô VI

Công trình của Đức Phao-lô VI (1963-1978) là thực thi các quyết định của Công Đồng. Những văn kiện được ban hành thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.

  1. Pháp lý

Nhiều tự sắc (Motu proprio) đã được ký với giá trị nhất thời, nghĩa là cho đến khi có Bộ Giáo Luật mới. Chúng liên can tới nhiều vấn đề: duyệt lại hiến pháp, quyền hạn của các bề trên, tương quan với giám mục, v.v. Một văn kiện thường được nhắc đến hơn cả là * tự sắc “Ecclesiae Sanctae” (6-8-1966). Từ khi ban hành Bộ Giáo Luật (1983), những văn kiện này không còn giá trị nữa; vì vậy chúng tôi không trích dịch trong tập này. Cũng vì lý do đó, chúng tôi cũng bỏ qua * Huấn thị của Bộ tu sĩ về việc huấn luyện “Renovationis causam” (6-1-1969), bởi vì nó đã được thay thế bởi một huấn thị khác “Potissimum institutioni” (2-2-1990). * Huấn thị về đời sống chiêm niệm “Venite seorsum” (15-8-1969) cũng không được trích trong tập này bởi vì được thay thế bởi Huấn thị Verbi (13-5-1999) trong tập Hai.

  1. Đạo lý

Văn kiện căn bản là tông huấn Chứng tá Phúc Âm” (Evangelica testificatio: 29-6-1971). Khi bắt tay vào công cuộc canh tân, nhiều tu sĩ và dòng tu đâm ra hoang mang do dự, không rõ đâu là những giá trị hằng cửu của đời tu và đâu là những yếu tố nhất thời cần thay đổi. Tông huấn này, với giọng văn đối thoại thân mật, muốn giải đáp cho vấn nạn đó.

  1. Phụng vụ

Bộ phụng tự đã xuất bản hai nghi thức: khấn dòng và thánh hiến trinh nữ. Nghi thức này chỉ có tính cách kiểu mẫu, và mỗi Dòng sẽ dựa theo đó để soạn nghi thức riêng cho mình. Chúng tôi xin trưng dẫn các lời nguyện thánh hiến vì nội dung thần học phong phú của nó.

III. Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II

Chúng ta có thể xếp các văn kiện Toà Thánh từ năm 1978 thành nhiều loại.

1. Ba văn kiện sau đây mang tính cách đạo lý tổng hợp:

– Tông huấn Hồng ân cứu chuộc” (Redemptionis donum: 25-3-1984) viết nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm hồng ân Chúa Cứu Thế (1983-1984). Đức thánh cha mời gọi các tu sĩ hãy ý thức cách thế đặc biệt mà họ tham gia vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô nhờ việc thánh hiến tu trì.

– Thư gửi các người tận hiến nhân dịp Năm Thánh Mẫu (22-5-1988) cũng mang hình thức suy niệm với Đức Ma-ri-a về ý nghĩa đời tu dựa theo ba tư tưởng: ơn gọi, sự thánh hiến, hoạt động tông đồ.

– Tông thư hậu Thượng hội đồng giám mục thế giới bàn về đời thánh hiến họp tại Rô-ma năm 1994 (Vita consecrata: 25-3-1996).

2. Pháp chế về đời tu được quy định trong hai Bộ Giáo Luật:

a. của Giáo Hội La-tinh (Codex iuris canonici: 25-1-1983), ở các điều 573-746;

b. * của các Giáo Hội Đông phương (Codex canonum Ecclesiarum Orientalium: 18-10-1990), ở các điều 410-572. Một điểm khác biệt nổi bật giữa hai bộ luật là bên đông phương, hình thức tu trì cố cựu và phổ thông hơn cả là nếp sống đan tu. Xem * tông thư Ánh sáng phương đông” (Orientale lumen: 2-5-1995), số 9-16.

3. Những văn kiện của Bộ tu sĩ thường mang tính cách thực hành; tuy vậy, khía cạnh đạo lý cũng được đào sâu về nhiều phương diện.

a. Mang tính cách tổng hợp: Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (31-5-1983), vài tháng sau khi Bộ Giáo Luật ra đời.

b. Một vài vấn đề cụ thể. Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes: 14-5-1978). Văn kiện này do Bộ Tu sĩ cùng soạn với Bộ Giám Mục. – Hai văn kiện Tu sĩ và sự thăng tiến con người” và Chiều kích chiêm niệm trong đời tu” (12-8-1980) là kết quả của các phiên họp khoáng đại của Bộ Tu sĩ vào những năm 1978 và 1980. Một cách tương tự, văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” (Congregavit nos in unum Christi amor: 2-2-1994) là kết quả của phiên họp khoáng đại năm 1992. – Văn kiện Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Dòng tu” (Potissimum institutioni: 2-2-1990) mang tính cách của huấn thị nhằm áp dụng những quy định của giáo luật.

Tóm lại, sau đây là danh mục những văn kiện của tuyển tập này, xếp theo cấp bậc thẩm quyền:

I. Công Đồng Va-ti-ca-nô II

1. Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium: 21-11-1964), chương V-VI

2. Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi Dòng tu (Perfectae caritatis: 28-10-1965)

II. Chân phúc Giáo hoàng Phao-lô VI

3. Tông huấn Chứng tá Phúc Âm” (Evangelica testificatio: 29-6-1971)

III. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II

4. Tông huấn Hồng ân cứu chuộc” (Redemptionis donum: 25-3-1984)

5. Thư gửi các người tận hiến nhân dịp Năm Thánh Mẫu (22-5-1988)

6. Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời thánh hiến (Vita consecrata: 25-3-1996)

7. Bộ Giáo Luật (25-1-1983), điều 573-746

IV. Bộ Tu Sĩ *

8. Các liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội (Mutuae relationes: 14-5-1978). Văn kiện này do Bộ Tu Sĩ cùng soạn thảo với Bộ Giám Mục.

9. Tu sĩ và sự thăng tiến con người (Optiones evangelicae: 12-8-1980)

10. Chiều kích chiêm niệm trong đời tu (Dimensio contemplativa: 12-8-1980)

11. Những yếu tố cốt yếu của đời tu (Essential elements: 31-5-1983)

12. Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Dòng tu (Potissimum institutioni: 2-2-1990)

13. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (Congregavit nos in unum Christi amor: 2-2-1994)

V. Bộ Phụng Tự

14. Nghi thức khấn dòng (Ordo professionis religiosae: 2-2-1970)

15. Nghi thức thánh hiến các trinh nữ (Ordo consecrationis virginum: 31-5-1970)

* Lưu ý về tên gọi. Cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II cơ quan này mang danh là “Thánh Bộ Tu Sĩ”; sau đó đổi thành “Thánh Bộ Dòng Tu và Tu hội đời”. Để phù hợp với Bộ Giáo Luật 1983, danh xưng hiện nay là “Bộ các tu hội tận hiến và tu đoàn tông đồ”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here