Những Chặng Đường Và Thách Đố Của Phong Trào Đại Kết

0
1331


Lm. FX. Nguyễn Văn Nhứt, OP.

 

Trong Tông thư “Hướng Đến Ngàn Năm Thứ Ba”, đức Gioan Phaolô II kêu gọi toàn thể Hội thánh phải “tận lực sám hối và hoán cải đối với những tội lỗi đã và đang còn gây tổn hại đến tình hiệp nhất Thiên Chúa mong muốn cho Dân của Người”, số 34. Đức Thánh Cha cũng đề ra một trong những trách vụ Kitô hữu phải thực thi để đón mừng Năm Toàn Xá 2000 là “duyệt xét lương tâm và tham gia thúc đẩy mọi sáng kiến Đại kết, sao cho dịp cử hành Đại Toàn Xá này, Kitô hữu chúng ta, nếu chưa hoàn toàn hiệp nhứt, chí ít cũng gần gũi nhau hơn trong nỗ lực vượt thắng những mối chia rẽ của suốt thời kỳ thiên niên kỷ thứ hai” (số 34).

Một lời công khai và chính thức nhìn nhận phần liên đới trách nhiệm và tích cực đóng góp cho tính thống nhất của Hội thánh như vậy không có gì mới lạ hoặc gây sửng sốt trong thời hậu Vatican II. Nhưng để có được bầu khí cảm thông, thuận lợi hôm nay cho các Ki-tô hữu thuộc mọi hệ phái cũng như chia sẻ với nhau lời cầu hiệp nhứt của Đức Kitô (Ga 17,21), đã có những chặng đường, những chặng đường không phải lúc nào cũng suông sẻ, của phong trào Đại Kết.

Phong trào Đại Kết là nỗ lực của tất cả Kitô hữu nhằm hiệp nhứt và tái hợp Kitô giáo trên địa cầu này (R. V. Kienle). Nói khác đi, phong trào Đại Kết được hình thành từ nỗi bức xúc của những người cùng tuyên xưng niềm tin nơi Đức Kitô là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa thật, phải chứng kiến cảnh phân tán bi đát của chính bản thân với anh em đồng đạo. Bằng tất cả thành tâm, bằng mọi phương cách tự nhiên lẫn siêu nhiên, họ đã và vẫn tiếp tục dấn thân cho công cuộc đưa các anh em Kitô của mình xích lại gần nhau, để trở thành một Hội thánh phổ quát, tông truyền, duy nhứt và thánh thiện.

Ngay từ thời sơ khai của Hội thánh, đã có những bè phái chia rẽ, kình địch chống nhau, thường là do mối căng thẳng giữa hai cộng đồng Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc lương dân (Cv 15,1tt; 1Cr 1, 12). Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ V mới có hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Hội thánh vì lý do quan điểm thần học khác biệt. Giám mục Nestorius chủ trương Đức Kitô không chỉ có một ngôi vị mà là hai: một ngôi vị Thiên Chúa và một ngôi vị người phàm. Do vậy, không thể gọi Đức Maria là Thiên Chúa Thánh Mẫu, mà chỉ là thân mẫu của Đức Giêsu về mặt ngôi vị phàm nhân. Công đồng Êphêxô năm 431 lên án chủ trương nói trên và tuyên xưng Đức Maria là Theotokos – Đức Mẹ Chúa Trời. Hội thánh Persia phủ nhận quyết định của Công đồng Êphêxô và cắt đứt quan hệ với Hội thánh Rôma. Kế thừa chủ trương của Giám mục Nestorius hiện nay là Giáo hội Assyri Đông phương và Syri Mar Thoma (Ấn Độ). Đối nghịch chủ trương trên là quan điểm thần học Đơn nhứt tính, theo đó, nơi Đức Kitô, chỉ có một ngôi vị và một bản tính. Công đồng Canxêđôni năm 451 lên án chủ trương này và tuyền bố Đức Kitô có hai bản tính : Thiên Chúa thật và con người thật. Các Hội thánh Alencandria (Ai Cập), Syria và Amenia không chấp nhận phán quyết của Canxêđôni. Đó là nguồn gốc của các Hội thánh Cốp, Giacôbít và Ácmêni, có mặt ở Tiểu Á, Ấn Độ, với khoảng 30 triệu tín hữu.

Tuy nhiên, đau xót hơn hết chính là cuộc ly giáo Đông phương thế kỷ XI và cuộc Cải Cách ly giáo Tây phương thế kỷ XVI. Cuộc ly giáo Đông phương được coi như hệ quả của một quá trình bất đồng về văn hoá, tâm thức và truyền thống, kể cả mối phân tranh gay gắt giữa Đông và Tây, hoặc chính xác hơn giữa hai cực đế quốc Bydantin và Rôma, hơn là do mâu thuẫn về những điểm giáo thuyết cơ bản[1]. Thực vậy, từ năm 285, đế quốc Rôma bị phân đôi, chẳng những về địa lý, mà cả về văn hoá: phía Tây với văn hoá La-tinh và phía Đông với ngôn ngữ Hy Lạp. Tữ ngữ, tâm thức dị biệt càng lúc càng đào sâu hố ngăn cách. Năm 330, hoàng đế Constantinus nhận Thánh Tẩy, tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo, thiên đô về Bydăng được cải danh là Constantinopolis. Trước những đợt xâm lăng của man dân, phần đế quốc bên Tây, vốn đang thời mạt vận, đành thúc thủ, trong khi phía Đông vẫn đứng vững. Kể từ đó, Constantinopolis tự coi mình là Rôma mới và các hoàng đế Bydantin luôn can thiệp vào các vấn đề của Hội thánh, khiến xảy ra nhiều mâu thuẫn với các vị Giáo hoàng Rôma. Người bên Đông khinh dể dân bên Tây, coi đó như những kẻ không văn hoá và thô tục; trong lúc dân bên Tây thì dè bỉu người Bydantin là bọn trí thức cố chấp, ti tiện. Từ năm 754, các vị giáo hoàng tìm đến liên minh với các vua người Francs, gây tổn thất nặng nề cho tổ quốc Bydăng. Trong bối cảnh như vậy, những tranh chấp về đạo lý gia tăng và gia trọng thêm giữa Rô-ma và Constantinopolis. Vụ Thượng phụ Acace, thế kỷ thứ V, với bản Quy luật đức tin – Henotica, nhằm hoà giải với chủ trương Đơn nhứt tính, đưa đến cuộc đoạn giao 34 năm; vụ Thương phụ Sergius, thế kỷ thứ VII, với bản Tuyên xưng đức tin – Ekthesis chủ trương Đức Kitô chỉ có một ý chí, khiến hai Hội thánh chia cắt nhau suốt 43 năm, vụ khủng hoảng về chủ trương tiêu huỷ tranh thánh – Iconoclasta ở thế kỷ thứ VIII kéo dài suốt 117 năm : các hoàng đế Bydantin ủng hộ việc phá hủy tranh thánh bị các Giáo hoàng Rôma kết án là lạc giáo; thế kỷ thứ IX có vụ Thượng phụ Photius bi Đức Giáo hoàng Nicolas I tuyên bố là được bầu lên trái giáo luật, nhưng lại được hoàng đế Bydantin là Micae III ủng hộ. Thượng phụ Photius cực lực chống đối quyền trưởng thượng của giáo hoàng và kết án từ Filioque – và bởi Đức Chúa Con do các thần học gia phương Tây thêm vào kinh Tin kính của công đồng Nicea – Constantinopolis là lạc đạo. Và hai thế kỷ sau, ngày 16-7-1054, hồng y Humbertus, đặc sứ của đức giáo hoàng Lêô IX tại Constantinopolis, công bố sắc chỉ kết án tuyệt thông đối với Thượng phụ Micae. Để đáp lại, thượng phụ Micae tuyên bố vạ tuyệt thông cho toàn thể “phe Latin”!

Hội thánh Chính Thống bao gồm một tập thể hội thánh riêng biệt và tự trị, thống nhứt với nhau trong mối hiệp thông cùng một đức tin, song không cần một cơ chế tập trung quanh một vị thủ lãnh tinh thần theo kiểu Công giáo. Có 4 toà Thượng phụ kỳ cựu là Constantinopolis, Alexandria, Antiochia và Giêruxalem, trong số đó vị Thượng phụ toàn cầu ở Constantinopolis được hưởng quyền trưởng thượng danh dự, nghĩa là không hành xử quyền bính gì trên các Hội thánh khác. Ngoài ra, còn có các toà thượng phụ ở Mátxcơva, Giócgia, Rumani, Xécbia, Bungari, Hy Lạp, đảo Síp … với khoảng 150 triệu tín hữu[2].

Thế kỷ XVI, cuộc Cải Cách do linh mục Luther khởi xướng bắt đầu với việc ông công bố 95 luận đề chống lại các ân xá và quyền bính Giáo hoàng. Chủ trương đạo lý của ông gồm 3 nguyên tắc chính yếu: uy tín độc nhứt của Thánh kinh, ơn Công Chính Hoá chỉ nhờ đức tin, và chức tư tế phổ quát của Kitô hữu. Năm 1520, bị Đức Lêô X kết án, nhưng ông Luther công khai thiêu huỷ sắc chỉ giáo hoàng. Năm sau, ông bị vạ tuyệt thông. Các Hội thánh Cải Cách gồm Hội thánh Luther, Presbyter, Báptít, Methodist, Pentecôtist, và nhiều hệ phái khác, với khoảng 300 triệu tín hữu trên khắp thế giới[3].

Cùng thời điểm này, cuộc Cải Cách ở nước Anh lại bộc phát do việc đối đầu cá nhân giữa vua Henri VIII và Đức Giáo hoàng Clement VII, người từ chối không cho phép nhà vua ly hôn. Vua Henri VIII vẫn tiến hành ly hôn và tái hôn với sự giúp đỡ của vị trưởng giáo Anh quốc là Cranmer do chính vua bổ nhiệm. Bị án tuyệt thông, vua Henri VIII ra sắc lệnh cho Quốc hội bỏ phiếu chỉ định ông là thủ lãnh Hội thánh Anh quốc. Hiện có khoảng 60 triệu tín đồ Anh giáo, một nửa số đó ở tại Anh quốc, còn lại ở các nước Úc, Mỹ, Canada, Nam Phi, New Zealand[4].

Các Hội thánh Cải Cách và Hội thánh Anh quốc đều dành cho các Hội thánh địa phương quyền tự trị. Quyền bính không tập trung nơi một cá nhân mà được giao cho một Hội đồng và do cộng đoàn bầu ra, và cũng chỉ có tính cách tinh thần. Riêng Hội thánh Anh quốc còn duy trì nhiều đặc tính của Hội thánh Công giáo về Giáo phẩm, phụng vụ, bí tích.

Không kể những cố gắng chưa từng mỏi mệt của Hội thánh Công giáo nhằm nối lại mối dây hiệp nhứt với các Hội thánh bên Đông, ngay sau lúc có những rạn nứt ở các thế kỷ đầu công nguyên, thì các bước mở đường cho phong trào Đại Kết theo tinh thần đối thoại, hoà giải, tìm đến với nhau trên căn bản tương đồng hữu cơ của những nỗi bức thiết, những tâm thức và cấu trúc tín ngưỡng[5], như quan niệm hiện nay, chỉ mới bắt đầu trong thế kỷ XX này. Nỗ lực và sáng kiến đại kết được thực hiện vừa hướng đến bên ngoài lại vừa nhắm vào nội tình các hội thánh.

Bầu khí của một xã hội thay đổi thật nhanh với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, bùng nổ thông tin, giao lưu, liên đới giữa các dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hoá… không cho phép bất kỳ cộng đoàn tôn giáo nào sống khép kín, đứng ngoài cuộc, nếu muốn còn thực sự là những con đường cho con người tìm đến chân phúc.

Đi tiên phong trên con đường đại kết chính là các Hội thánh Cải Cách, với các tổ chức như Liên minh Tin mừng, năm 1846, quy tụ nhiều hệ phái Thệ Phản khác nhau, Liên Hiệp Toàn Cầu các đoàn sinh viên Ki-tô giáo, năm 1895. Song chính những đụng chạm, căng thẳng xảy ra tại các miền truyền giáo ở Châu Phi và Châu Á, gây nhiều cản trở bất lợi đối với việc truyền giảng Tin mừng, đã thúc giục các Hội thánh Cải Cách ngồi lại với nhau tại Đại hội các miền Truyền giáo, ở Edinburgh, năm 1910. Đại hội Edinburgh mở đường cho việc thành lập Hội đồng Quốc tế Toàn cầu các Hội thánh được thành lập và họp phiên đầu tiên tại Amsterdam năm 1948. Lúc đầu, hội đồng có 147 Hội thánh tham dự, hiện nay đã lên đến hơn 300 thành viên. Trong lần họp ở New Delhi năm 1961, gần như tất các các hội thánh không thuộc quyền Rôma đều hiện diện, và lần đầu tiên Toà Thánh gởi các quan sát viên Công giáo đến tham dự. Tại kỳ họp này, Hội đồng tự định nghĩa như là “Cộng đồng huynh đệ gồm các Hội Thánh cùng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế theo lời Thánh kinh, và nỗ lực cùng nhau đáp lại ơn gọi chung của mình về vinh quang Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh”. Tuy nhiên, theo các tuyên ngôn Toronto năm 1950, Nairobi năm 1975, và Lima năm 1986, Hội đồng không phải và sẽ không bao giờ trở thành một Siêu Hội thánh, không phải là thẩm quyền phổ quát kiểm soát những gì Kitô hữu phải tin và phải làm. Trụ sở Hội đồng ở Geneva không có ý định trở nên một Rôma mới. Những cuộc tiếp xúc giữa các Hội thánh Cải Cách với Hội thánh Công giáo chỉ thực sự được củng cố từ khi Đức Gioan XXIII lên ngôi giáo hoàng năm 1958. Theo lời mời của Người, nhiều Hội thánh Cải Cách đã gởi quan sát viên tới dự Công đồng Vatican II. Sau đó, nhiều nhóm công tác hỗn hợp được thành lập chính thức hoặc bán chính thức để đối thoại, suy tư về vấn đề thần học, Thánh kinh.

Vốn bản chất mang tính trung gian giữa Công giáo và Cải Cách, Hội thánh Anh quốc sẵn sàng đi đến các cuộc đối thoại đại kết với Rôma, lẫn với phía Thệ Phản. Nhiều Hội thánh Anh quốc đã tham gia vào Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh. Những cuộc tiếp xúc với Hội thánh Công giáo đã có từ cuối thế kỷ XIX, nhứt là nhằm giải quyết về tính hiệu lực bí tích truyền chức của Hội thánh Anh quốc. Tại Công đồng Vatican II, Hội thánh Anh quốc đã gửi các quan sát viên đến tham dự. Thiện ý của Hội thánh Anh quốc và Hội thánh Công giáo còn được xác định vững chắc hơn với các cuộc viếng thăm của Tiến sĩ Ramsay, Tổng Giám mục Cantorbery, dành cho Đức Phaolô VI năm 1966 và của Đức Gioan Phaolô II tại Cantorbery năm 1981, cũng như với việc thành lập Uỷ ban Công giáo – Anh giáo để biên soạn những văn bản thật hữu ích và đầy tinh thần xây dựng liên quan đến những vấn đề nhạy cảm nhứt như Thánh Thể, tác vụ, quyền bính trong hội thánh.

Nhu cầu xích lại gần nhau giữa các Hội thánh Chính thống trở nên bức thiết hơn vào lúc có những đợt sóng di dân vì lý do chiến tranh, chính trị hoặc kinh tế, khiến hình thành những cộng đồng Kitô hữu Chính thống thuộc nhiều quyền tài phán khác nhau. Nhiều nỗ lực dưới sự hướng dẫn của vị Thượng phụ toàn cầu ở Istanbul nhằm tổ chức một công nghị toàn thể các Hội thánh Chính thống để điều chỉnh các vấn đề nội bộ của mình. Ngay từ những bước chuẩn bị cho Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh đã có toà thượng phụ Constantinopolis cùng với Hội thánh Hy Lạp tham gia. Hiện nay, tất cả các Hội thánh Chính thống đều là thành viên của hội đồng này. Mối tương quan mới được cải thiện nhiều hơn dưới thời Đức Gioan XXIII, với việc Người thành lập Văn phòng Toà Thánh về vấn đề hiệp nhứt Kitô hữu năm 1960 và triệu tập Công đồng Vatican II được các hội thánh không Công giáo gởi quan sát viên đến tham dự. Biến cố lịch sử là cái hôn bình an được trao đổi giữa hai vị lãnh đạo Công giáo và Chính thống, Đức Phaolô VI và thượng phụ Athênagorát I tại Giêruxalem tháng 1-1964. Ngày 7-12-1965 cùng lúc tại Rôma và Constantinopolis, Đức Phaolô VI và Đức Athênagôrát I tuyên bố huỷ bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau, chấm dứt mối bất hoà dai dẳng hơn 9 thế kỷ! Những cuộc viếng thăm tăng bội giữa Rôma và Istanbul, việc thành lập Uỷ Ban Công giáo – Chính thống để nghiên cứu những vấn đề còn gây trở ngại cho công cuộc hiệp nhứt cho thấy con đường đại kết giữa hai hội thánh đang rộng mở.

Điều nghịch lý, song là sự thật, đó là Hội thánh Công giáo đến với phong trào đại kết rất muộn màng, mặc dầu trong cõi lòng mỗi tín hữu Công giáo luôn trĩu nặng mong muốn được sớm nhìn thấy giây phút Hội thánh Chúa Kitô được tái hợp một nhà. Từ lâu, đặc biệt là với Công đồng Trentô và Vatican II, Hội thánh Công giáo tự coi mình là duy nhứt, là toàn cầu, nên chỉ quan tâm cầu nguyện và kêu gọi các anh em lạc giáo hối cải, quay trở lại chính giáo. Thực ra, vẫn có những nỗ lực âm thầm, không chính thức của nhiều tín hữu Công giáo để lấp đi hố ngăn cách giữa các Kitô hữu với nhau. Linh mục Portal, người Pháp, thuộc dòng Ladarít, hợp tác với một tín hữu Anh giáo là Lord Halifax tổ chức những cuộc gặp gỡ bán chính thức giữa Công giáo và Anh giáo để tìm cách tháo gỡ một số trở ngại chính trên đường hiệp nhứt, như vấn đề hiệu lực bí tích truyền chức của Hội thánh Anh quốc. Sáng kiến này được Đức Piô XI khuyến khích và chấp thuận cho đức hồng y Mercier, tổng giám mục Malines, chủ trì các cuộc gặp gỡ nói trên; kéo dài từ năm 1921 đến 1926. Vào đầu thế kỷ này, do sáng kiến hiệp nhứt Kitô hữu được tổ chức hàng năm, từ ngày 18 đến 28 tháng 1, với ý chỉ lúc đầu là xin cho anh em lạc giáo và ly giáo trở về cùng Hội thánh Rôma. Đức Bênêđictô XV truyền cử hành tuần lễ này trong toàn hội thánh.

Đến năm 1935, Tuần lễ này được linh mục Paul Couturier người Pháp, xướng xuất một ý chỉ mới, phù hợp với tinh thần đại kết hơn, đó là cầu nguyện cho công cuộc hiệp nhứt như Đức Kitô mong muốn và nhờ các phương thế theo ý Người sẽ định đoạt. Đề nghị lập tức được các Hội thánh Kitô không Công giáo hưởng ứng. Năm 1940, Uỷ ban Đức tin và Cơ Chế sửa lại ngày của tuần cầu nguyện cho hiệp nhứt như vẫn được Uỷ ban cử hành trước đó. Năm 1954, Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh chỉ thị cho tất cả các thành viên của mình tham gia cử hành tuần cầu nguyện hành năm này. Kể từ năm 1958, các bản văn cầu nguyện, các trích đoạn Thánh kinh dành cho các buổi gặp gỡ nói trên được cả bên Công giáo và Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh cùng chọn lựa. Năm 1937, linh mục Yves Congar, dòng Đaminh, viết quyển Những Kitô hữu phân ly, các nguyên lý Đại Kết của Công giáo, chỉ ra mọt hướng đúng đắng cho phong trào đại kết, đó là thay vì tranh chấp nhau, hãy cố gắng tìm kiếm nơi tha nhân những thành tố của chân lý và sẵn lòng đón nhận chúng. Quả là những tiền đề hết sức hữu ích cho Hội thánh Công giáo trong quá trình tự canh tân nói chúng và trên bước đường hiệp nhứt nói riêng. Công đồng Vatican II với sắc lệnh Unitatis Redintegratio trình bày đường hướng Công giáo về vấn đề đại kết, Orientalium Ecclesiarum về các Hội thánh Công giáo Đông phương, các hiến chế Lumen Gengium giới thiệu bản tính và cơ chế hội thánh, Sacrosanctum về phụng vụ, các tuyên ngôn Dingtatis Humamae vế tự do tôn giáo và Nostra Actate về mối quan hệ giữa Hội thánh Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô, là tiếng nói chính thức của Hội thánh Công giáo ủng hộ công cuộc đối thoại đại kết theo đúng tinh thần Tin mừng. Tiếp đến là việc thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp giữa Văn phòng Toà thánh về hiệp nhứt và Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh, và Uỷ ban đặc trách xã hội, phát triển và hoà bình do Uỷ ban Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình và Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh bổ nhiệm, vào măm 1965. Các cuộc thăm viếng, tiếp xúc của các Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II với các vị lãnh đạo cao cấp của các Hội thánh Anh quốc, Chính thống, gây được nhiều thiện cảm giữa các Hội thánh ấy với Hội thánh Công giáo. Hội thánh Công giáo đã tham gia vào các tổ chức như: Uỷ ban Đức tin và Cơ chế thuộc Hội đồng toàn cầu các Hội thánh, Uỷ ban quốc tế Anh giáo – Công giáo Rôma, Uỷ ban hỗn hợp quốc tế Công giáo – Chính thống, Uỷ ban hỗn hợp Công giáo Rôma – Luther, Uỷ ban Công giáo – Cải Cách… Tất cả những sự kiện đó cho thấy lựa chọn không thể đảo ngược của Hội thánh Công giáo trong vấn đề đại kết, cùng với các Hội thánh Kitô khác đẩy mạnh vấn đề hiệp nhứt trong ba lãnh vực thực hành, thần học và cơ chế.

Ở lãnh vực Đại kết thực hành, sẽ thúc đẩy các buổi cử hành cầu nguyện, phụng vụ chung, các công tác chung về giáo dục, xã hội, các hành động chung cho hoà bình, phát triển, bảo vệ quyền con người, bảo về môi sinh, chống kỳ thị chủng tộc. Ơ lãnh vực Đại kết về thần học, khuyến khích làm việc chung, nghiên cứu những điểm đang còn gây xung đột, tìm kiếm công lý căn bản mới liên quan đến ý hướng phương pháp và nội dung của thần học Kitô giáo. Về phần đại kết trong cơ chế liên hội thánh, với các Uỷ ban đối thoại chính thức, song phương hoặc đa phương, sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu sâu xa các chỉ dẫn mục vụ chung có liên quan đến vấn đề hôn phối hỗn hợp, cử hành có tính đại kết.

Với bầu khí đối thoại cởi mở sau Vatican II, thiện ý và nỗ lực của Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau đã sinh hoa kết trái. Đặc biệt về giáo thuyết, đã có những chuyển hướng rất quan trọng mở đường cho nhiều điểm hội tụ hơn trong cách nhìn lại những vấn đề vốn được coi là trở lực truyền thống, kinh điển của tiến trình hiệp nhứt. Chính Vatican II đã bật đèn xanh cho những vấn đề đó khi nhìn nhận vai trò hàng đầu của Thánh kinh so với toàn bộ truyền thống tối hậu (MK 11); đề cao tầm quan trọng của Lời Chúa trong cử hành phụng vụ và bí tích; làm nổi bật tính cách một bữa ăn của bí tích Thánh Thể, cho phép sử dụng ngôn ngữ địa phương, chịu lễ trong chén thánh và việc đồng tế thánh lễ (PV); quan niệm thần bí về hội thánh được cân bằng với ý tưởng về Dân Chúa, về chức tư tế phổ quát và tinh thần đồng trách nhiệm của người giáo dân (HT, 60); tầm quan trọng của các hội thánh (GM); điều chỉnh lại một số hình thức đạo đức bình dân vẫn gây tranh cãi (HT; PV). Nếu tinh ý, người ta nhận ra đó chính là những bước tiến lại gần với các bận tâm cốt lõi của anh em Cải Cách.

Tuy nhiên, hiện tình vẫn chưa phải là lúc có thể hát bài Tạ Ơn cho công cuộc đại kết, bởi vì hãy còn đó nhiều chướng ngại trên con đường cả cố hữu lẫn mới phát sinh, vừa trong lãnh vực giáo thuyết, vừa trong lãnh vực thực tiễn.

Trong tương quan giữa Hội thánh Công giáo với Hội thánh chính Thống và Hội thánh Anh quốc có vấn đế quyền Trưởng thượng của Giám mục Rôma. Phía anh em Chính Thống, ngay từ biến cố Thượng phụ Micae năm 1054, vẫn cho là những cơ sở Hội thánh Công giáo dùng để làm điểm tựa cho quyền trưởng thượng của Giáo hoáng Rôma không đủ giá trị thuyết phục về mặt Thánh kinh lẫn truyền thống đã có lúc, vấn đề này tưởng chừng như có thể giái quyết xong đối với anh em Anh giáo, nếu như Toà Tổng giám mục Cantorbery cũng nhìn nhận quyền tự trị như một toà thượng phụ nào đó thuộc Hội thánh Công giáo Đông phương, và nếu như – đây mới là cái gút của vấn đề – hiệu lực bí tích Truyền chức của Anh giáo được Rôma công nhận. Còn nhớ, Đức Lêô XIII qua Tông thư Apostolicae durae, ban hành năm 1896 đã phủ nhận hiệu lực bí tích Truyền chức của Hội thánh Anh quốc. Từ năm 1944, trong Hội thánh Anh quốc có việc trao tác vụ thánh, phó tế, linh mục và giám mục cho phụ nữ. Hiện nay có 8 vị nữ giám mục thuộc Hội thánh Anh quốc. Vấn đề này không những làm bế tắc cuộc đối thoại Công giáo – Anh giáo, mà con gây ra những mối bất hoà trong nội bộ các Hội thánh Anh quốc, đến mức đã có những trường hợp giáo dân và giáo sĩ Anh giáo rời bỏ Hội thánh của mình đề sang hàng ngũ Công giáo. Việc tiếp nhận các anh em Anh giáo trong bối cảnh tế nhị hiện nay cũng khiến cho Công giáo phải rất dè dặt.

Đối với mối tương quan Chính thống – Công giáo lại có những vấn đề mang vẻ trần tục nhiều hơn là siêu nhiên. Sự kiện nhiều Hội thánh Đông phương lần lượt hiệp thông với Hội thánh Rôma trong khi vẫn được duy trì các tập tục, lễ nghi, kỷ luật riêng của mình, khiến bầu khí đối thoại Chính thống – Công giáo trở nên lạnh lẽo hơn. Một vấn đề có thể đẩy mối giao hảo hai bên đến nguy cơ gãy vỡ, đó là quyền sở hữu các nơi thờ phượng của Công giáo đang do Chính thống quản lý, và quyền tài phán đối với các tín hữu gốc Công giáo bị bắt buộc gia nhập Hội thánh Chính thống tại các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Từ năm 1991 đến nay, nhiều cuộc tiếp xúc đã và còn tiếp tục được thực hiện giữa hai Hội thánh để tìm ra giải pháp thoả đáng cho vấn đề.

Về phía các Hội thánh Cải Cách, tuy con đường cùng với Hội thánh Công giáo đến với hiệp nhứt hãy còn dài ở phía trước, bởi có qúa nhiều cách biệt về những điểm cốt yếu về giáo thuyết, phụng vụ và kỷ luật, song hình như mối giao hảo giữa hai bên ít căng thẳng, có lẽ do tinh thần của Hội thánh Cải Cách nói chung khá thông thoáng do ít bị ràng buột về cơ chế và mọi tổ chức từ căn bản mang đậm dấu ấn giáo dân. Tính năng động, thực tiễn của các cộng đồng anh em Thệ Phản khiến họ dễ gần gũi, cộng tác với anh em Cộng giáo trong các lãnh vực học hỏi, dịch thuật Thánh kinh, truyền giảng Tin mừng bằng các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động từ thiện, xã hội. Thiện ý của hai phía vẫn cao và mạnh hơn những bất đồng, do đó, mọi người có quyền hy vọng những vết thương qua khứ hoặc mới gần đây trong cõi lòng của nhứng anh em Kitô hữu của cả hai bên sẽ chóng vánh khép miệng và lành lặn.

Sau cùng là những vấn đề nội bộ của Hội thánh Công giáo. Một thời gian rất dài trong quá khứ, do phải đối phó với nhiều biến động không ngờ trước và chưa từng nếm trải, nhưng trong biến cố Cải Cách thế kỷ XVI chẳng hạn, nên Hội thánh Công giáo có vẻ thiên về thái độ phòng thủ khép kín. Tiêu hao nhiều năng lực cho các biện pháp đối phó, răn đe, Hội thánh Công giáo vẫn như bị khô cứng, già nua không nhạy bén, mất sáng kiến. Các công đồng trước Vatican II không cho thấy rõ được sức chuyển mình của Dân Chúa trong tiến trình trường kỳ hoán cải, canh tân hoà giải là cũng bởi lý do nêu trên. Có được pháp suy nghĩ như thế này hay không, là chính do một tâm thức bén rễ từ lâu đời trong mỗi tín hữu Công giáo, giáo phẩm cũng như giáo dân, tâm thức tự do cho mình đang ở phía chân chính, nắm giữ được bí quyết phần phúc đời đời, nên, đối với những người Công giáo có đầu óc như vậy, truyền giáo là bằng mọi cách, kể cả dùng vũ lực, mưu sách chính trị, để khuyến dụ người ngoại đạo từ bỏ tín ngưỡng, tập tục, văn hoá của họ mà gia nhập Hội thánh Công giáo, và hiệp nhứt hay đại kết như đã trình bày ở trên, đơn giản là đưa kẻ lạc đạo lầm đường trở về hội thánh Mẹ. Tinh thần đối thoại của Vatican II chưa thể một sớm một chiều ngự trị và tác động được mọi tầng lớp trong Hội thánh Công giáo, đặc biệt ở những vùng Công giáo toàn tòng, kỳ cựu. Đã có những phản ứng chống đối: đôi khi thật quyết liệt, một mất một con đối với chủ trương của Vatican II, như trường hợp giám mục Marcel Lefebvre, vì những canh tân, thích nghi đó được coi như có khuynh hướng, nếu không muốn nói là chịu tác động, bị giật giây bởi Hội thánh Thệ Phản. Ngay ở thượng tầng của Hội thánh Công giáo, cách thức giao tiếp, hợp tác với các hội thánh không thuộc quyền Rôma hãy còn thật dè dặt. Đến nay, Công giáo vẫn không phải là thành viên của Hội đồng Toàn cầu các Hội thánh, do không chấp nhận quan điểm giáo hội học của Hội đồng muốn nhấn mạnh tính cộng đoàn của các hội thánh, nên đối xử bình đẳng với tất cả mọi thành viên. Mặt khác, có dư luận cho rằng: Hội thánh Công giáo hiện nay đang thụt lùi trở lại trước thời Vatican II, căn cứ vào một số động tác có tính siết chặt cánh cửa tự do đối thoại, đặc biệt trong lãnh vực thần học tín lý và luân lý.

Qua những gì vừa trình bày, chúng ta thấy rõ con đường đi đến hiệp nhứt của tất cả mọi Kitô hữu, thuộc mọi hệ phái, quả là trăm bề gian khổ. Có đôi lúc, trong qúa khứ cũng như hiện tại, chúng ta tưởng chừng như mọi nỗ lực của con người, dù lớn lao đến đâu, dù thành tâm đến đâu, đều trở nên vô nghĩa, như công dã tràng, bởi cơ man trở lực, chướng ngại do chính con người tự gây ra.

Nhưng chính giây phút gần như tuyệt vọng, chán chường đó có thể mỗi Kitô hữu thành tín, khiêm tốn, phải nhận ra ý nghĩa cơ bản sâu sa của sự hiệp nhứt hội thánh, trước hết và trên hết, phải là một ơn phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi, điển hình vĩnh hằng của tính hiệp nhứt Kitô giáo. Bởi đó, hành động cho hiệp nhứt Kitô hữu, cho Đại Kết các Hội thánh Chúa Kitô, chính là nỗ lực tâm linh cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần hoán cải, thanh tẩy lòng người, giải thoát mọi tâm trí khỏi mọi thiên kiến, thù hận, tăng cường thêm độ tin tưởng vào quyền năng Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng tội lội, củng cố niềm thy vọng và lòng nhận nại để đi đến cùng cuộc đối thoại huynh đệ và hâm nóng tình yêu Chúa, yêu anh em, mặc cho có thử thách gian truân trên hành trình hiệp nhứt. Những xác tín đó, tuy không loại trừ, nhưng luôn phải đi trước và bao trùm moị nỗ lực tự nhiên khác của tất cả Kitô hữu chúng ta.

Vâng! Chúng ta cùng nhau chung vai sát cánh phục vụ cho tiến trình đại kết – hiệp nhứt tất cả mọi chi thể của Thân Mình Huyền Nhiệm Chúa Kitô, với ánh nhìn tràn trề vọng về phía trước, phía bình minh tỏ rạng, báo hiệu Mặt Trời Công Chính sẽ xuất hiện, dịp đại lễ Toàn Xá mở đầu Ngàn năm thứ ba, ngày hội tất cả các Ki-tô hữu chúng ta cử hành nếu chưa hoàn toàn hiệp nhứt, chí ít cũng gần gũi, thân ái với nhau hơn bao giờ hết.

 

Sách tham khảo : 

* Baumann, Urs. “Oecumenisme”. Dictionaire de Théologie. Paris: Du Kerf, 1988, tr. 462-472.

* Gio-an Phao-lô II. Hướng đến ngàn năm thứ ba.

* Mc Gaire, Joan. A Course on Ecumenism. 1996.

* Théo-Nouvelle encyclopédie catholique. Paris: Fayard. 1989.

 

———————

[1] Théo, 584.

[2] Số liệu của năm 1986.

[3] Số liệu năm 1986. 

[4] Số liệu năm 1986.

[5] Urs Baumann.