Người Quản Lý – Vấn Đề 86

0
1025


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 86

NGƯỜI QUẢN LÝ

(đ. 636)

 

Trong bất cứ Hội Dòng nào, cũng như trong bất cứ Tỉnh Dòng nào do một vị Bề trên Cao Cấp cai quản, cần phải đặt một người quản lý, khác biệt với vị Bề trên Cao Cấp, được bổ nhiệm theo quy tắc của luật riêng, để quản trị các tài sản dưới sự điều khiển của Bề trên liên hệ. Trong mức độ có thể, ở các cộng đoàn địa phương, cũng cần đặt một người quản lý khác biệt với Bề trên nhà.

Vào những thời kỳ và theo cách thức do luật riêng quy định, các quản lý và các người quản trị khác sẽ tường trình việc quản lý của mình cho Bề trên có thẩm quyền.

Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không thể đi sâu vào của chức năng quản lý của toàn Dòng hoặc của Tỉnh Dòng. Chức năng này tùy thuộc vào sự phân biệt giữa việc quản lý thông thường và ngoại thường lệ trong mỗi Dòng;[1] nó cũng tùy thuộc vào tầm vóc của Dòng hoặc của Tỉnh Dòng, tùy thuộc vào số lượng và sự phức tạp của các công tác, tùy thuộc vào đặc tính tập trung hoặc phân quyền trong Dòng, và vị trí trong xã hội dân sự.

Tuy là một chức năng khắc khổ, âm thầm, ít được thông cảm, nhưng chức vụ quản lý mang tính tu trì và tông đồ sâu xa. Tiên vàn, đó là một chức năng cần thiết, vì không ai có thể thoát khỏi sự chi phối của vật chất. Kế đến, quản lý là người có ảnh hưởng đặc biệt đối với cách thức sống đức khó nghèo trong Dòng hoặc của Tỉnh Dòng. Do bổn phận của mình, quản lý là người tiếp xúc hằng ngày với những thực tế vật chất liên quan đến đức khó nghèo. Nhờ quen thuộc với thực tế, quản lý giúp cho việc thực hành đức khó nghèo không trừu tượng trên mây, và cung cấp cho các Bề trên, các thành viên Hội Đồng Cố Vấn, các tu sĩ, những thông tin để suy nghĩ và cùng nhau tìm ra một cách thực hành đức khó nghèo chung với nhau.

Mỗi khi có một dự án tông đồ mới, vị quản lý có nhiệm vụ nghĩ ra những phương tiện kỹ thuật, tìm ra những giải pháp kinh tài cho việc thực hiện. Quản lý không cần tìm ở đâu xa chiều kích của công việc tông đồ, bởi vì ý nghĩa của công việc tông đồ nằm sẵn nơi công việc của mình rồi. Chính trong sự chu toàn công việc của mình mà quản lý sẽ trở thành chứng nhân hoặc cho phản chứng cho Tin Mừng.

 


[1]Xem thêm vấn đề 88.