Nâng Cao Và Phúc Âm Hóa Đạo Cổ Truyền

0
745


Lm. Mai Đức Vinh

Trong thời các thánh tử đạo, dân tộc Việt Nam đã có một nền văn hóa và tâm linh tôn giáo cao độ. Mỗi người Việt Nam sinh ra lớn lên là con người có tôn giáo, con người có văn hóa. Vì thế đất nước Việt Nam là cánh đồng phì nhiêu đón nhận mọi tôn giáo. Tôi thấy hợp lý nhận định sau đây của linh mục Nguyễn Hồng: “Trước hết trong người dân Việt Nam và trong xã hội Việt Nam lúc đó, đã có sẵn một cánh đồng đón nhận hạt giống Tin Mừng. Với những hoàn cảnh thuận tiện, nơi đất tốt, hạt giống nảy mầm, lớn lên thành cây to, mang quả nặng” (1). Tôi cũng nhất trí với ông Trần Ngọc Thêm trong lời khẳng định, khi “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”: “Tôn giáo là yếu tố hết sức phong phú và đa dạng tạo nên nền văn hóa Việt Nam” (2). Phải chăng, vì ý thức sâu đậm điều đó nên ông Phan Thiết đã nói lên cách vắn gọn “Đất Việt, Người Việt và Đạo Việt” (3). Trong dòng tư tưởng trên đây, bài viết này muốn chứng tỏ: hơn ai hết, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống, đã nêu bật, đã làm sáng rộ tuyệt vời những điểm cốt lõi của đạo cổ truyền Việt Nam.

I. CỐT LÕI CỦA ĐẠO CỔ TRUYỀN

Đâu là những nét độc đáo của Đạo Việt, nghĩa là của tôn giáo cổ truyền Việt Nam? – Tôi nghĩ đến những điểm sau đây: Thờ Trời, tôn kính tổ tiên, linh hồn bất tử.

1. Thờ Trời

Đây là một “niềm tin” được coi như tự nhiên, “thiên bẩm” nơi hầu hết người Việt Nam. Sau này, nếu là Phật tử, họ vẫn giữ ý niệm “Trời, Phật”, nếu là Nho sĩ, họ thấy giá trị của con người là “sống theo thiên mệnh”. “Trời” rất gần gũi với mọi người, trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ, may mắn rủi ro, miệng họ vẫn thốt ra dễ dàng “Trời ơi”. (4) Đức hoàng Bảo Đại đã nhận định rất xác đáng: “Đối với dân chúng Việt Nam, cũng như đối với vua, Trời là bậc chí tôn, độc nhất vô nhị, không hình hài. Người ta khấn vái nguyện cầu Ngài, vì tất cả đều nằm trong tay Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hóa bất diệt và thuần nhất. Tín ngưỡng dân gian coi linh hồn là bất tử” (5). Vì coi Trời là Đấng chí tôn, độc nhất vô nhị, nên người dân Việt Nam tuyên xưng:

• Trời dựng nên mọi sự: Mọi sự bởi Trời, Trời sinh ra đã làm người, Ai làm ra suối ra sông? Ra đồng, ra núi, ra rừng, ra ao? Ai dựng đất thấp, trời cao? Muôn vật dưới đất, muôn sao trên trời? – Gẫm suy mọi sự bởi Trời.

• Trời lo cho mọi loài: Trời sinh trời dưỡng, Trời sinh voi trời sinh cỏ, Trời sinh ra ta làm người, Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, Trời có cho mới được.

• Trời điều khiển trật tự vũ trụ, xoay vần lịch sử và đời sống con người… Trời nắng cho lúa chín vàng, Cho anh đi gặt cho nàng mang cơm. Trời sinh Trời chẳng phụ nào, Công danh gặp hội anh hào ra tay. Khi nên Trời giúp công cho, Làm trai năm liệu bảy lo mới hào, Trời cho, hơn lo làm…

• Trời đáp lại những lời cầu xin. Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy bát cơm đầy, Lấy khúc cá to. Lạy Trời cho cả mưa rào, Cho sấm cho sét, cho ao tràn bờ, Cho sen chìm xuống, cho bèo nổi lên.

• Trời là Đấng Chí Công: Trời quả báo, ăn cháo gãy răng, Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng sưng hàm. Trời có mắt, Trời bất dung gian, Tránh Trời không khỏi nắng.

• Trời bị người đời than trách, coi mọi tai họa, rủi ro là tại Trời: Quyền hạnh phúc Trời tranh mất cả, Chút tiện nghi chẳng trả phần ai. Cái quay búng sẵn trên trời, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi. Ngẫm suy mọi sự tại Trời, Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao (Kiều).

• Trời nhân từ hay thương giúp. Trời đánh còn tránh miếng ăn, Trời sinh chẳng phụ ai, Khi nên Trời giúp công cho…

• Trời là Cha: Xưa kia chỉ biết kêu trời, Mà nay đã biết gọi Trời là Cha. Trần gian chẳng phải là nhà, Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

Như trên chúng ta thấy lòng tin vào Trời của người Việt Nam xuất hiện cùng với ca dao tục ngữ. Chúng ta còn một nguồn liệu khác, nói lên niềm tin quý hóa này, đó là nhiều truyện cổ tích bày tỏ tín ngưỡng thờ Trời của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Chẳng hạn:

• Truyện “Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, con gái Hùng Vương”. Truyện này giống như truyện “An Tiêm và quả dưa đỏ”, mục đích chứng minh “dân ta tin vào sự quan phòng của ông Trời”.

• Truyện “Thần sông Như Nguyệt”: thần sông Như Nguyệt là hai anh em Trương Hồng và Trương Hát đã linh ứng cho Lý Thường Kiệt bài thơ huy động quân Nam đánh thắng quân nhà Tống. Đó là bài:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thu,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Ý nghĩa của bài thơ là: Đất nước Nam của vua nước Nam, Trời đã định như thế, sách Trời đã ghi như vậy, quân xâm lăng đừng hòng nhòm ngó, mà chuốc lấy thảm bại.

• Truyện “Ngọc Hoàng Thượng Đế (Trời) với Công Chúa Hà Giáng Kiều và chàng Tú Uyên” vào thời vua Lê Trang Tôn. Câu chuyện chứng tỏ: Trời là Đấng chí nhân, chí thiện, trổi vượt trên mọi chư thần (6).

2. Tôn kính tổ tiên

Trong đạo cổ truyền của dân Việt Nam, sau “thờ Trời” là “kính Tổ Tiên”. Đây cũng là một linh đạo tôn giáo rất tự nhiên và gắn liền với đạo thờ Trời. Tôn kính tổ tiên là tôn kính người thân thương đã “quy thiên”, đã “về trời” (7). Qua ca dao tục ngữ hay văn học dân gian, qua truyện cổ tích hay qua các sách giáo khoa, chúng ta đón nhận được nhiều điều răn dạy phải tôn kính tổ tiên, tức là “phải hiếu thảo với cha mẹ, phải trung tín với bậc sinh dưỡng”, để “công đức tổ tông nghìn năm thịnh, hiếu hiền con cháu vạn đời ngay” hay “Tiên tổ danh thơm ghi sử sách, cháu con tích học nối cơ nhà”.

• Quan trọng của đạo hiếu: Tột cùng thiện, không gì hơn hiếu, Đạo làm con chớ hững hờ, phải đem chữ hiếu mà thờ từ nghiêm. Cù lao đội đức cao dày, phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình. Làm trai nết đủ trăm đường, trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay. Dầu đui mà giữ đạo nhà, còn hơn mắt sáng ông cha không thờ (Đồ chiểu).

• Lý do phải hiếu thảo: Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn. Công cha như núi thái sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Công cha đức mẹ cao dày, cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ, trưởng thành con phải biết thờ hai thân. Ơn cao quá núi đôi ngàn trượng. Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục, khuất còn thêm tủi phận làm con. Lễ sớm hương hôm lòng hiếu kính, Non cao biển rộng đức sinh thành. Mộc tùng căn trưởng, Thủy tự nguyên lưu.

• Thực hiện đức hiếu thảo: Mẹ già đầu bạc như tơ, lưng đau con đỡ, mắt lờ con nuôi. Cha mẹ ở tấm lều tranh, sớm thăm tối viếng mới đành dạ con. Sáng cơm, trưa cháo chiều trà, chăm cha chăm mẹ, tuổi già xa xăm, Đói lòng ăn trái ổi non, nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa. Chẳng thà tôi ăn đói mặc rách, để cha mẹ ăn no mặc lành. Tóm lại, như đức Khổng Tử nói với thầy Tử Lộ: “Nhà ngươi phụng sự song thân như thế rất là phải: lúc song thân còn thì hết lòng phụng dưỡng, khi song thân mất thì hết lòng thương nhớ”. Bởi vậy, theo lời bàn của ông Nguyễn Văn Ngọc và ông Trần Lê Nhân: Lúc cha mẹ còn sống thì không cho ăn, đến khi cha mẹ chết không còn ăn được nữa thì ‘mâm cao cỗ đầy chỉ là làm văn tế ruồi mà thôi’ (CHTH 1tr. 59).

• Hiếu với cha mẹ là đùm bọc anh em, là trọn nghĩa vợ chồng và bằng hữu: Anh em một khí huyết rây, cũng như người có chân tay khác gì. Anh đi em ở lại nhà, hai vai gánh vác mẹ già con thơ. Chữ “hiếu”, chữ “trung”, là thày với mẹ, chữ “nhân”, chữ “nghĩa” là vợ với chồng. Câu thơ ba chữ rành rành, Chữ “trung”, chữ “hiếu” chữ “tình” là ba. Chữ “trung” thì để phần cha, chữ “hiếu” phần mẹ, đôi ta chữ “tình”. Thờ cha kính mẹ trước sau, anh em hòa thuận mới hầu làm nên. Vợ chồng đạo nghĩa cho bền, bạn bè cho thực dưới trên kính nhường.

Dở đọc cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đinh Phúc và Đỗ Thuận biên soạn, chúng ta thấy đạo hiếu được quan niệm thật rộng rãi: Hiếu thảo là sống tinh thần “Gia Tộc”, “Chu toàn bổn phận đối với cha mẹ”, “Nhớ công ơn cha mẹ”, “Yêu mến cha mẹ”, “tôn kính vâng lời cha mẹ”, “Phụng dưỡng cha mẹ”, “Kính mến ông bà”, “Phụng thờ tổ tiên”, “Tình anh em trong nhà”, “Tình họ hàng”, “Nghĩa gia tộc”, “Bổn phận đối với tôi tớ, người làm, lão bộc”, “Bổn phận đối với thầy trò và bạn hữu” (8)

3. Linh hồn bất tử

Việc tôn kính tổ tiên hay đức hiếu thảo của người Việt trong truyền thống cũng như hiện nay khẳng định con người có linh hồn và bản tính của linh hồn là thiêng liêng và bất tử. Đối với người Việt Nam, “việc có linh hồn và linh hồn bất tử là điều tự nhiên và hợp lý, điều này được trao truyền lại cho con cháu qua mọi thế hệ, và đương nhiên trở thành một điểm son của dân tộc tính và của nền văn hóa quê hương”. Vì thế, nếu đối chiếu với giáo lý đạo Phật, chúng ta có thể nói “Đạo cổ truyền Việt Nam là đạo vị ngã, khác với đạo Phật là đạo vô ngã. Về sau đạo Phật đã khéo hòa nhập để, nên trong thực tế, đạo Phật đã “đi từ vô ngã đến vị ngã”. Ngày nay, chế độ vô thần cũng không thể thay đổi gì trước “niềm tin truyền thống của hầu hết người dân Việt Nam” (9). Người Việt Nam xác tín rằng:

• Linh hồn bất diệt: Xác là thể phách, hồn là tinh anh. Quả vậy, “người ta tuy chia hai phần, xác thịt và linh hồn, và hai phần có liên lạc chặt chẽ với nhau như một”. Tuy nhiên, linh hồn bao giờ cũng quý hơn thân xác. Vì thế, khi nói về sự sống chết người xưa dạy rằng: “về sự sống chết thì không bằng ở thân xác có hay không, nhưng bằng ở phần hồn còn hay mất” (10). Thoát vòng sinh, tử lá lay, linh hồn chứng quả bồng lai an nhàn. Khi bàn về “Quan niệm thờ phụng tổ tiên”, ông Toan Ánh viết: “Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là hết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt” (11). Vì thế, với người Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên là “đạo tự nhiên” và “rất được coi trọng”. Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes sj) đã nhận xét như sau: “Trên trái đất này có lẽ không một dân tộc nào chu toàn bổn phận hơn và tôn kính hồn xác người quá cố hơn người dân vương quốc An-Nam… Tại An-Nam cũng có ba tôn giáo như ở Trung Quốc (Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo), nhưng việc sùng bái vong linh tổ tiên vượt hết những gì người Âu châu có thể nghĩ tới. Họ vất vả rất nhiều để tìm đất đặt mồ mả, vì họ cho rằng: hạnh phúc toàn gia tộc đều phụ thuộc vào việc để mả này. Họ không tiếc tiền của, công lao để bày cỗ bàn tiệc tùng mấy ngày liền sau đám tang, rồi mỗi năm vào ngày kỵ, không bao giờ họ bỏ làm giỗ tổ tiên, tới tám đời, hoặc có khi tới mười đời” (12). Mới đây, như trên chúng ta đã trích dẫn, cựu hoàng Bảo Đại khẳng định “Tín ngưỡng dân gian coi linh hồn là bất diệt”.

• Linh hồn gần gũi với gia đình tại thế, Khi nói về việc cúng giỗ, người Việt Nam quan niệm (cách sai lầm) rằng: 1) hồn người quá cố có thể tự do trở về nhà con cháu. 2) Người quá cố có thể về ăn thịt dự tiệc với những người sống. 3) Sức khoẻ của người còn sống, sự an bình thịnh vượng của gia đình nhiều ít lệ thuộc ông bà, cha mẹ quá cố (13) Như vậy giữa vong linh người quá cố và gia đình con cháu tại thế có một sự “gần gũi thân mật”, như linh mục Léopold Cadière ghi lại: “Gia đình theo nghĩa rộng không chỉ gồm người sống mà cả người chết. Các mối liên hệ giữa người quá cố với người còn sống của đại gia đình không bị lỏng lẻo hay suy giảm bởi cái chết. Ngược lại, qua việc tôn kính tổ tiên, các mối liên hệ kia được thần thánh hóa và trở nên kiên vững và trường cửu… Tóm lại, đối với đại đa số người dân Việt Nam, ông bà vẫn tiếp tục là thành phần, sống gần gũi với gia đình…” (14) Những điều trên được diễn tả trong các bài khấn gia tiên. Trong cuốn Thọ Mai Gia Lễ, ông Chu Ngọc Chi cho chúng ta đầy đủ các bản văn bằng hán ngữ và bằng quốc ngữ. Sau đây là một văn khấn được coi là phổ thông nhất:

Cung cúc bái trước bàn thờ,
Kính dâng lễ bạc hương hoa rượu trầu,
Cùng là phẩm vật trước sau,
Lòng thành tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên:
Cao tằng tổ khảo đôi bên,
Cao tằng tổ tỷ dưới trên người người,
Cô dì chú bác kính mời,
Đệ huynh đồng thỉnh tới nơi từ đường.
Cúi xin hưởng chút lễ thường,
Và xin phù hộ khang cường toàn gia. (15)

II. NÂNG CAO CHỨ KHÔNG CHỐI BỎ CỐT LÕI CỦA ĐẠO CỔ TRUYỀN

Các Thánh Tử Đạo là những người đã sinh ra, lớn lên và được giáo dục trong bầu khí tôn giáo cổ truyền. Những gì là tinh tuý là cốt lõi của đạo truyền thống Việt Nam đã được vun trồng trong máu huyết, tâm trí và nếp sống của các ngài. Vì thế khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo hay khi đón nhận Tin Mừng, các thánh tiền nhân của chúng ta không chối bỏ hay làm mất những tinh tuý và cốt lõi tôn giáo cổ truyền. Đúng hơn phải nói, nhờ ơn Chúa, nhờ giáo huấn Tin Mừng, nhờ lời dạy dỗ của các linh mục truyền giáo, nhờ đức cần mẫn trao truyền của cha mẹ và của các bậc đàn anh trong họ đạo, các ngài đã biết gạn lọc, bỏ đi những yếu tố dị đoan, những hình thức bên ngoài không cần thiết… hầu nâng cao đạo cổ truyền bằng việc đón nhận và sống chết với giáo lý Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thể hiện những điều đó qua việc thờ phượng Thiên Chúa, việc sống trọn đạo hiếu và niềm tin vững chắc vào chân lý “linh hồn bất tử”.

1. Thờ phượng Đức Chúa Trời

Nhờ có tâm hồn thuần thục với đạo cổ truyền “thờ Trời”, các ngài dễ dàng gia nhập đạo Gia-Tô, nghĩa là mau mắn tin vào Thiên Chúa và sống chết với đức tin bằng những hành động siêu nhiên, phong phú và anh dũng:

• Càng tin Chúa, càng mến Chúa: Ông Phanxicô Kam bị bắt năm 1723, tại Cao Mại (Bắc Kỳ) đã tuyên xưng đức tin trước mặt các quan: “Chỉ có luật của Thiên Chúa là chí thánh và đạo Ngài là đạo chân thật. Tôi tin Thiên Chúa, tôi mến Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng đổ máu ra để đền tội và để tuyên chứng đạo Chúa vượt trên các đạo khác” (DMAH 1, tr.154-159) (16). Thày Phêrô Đào Văn Vân, người Sơn Tây, bị xử trảm 1857, đã dõng dạc tuyên xưng: “Bẩm quan, tôi thờ phượng Đức Chúa Trời vì tôi tin và yêu mến Ngài. Thánh Giá mang hình tượng của Ngài, tôi không khi nào dám đạp lên, sống hay chết tôi không khi nào bỏ đạo” (DMAH 3, tr.163).

• Càng sốt sáng cầu nguyện: Mỗi vị tử đạo là một gương sáng về việc cầu nguyện. Đặc biệt, các ngài xin quan cho giờ để cầu nguyện trước khi bị xử án. Trong thời gian bị tù đày, thánh Đaminh Mầu “luôn đeo tràng hạt ra bên ngoài cổ và dành nhiều giờ để cầu nguyện” (DMAH 2, tr.196-197). Thánh linh mục Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, người Ninh Bình, bị trảm quyết 1856. Trước khi chịu chém, ngài khuyên những người đứng vây quanh: “Dù bị hành hạ đến thế nào đi nữa, anh chị em cũng tiếp tục cầu nguyện cho chính quyền. Bây giờ, xin anh chị em yên lặng để tôi cầu nguyện dọn mình chết vì danh Chúa” (DMAH 3, tr.109-118). Cha Thánh Tịnh trong lúc ngồi tù, đã viết thư về thăm các chủng sinh của chủng viện Vĩnh Trị và khuyên: “Các thầy hãy chăm lo cầu nguyện. Người ta phần nhiều được ơn trở lại đạo, không phải do lời giảng khuyên nhưng bằng lời cầu nguyện” (DMAH 3, tr.147). Thầy Phêrô Đào Văn Vân, người Sơn Tây, bị xử trảm 1857, xin với quan án sát: “Tôi đã ngót 80 tuổi đầu, tôi không sợ chết mà trốn đâu. Quan chém đầu tôi, tôi xin chịu, tôi chỉ xin các quan thư thả cho tôi một chốc để cầu nguyện” (DMAH 3, tr.165).

• Càng hăng say phục vụ: Không biết bao nhiêu trường hợp các giáo dân bị bắt, bị phạt, bị tịch thu đồ đạc, bị đốt hết nhà cửa, và bị giết chết vì “đã che chở, cho các linh mục, thày giảng trú ẩn trong nhà, hoặc giấu giữ các đồ thờ phượng”. Gương Thánh Micae Hồ Đình Hy tử đạo 1857 còn đó: Lòng đạo đức và lòng bác ái đã thôi thúc ngài làm nhiều việc giúp người khốn cùng, đặc biệt có lần ngài đã đem cai đội Khiêm, một người hút thuốc phiện đến thân thể tàn tệ xông mùi hôi hám về nhà riêng săn sóc. Chính ngài bưng cơm dọn giường và giặt quần áo cho ông cai xấu số này cho tới khi chết. Làm quan nhưng ngài chỉ coi đó là việc để có thể giúp đỡ Giáo Hội. Ngài không dám nhận bằng làm trùm và làm kẻ giảng phục vụ Giáo Hội. Trong thời cấm đạo ngặt, ngài vẫn không sợ hãi việc đón tiếp các thừa sai, dùng nhà mình làm nơi hội họp trong Tuần Thánh. Khi biết con mình muốn đi tu, ngài vui mừng dâng con cho Chúa không sợ tai tiếng ngoài đời. Đã nhiều lần, ngài muốn từ chức quan để dễ dàng phục vụ Giáo Hội hơn, nhưng vua Tự Đức tin tưởng không cho ngài từ chức” (DMAH 3, tr.151). Cũng vậy, cha Lựu, lúc ở trong tù, cổ đeo gông, ngài vẫn luôn vui vẻ với mọi người. Ngoài giờ đọc kinh, nguyện gẫm, cha còn cố gắng đan giỏ bán lấy tiền giúp các bạn tù nghèo (DMAH 3.257).

• Càng sẵn sàng từ bỏ tất cả vì đức tin: Thánh Micae Hồ Đình Hy, dưới triều vua Minh Mạng, được vào làm trong Bộ Công giúp việc nhà nước 31 năm, sau được vua thương ban cho tước tam phẩm, tước thái bộc giúp việc nhà vua. Nhưng ngay sau khi bị bắt, ngài bị vua quan lột hết chức tước, phẩm hàm, đóng xiềng và giam vào ngục. Ngài can đảm chấp nhận, cương quyết giữ đạo. Ngài bị trảm quyết tại Huế năm 1857 (DMAH 2, tr.150-160). Y sĩ Phan Đắc Khoa, khi được các quan dịu giọng khuyên bỏ đạo về làm thuốc nuôi vợ con, đã thưa cách can đảm: “Thưa các quan, dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và cả mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ (DMAH 2, tr.487).

• Càng quý trọng đời sống Bí Tích: Hầu hết các vị tử đạo, linh mục hay giáo dân, đều khao khát lãnh nhận bí tích Giải Tội và rước Mình Thánh, hoặc trong trại giam, hoặc trên đường đi đến nơi xử án, hay ngay tại pháp trường. Sau đây là ba trường hợp tiêu biểu: Ông cai đội Phanxicô Trần Văn Trung, người Quảng Trị, bị xử trảm 1858, khao khát được xưng tội trước khi chịu tử hình. Cha Thoại đã nhờ người dặn ông: “Trên đường đi ra pháp trường, nhìn về phía trước, thấy ai cầm điếu thuốc giơ cao lên ngang mắt, thì giục lòng ăn năn tội để lãnh phép tha tội” (DMAH 3, tr.194). Cha Phêrô Đoàn Công Quý luôn khuyên nhủ các bạn tù và thân nhân đến thăm viếng: “Anh chị em hãy siêng năng đến tòa giải tội và siêng năng đọc kinh”. Rồi ngay trước khi bị xử tử, cha Quý còn ban phép giải tội cho ông trùm Phụng, người cùng được tử đạo một ngày với cha (DMAH 3, tr.223). Trong nhà tù Đồng Hới, cha Gioan Hoan gặp nhiều giáo dân bị bắt, ngài an ủi và giúp họ can đảm. Cha xin được lính canh làm ngơ cho nhiều người thân nhân tới thăm viếng họ. Cha cũng nhắn xin Đức Cha Sohier sai các linh mục lén vào cho ngài và tù nhân công giáo được xưng tội và rước lễ… (DMAH 3.tr. 265).

• Càng nhiệt tình truyền giáo: Đời sống đức tin của các thánh tử đạo được bộc lộ ra cách đặc biệt trong công việc truyền giáo. Thực ra trước khi bị bắt, các ngài đã là những người miệt mài “đem Chúa đến cho tha nhân và đem tha nhân về với Chúa”. Ngay như anh binh sĩ trẻ tuổi Anrê Trần Văn Thông, người Thọ Đức (Huế), “trong sáu tháng tại nhà giam, anh vẫn tỏ ra vui tươi. Cách sống đơn sơ dễ thương của anh đã làm cho nhiều bạn tù mến phục. Lợi dụng bầu khí thân thương đó, anh Thông khích lệ các bạn tù, giúp họ đọc kinh, lần chuỗi và vững lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Anh cũng khuyên các người bà con đến thăm anh như vậy…” (DMAH 2. tr.69). Ông Gioan Baotixita Cỏn, bị xử trảm năm 1840, đã khảng khái thưa với quan: “Bẩm quan lớn, việc đem các đồ đạo và rước đạo trưởng về Kẻ Báng là chính tôi… Và tôi xin nói thật, tôi không quá khóa; nếu được quan tha về, tôi vẫn tiếp tục công việc đón đạo trưởng giữ các đồ đạo. Khi gặp các đạo trưởng Tây hay Nam, tôi cũng đón về ngay” (DMAH 2, tr.481).

• Càng sẵn sàng đón nhận ý Chúa: Tất cả các đấng Tử Đạo đều nhất trí “coi mọi sự là bởi thánh ý Chúa”. Chẳng hạn linh mục Dominicô Nguyễn Văn Xuyên, bị trảm năm 1839, từ khi bị bắt đến lúc chìa đầu cho lý hình chém, chỉ nói một câu: “Tất cả là bởi thánh ý Chúa, tôi xin vâng nghe thánh ý Chúa” (DMAH 2, tr. 339+340). Linh mục Giuse Đỗ Quang Hiển đã nói một câu được coi như nguyên tắc chung của các Đấng Tử Đạo: “Tôi phải chạy, phải trốn… Nhưng nếu thánh ý Chúa lại định cho tôi bị bắt và chết vì đạo, thì càng hay, và tôi xin vâng” (DMAH 2, tr. 410). Riêng ông Martino Thọ, khi nghe ông Lý Mỹ, ông binh Đạt và ông binh Huy được phúc chết vì đạo, đã về tận nhà nói với vợ con: “Nếu thánh ý Chúa định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như quý ông, thì bà và các con hãy vui lòng vâng theo ý Chúa, đừng phàn nàn. Nếu bà và các con bị bắt thì cương quyết xưng đạo mạnh mẽ” (DMAH 2, tr.474)

• Càng sẵn sàng chịu nhục hình, tra tấn: Không một vị tử đạo nào mà không bị hành hạ và tra tấn. Có nhiều hình thức tra tấn và hành hạ. Cách chung, vị nào cũng bị đánh đòn, đeo gông, tra tấn. Vị nào cũng bị đánh roi mây, đánh roi trượng, đánh roi móc, quất vào mông, vào lưng, vào đầu gối… Nhiều vị mang gông tre, gông gỗ nặng trên vai, nhiều vị bị bỏ vào cũi, bị trói tay, xích chân… Nhiều vị bị chửi bới, nguyền rủa, xỉ nhục “đồ ngu, đồ dại, đồ phản quốc, đồ bị mê hoặc…” Nhiều vị bị phơi nắng hay bị bỏ đói. Đa số các ngài bị kết án xử giảo, xử trảm, xử tử trôi sông và bêu đầu. Một số chết rũ tù vì bệnh hay vì đói khát. Một số khác chết trong cảnh đi đày… Đọc bất cứ một chuyện tử đạo nào chúng ta cũng thấy được điều đó. Ở đây, chúng ta chỉ nêu lên những trường hợp đặc biệt: Năm 1645, chúa Thượng Vương đã tức giận, ra lệnh chém cổ hai thầy Inhaxiô và Vinxensô, chặt ngón tay và cạo trọc đầu bảy thày khác (DMAH 1. tr.37). Năm 1665, ông Caiô 30 tuổi, cô Gioanna và hai thiếu niên khác bị quan trấn Quảng Nam ném vào chuồng voi và bị voi giày chết (DMAH 1.tr.59), Bà Monica Sum là người giúp việc trong hoàng cung, nhưng khi biết bà là người công giáo, chúa Minh Vương nổi giận truyền đâm kim vào 10 ngón tay của bà, rồi quấn vải thấm dầu mà đốt. Dầu vậy, bà vẫn điềm tĩnh không trách chúa, can đảm không chối đạo (DMAH 1, tr.84). Cũng theo lệnh chúa Minh Vương, quan trấn Quảng Nam đã giam tù và bỏ đói 5 người đàn ông, 3 người đàn bà. Tất cả đã chết đói trong tù (DMAH 1, tr.85). Năm 1712, tại kinh đô Thăng Long, ba thày giảng bị bắt: thày Hiệp, thày Xuân, thày Mi Lộc. Thày Hiệp giỏi chữ nghĩa và ăn nói lưu loát hơn cả, nên thày đại diện cho anh em trả lời các quan án. Nhiều lần thày tuyên bố: “Bẩm quý quan, chúng tôi luôn trung thành với Thiên Chúa, với vua quan và với cha mẹ. Nhưng chúng tôi cương quyết không bỏ đạo”. Mỗi lần trả lời như vậy, thầy được thưởng 10 dùi cui vào đầu gối. (DMAH 1.tr.142). Đức cha Bourges cho biết “trong địa phận Đông Ký, có 304 người công giáo bị thích trên má hàng chữ “Hoa Lang Đạo” (DMAH 1, tr. 144). Năm

1743, cha Đậu bị bắt ở Lục Thuỷ vào lúc Cha đang dâng lễ. Cha vội cầm Mình Thánh chạy vào buồng, thì một tên lính túm tóc, đánh vào hông của cha, xô cha té nhào xuống đất, rồi đá vào đầu cha đến chảy máu (DMAH 1, tr.181). Khi quân lính kéo thày Giuse Nguyễn Đình Uyển qua ảnh thánh giá vẽ trên đất, thầy cố co chân lên, nên bị quân lính đánh vào đầu, vào chân đến tuôn máu ra. Trong lúc mê man miệng thày vẫn cầu xin Chúa thêm sức can đảm. Thấy vậy, các quan cười và hô lớn “Vặt râu nó đi” (DMAH 2, tr.140). Còn cha Dominicô Nguyễn Văn Hạnh, vì nhất định không bỏ đạo, không đạp ảnh, nên bị quan bát phẩm Tuyên chửi bới thậm tệ, là “đồ ngu xuẩn” và lấy giáo quạt quất vào mặt, trước khi nọc xuống đánh 15 roi da” (DMAH 2, tr.167). Đến lượt thày giảng Tomas Toán dòng Đaminh bị hành hạ thê thảm, như “không cho ăn uống, lột hết quần áo, trói để ngoài nắng, nơi công cộng ba ngày liền. Nhiều người đi lại, kẻ sỉ nhục, nhạo cười, kẻ khạc nhổ vào mặt, kẻ vặt râu kéo tóc thày, thậm chí có kẻ lại đi tiểu vào mặt thày nữa… và sau cùng thày đã chết đói trong tù’ (DMAH 2, tr. 434-435). Cũng vậy, vì không khuất phục được ông Martinô Thọ, quan thống đốc Trịnh Quang Khanh đã nổi giận truyền đem thả ông xuống lò nước tiểu và bỏ đói năm ngày liền. (DMAH 2, tr.478). “Tại Quảng Bình có bà Marta Mạc bị bắt và bị hành hạ treo ngược đầu xuống nhưng vẫn một lòng tuyên xưng đạo Chúa” (DMAH 1. tr.68). Dưới thời chúa Minh Vương, năm 1700, bốn giáo dân là Thadeô Van, Phaolô So, Vinhsơn Luc và Antôn Ki, vì không chịu quá khóa, nên bị chúa ra lệnh bỏ đói cho tới chết (DMAH 1. tr.75). Vua Minh Mệnh còn có một sáng kiến kỳ quái là “bắt rắn cho vào bên trong áo của người nữ công giáo, đồng thời cột chặt ống quần và tay áo của họ lại cho rắn không chui ra được’ (DMAH 2, tr.497).

• Càng mong mỏi được chết vì Chúa: Thánh Mattêô Lê Văn Gẫm, người Biên Hòa, tử đạo năm 1847. Khi được tin sẽ bị xử trảm, Ngài đã tuyên bố: “Tôi sẵn sàng chịu chết vì đức tin. Chưa bao giờ tôi được vui mừng như hôm nay. Nếu tôi nói một tiếng “bỏ đạo” thì tôi khỏi chết, nhưng tôi sẵn sàng chết vì Thiên Chúa” (11, 3.39-48). Cai đội Thomas Lê Đăng Thị, khi biết chắc ngày mai sẽ bị xử trảm, đã reo lên: “Thật vui mừng! thật vui mừng!”… Đến khi ra tới pháp trường, ông còn nói với quan cách phấn khởi: “Không bao giờ tôi chối đạo. Ngược lại hơn khi nào hết, lúc này tôi sung sướng muốn chịu chết và trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng” (DMAH 3.230). Khi quan nhờ bạn thân đến dụ dỗ cha Hạnh bỏ đạo, cha trả lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Xin ông bạn hãy về nói với quan rằng, tôi không bao giờ bỏ đạo đâu. Lòng tôi chỉ mong chóng tới lúc được chết vì đạo và được làm con Thiên Chúa vĩnh viễn”. Trên đường ra pháp trường, cha nói với giáo dân: “Hãy vui lên, vì cha sắp về với Chúa” (DMAH 2.169). Cụ Toma Tín, khi ra pháp trường để chịu xử trảm, đã quay về phía đám đông, kêu lớn tiếng: “Các vị xem đó, tôi sắp được chết để bảo vệ đức tin. Tôi chỉ tiếc một điều là không có cả ngàn mạng sống để dâng cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và Chủ Tể trời đất” (DMAH 1, tr.63).

2. Sống đức hiếu thảo

Theo giáo lý đạo Giatô, “tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch tình phụ tử của con người. Chính tình phụ tử của Thiên Chúa làm cho cha mẹ được trọng kính. Sự tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha mẹ mình, được nuôi dưỡng bởi sự âu yếm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Sự tôn kính này còn là một điều răn của Chúa” (GLCG 2214). Vì lòng mến Chúa và trung thành giữ giới răn của Ngài, các thánh Tử Đạo là những người “biết thế nào là thảo hiếu” (DMAH 2, tr.70): Cũng như mọi người đồng hương, các ngài ý thức rằng “việc tôn kính tổ tiên là việc rất thành kính, là dấu chỉ lòng bất vong bản, là nghĩa cử của con người” (Phan Kế Bính), là nhìn nhận gốc rễ và cội nguồn của mình” (Toan Ánh). Do đó, là người sống đạo Thiên Chúa, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp, người công giáo vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người khuất bóng, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa (Phan Phát Huồn). Nghĩa là người công giáo vẫn tôn kính tổ tiên qua bàn thờ Chúa (16). Những chứng từ sống động và lịch sử chúng ta nêu lên dưới đây, cho phép chúng ta khẳng định rằng: 1) Hơn ai hết, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống trung kiên đức hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên. 2) Tuy với những thể hiện khác nhau, đời sống hiếu thảo theo giáo lý đạo Công Giáo đậm màu siêu nhiên và luôn trung thành với những điều cốt lõi của đạo hiếu cổ truyền tại Việt Nam.

• Tuy thể thức khác biệt, nhưng cốt lõi vẫn là một. Khi quan tuần cho rằng bên đạo Công Giáo “bất kính tổ tiên, và đó là tội nặng”, thì linh mục Laurensô Nguyễn Văn Hưởng đã trả lời rõ ràng. Ngài trình bày: “Thưa quan tuần, nói rằng bên đạo chúng tôi không thờ kính cha mẹ là điều vu khống và bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt, trái cây mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng, vì biết ông bà cha mẹ đã chết rồi, thì không ai ăn được nữa, không còn hưởng nhờ các thức ăn đó. Nhưng chúng tôi nhớ đến ông bà cha mẹ sáng tối. Hàng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng. Hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời ông bà cha mẹ răn dạy hầu giữ luật luân lý và làm vinh danh cho các ngài” (DMAH 3, tr.114). Cũng với lời lẽ lễ độ và chân thật, cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, bị trảm quyết 1838, đã trả lời câu hỏi buộc tội của quan tòa “Tại sao cha không thờ kính cha mẹ tổ tiên?” – “Bẩm quan, Khi cha mẹ tôi còn sống, tôi rất mực trọng kính các người, tôi lo lắng và chăm sóc chu đáo. Nhưng khi các ngài chết, các ngài không ăn uống nữa, vì linh hồn thiêng liêng không cần gì nữa. Cha mẹ của quan đã mất mà quan vẫn còn thờ cúng chuối oản như là các ngài còn sống, nếu các ngài ăn được, các ngài đã dùng rồi. Còn như vàng bạc tiền nong gửi cho họ bằng cách đốt đi, nếu giả như họ dùng được thì tại sao quan lại không đốt vàng thật hay tiền thật? Làm vậy không phải là trò diễu cợt các người chết ư?”. Quan cảm phục, nhưng còn cứng lòng, nên lại cho cha Tự về nhà giam. (DMAH 2, tr.225).

• Tình gia đình khăng khít: Đức hiếu thảo được bày tỏ qua sự kính trọng, lòng biết ơn, vâng lời cha mẹ khuyên răn và anh chị em đùm bọc lẫn nhau: Lời chứng sau đây của người con gái út của thánh Annê Lê Thị Thành bày tỏ tình mẫu tử đậm đà biết bao, vượt lên hẳn cảm nghĩ tự nhiên: “Lính không cho tôi vào thăm, nhưng họ dẫn mẹ tôi ra ngoài sân nói chuyện với tôi. Thấy mẹ tôi mang gông cùm bọc sắt khổ sở, tôi òa lên khóc”. Mẹ tôi dịu dàng an ủi “Mẹ biết con thương mẹ. Nhưng con đừng khóc làm chi, mẹ đeo hoa trên người mà thôi. Con cứ an tâm về nhà xem sóc cửa nhà thay mẹ, còn việc mẹ ở đây, có Chúa giúp mẹ. Mẹ không quên gia đình nhà ta đâu” (DMAH 3, tr.28). Ngược lại, khi cha Tomas Đinh Viết Dụ bị đeo gông giam trong tù, mẹ ngài giả làm người ăn xin đến thăm con. Thấy con khổ sở quá, bà định

ghé vai mang cùm với con một chút, cha Dụ ứa nước mắt thưa với bà: “Từ tấm cám, con vẫn hiếu thảo nhớ ơn bố mẹ… Nhưng giờ đây, xin mẹ đừng lo. Tuy con yếu sức phần xác, con vẫn chịu được nhờ Chúa Giêsu nâng đỡ. Thương con, xin mẹ cầu nguyện cho con…” (DMAH 2, tr.332). Và đây, những lời của ông Martino Thọ, bị xử trảm 1840, khuyên răn các con: “Thiên Chúa nhân lành định rằng, cha không còn về với các con nữa, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các anh chị lớn hãy lo đùm bọc các em nhỏ, các con nhỏ chịu khó nghe lời anh chị. Các con tất cả, hãy cần mẫn làm việc để phụng dưỡng mẹ, hãy trung thành đọc kinh sáng kinh chiều và lần hạt mân côi. Thiên Chúa ban cho mỗi người một thánh giá, các con hãy vui lòng vác lấy và can đảm chịu khổ để giữ đạo. Cha không còn làm gì để giúp các con dưới trần thế này được nữa, cha chỉ còn lo sửa soạn ra đi. Vậy sau khi cha chết rồi, chú Chấn và mẹ các con chết rồi, thì hãy chia nhau tài sản. Nếu sau này được phép, các con mang xác cha về chôn nơi cha bị bắt. Những gì cha đã làm cho các anh chị lớn khi cha ở nhà, thì các anh chị lớn cũng phải làm như vậy cho các em nhỏ” (DMAH 2, tr.470). Riêng y sĩ Simon Phan Đắc Hòa, bị trảm quyết 1840, đã khuyên người con gái đến thăm: “Con hãy về nhà với mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau”. Và khi các con đến thăm, ngài cũng khuyên dạy: “Cha rất vui mừng vâng theo ý Chúa. Các con đừng buồn. Mọi đứa phải vâng lời mẹ, săn sóc cửa nhà tử tế, vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa” (DMAH 2, tr.486). Độc đáo nhất là tinh thần gắn bó của một gia đình tử đạo: Ngày 13.01.1859, thánh quan án Đaminh Phạm Viết Khảm với người con trai là thánh cai tổng Luca Phạm Viết Thìn, và các con rể là Giuse Tả, Khóa Sơn và Lý Lê đã cùng can đảm chết vì đức tin (DMAH 3, tr. 200). Cũng chính vì tình gia đình gắn bó mà ông lý Mỹ đã xin quan cho mình chịu đòn thay cho bố vợ là ông trùm Đích đã già cả (DMAH 2, tr. 201).

• Tình thày trò, bạn hữu đậm đà và chân thực: Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu coi cha Philiphê Phan Văn Minh như “sư phụ đáng kính”. Trước mặt các quan tỉnh Vĩnh Long, ông đã hiên ngang tuyên bố: “Trước đây, thày tôi đến thì tôi nuôi. Bây giờ, thày tôi chết, tôi cũng chết theo gương thày. Vì thế tôi cương quyết không đạp ảnh, không chối đạo thánh” (DMAH 3, tr.93). Cai đội Lê Đăng Thị (trảm quyết 1860) có một cách xử rất tình nghĩa với các bạn lính cũng như các bạn tù. Ngài luôn vui vẻ với hết mọi người, kể cả những người khinh khi hay hành hạ ngài. Hơn thế vào mùa đông, ngài mua rơm đan giày tặng các bạn tù (DMAH 3, tr.228). Anh Giuse Túc và anh Đaminh Hùng đồng quê Hoàng Xá, tỉnh Hưng Yên. Khi anh Túc bị bắt và bỏ tù, anh Hùng tìm mọi cách cứu thoát anh Túc. Nhưng Túc bảo: “Tôi nhất định không trốn đâu, bởi vì một mình tôi trốn thoát lại làm khổ cho nhiều người. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi điều Chúa gửi đến”. Ngày 01.06.1862, anh Giuse Túc bị đem đi trảm quyết, anh lại nói với anh Đaminh Hùng: “Anh hãy vui lên vì tôi được phúc tử vì đạo. Linh hồn tôi chắc chắn được Chúa rước về trời, còn xác tôi, anh lo liệu được thế nào thì tùy tiện, nếu không chôn được cũng không có sao!” (DMAH 3, tr.313). Hai thánh Đaminh Huyên và Đaminh Toái, cùng quê Nam Định, là bạn thiết nghĩa từ nhỏ. Khi bị bắt, hai vị còn khăng khít tình bạn với nhau hơn nữa. Cả hai thường bảo nhau: “Anh em chúng ta nhất tâm can đảm vì Chúa Kitô. Vì thế chúng ta quyết tâm chịu khổ cho tới chết thì thôi” (DMAH 3, tr.320). Cũng chính trong tình bạn cố kết, không còn phân biệt tuổi tác hay giới nam giới nữ, mà cụ Thoma đã bị rơi đầu cùng với hai người bạn nam trẻ tuổi và hai người bạn gái đồng hương bị voi đạp là Luxia và Maria vào ngày 6.2.1665 (DMAH 1, tr.63).

• Đối với người quá cố: Sử chép lại rằng: Năm 1645, thày Inhaxiô 37 tuổi và thày Vicentê 19 tuổi bị quan Thái Bảo kết án tử đạo. Vừa khi hai chiếc đầu rơi xuống đất, dân chúng ùa vào thấm máu các vị. Giáo dân đã chuẩn bị bốn chiếc thuyền dưới sông để đem xác các ngài đi an táng tại một nơi xứng đáng. Mọi người cung kính đưa xác ra tới sông, nhưng chỉ 29 người được lên thuyền đến nơi an táng. Nghe tin giáo dân và lương dân tụ họp cầu nguyện quanh xác của hai anh hùng tử đạo, chúa Thượng Vương giận dữ, sai lính đến vây hai làng có đông người công giáo và bắt những người đang tụ họp cầu nguyện trước linh cữu… (DMAH 1, tr.38). Quả vậy, mỗi khi có một người bị chết vì đạo, dù bị bỏ rọ hay cột đá ném xuống sông, giáo dân cũng bằng mọi cách tìm lại xác để về an táng xứng đáng. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một trường hợp: “Năm 1773, cha Vinhsơn Lê Quang Liêm bị chém đầu thì có tám người thanh niên đã chực sẵn tìm cách bảo vệ và lấy xác ngài bỏ lên võng đem đi. Lúc đó trời đổ mưa dữ dội. Họ lội đồng đem thi thể ngài về làng Kẻ Sặt, rồi xuống thuyền về an táng tại Trung Linh. Ít lâu sau, một trong tám thanh niên lấy trộm xác cha Liêm bị nhận diện, nên bị bắt giam tù một năm và phải nộp một số tiền lớn” (DMAH 1, tr.203). Chính quan thượng Nguyễn Đăng Giai cũng thừa nhận: “Khi có người quá cố, người công giáo thường họp nhau đọc kinh và tiễn đưa” (DMAH 3, tr.59). Trong bài “tóm lược đường nên thánh của cha Lê Bảo Tịnh” có đoạn viết: “Cha Tịnh thường khuyên các chú (chủng sinh trường Vĩnh Trị) năng đọc kinh cầu nguyện và làm các việc lành hy sinh để giúp các linh hồn ở luyện tội. Mỗi tuần, cha dâng một lễ cầu cho các đẳng, trong thánh lễ cha bắt các chú hát bài Dies Irae (Ngày cơn thịnh nộ), tức là bài thánh ca nói về ngày phán xét, để giục lòng sốt sáng cầu cho các linh hồn, nhất là cầu cho ông bà cha mẹ đã qua đời” (DMAH 3, tr.147).

3. Linh hồn bất tử

Từ xa xưa, người Việt Nam vẫn nằm lòng “xác là thể phách hồn là tinh anh”. Vì thế, “hồn” hay “linh hồn” là đối tượng của đạo tôn kính ông bà hay là chiều sâu của đức hiếu thảo. Với đạo Công Giáo, việc tôn kính tổ tiên hay chiều sâu của đức hiếu thảo không bị giới hạn bởi các luật tang chế của Nho Giáo (thời hạn để tang, cúng giỗ) hoặc bị khựng lại bởi thuyết luân hồi của Phật Giáo (sau 49 ngày, linh hồn người quá cố đi sang kiếp khác), nhưng thật vô tận. Bởi vì theo giáo lý đạo Công Giáo: Con người được Thiên Chúa dựng nên có thể xác và linh hồn. Linh hồn bắt nguồn từ Thiên Chúa và bản tính của linh hồn là thiêng liêng và bất tử (x. GLCG 33, 37, 360). Nói khác, Thiên Chúa dựng nên con người có “sự thống nhất về bản tính là con người có thân xác vật chất và linh hồn thiêng liêng bất diệt” (GLCG 360). Đây là niềm tin của người công giáo gói gọn trong câu: “Tôi tin xác sống lại và sự sống đời sau”. Như vậy, dù là “thể phách” hay “sẽ thành tro bụi sau khi chết”, thân xác con người sẽ được phục hồi trọn vẹn; vì là “tinh anh”, nên linh hồn là thiêng liêng và bất tử. Ngày sau hết, con người trọn vẹn xác hồn sẽ được sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho mỗi người đời sống vĩnh cửu. Dựa vào các chứng từ của các Đấng Tử Đạo tiền nhân, chúng ta hãnh diện nhận ra “niềm tin linh hồn hiện hữu và bất tử trong đạo cổ truyền Việt Nam” đã được nâng cao một cách tuyệt vời: Con người đã được Thiên Chúa dựng nên có thân xác và linh hồn, linh hồn quý trọng hơn thân xác, khi chết linh hồn sẽ lìa thân xác về trời hưởng hạnh phúc miên trường trong vinh quang của Thiên Chúa là Cha, và sẽ luôn nhớ đến mọi người còn tại thế. Để xác chứng, chúng ta nêu bật mấy điểm sau đây:

• Con người được Chúa dựng nên có thân xác và linh hồn: Chúa Thượng Vương hỏi ông Augustinô nhiều câu, và đây là câu cuối cùng: “Đức Chúa Trời là ai?”. Ông Augustinô thưa: “Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ. Ngài dựng nên cả linh hồn và thân xác của mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta có bổn phận thờ phượng và cám ơn Ngài” (DMAH 1 tr.40). Thế rồi, trước khi bị xử giảo, ông Augustinô Nguyễn Mới đã quỳ xuống cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa tôi, xin Chúa chữa tôi, tôi phó cả linh hồn và xác tôi trong tay Chúa” (DMAH 2, tr.365). Hòa nhập với tinh thần hiếu thảo và tôn kính tổ tiên, giáo dân từ đầu đã có thói quen tụ họp đông đảo để cầu nguyện và tiễn đưa người quá cố vào những dịp có lễ an táng. Việc tụ họp như vậy đã làm cho các quan và các chúa ghen ghét đạo (x; DMAH 1.122, 132, 151).

• Linh hồn quý trọng hơn thân xác: Sau 38 ngày ở trong tù, án của bộ ra tới tỉnh. Quan tỉnh cố khuyên dụ cha Phaolô Lê Bảo Tịnh lần cuối. Cha hiên ngang thưa: “Đội ơn quan lớn vốn có lòng thương. Nhưng xác tôi hèn, xin quan lớn làm tội mặc sức, tôi bằng lòng. Còn linh hồn trọng lắm, tôi không thể liều mất linh hồn cho vừa lòng hoàng đế được. Đạo Thiên Chúa là đạo thật, tôi mến, tôi giữ từ nhỏ, dù có chết cũng không bỏ được” (DMAH 3, tr.141).

• Chết là linh hồn ra khỏi thân xác mà về trời hay lên thiên đàng: Cha Francis Jaccard Phan (1838) đã khẳng định với quan tòa: “Tôi vui sướng khi nghe đức vua ra lệnh chém đầu tôi. Như vậy tôi mới chết nghĩa là linh hồn tôi ra khỏi xác và lên trời. Chỉ một khoảnh khắc đau đớn, tôi sẽ được phúc lớn lao và tôi hoàn toàn toại nguyện” (DMAH 2, tr.238). Thật can đảm và nóng lòng đạt tới nước trời, ông Martinô Thọ đã cương quyết đối chất với quan đầu tỉnh Trịnh Quang Khanh. Quan hỏi: “Nếu tao bắt được vợ con mày và làm khổ trước mặt, mày có bỏ đạo không?” – Ông Thọ thưa: “Bẩm quan, dù quan giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng”. – “Vậy mày ước ao thiên đàng lắm hả?” – “Bẩm quan lớn, vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này. Khi nào quan lớn thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng lên trời” (DMAH 2, tr.478).

• Linh hồn lên trời để hưởng hạnh phúc đời đời hay được sống vĩnh cửu: Khi thấy ông trùm Đích và ông Lý Mỹ có vẻ sờn lòng, cha Năm đã khuyên bảo hai ông: “Hai ông hãy can đảm xưng đạo vững vàng và chịu khổ ít lâu nữa sẽ được Thiên Chúa thưởng công đời đời, là phúc thiên đàng và như vậy hai ông để gương lại cho con cháu” (DMAH 2, tr.200). Thầy Phêrô Vũ Văn Truật đã trả lời cho quan án: “Tôi không dại dột đâu, vì lẽ tôi chịu chết cho đạo thật, tôi sẽ được phước thật đời đời” (DMAH 2, tr.286). Chủng sinh Toma Trần Văn Thiện đã từ chối dùng bữa cơm quan án thiết đãi trước khi xử án, đã phấn khởi thưa: “Tôi không muốn ăn uống gì nữa, tôi đang chờ bữa tiệc trên trời” (DMAH 2, tr.249). Ông Toma Nguyễn Văn Đệ khảng khái thưa với quan tòa: “Thiên Chúa tôi thờ là Đấng dựng nên trời đất và mọi sự. Khi nào quan lớn chém đầu tôi, tôi sẽ về cùng Chúa tôi trên trời, hưởng phúc vui vẻ vô cùng” (DMAH 2,371). Được lên trời hưởng hạnh phúc, sau bao năm tháng chịu mọi cực hình, đó là ước mơ của các Đấng Tử Đạo, như lời thơ của thánh linh mục Anrê Trần An Dũng (Lạc) gửi cho cha bạn tên là Thực:

Đông qua tiết lại thời xuân tới,

Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.

Làm kẻ anh hùng chi quản khó,

Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn

(DMANH 2, tr.379)

• Linh hồn về trời là về với Thiên Chúa là Cha: Vào năm 1665, chúa Hiền Vương ra lệnh xử tử các giáo dân kiên gan xưng đạo: 7 người bị chém đầu và 5 người bị voi giày. Đông dân chúng ra pháp trường chứng kiến biến cố hy hữu này. Nhiều người òa khóc vì thương hại ba người trẻ là cô Giovanna và hai anh em Raphaen và Stêphanô. Từ đám đông, cô Luxia chạy ra muốn hôn chân cậu Raphae. Nhưng cậu đỡ cô lên và nói: “Này cô em, cô đừng buồn phiền, chúng ta sẽ gặp lại nhau trên trời”. Cùng lúc đó, cậu Stêphanô vẫy tay từ biệt mọi người và nói lớn tiếng: “Xin quý vị có mặt đây biết cho rằng: chúng tôi vui lòng chết vì đức tin chân thật thánh thiện và vì chúng tôi muốn đi gặp Cha chúng tôi ở trên trời. Xin chào quý vị!” (DMAH 1, tr.58-59).

• Linh hồn về trời, vẫn nhớ đến người tại thế: Năm 1736, chúa Trịnh Doanh ra lệnh bắt bốn cha dòng Tên và hai cha dòng Augustino. Sau 6 tháng bị tra tấn và tù đày, hầu hết các cha đều chết dũ tù, còn cha Cratz dòng Tên bị án tử hình cùng với hai thày giảng. Ngày đi ra pháp trường, thấy nhiều giáo dân khóc lóc, cha Cratz đã an ủi họ: “… Chúng tôi sắp lên trời. Ở đó, chúng tôi sẽ giúp đỡ linh hồn anh chị em hiệu lực hơn khi chúng tôi còn ở lại trần thế. Đó là sự thật, xin anh chị em yên tâm” (DMAH 1, tr.164). Ông đội canh giữ cha Nguyễn Văn Hưởng một hôm đã dẫn vợ con vào nhà tù thăm cha Hưởng và nói những lời rất cảm động: “Mặc dầu tôi không theo đạo nhưng tôi biết rõ các linh mục vô tội. Tôi không dám làm khổ cha, nhưng bây giờ tôi phải theo lệnh triều đình dẫn cha đi xử. Xin cha khi nào về thiên đàng nhớ đến chúng tôi với”. – Cha Hưởng nói giọng cảm động: “Tôi rất biết ơn lòng tốt của ông. Phần tôi, tôi đi về với Thiên Chúa, ông và gia đình ở lại bình an. Tôi sẽ nhớ đến ông bà” (DMAH 3, tr; 117).

Viết đến đây, tôi nhớ đến những lời được ghi trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, năm 1980. Trong phần B của “Hướng đi mục vụ” nói về “Hội Thánh trong lòng dân tộc” các Đức Giám Mục đã đề cao một nhiệm vụ cụ thể: “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc” (17). Còn truyền thống dân tộc nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn, bén rễ sâu trong tâm tư và nếp sống của người dân Việt Nam hơn… là tôn giáo cổ truyền: phụng thờ Trời, tôn kính Tổ Tiên và xác tín Linh Hồn hiện hữu và bất tử. Như chúng ta đọc thấy ở trên, thì các Thánh Tử Đạo Tiền Nhân không những đã sống mà còn gọt dũa, canh tân và nâng cao những điểm cốt lõi của Đạo Cổ Truyền Việt Nam. Quả thật điều mà hôm nay các Giám Mục nhắc lại cho chúng ta ở thế kỷ 21 này, thì các tiền nhân dũng cảm đã sống cách đây 3-4 thế kỷ rồi. Để thể hiện công trình canh tân, gọt dũa… đạo truyền thống theo ánh sáng Tin Mừng, các ngài và cả tập thể Kitô hữu trong ba thế kỷ 17-19, đã trả một giá rất đắt: Bao nhiêu nhục hình đã đi trước cái chết của hơn 100.000 người (18). Vì thế, là con cháu, chúng ta phải noi gương các ngài mà đốt sáng lên đạo cổ truyền chính thống của dân tộc Việt Nam bằng đời sống đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và Giáo Hội, bằng nề nếp luân lý vững chắc, bằng tinh thần truyền giáo sâu sắc và bằng tình liên đới “tốt đời đẹp đạo” với mọi người thiện chí. Dù đã mấy thế kỷ qua, tinh thần ‘anh dũng sống đạo và truyền đạo của các ngài giữa lòng dân tộc Việt Nam vẫn là gương soi tuyệt tác cho thế hệ hôm nay’.

Quả là: Minh kính khả dĩ sát hình,

Vãng cổ khả dĩ tri kim

(Gương trong dùng để soi hình,

Việc xưa dùng để biết rành việc nay)

(Minh-Tâm Bửu-Giám)

Vậy: “Hãy xem và hãy làm như mẫu”

(Xh 25,40).

—————-

(1) Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam I, tr. 275.

(2) Trần Ngọc Thêm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, tr. 63.

(3) Phan Thiết, “Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt” là tên của cuốn sách 475 trang (1996) và tiêu đề của chương I, tr. 266-299.

(4) Lòng tin tưởng vào “Trời” không chỉ được nhắc đến nhiều trong ca dao tục ngữ, mà còn ở trong các chuyện cổ tích hay các tác phẩm văn cổ thời. Xin đọc “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đồng Chi, Chữ “TRỜI” trong một số cổ thi quốc âm Việt Nam của Nguyễn Văn Ái, trong cuốn “Văn Hóa Và Đức Tin”, tr. 81-99.

(5) Bảo Đại, Con rồng Vàng Việt Nam, tr. 88 và 102.

(6) Ba truyện cổ tích này được Phan Thiết trích dẫn trong cuốn “Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt”, tr. 270-280.

(7) Xin đọc bài “Tôn kính Tổ Tiên” của Mai Đức Vinh trong cuốn “Văn hóa và Đức Tin”, tr. 299-352

(8) Xem Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Quê Mẹ in lại 1983) tr.3-31.

(9) Nhận xét của ông Phan Thiết: “Đạo Phật theo đúng nghĩa thì phải đem vào tín ngưỡng Việt Nam thuyết luân hồi và giáo lý diệt ngã. Giáo lý này xét về căn bản trái hẳn với tín ngưỡng vị ngã qua việc thờ cúng tổ tiên, tin rằng linh hồn tồn tại và bất diệt sau khi chết… May thay, trên con đường xâm nhập từ hướng Bắc, đạo Phật đi qua Trung quốc, ở đấy đạo Phật đã biến thể tử một đạo vị ngã trở thành đạo vị ngã…” sd, tr. 295. Điều khỏi cần chứng minh: “Cộng sản phủ nhận hay chối bỏ Thần linh tối cao là Thượng Đế và linh hồn bất tử của con người” sd. Tr.289.

(10) Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân, “Cổ Học Tinh Hoa” I, tr. 178-179

(11) Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam I, tr.23. x. Đào Duy Anh, “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” tr. 202 và 203.

(12) Alexandre de Rhodes, “Histoire du Royaume du Tunkin”, 1630, tr. 5+76. Trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương trong “Đạo Hiếu của người Công Giáo”, Hà Nội 2010, tr.20+22.

(13) Alexandre de Rhodes, sd, ch. 24. trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương sd, tr.21.

(14) Đỗ Trinh Huệ, “Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhã quan học giả L. Cadière”, 20, tr.159-160, trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương, sd, tr.25-26.

(15) Toan Ánh, sd I, tr. 30-35. Mới đây, người công giáo cũng có những bài văn khấn gia tiên. Chẳng hạn trong sách “Kinh Nguyện Gia Đình” của giáo phận Nha Trang, 2003, có ghi: Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ tọa. Nếu vị này vắng mặt thì bà vợ hay người con lớn nhất chủ lễ. Sau khi thắp hương, đèn, người chủ lễ đọc kinh… và xướng: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên, ông bà nội ngoại hai bên, cùng các bác, các chú thím, cô dì cậu mợ, và mọi anh chị em đã qua đời. Hôm nay nhân ngày (đầu năm, cuối năm, hoặc nhân dịp…), chúng con xin thắp nén hương bày tỏ lòng kính nhớ và biết ơn. Kính xin thương cầu nguyện cho chúng con được bình an mạnh khoẻ, được hòa thuận êm ấm, và được mọi điều tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn…”. Vị chủ tế vái bốn vái, những người hiện diện tuần tự tiến lên vái mỗi người bốn vái… (46, tr.202-203). Trong lễ gia tiên nhân dịp cưới hỏi, vị chủ hôn đọc: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên, nhờ phúc đức ông bà, tổ tiên, gia đình chúng con (hoặc gia đình anh chị X…) sinh hạ được người con gái (hoặc người con trai) là … và đã giáo dục cháu nên người. Nay cháu được Chúa cho đẹp duyên cùng cháu T… Chúng con xin đưa hai cháu đến trước bàn thờ gia tiên. Xin phép cho hai cháu được dâng nén hương bày tỏ lòng kính nhớ tri ân và thắp lên ngọn nến bày tỏ quyết tâm làm rạng danh tổ tiên và vinh danh Thiên Chúa. Xin các bậc tiên nhân bầu cử cho hai cháu được trăm năm hạnh phúc, sống đẹp lòng cha mẹ họ hàng hai bên…”. Cô dâu, chú rể thắp nến niệm hương, vái bốn vái (46. tr.213). Trong dịp lễ giỗ, trước bữa ăn nên cử hành lễ cúng gia tiên. Người chủ lễ có thể đọc: “Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo với các ngài…” (46, tr.215-216)

(16) Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, ba cuốn 1, 2, 3. Trong bài này tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt là (DMAH, 1, 2, 3, tr…). Chúng tôi trích dẫn hoặc dựa theo bộ sách của cha Vũ Thành, vì đọc các chú giải hoặc thư mục ở phần cuối mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về nguồn liệu lịch sử liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam và truyện tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà cha đã dày công nghiên cứu và xử dụng.

(17) Trần Anh Dũng và nhiều tác giả: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000, tr.361

(18) Trịnh Việt Yên, “Máu Tử Đạo Trên Đất Việt”, trong phần “Tổng kết” ngài cho biết: “300 năm bắt đạo với năm giai đoạn chính: lâu nhất là thời Trịnh Nguyễn, dữ dội nhất là thời Tự Đức, Văn Thân. Tổng kết là: 100.000 nạn nhân chết vì đạo, trong đó có chừng 150 linh mục Việt Nam, 50 vị Thừa Sai ngoại quốc, 340 Thày Giảng, 370 Nữ tu Mến Thánh Giá, và phân chia ra từng thời kỳ như sau: 1630-1700: 100 nạn nhân, 1700-1800: 238 nạn nhân, 1800-1862: 40.000 nạn nhân, 1862-1886: 60.000 nạn nhân. Ngoài ra 3.000 họ đạo bị triệt hạ, bị đốt phá hay bị cướp bóc, trong đó 2.000 họ đạo bị triệt hạ dưới triều Tự Đức, tr. 67-68.