Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: Chú Giải Kinh Tin Kính Đại Kết (2/4) – Bài 47

0
1224


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 47

ĐỀ TÀI:

CHÚ GIẢI KINH TIN KÍNH ĐẠI KẾT (2)

***

 

Trong bài hôm nay, chúng ta tìm hiểu phần thứ hai của bài giải thích đại kết kinh Tin kính, liên quan đến Chúa Giêsu  Kitô.

***

PHẦN HAI

CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ

Phần này gồm có ba tiết: 1) Đức Giêsu Kitô đã nhập thể vì phần rỗi chúng ta; 2) Người chịu đau khổ và chết vì chúng ta; 3) Người đã sống lại và toàn thắng mọi lực lượng của sự dữ.

TIẾT 1. ĐỨC GIÊSU KITÔ NHẬP THỂ VÌ PHẦN RỖI CHÚNG TA

A. Thách đố

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, chúng ta tin rằng nơi đức Giêsu chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Lời tuyên xưng ấy hàm ngụ ba điều sau đây: 1) Nơi đức Kitô, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta dưới một quan hệ mới. 2) Đức Giêsu không những là Con hằng hữu của Chúa Cha, mà còn là con người; trong Ngài, bản tính con người được phục hồi và biến đổi nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa. 3) Nhờ cuộc nhập thể của đức Kitô, Thiên Chúa hiện diện và sống giữa những cảnh huống của con người, kể cả cảnh nghèo nàn, đau đớn, chết chóc.

Niềm tin ấy gặp phải ba thách đố sau đây:

1) Có người cho rằng chuyện một vị thần trên trời xuống thế có tính cách huyền thoại; vì vậy họ muốn thay đổi việc Thiên Chúa nhập thể bằng những quan niệm khác, tựa như đức Kitô một lãnh tụ cách mạng, một nhà mô phạm, một mẫu gương xả kỷ.

2) Trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác, việc tuyên xưng đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể trở thành gai góc, bởi nó đặt đức Giêsu Kitô lên trên hết mọi giáo chủ khác.

3) Việc tuyên xưng Con Thiên Chúa nhập thể để cứu rỗi chúng ta xem ra không tương ứng với thực tại, xét vì bao nhiêu tai ương sự dữ vẫn còn hoành hành trên thế giới; nói khác đi, công cuộc Nhập thể đã không mang lại sự thay đổi nào trên đời hết.

B. Ý nghĩa

Từ ngữ then chốt trong lời tuyên xưng là Đức Kitô “đồng bản tính” (homoousios) với Chúa Cha. Từ ngữ này được công đồng Nicea (325) đặt ra (chống lại lạc thuyết Ariô), nhằm nói lên rằng Con không phải là một thụ tạo, trước kia không hiện hữu và rồi sau đó mới hiện hữu. Không phải như vậy, tuy lệ thuộc vào Cha, nhưng Con không hề tách rời khỏi Cha, và cùng hiện hữu với và như Cha: Người là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, được sinh ra chứ không phải được tạo thành, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”. – Sang thế kỷ V, công đồng Calxeđônia xác định rõ hơn về hai bản tính nơi đức Kitô, hợp nhất trong một ngôi vị (unio hypostatica).

Đức tin vào thiên tính hằng hữu của đức Kitô dựa trên Kinh thánh, cách riêng Tin mừng theo thánh Gioan; đoạn mở đầu thư gửi người Do-thái; những thánh thi trong các thư thánh Phaolô (Cl 1,15-17.19; Pl 2,6-8), cũng như những lời tuyên xưng chúc tụng đức Kitô như là Thiên Chúa (1 Cr 16,22; Kh 5,13; 7,10; 22,20; Rm 9,5).

C. Giải thích

1) Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta

Các Kitô hữu đầu tiên đã tuyên xưng điều đó dựa trên biến cố Ngài đã được sống lại. Sự phục sinh xác nhận rằng cuộc đời, các lời tuyên bố, các việc làm của đức Giêsu thực là lời hằng hữu của Thiên Chúa nói với loài người. Do đó, hết mọi loài phải suy phục đức Kitô, Chúa duy nhất.

2) Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa

Trong Phúc âm, đức Giêsu đã nói đến tình thân mật của mình với Thiên Chúa dưới từ ngữ “cha con” (Mt 11,27: Không ai biết Cha ngoại trừ Con và kẻ mà Con muốn tỏ ra). Tuy nhiên Tân ước không chỉ nói tới đức Giêsu là Con Thiên Chúa xét như là con người, nhưng còn áp dụng cho một vị đã hiện hữu từ trước và được Cha sai đến thế gian (Rm 8,3; Gl 4,4; Pl 2,6). Do đó, mối liên hệ cha-con không phải chỉ xuất hiện từ khi đức Giêsu ra đời, nhưng đã có từ muôn thuở. Đấng là Con hằng hữu của Cha hằng hữu đã xuất hiện trong lịch sử nơi đức Giêsu Kitô. Lời tuyên xưng đức Giêsu Nazareth là Con hằng hữu của Thiên Chúa mang một ý nghĩa cứu chuộc đối với chúng ta: xét vì Con Thiên Chúa đã ở với Thiên Chúa từ muôn thuở, cho nên chính là Thiên Chúa trong  Con của Ngài đã đến chia sẻ cảnh sống, sự đau khổ của loài người; do quyền lực của Thánh Thần, Thiên Chúa tiếp tục hiện diện và tác động giữa chúng ta. Đành rằng trong Kinh thánh, có những nhân vật được gọi là con Thiên Chúa, (thí dụ vua Đavit hoặc dân Israel), nhưng đức Giêsu là Con Thiên Chúa một cách độc đáo: con từ muôn thuở, hằng hữu với Thiên Chúa. Để diễn tả mối liên hệ độc đáo ấy, kinh Tin kính dùng các diễn ngữ : “Con một Thiên Chúa, sinh bởi Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải được tạo thành”. Sau khi đã nói tới mối liên hệ hằng hữu giữa Cha với Con như vậy, kinh Tin kính thêm rằng “đồng bản tính với Chúa Cha” không những nhằm tuyên xưng rằng Con không ở dưới Cha, mà còn muốn nói tới bản tính duy nhất của Thiên Chúa: nơi Thiên Chúa chỉ có sự khác biệt do tương quan ngôi vị chứ không phải theo bản tính; nói khác đi, chỉ có một chứ không có hai Thiên Chúa.

3) Bởi quyền năng Thánh Thần, Người nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria

Kinh thánh nói đến vai trò của Thánh Thần trong việc tạo dựng và tái tạo dựng. Khi gắn công cuộc nhập thể với quyền năng của Thánh Thần (dựa trên Lc 1,35), kinh Tin kính muốn lồng biến cố đó trong toàn thể dự án tạo dựng, canh tân và hoàn tất vũ trụ. Về đức Maria, tất cả các tín hữu đồng tuyên xưng như công đồng Ephesô (431) rằng Người là “Theotokos“, nghĩa là mẹ của một người cũng là Thiên Chúa. Điều đó hàm ngụ rằng Con Thiên Chúa là một người như chúng ta, đã sinh ra và được nuôi dưỡng cách âu yếm do một bà mẹ. Tuy nhiên đức Maria cũng là môn sinh lắng nghe và tuân hành lời Chúa, vì vậy trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc làm môn đệ của đức Kitô. (Ngày nay có những Kitô hữu đặt vấn nạn về sự đồng trinh của đức Maria, viện lẽ vì không muốn bắt Chúa làm phép lạ khác thường đang khi mà Ngài muốn chia sẻ hoàn toàn thân phận như chúng ta; người khác thì lấy lẽ  rằng Phúc âm không có ý quả quyết sự đồng trinh của đức Maria mà chỉ  muốn nói rằng đức Giêsu là Con Thiên Chúa). Dù sao, khi gắn  việc nhập thể của đức Giêsu với Thánh Thần (de Spiritu) và đức Maria (ex Maria virgine), kinh Tin kính tuyên xưng đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người.

TIẾT 2: ĐỨC KITÔ CHỊU KHỔ HÌNH VÀ ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ VÌ CHÚNG TA

A. Thách đố

Sự tuyên xưng rằng đức Kitô chịu khổ vì chúng ta gặp phải sự thách đố trong thế giới đang bị giằng co bởi cuộc tranh chấp giữa sự sống và sự chết: làm sao mà điều kiện tội lỗi lan tràn khăp nơi có thể được thay đổi nhờ sự đau khổ của đức Kitô? Dân tộc Do thái có trách nhiệm gì trong cái chết của đức Kitô? Sự tuyên xưng đức Kitô đã chịu khổ vì chúng ta có ảnh hưởng gì tới sự đau khổ của nhân loại ngày nay và tới những nỗ lực đương đầu chúng?

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, tiết nói về cuộc tử nạn ngắn hơn tiết nói về nhập thể, có lẽ vì Giáo hội nguyên khởi không gặp lạc giáo nào đối kháng trong vấn đề này. Giáo hội tuyên xưng đức Kitô đã chịu chết và chịu mai táng dưới thời Phongxiô Philatô, nhằm khẳng định rằng đây là một biến cố đã diễn ra trong lịch sử loài người.

Công thức “đức Kitô chết vì chúng ta” (nghĩa là: vì tội của chúng ta) đã đọc thấy nhiều nơi trong Tân ước (1 Cr 15,3-4, Rm 3,25 vv). Nó diễn tả ý tưởng đã nói ở Isaia chương 53 về một người chết thay cho người khác. Thêm vào đó Tân ước cũng giải thích cái chết của đức Kitô như là “hy lễ” (Rm 3,24 tt; 1 Cr 5,7; 2 Cr 25,21), “chiên hiến tế” (Ga 1,29, Kh 5,6); hy lễ đó có tính cách tình nguyện (Gl 1,4; 2,20; Pl 2,7). Ngoài ra cần lưu ý là thánh Phaolô gắn sự đau khổ và cái chết của đức Kitô vào thập giá. Thập giá không  chỉ là biểu tượng của đau khổ, nhưng còn là biểu tượng của ô nhục trong xã hội Lamã; thế nhưng thánh Phaolô không hổ thẹn khi rao giảng rằng Thập giá ô nhục ấy lại là nguồn phúc lành (Gl 3,3), và là trọng tâm của Tin mừng (1 Cr 1,13.17-18.23; 2,2; Gl 3,1; 6,12). Thánh Gioan còn tiến xa hơn khi đồng hóa việc đức Kitô chịu treo lên thập giá với việc tiến vào vinh quang.

C. Trong thời đại hôm nay

1) Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta

Tân ước coi cái chết như hậu quả của tội lỗi, xét vì tội lỗi tách lìa con người khỏi Thiên Chúa nguồn mạch sự sống. Thực ra kinh nghiệm cũng cho thấy rằng khi con người tự đặt mình làm trung tâm vũ trụ, thì sớm muộn gì cũng tìm hết cách để tranh giành quyền hành, đè bẹp người khác, bóc lột tha nhân; từ đó đưa tới hận thù, chiến tranh, và chém giết. Chính vì vậy mà một khi tiêu diệt được tội lỗi thì đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi quyền lực của sự chết.

Phải hiểu thế nào về sự liên hệ giữa cái chết của đức Kitô với sự tiêu diệt tội lỗi? Trải qua lịch sử đã có ba cách giải thích.

a) Theo các giáo phụ và thần học Đông phương, thì cái chết của đức Giêsu (vừa là Thiên Chúa vừa là người) có ý nghĩa như là giết chết ảnh hưởng của cái chết đang đè bẹp nhân loại; sự chết và phục sinh nói lên sự chiến thắng giải thoát nhân loại khỏi sự  chết và quyền lực của tối tăm.

b) Thần học Trung cổ bên Tây phương coi cái chết của đức Kitô như hy lễ đền tội, với hiệu lực xóa bỏ hình phạt mà con người đáng lãnh vì tội của mình.

c) Thần học cận đại coi cái chết của đức Giêsu trong viễn ảnh của lòng tin và vâng phục: đức Giêsu đã trung thành với sứ mạng cho đến chết; vì vậy Người trở nên khuôn mẫu của một kẻ không lùi bước trong sự tận tụy cho Thiên Chúa và tha nhân, và làm chứng cho Thiên Chúa lân tuất qua sự trung kiên của mình.

Thiết tưởng cả ba lối giải thích đều có thể bổ túc cho nhau. Đức Kitô chịu đau khổ vì chúng ta, cho dù gặp những trở ngại chống đối, nhưng Ngài không chùn bước trong sứ mạng yêu thương. Ngài đi vào trần thế để mang tình thương của Chúa đến cho nhân loại, và Ngài kiên trung với sứ mạng đó. Ngài cũng muốn chấp nhận thân phận của con người, phải chịu chết như hậu quả của tội lỗi: tuy là Chiên vô tội, Ngài bi coi như một tội nhân, chuốc lấy cho mình những nguyền rủa của tội (Rm 8,3; Gl 3,13). Hy lễ do sự đau khổ và sự chết của đức Kitô đã trở thành sự cứu rỗi cho thế giới bởi vì nó mang lại sự giao hòa thế giới với Thiên Chúa: con người được tha thứ tội lỗi, được lãnh cuộc sống mới trong Thánh thần khi thông dự vào cái chết và sống lại của đức Kitô nhờ đức tin và rửa tội. Cũng nhờ sự thông hiệp ấy, con người lướt thắng sự sợ hãi, sống trong tin tưởng và sẵn sàng tha thứ, nhờ vậy mà dám đương đấu với những lực lượng của tử thần quen gieo rắc thù hận.

2) Dưới thời Phongxiô Philatô

Lời tuyên xưng đức tin này không những muốn nêu bật tính cách lịch sử của cuộc tử nạn của đức Kitô, nhưng còn muốn nhắc tới tính cách bất công của cuộc hành quyết, vi phạm những quyền lợi của con người nhân danh những mục tiêu chính trị xu thời (x. Mc 15,6-15). Riêng về trách nhiệm của dân tộc Do thái trong cái chết của đức Kitô (Mt 27,25), cần phải phân biệt giữa những người Do thái thời ấy với những thế hệ sau đó: không thể dùng những đoạn văn Kinh thánh để biện minh phong trào bài Do thái. Chúng ta không nên quên rằng đức Giêsu là người Do thái, và Ngài chết để quy tụ dân Israel cũng như muôn vàn dân khác vào một gia đình (Ga 11,51-53; Ep 2,13-18).

3) Người chịu khổ hình

Đức Giêsu đã chịu khổ và chịu chết để phụng sự Nước Chúa, để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Vì vậy sự đau khổ của đức Giêsu trở thành Tin mừng cho những ai đang phải đau khổ dưới mọi hình thức (thể lý, tâm thần, do mình hay do tai nạn hay người khác gây ra), cũng như cho những ai tự nguyện chấp nhận rủi ro tính mạng để phục vụ tha nhân. Ơn cứu rỗi được ban cho con người qua sự đau khổ của đức Kitô: điều đó có nghĩa là nơi Con của Ngài Thiên Chúa đã lãnh lấy những đau khổ của con người, liên đới chia sẻ những đau khổ ấy, đứng sát bên con người trong cuộc chiến đấu chống lại những quyền lực của tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa muốn tỏ cho con người thấy rằng Ngài cùng chịu đau khổ với họ, đồng thời ban cho họ niềm hy vọng vào một cuộc sống không còn mang vết tích của chết chóc nữa. Ngoài ra, người đồ đệ của đức Kitô được kêu gọi thông phần vào số phận của Ngài, không chùn bước trong việc phục vụ cho tình thương kể cả khi nguy hiểm đến tính mạng.

TIẾT 3: ĐỨC GIÊSU KITÔ SỐNG LẠI, VƯỢT THẮNG MỌI QUYỀN LỰC SỰ DỮ

A. Thách đố

Giữa thời đại cơ khí kỹ thuật hôm nay, làm sao tin được người chết sống lại, tin vào sự sống mai hậu? Quyền lực của Đức Kitô phục sinh có sức nâng đỡ cố gắng và hy vọng của chúng ta đến đâu khi phải đối kháng với những lực lượng xã hội, kinh tế, y thức hệ muốn làm bá chủ thế giới?

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, những lời tuyên xưng về sự Phục sinh của đức Kitô đều trích từ những lời của Tân ước. Hơn thế nữa, biến cố Phục sinh được gắn liền với việc lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và quang lâm. Ta biết rằng sự Phục sinh của đức Kitô là trung tâm của lời giảng của các thánh Tông đồ.

Việc Chúa sống lại được thuật lại trong Phúc âm cũng như trong các tác phẩm khác của Tân ước. Đức Kitô sống lại không chỉ có nghĩa là một cuộc cải tử hoàn sinh, nhưng tiên vàn nó là cuộc tôn vinh: đức Kitô là Chúa (Mt 28,18.20; Lc 24,49; Ga 17; 20,21-23; Cv 2,36; Rm 1,4; 10,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,11). Do đó mà việc Phục sinh đước gắn liền với việc ngự bên hữu Chúa Cha, và việc phán xét vũ trụ.

C. Trong thời đại hôm nay

1) Người sống lại và lên trời

Tuy rằng có những giải thích khác nhau về mầu nhiệm Phục sinh, nhưng tất cả các Kitô hữu đều đồng thanh tuyên xưng rằng đức Giêsu đã sống lại. Cuộc sống mới của Chúa Phục sinh là một thực tại mà người Kitô hữu cảm nghiệm qua những đường lối khác nhau: qua những buổi cử hành phụng vụ và bí tích, qua sự chia sẻ huynh đệ trong cộng đồng, qua những niềm vui và sức mạnh lãnh nhận nhằm làm chứng cho Tin mừng kể cả lúc gặp thử thách. Niềm tin vào đức Phục sinh mang lại cho ta sự vui mừng và hy vọng, hy vọng vào sự sống vượt qua cái chết. Lòng hy vọng đó giúp cho người tín hữu không chịu buông xuôi, nhưng cố gắng tìm cách cải tiến thế giới hiện tại.

2) Người ngự bên hữu Chúa Cha

Đức Kitô đã tuân phục Chúa Cha cho đến chết, và nay được Cha tôn vinh, tặng ban danh hiệu là Chúa (Pl 2,10). Khi tuyên xưng đức Kitô là Chúa, chúng ta xác quyết rằng bất chấp tội lỗi của con người với những hậu quả của nó, Thiên Chúa luôn chiến thắng các quyền lực của sự dữ và cái chết. Chúng ta cũng tin rằng đức Kitô chuyển cầu cho chúng ta. Sống giữa cuộc đời còn mang dấu tích của tội lỗi và tang tóc, người Kitô hữu cảm thấy những dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của đức Kitô Phục sinh nơi những chứng nhân can đảm đi theo con đường thập giá của Ngài, những người hy sinh dấn thân xây dựng xã hội, hàn gắn chia rẽ hận thù, giải phóng những kẻ bị áp bức.

3) Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết

Lời tuyên xưng này không chỉ có nghĩa là vũ trụ sẽ có lúc chấm dứt, nhưng nhất là dòng lịch sử sẽ đi tới cùng đích nơi đức Kitô. Đó là lúc hoàn tất cuộc tạo dựng và tái tạo, khi nhân loại và vũ trụ sẽ được hưởng tất cả hồng ân công chính và sự sống mới mà cuộc Phục sinh của đức Kitô mang lại. Chúng ta tin rằng tất cả sẽ phải trình diện trước sự phán xét của đức Kitô. Tuy nhiên khi nói tới đức Kitô là vị thẩm phán xét xử, chúng ta đừng nên quên rằng Ngài cũng là trạng sư của chúng ta, cầu bầu cho chúng ta trước toà Chúa. Chúng ta dễ bị cám dỗ phán xét người khác theo đầu óc của chúng ta, mà quên rằng sự phán xét là một đặc quyền của Thiên Chúa, nơi mà  công bình và tình thương không thể tách rời nhau. Xét về thời gian và cách thức của việc phán xét, thì giữa các Giáo hội có những ý kiến khác nhau, phần nào bắt nguồn từ những cách giải thích khác nhau về các bản văn Tân ước:

(i) Có người cho rằng thời cánh chung đã thực hiện rồi; có người thì đặt nó vào lúc tận thế.

(ii) Có người nhấn mạnh tới sự sống lại cá nhân liền ngay sau khi chết; có người nói rằng sự phán xét và phục sinh sẽ xảy ra vào thời chung tất của thời gian.

4) Nước Người sẽ không bao giờ cùng

Tuy rằng Nước Thiên Chúa sẽ tỏ hiện vào lúc quang lâm, nhưng Giáo hội tin rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện và tác dụng ngay từ bây giờ rồi. Thực ra, khi còn ở thế, đức Kitô đã tuyên bố rằng Nước Thiên Chúa đã đến (Lc 17,21):  đức Kitô phục vụ Nước Thiên Chúa bằng việc suy phục Cha. Đức Kitô không hề muốn chiếm đoạt quyền hành cho mình. Việc tuyên xưng Nước đức Kitô bao hàm việc đả kích tất cả những chủ nghĩa hay ý thức hệ nào đòi làm bá chủ thống trị nhân loại mãi mãi; nhưng đồng thời việc tuyên xưng Nước đức Kitô, – Nước của công lý và hòa bình-, cũng khuyến khích những chế độ nào đang cố gắng họa lại tiêu chuẩn đó trong thế giới này.