Kinh Nghiệm Tôn Giáo Và Mặc Khải Kitô Giáo

0
3726


Phêrô Thân Văn Chính

 

Con người sinh ra là sống trên trái đất, là thành phần của trái đất, được bao bọc bởi tự nhiên. Và cùng với thời gian, họ có tiếng nói để cùng chỉ về một vật hay sự vật cụ thể là đối tượng của tri giác; rồi đến những vật ở trong thiên nhiên cũng được đặt tên như: trời, mây, trăng, gió… Và theo thời gian, những ý tưởng mới xuất hiện nằm trong hệ thống suy luận. Điều đó nói lên tính lý thuyết và thực tiễn trong suy tư của con người. Từ đó, đánh dấu một quá trình tìm kiếm trên những nẻo đường khác nhau của con người. Trên con đường ấy, họ phải đối diện với hạnh phúc và đau khổ, thiện và ác, hiện tại và tương lai, sự sống và cái chết. Đồng thời, con người không ngừng tra khảo và tìm hiểu về thân phận mình: Con người từ đâu đến? Cuộc sống có ý nghĩa gì?… Cuộc tìm hiểu này không những trên bình diện tri thức, mà còn cả với thân phận con người. Một cách tiệm tiến, con người khám phá ra những sức mạnh tự nhiên rồi đem thần hoá chúng thành những thần linh, tiến vào một thế giới mới: “thế giới linh thiêng”, thể hiện qua những nghi thức cúng tế, cầu khấn: Tay chắp, gối quỳ, lòng nguyện ước!

Cũng chính phận người, cái chết là một biến cố lớn trong đời mỗi một con người. Nhưng dù tin hay không thì con người vẫn nuôi hy vọng: có một cuộc sống sau cái chết; rằng chết không phải là hết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.[1] Kho tàng ca dao tục ngữ cũng nói: “Sinh ký tử quy”. Đây là niềm tin và là kinh nghiệm chung của nhân loại, tuy hình thức biểu lộ khác nhau. Người ta còn tin rằng, có một vị thần linh tối cao nắm giữ vận mệnh con người và vũ trụ, đó là Ông Trời, là Ala, là Đấng Siêu Việt,…

Và việc con người dò dẫm để có được những kinh nghiệm tôn giáo, để rồi đi đến một thái độ của niềm tin dù còn mông lung và sơ đẳng, nhưng cũng đã ảnh hưởng rất sâu đậm trên chính cuộc sống của mình. Con người nói chung, nhất là ở thời kỳ bán khai, thì những năng lực tự nhiên được xem là những vị thần quan trọng. Đây đó, bên cạnh những dân tộc có tôn giáo đa thần thì cũng có khi xuất hiện hiện những “tôn giáo độc thần” với việc thờ kính một Đấng tối cao. Ngài tuy vô hình nhưng luôn “biết” để trừng trị kẻ ác, giúp đỡ dân lành: “Không ai biết có Trời biết”, “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày”.[2]

Qua những dò dẫm về tôn giáo của con người mà chúng ta nêu trên, dù chưa được thanh luyện, nhưng đó là những “nẻo đường kinh nghiệm” dẫn đưa đến mầu nhiệm Thiên Chúa: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng sự thật Người ở không xa chúng ta”.[3] Đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã “mặc khải” cho con người, tuy không công khai như Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Do Thái và với việc Đức Kitô Con Thiên Chúa xuống thế làm người, là đỉnh cao của việc mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Vậy mặc khải Kitô giáo là gì?

“Mặc khải là việc Thiên Chúa do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để con người, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần, được cứu độ, thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được trở nên nghĩa tử của Ngài”.[4] Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một số tôn giáo lớn cùng với Do Thái giáo là tôn giáo mở đường vào Kitô giáo.

Trước hết là Ấn giáo: Ấn giáo còn gọi là Balamôn giáo, xuất hiện khoảng năm 1500BC. Ấn giáo quan niệm mọi thực tại trần gian đều là ảo ảnh và là nguồn thống khổ. Để thoát khỏi thực tại này, con người phải thực hiện việc diệt dục và trì niệm. Giải thoát là do việc tiểu ngã (Atman) tan hòa vào Đại ngã Balamôn (Brahman).[5] Thứ đến là Phật giáo, Đạo này do Đức Phật sáng lập. Chủ trương của Phật giáo là phải tự giải thoát bằng những hành động mãnh liệt của chính mình, để khỏi mắc vào vòng nghiệp chướng, để thoát khỏi “đời là bể khổ”. Giáo thuyết của Phật quy tụ vào ba điểm: “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên”[6]“Bát chính đạo”[7]. Theo quan niệm nhà Phật, thực thi được Bát chính đạo, con người đạt chính quả thì được giải thoát. Và việc giải thoát này con người phải dựa vào chính mình, do việc thực hành tiết dục và diệt dục.[8] Tiếp đến là Hồi Giáo: Hồi giáo xuất hiện vào khoảng năm 600, do Mohamet thành lập. Trung tâm giáo thuyết của ông là trình bày Thượng Đế như một thực tại duy nhất và quyền năng. Đây là một tôn giáo tin vào Đức Allah Thượng Đế, một tư tưởng sâu xa, trỗi vượt. Tuy nhiên, đây là một tôn giáo với những luật lệ khắt khe và “cuồng tín”. Hồi giáo đề cao cái chết trong thánh chiến, tin có thiên đàng, hỏa ngục,…[9]

Quả là thiếu sót, nếu chúng ta không nói đến cư dân du mục sống giữa hai con sông lớn: sông Nin và sông Euphrates, khi nói về kinh nghiệm tôn giáo. Cư dân đó chính là dân Do Thái, Dân Cựu ước phát xuất từ tổ phụ Abraham khoảng năm 1800BC. Ông là người mà Thiên Chúa chọn để Ngài đi vào lịch sử nhân loại một cách thiết thân hơn qua việc “Ngài gọi và ban cho ông một dòng dõi” (St 12, 1-3). Bằng đường lối sư phạm “tiệm tiến”, Thiên Chúa tiếp tục hành động trên dân này bằng việc Ngài tỏ mình cho Maisen, và qua ông, Ngài cứu dân này thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập,[10] và ban Thánh luật cho dân.[11] Theo dòng lịch sử, cùng với sự thăng tiến của các thể chế chính trị xã hội, Thiên Chúa đã cho dân có vua theo như “họ yêu cầu”.[12] Tiếp đến, đó là thời kỳ lưu đày ở Babylon, qua các tiên tri, Ngài đã dạy cho dân những nhận thức sâu sắc mới về sự hiện diện của Ngài.[13] Thời kỳ sau lưu đày, ngoài những người tản cư, một số khác “là những người nghèo của Thiên Chúa”, họ vẫn trông chờ ngày của Đấng Cứu Thế.

Như vậy, khởi đi từ Abraham, lịch sử của Dân riêng,[14] đã đi qua một “cuộc hành trình” từ đời sống du mục, bộ lạc đến đời sống định cư, nông nghiệp; từ những bộ lạc nhỏ liên kết thành một quốc gia phát triển với tinh thần cộng đồng, có tôn giáo siêu nhiên. Điểm nỗi bật của Do Thái giáo không phải chỉ là những nỗ lực tìm kiếm của con người cho bằng việc chính Thiên Chúa đã “khom lưng” đi vào lịch sử của họ, tỏ mình cho họ, ở với họ,… để từ dân này, Ngài tỏ mình cho toàn thể nhân loại. Quả vậy, Thiên Chúa đã không “ẩn mình”, nhưng đã “bước ra” khỏi huyền nhiệm Thiên Chúa, để ngỏ lời với nhân loại và bộc lộ tình yêu vô biên với phàm nhân trong suốt chiều dài lịch sử. Như thế, lịch sử của dân Do Thái hay Cựu ước là “tiền thân” của sự thành toàn mặc khải với công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.[15] Như thế, kinh nghiệm nói chung và kinh nghiệm tôn giáo nói riêng, luôn có ích cho chính mỗi một con người và cho cộng đoàn. Xét về kinh nghiệm tôn giáo, thì kinh nghiệm cộng đoàn giúp thông truyền và củng cố đức tin cho cá nhân, và kinh nghiệm cá nhân làm phong phú kinh nghiệm cộng đoàn.[16]

Vậy, có hai con đường để nhận biết Thiên Chúa.[17] Như trên, chúng ta đã đề cập về hệ thống suy luận nói lên tính lý thuyết và thực tiễn trong suy tư của con người. Hay nói cách khác, con người có khả năng dùng lý trí và đã dùng lý trí trong việc tìm biết Thiên Chúa. Còn có một cách thức nhận biết Thiên Chúa chắc chắn hơn mà chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu sau đây, là cách thức nhận biết Thiên Chúa qua việc mặc khải trong Kitô giáo, với ba thành phần của nội dung đức tin tôn giáo này: Kinh Thánh, Truyền thống và Huấn quyền:

1. Mặc khải trong Thánh Kinh

Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, ta đọc thấy việc Thiên Chúa dùng lời của Người mà phán: “Thiên Chúa phán…”[18] để tạo thành mọi sự; điều này cũng đã được Công Đồng Vatican II khẳng định.[19] Điều đó cũng có nghĩa là Thiên Chúa đã nói qua công trình tạo dựng, và Thánh Vịnh 19,2 nói rõ điều này.[20] Cũng sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người: có trí tuệ và ý chí như Thiên Chúa, được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa bằng sự nhận biết và yêu mến Ngài.[21] Vì thế, Công Đồng Vatican II đã nói tiếp như sau: “Để mở đường dẫn đến ơn cứu độ từ trời, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình cho nguyên tổ ngay từ đầu”[22] và trong suốt lịch sử Dân riêng.

Tuy nhiên, việc mặc khải của Thiên Chúa được thực hiện rõ ràng và đầy đủ nhất trong thời Tân ước: “Chưa một ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng Hằng Có ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Như thế, chính nhờ Đức Giêsu mà những gì được gợi lên trong Cựu ước, thì giờ đây được bày tỏ cách rõ ràng. Và cũng nhờ Người mà chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha yêu thương; nhưng vị Thiên Chúa này không phải chỉ Một Ngôi đơn độc, nhưng là Ba Ngôi (Dt 1,1), là Cha (Mt 11,25; Ga 17,1.3), Con (Mt 16,16) và Thánh Thần (Ga 14,26; 15-26). Đồng thời, Ngài cũng cho chúng ta biết bản tính của Ngài là Tình Yêu (1Ga 4,16). Và cũng theo lời Kinh Thánh, Đức Giêsu là Trưởng Tử, đến từ nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài là Thiên Chúa và Ngài đến để hoàn tất lời đã hứa với tổ tông xưa.[23] Đồng thời, Ngài cũng mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha là nguồn gốc mọi loài.[24] Và chính nhờ Người mà chúng ta, dẫu đang sống trong đau khổ, rên siết, quằn quại nhưng chúng ta có được niềm hy vọng được giải thoát, được cùng con cái Thiên Chúa hưởng tự do và vinh quang.[25]

Tóm lại, chỉ qua mặc khải chúng ta mới nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, đầy đủ, và cũng nhờ đó chúng ta biết được bản tính của Người, về đời sống nội tại của Người. Như thế, việc nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí và mặc khải không mâu thuẫn, đối chọi nhau, nhưng hỗ trợ cho nhau. Song, nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí thì không chắc chắn vì lẽ lý trí chúng ta có thể bị sai lạc; còn mặc khải của Thiên Chúa thì cho chúng ta biết được cách chắc chắn, đầy đủ về Ngài.

2. Mặc khải trong Truyền Thống

Sau nữa, việc lưu truyền mặc khải bằng chính Truyền thống (Thánh Truyền) trong Giáo Hội khởi đi từ các Tông đồ. Công Đồng Vatican II nói rõ: “Vì vậy, những lời giảng dạy […] phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế. […] Như vậy, Giáo Hội qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin. Thánh Truyền do các Tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần”.[26] Và Công Đồng cũng còn cho chúng ta biết về ba phương thế lưu truyền mặc khải, đó là: Lời nói, Phụng tự và Đời sống yêu thương phục vụ.[27] Nói đến đây, vấn nạn được đặt ra cho chúng ta rằng là: có một hay hai nguồn mặc khải?

“Giáo Hội luôn tin rằng mặc khải toàn vẹn không chỉ chứa đựng trong Thánh Kinh mà thôi, mà vừa trong Thánh Kinh vừa trong Thánh Truyền như là “một nguồn kép”.[28]

3. Mặc khải trong Huấn Quyền

Vấn đề cuối cùng trong nội dung đức tin Kitô giáo là Huấn quyền của Hội Thánh. Về điều này, Công Đồng nhìn nhận: “Nhiệm vụ chú giải đích thực lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội”. Như cái kiềng đứng vững nhờ ba chân thế nào, thì “Thánh Kinh, Truyền thống và Huấn quyền của Giáo Hội, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hợp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được. Và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn”.[29]

Thiết nghĩ, để có một lời kết cho việc tìm hiểu kinh nghiệm tôn giáo nói chung và Mặc khải Kitô giáo, thì lời thơ sau của Tertulien đã nói rất chí lý: Thân hữu hạn mà lòng mong vô hạn, kẻ tiên sa nhớ quãng Thiên cung. Các tôn giáo nêu trên, với những ưu điểm của mình, được Giáo Hội đón nhận “với lòng kính trọng chân thành”.[30] Chúng ta gọi đó là những “Tôn giáo”, nhưng đúng ra thì đó chỉ là những “nẻo đường” tìm về Thiên Chúa;vì lẽ một tôn giáo đúng nghĩa bao gồm: giáo lý (tín lý) phát xuất từ Thiên Chúa, luân lý (những điều phải giữ) và phụng vụ (nghi thức phụng thờ). Nhưng dù vậy, khi đề cập đến vấn đề: Giáo Hội và những người không thuộc Kitô giáo, Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống”.[31] Như vậy, “tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong Chúa Kitô”.[32]

Nói cách khác, kinh nghiệm tôn giáo là con người xuất phát từ “Mầm Ngôi Lời” được Thiên Chúa đặt để trong mỗi con người, thúc giục họ tìm về với Thiên Chúa là “Chân Lý” và là “Nguồn Sống”. Dầu cho việc “tìm về” không giống nhau nơi kinh nghiệm các tôn giáo nói chung với mặc khải nơi Kitô giáo. Vì lẽ, biết Thiên Chúa nhờ mặc khải là cái biết chắc chắn. Ngược lại, kinh nghiệm tôn giáo là rất mơ hồ, không vững chắc và dễ sai lạc. Nhưng dù gì đi nữa, thì đây vẫn là hai con đường nhận biết Thiên Chúa. Hai cách thức này ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Một đàng, kinh nghiệm dựa trên lý trí giúp ta hiểu biết mặc khải của Thiên Chúa; mặt khác, mặc khải nói cho chúng ta biết những mầu nhiệm mà nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì không thể khám phá ra và không bao giờ hiểu được. Những gì trình bày trên giúp chúng hiểu được những thực trạng trong vấn đề niềm tin tôn giáo của con người nói chung và của một số dân tộc, cũng như tiếng nói chính thức của Giáo Hội về vấn đề này, mở ra cho chúng ta một hướng đi mới trong việc thực thi bản chất của Giáo Hội cũng là của mỗi người chúng ta: Truyền giáo! Quả vậy, việc truyền giáo hôm nay không phải là lối “bắt chiên” của người, nhưng là vấn đề đại kết, đối thoại liên tôn và thực hiện vai trò người tín hữu Kitô trong thế giới hôm nay.[33]

 

 

 


[1] Nguyễn Du, Truyện Kiều

[2] Ca dao tục ngữ Việt Nam

[3] Cv 17, 26-17

[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ điển Công Giáo 500 mục từ, Nxb Tôn giáo, tr. 229

[5] LMTV, Công giáo giữa các tôn giáo lớn (tài liệu tham khảo), tr. 38-49. LMTV, Người Công giáo tìm hiểu các tôn giáo (loại sách sống đạo giữa đời), tr. 52-65

[6] Mười hai nguyên nhân gây ra đau khổ

[7] Tám con đường diệt khổ

[8] LMTV, Công giáo giữa các tôn giáo lớn, tr. 49-57. LMTV, Người Công giáo tìm hiểu các tôn giáo, tr. 66-86. Bùi Thức Phước, Luận văn luyện thi tú tài và đại học, Nxb Trẻ, 1996, tr. 39-43

[9] LMTV, Công giáo giữa các tôn giáo lớn, tr. 28-38. LMTV, Người Công giáo tìm hiểu các tôn giáo, tr. 38-51

[10] Xh 3,16-20

[11] Xh 20,1-21

[12] Lm. Nguyễn Ngọc Rao OP., Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2006, tr. 69-78

[13] Ibid., tr. 316-342

[14] Xh 19,5

[15] Simon Hòa Đà Lạt, Lịch sử các Giáo phụ, ĐCV Vinh Thanh, 2012, tr. 48

[16] 1Ga 1,1-4

[17] Công Đồng Vatican I, Hiến chế “Dei Filius” (Đức Tin Công Giáo)

[18] Xc. St 1,3.6.11.14.20.24.26.28tt; Kn 9,1-2; Tv 33,6; Ga 1,1.3

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum” (Mạc Khải Của Thiên Chúa), số 2. Thánh Công Đồng Vatican II, Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, 1972, tr. 487-488

[20] Phan Tấn Thành, OP., Thần Học Mặc Khải, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2005, tr. 45

[21] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 299, Nxb Tôn giáo, 2010, tr. 102

[22] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum” (Mạc Khải Của Thiên Chúa), số 3

[23] Ep 1,15-20

[24] Ep 3,14

[25] Rm 8,18-21

[26] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum” (Mạc Khải Của Thiên Chúa), số 8

[27] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum” (Mạc Khải Của Thiên Chúa). Phan Tấn Thành, OP., Thần Học Mặc Khải, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2005, tr. 193-194

[28] Lm. Pet. Nguyễn Chí Thiết, Công Đồng Vatican II, ĐCV Sao Biển Nha Trang, 2012, tr. 50

[29] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum” (Mạc Khải Của Thiên Chúa), số 10

[30] Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” (Liên Lạc Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo), số 2. Thánh Công Đồng Vatican II, Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, 1972, tr. 470-471

[31] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium” (Giáo Hội), số 16. Thánh Công Đồng Vatican II, Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, 1972, tr. 172-173

[32] Ibid., số 48

[33] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Gaudium et Spes” (Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay). Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” (Liên Lạc Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo)