Khía Cạnh Pháp Chế Đối Với Các Tu Đoàn Tông Đồ – Vấn Đề 116

0
720


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

(Điều 731 – 746)

***

VẤN ĐỀ 116

PHÁP CHẾ

(đ. 732 – 746)

 

Pháp chế của các Tu đoàn quy chiếu về luật chung của các Hội Dòng thánh hiến, nhưng cần tôn trọng tính chất riêng biệt của mỗi Tu Đoàn (đ. 732) liên quan đến các mục sau:

– Trung thành với tinh thần các vị sáng lập, mục đích, bản chất, tinh thần và đặc điểm của Tu Đoàn, các truyền thống, và tất cả những gì làm nên gia sản của Tu đoàn (đ. 578).

– Việc thành lập Tu Đoàn, do một Đức Giám Mục Giáo phận (đ. 579).

– Việc kết nạp một Tu Đoàn vào một Tu Đoàn khác (đ. 580).

– Việc phân chia Tu Đoàn thành các phân chi, dù tên gọi là gì đi nữa (Tỉnh Dòng, vùng,.vv…) (đ. 581).

– Các việc sáp nhập, thống nhất nhiều Tu Đoàn với nhau, cũng như các liên hiệp và tổng liên hiệp (đ. 582).

– Thay đổi những quy định đã được Tòa Thánh phê chuẩn (đ. 583).

– Giải tán Tu Đoàn và thanh toán các tài sản của Tu Đoàn (đ. 584); giải tán các chi nhánh của của Tu Đoàn (đ. 595).

– Sự tự trị chính đáng của mỗi Tu Đoàn, và bổn phận của các Giám Mục đối với nền tự trị đó (đ. 586).

– Hiến Pháp, tức luật cơ bản và các bản luật khác (đ. 587).

– Phân biệt giữa các Tu Đoàn giáo sĩ và giáo dân (đ. 588), Tu Đoàn Tòa Thánh và Tu Đoàn Giáo phận (đ. 589).

– Sự tùng phục của tất cả các Tu Đoàn và các thành viên đối với Tòa Thánh và việc vâng phục Đức Thánh Cha (đ. 590).

– Sự miễn trừ (đ. 591).

– Sự quan tâm đến các phương thế để duy trì sự hiệp thông giữa các Tu Đoàn và Tòa Thánh (đ. 592).

– Các lệ thuộc của các Tu Đoàn giáo hoàng với Tòa Thánh (đ. 593) và của các Tu Đoàn Giáo phận với Đức Giám Mục (đ. 594).

– Tình trạng giáo luật của một Tu Đoàn Giáo phận (đ. 595). Quyền hành của các Bề trên và các tu nghị (đ. 596) và cách hành sử quyền hành đó (đ. 617- 633).

– Những quy tắc tổng quát về việc thâu nhận các ứng sinh (đ. 597).

– Sự bình đẳng giữa các Tu Đoàn nam và nữ (đ. 606).

– Việc thực hành và ý nghĩa các lời khuyên phúc âm đối với các Tu Đoàn: các thành viên cam kết giữ các lời khuyên này theo cách thức do bản hiến pháp ấn định (đ. 598-602).

– Việc thâu nhận các ứng sinh (đ. 735 §2 và 642- 645).

– Việc trục xuất một thành viên đã dấn thân vĩnh viễn, theo các đ. 694-704 (746).

Các Tu đoàn tông đồ có quyền có một luật riêng

a/. Do Bộ Giáo luật ấn định

– Một nhà được thành lập và một cộng đoàn địa phương được thiết lập do nhà chức trách có thẩm quyền của Tu Đoàn, sau khi đã được đồng ý của Giám Mục Giáo phận bằng văn thư. Khi giải tán một nhà, chỉ cần tham khảo ý kiến của Giám Mục. Sự đồng ý của Giám mục bao gồm quyền có một nhà nguyện trong nhà, để cử hành Thánh lễ và lưu giữ Mình thánh (đ.733).

– Các thành viên phải sống trong một nhà, tức cộng đoàn đã được thành lập hợp pháp, và giữ đời sống chung theo các quy tắc của luật riêng. Luật riêng cũng cần quy định những sự vắng mặt khỏi nhà (đ.740).

– Trong các Tu Đoàn giáo sĩ, các giáo sĩ sẽ nhập tịch vào Tu Đoàn, trừ khi hiến pháp quy định cách khác (đ. 736 §l).

– Về chương trình đào tạo (Ratio Studiorum) và về việc lãnh nhận các chức thánh, sẽ giữ các quy tắc của hàng giáo sĩ triều, tuy phải bảo toàn điều 736 §l (đ. 736 §2).

– Các thành viên của các Tu Đoàn này sẽ tùy thuộc Giám Mục Giáo phận trong những gì liên quan đến việc phụng tự công cộng, việc coi sóc các linh hồn, và các hoạt động tông đồ chiếu theo các điều 679-683 nói về các Dòng tu (đ. 738 §2).

– Các thành viên các Tu Đoàn, ngoài các nghĩa vụ do hiến pháp đặt ra, còn phải tuân giữ những nghĩa vụ chung cho các giáo sĩ, trừ khi rõ ràng có quy định ngược lại do bản chất của sự việc hoặc do lời lẽ của văn mạch (đ. 739).

– Các thành viên của các Tu Đoàn có quyền thủ đắc, sở hữu, quản lý tài sản riêng của mình và sử dụng, tuỳ theo quy định của luật riêng. Nhưng tất cả nhưng gì họ nhận được “với danh nghĩa Tu Đoàn (intuitu Societatis), thì thuộc về Tu Đoàn (đ. 741 §2). Các Tu đoàn thừa sai cũng dùng kiểu nói “intuitu missionis” (với danh nghĩa truyền giáo).

– Đặc ân miễn chuẩn để rời bỏ Tu Đoàn có thể được Bề trên Tổng Quyền ban cho một thành viên đã dấn thân vĩnh viễn, với sự đồng ý của Hội Đồng Cố Vấn, trừ khi nào hiến pháp dành thẩm quyền này cho Tòa Thánh (đ. 743).

– Việc chuyển sang một Tu Đoàn Tông Đồ khác, đối với một thành viên đã dấn thân vĩnh viễn, cũng thuộc thẩm quyền Bề trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của Hội Đồng Cố Vấn (đ. 744 §l).

– Việc chuyển từ một Tu Đoàn Tông Đồ sang một Hội Dòng tận hiến, hoặc ngược lại, cần có phép Tòa Thánh, và tuân theo chỉ thị của Tòa Thánh (đ. 744§2).

– Bề trên Tổng Quyền , với sự đồng ý của Hội Đồng Cố Vấn, có thể cho phép một thành viên đã dấn thân vĩnh viễn được sống ở ngoài Tu Đoàn, với thời hạn không quá ba năm; nhưng nếu là một giáo sĩ thì còn cần phải có sự đồng ý của Bản quýên sở tại nơi mà đương sự cư ngụ (đ. 745).

b/. Do Hiến Pháp ấn định

– Cơ cấu quản trị Tu Đoàn Hội (đ. 734), tuy vẫn phải giữ các điều 617-633, tùy theo bản chất của mỗi Tu Đoàn.

– Việc thâu nhận, thời gian thử luyện, việc đào tạo và gia nhập Tu Đoàn (đ. 735), trừ những gì đã đề cập nơi các điều 642-645.

– Việc nhập tịch, nếu là Tu Đoàn giáo sĩ (đ. 736 §l).

– Các quyền lợi và nghĩa vụ của các phần tử do việc nhập tịch vào Tu Đoàn (đ. 737).

– Việc vâng lời các Bề trên liên quan đến đời sống nội bộ và kỷ luật của Tu Đoàn (đ. 738 §l).

– Các tương quan của một thành viên nhập tịch vào Giáo phận đối với Giám Mục riêng (đ.738 §3). Các tương quan này được xác định do hiến pháp hoặc do một hợp đồng riêng.

– Việc cư trú tại một nhà hoặc một cộng đoàn (đ. 740).

– Quyền của các thành viên được thủ đắc, sở hữu, quản lý và định đoạt các tài sản của mình (đ. 741 §2).

– Việc rời bỏ hoặc trục xuất một thành viên chưa cam kết vĩnh viễn (đ. 742).

– Có thể phải xin đặc ân của Tòa Thánh cho sự ra đi của một thành viên đã cam kết vĩnh viễn (đ. 743).

c/. Do bộ Giáo Luật và Hiến Pháp ấn định

– Các Tu Đoàn có quyền thủ đắc, sở hữu, quản trị và chuyển nhượng các tài sản, chiếu theo các điều 636; 638 và 639 (đ.741§1).