Khảo Lược Các Sách Lịch Sử Trong Thánh Kinh

0
3277


Lm. Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, OP.

 

Khi tìm hiểu những sự việc Sách Thánh kể dưới khía cạnh lịch sử, chúng ta cần thận trọng nhận định mấy điểm sau đây.

1. Lịch sử theo khoa học ngày nay và theo kiểu đông phương thời xưa

Quan niệm lịch sử, như người ta đưa ra thời nay, đã có từ thế kỷ V tCn, với văn hào Hê-rô-đốt. Ông này được mệnh danh là “cha đẻ của sử học”. Từ thời đó ông đã ấn định những đường nét chính của loại văn lịch sử. Công thức ông đề ra đạt được thành công liền, bởi vì nó thích hợp hoàn toàn với những đòi hỏi trí thức của thế giới Âu tây. Quả thế, người ta đòi rằng quá khứ được trình bày, phải được ghi theo thời gian diễn ra các biến cố, và ghi chính xác chừng nào hay chừng ấy. Còn những yếu tố cấu tạo nên trình thuật phải được xếp theo mức thang giá trị của các vụ việc: những vụ việc quan trọng phải được vạch rõ, những tiểu tiết thì được để sau, theo bậc thang giá trị tài liệu, từ lớn tới nhỏ.

Đó là quan niệm về lịch sử của thế giới Âu tây và theo khoa học ngày nay. Còn đối với các ký lục thời xưa ở Ba-by-lon, ở Pa-lét-tin, hay ở Ai Cập thì lại khác hẳn. Với họ, điều mà ngày nay chúng ta gọi là “lịch sử” lại bao gồm tất cả mọi văn loại: thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết, Sử biên niên, giai thoại, tục ngữ ca dao, các bài ca chiến thắng, các truyền thống dân gian, các kỷ niệm gia đình, v.v. Các thể loại khác nhau này được trình bày nguyên dạng, mộc mạc, được xếp lại với nhau, cái này bên cạnh cái kia, hoặc được chắp nối lại một cách hầu như vô tình. Đã hẳn người thời nay không nên vì thế mà vội để mình rơi vào tình trạng ngỡ ngàng trước tính cách phức tạp và đôi khi có phần mơ hồ của cuốn “Lịch sử dân Ít-ra-en” là sách Cựu Ước.

2. Sự thật theo lối đông phương và tây phương

Cần nói thêm rằng người đông phương xưa, khi kể truyện, tuy vẫn dựa trên cái cốt chính xác, thường thêm một số chi tiết vào làm gia vị, đôi khi hơi gò ép, nhưng lại làm sáng tỏ trình thuật. Không hề có chuyện xuyên tạc. Đúng ra, đó là một thứ biệt tài nắn bóp điều khoa trương và hình ảnh gợi ý, mà chủ đích là để kích động thính/độc giả; đấy cũng là cách sử dụng thi ca, có sức diễn tả mãnh liệt, để bắt người đọc phải chú ý. Hơn nữa, phải nói tới mối bận tâm trình bày giáo lý của Sách Thánh, thường hay lấn át việc kể chuyện một cách khách quan.

Trước những sự kiện như vậy, những người có sẵn định kiến đã nghi ngờ giá trị lịch sử của Sách Thánh. Theo họ, Cựu Ước là bộ sách đầy dẫy những sai lầm, do những người kể truyện cổ tích giàu tưởng tượng và hay thích khoe khoang. Tuy nhiên, chúng ta đừng phóng đại, đừng vội nghiêng bên này bên kia. Đơn giản là thỉnh thoảng chúng ta sẽ gặp chuyện xem ra biến cố lịch sử biến thành thơ phú! Những thận trọng ở đây cần được áp dụng một cách hết sức tinh tế và thật khôn ngoan. Công việc tìm hiểu và phê phán nghiêm minh đòi hỏi phải chọn lựa kỹ càng: chúng ta có kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ chẳng hạn; hoặc các tài liệu Ba-by-lon và Ai Cập nữa. Những bản văn này đề cập tới những đề tài giống như trong Sách Thánh, cũng được ghi chép hơn kém vào cùng những thời kỳ như nhau, hơn nữa cũng có những bận tâm chính trị, xã hội và tôn giáo như nhau. Tất cả những khám phá loại này sẽ giúp chúng ta nhận định và đánh giá đúng tầm mức của những sự việc Sách Thánh kể.

I. TỔNG QUÁT VỀ CÁC SÁCH GIÔ-SUÊ, THỦ LÃNH, SA-MU-EN VÀ CÁC VUA

1. Danh xưng

Các cuốn này được gọi là sách lịch sử vì kể truyện tiếp theo Đệ nhị luật, gồm suốt thời gian từ khi ông Mô-sê qua đời (q. năm 1200 tCn) cho tới thời lưu đày Ba-by-lon (587 tCn).

Trong bộ Thánh Kinh Híp-ri, các sách này được gọi là “Ngôn sứ tiền” đối lại với các sách I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và mười hai ngôn sứ nhỏ, tất cả là “Ngôn sứ hậu”. Sở dĩ như vậy là vì:

a) Truyền thống Do Thái cho rằng tác giả của các sách này là các ngôn sứ Giô-suê, Sa-mu-en, Giê-rê-mi-a.

b) Có nhiều trình thuật liên quan tới các ngôn sứ. Hai mươi hai trên hai mươi bảy chương trong sách Các vua kể về các ngôn sứ, những người đã đóng vai trò chính yếu hơn cả Các vua trong lịch sử dân Chúa.

c) Đối tượng chung của các sách này là trình bày mối tương quan giữa Ít-ra-en và Đức Chúa, điều đó cho chúng ta thấy các thời đại dân tộc này đã đáp ứng lời Thiên Chúa của mình ra sao, mà lời này lại do các ngôn sứ truyền thông.

d) Liên hệ chặt chẽ giữa các sách này với sách Đệ nhị luật, như sẽ thấy liền sau đây; mà Đệ nhị luật lại xuất phát từ môi trường ngôn sứ.

2. Liên quan với sách Đệ nhị luật

a. Trường phái Wellhausen cho rằng giữa Ngũ Thư và các sách này có sự đồng nhất về bút pháp. Bởi thế, họ muốn tiếp tục khám phá thấy bốn văn kiện JEDP trong cả các sách này nữa. Có người còn nói tới bộ “Lục Thư”, với sách Giô-suê là cuốn thứ sáu.

b. Giả thuyết trên ngày nay đã bị bỏ qua. Các bình luận gia sau này chú trọng tới khảo cổ và lịch sử của các truyền thống, hơn là dựa vào bình luận văn chương, để nghiên cứu vấn đề. M. Noth bàn tới một “công trình viết sử theo Đệ nhị luật”, do một tác giả nào đó sống vào thế kỷ VI tCn đã muốn giải thích lại, hoặc đúng hơn nữa, muốn viết lại lịch sử Ít-ra-en theo tinh thần Đệ nhị luật. Đáng tiếc là đối với M. Noth hầu hết bộ sử này chỉ gồm toàn những chuyện hoang đường có tính cách truy nguyên.

c. M. Noth đề nghị nhiều điều hữu ích cho việc nghiên cứu, nên đã được các học giả chấp nhận. Tuy vậy, chúng ta không thể đồng ý về hai điểm đã nêu ra ở trên, cho rằng lịch sử  ở đây chỉ căn cứ trên huyền thoại truy nguyên, và nó được ghi chép vào một thời muộn như thế. Theo ý kiến của cha R. de Vaux thì bốn cuốn sử này phải đi với Đệ nhị luật, làm thành một bộ, bởi lẽ cả năm cuốn cùng chung một giáo lý và một ngữ vựng. Như vậy, theo cha R. de Vaux, sách Đệ nhị luật khởi đầu cho một bộ sử kéo dài từ ông Mô-sê cho tới hết thời Các vua; cũng theo giả thuyết này thì người ta đã tách Đệ nhị luật ra khỏi bộ sử khi thấy cần phải thu lại thành một khối những gì nói về ông Mô-sê.

d. Lối giải thích của cha R. de Vaux không được mọi người đồng ý. Nhưng một điều rất hiển nhiên là: các sách sử này liên hệ đặc biệt với Đệ nhị luật; hiển nhiên đến độ tất cả các học giả đều nhận rằng ít nhất cũng phải đã có việc soạn lại các sách sử này theo những tiêu chuẩn đạo lý của sách Đệ nhị luật.

e. Về vấn đề này, chúng ta cần lưu ý ba điểm:

– Khi soạn lại theo Đệ nhị luật, người ta đã dùng các truyền khẩu hoặc các văn kiện có sẵn từ lâu. Các tài liệu này, trước đó vẫn khác nhau về chủ đích, thời gian, xuất xứ và văn phong. Ngoài ra, các tài liệu ấy cũng đã được phối hợp với nhau trước khi được soạn lại. Thực ra, công cuộc soạn lại này không có cùng một tầm quan trọng như nhau trong cả bốn quyển sử.

– Việc tu chỉnh theo Đệ nhị luật trước tiên chú trọng tới giáo lý, và chúng ta phải coi đây là giáo lý Thánh Kinh trong tình trạng hiện nay của các sách sử này. Chính công việc thần học này, với lối trình bày riêng của nó, đã tạo ra tính thuần nhất giữa tất cả các sách này với nhau.

– Việc soạn lại đã được thực hiện, không phải một lần, nhưng mỗi cuốn còn mang dấu vết của nhiều đợt xuất bản.

3. Lịch sử cứu độ

Như vậy, chúng ta có thể coi đây là công trình của một giới gồm những người Ít-ra-en sùng đạo, đã thấm nhuần tư tưởng của Đệ nhị luật. Những người này đã biết rút một bài học kinh nghiệm, căn cứ vào lịch sử Ít-ra-en, dạy về lòng trung thành với Đức Chúa. Lối trình bày lịch sử thánh, lịch sử cứu độ này không làm giảm giá trị khách quan của các truyền thống, hoặc các văn kiện.

“Sách sử”/ “Ngôn sứ tiền”: cả hai danh xưng đều nói lên một thực tại riêng, nhưng chỉ là thực tại một phần, vì thế hai danh xưng bổ túc cho nhau. Đây không phải là lịch sử thuần túy, cũng chẳng phải chỉ là lớp sơn lịch sử quét lên những ý tưởng tôn giáo. Phân tách kỹ, người ta đi tới kết luận: có những truyền khẩu có khi đã được viết thành văn kiện; tính chất cựu trào của những tài liệu này bảo đảm một giá trị lịch sử nào đó. Nhưng cùng lúc, người ta cũng nhận thấy rằng các câu truyện kia đã được sửa chữa lại, trong bối cảnh chung cũng như trong chi tiết. Việc sửa chữa được thực hiện bằng những chỗ dặm thêm, và bằng lối phê phán theo quan điểm thần học của Đệ nhị luật; tác giả sách này không quan tâm tới lịch sử thuần túy cho bằng những bài học chất chứa trong lịch sử. Đây là một cách dạy người đọc nhận ra “bàn tay Thiên Chúa” trong mọi biến cố xảy ra trên thế giới. Vì thế, những sách này thuộc một loại sử riêng, gọi là ngôn sứ/lịch sử, nghĩa là lịch sử theo cái nhìn ngôn sứ.

Lịch sử tính đặc biệt này của Sách Thánh khác với khoa sử học thời nay về cả hai mặt phương pháp và chủ đích. Cần nhận định như vậy chúng ta mới hiểu và phê phán đúng được; nhất định sẽ vấp phải sai lầm nếu muốn dùng những quy tắc của khoa lịch sử thời nay để phân tách và giải thích.

a. Về phương pháp

Lịch sử theo dân Sem nói chung, và theo Sách Thánh nói riêng, không biết tới sự chính xác khách quan, việc bình luận thẳng thắn để đánh giá đúng tài liệu. Khi thấy cổ truyền có sự khác biệt thì người viết không ngần ngại chọn cái này hay cái kia theo tiêu chuẩn chủ quan của mình. Khoảng cách về thời gian cũng chẳng cần được chú trọng lắm: hai biến cố thật xa nhau có thể được nối liền lại, trong khi những sự việc khác lại được kể tỉ mỉ; thứ tự thời gian của sự việc thường bị đảo lộn, các con số được tăng lên theo khuynh hướng riêng… Trong các câu truyện bình dân, tác giả thường giữ nguyên những chuyện phóng đại của óc tưởng tượng, mà tuyệt nhiên không nghĩ rằng làm như vậy có ảnh hưởng tới tính trung thực của tác phẩm.

b. Về chủ đích

Lịch sử Thánh Kinh không phải là lịch sử chỉ vì lịch sử, nhưng Sách Thánh theo đuổi mục tiêu tôn giáo và nhằm xây dựng dân Thiên Chúa. Vì thế, Sách Thánh không trình bày lịch sử đầy đủ, nhưng trong số tài liệu có sẵn, tác giả chỉ lựa lấy điều gì hợp với chủ đích của mình và sử dụng cái cốt lịch sử một cách tự do, bao giờ cũng nhằm giáo dục và xây dựng Ít-ra-en về mặt tôn giáo.

Lưu ý:  Ngoài bộ sử đang nói đây, theo bản LXX, người ta cũng tính gồm cả những sách sau đây vào loại sách sử Cựu Ước: 1 và 2 Sử biên niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a, Rút, Ét-te, Giu-đi-tha, Tô-bi-a, 1-2 Ma-ca-bê. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những sách này ở phần sau.

II. CA-NA-AN THỜI BỊ XÂM CHIẾM

1. Dân cư trong xứ

Từ hơn một thiên niên kỷ trước (q. 2500-1200 tCn) đã có những đợt xâm nhập vào miền đất này; ta có thể trình bày sơ lược như sau:

a) Quãng n.2500 tCn, cuộc xâm nhập quy mô của người Ca-na-an, một sắc dân thuộc chủng tộc Sem. đã ghi đậm dấu ấn trên phần đất này; cũng từ đó nó sẽ được mệnh danh “xứ sở của người Ca-na-an” hay là “xứ vải điều”.

b) Quãng n.1800 tCn, một cuộc xâm nhập nữa xảy ra: một nhóm rất có thể có liện hệ máu huyết với nhóm trên, nghĩa là cũng là dân Sem. Vì thế, cả hai nhóm mau chóng hòa nhập với nhau.

c) Sau hai nhóm vừa kể, cơ bản là dân Sem, thì có một loạt những cuộc định cư hoặc lấn dần của một số sắc dân không dính dáng gì tới gia đình Sem ở trên. Đó là:

– Quãng từ n.1800 đến 1600 tCn, nhóm Hích-xót, với xe trận hùng hậu, chiếm những điểm chiến thuật và xây đồn đắp lũy kiên cố. Họ du nhập vào xứ một nền văn minh mang tính phong kiến.

– Cuối thế kỷ XIV tCn, xuất hiện dân Khết (Khít-tít), cũng không thuộc dòng giống Sem. Họ xuất phát từ miền trung Tiểu Á, nơi trước đó họ đã lập nên một vương quốc hiếu chiến rất đáng sợ. Trên đất Ca-na-an, họ định cư rải rác thành những khu vực nhỏ tại những vùng chưa có dân cư.

– Sau cùng, quãng n.1200 tCn, người ta thấy có dân Phi-li-tinh, cũng gọi là “Dân biển”. Những bộ lạc xâm lăng này rất hùng hổ, lại được võ trang đầy đủ. Hẳn là họ xuất phát từ đảo Cơ-rê-ta; nhưng xem ra trên đường di chuyển, họ đã tuyển mộ thêm những người gốc Hy Lạp vốn ưa phiêu bạt giang hồ, từ những vùng ven biển Ê-giê và các vùng khác phía đông Địa Trung Hải nữa.

Sách Thánh thì nói tới bảy sắc dân khác nhau: Ê-mô-ri, Pơ-rít-di, Ca-na-an, Khết, Ghia-ga-si, Khiu-vi và Giơ-vu-xi (x. Gs 24,11). Như thế, xứ Ca-na-an gồm những yếu tố khá khác nhau và phức tạp. Tuy nhiên, tất cả các sắc dân ấy (trừ nhóm Phi-li-tinh, ít là tạm thời lúc này) đều có chiều hướng hòa nhập vào nhau; hầu như khắp nơi cái cốt Ca-na-an hiện ra khá rõ.

2. Chính trị và quân sự

Khi dân Ít-ra-en xâm nhập phần đất này vào đầu thế kỷ XIII (q. 1200-1175 tCn) thì tình hình chính trị rất có lợi cho họ, nhưng về quân sự lại rất đáng ngại.

a. Về chính trị

Thời ấy vùng này thuộc quyền Ai Cập, nhưng sự kiểm soát của họ rất lỏng lẻo. Có các cao ủy đóng tại các nơi chính, như Ga-da, Gia-pha, với những đơn vị lính, mộ từ Nu-bi hay tại các đảo ở Biển Trung. Dân bản địa phải đóng thuế thổ sản, được tự do thông thương với Xi-ri, được trồng lúa tại đồng bằng Ét-re-lon. Các lãnh chúa địa phương thật sự vẫn là các tiểu vương cai quản các thành tự trị. Mỗi ông hùng cứ một phương, không có hành động thống nhất; đấy là chưa kể các thành tự trị như thế thường hay đối địch nhau. Tình hình nội địa này thuận lợi cho cuộc xâm nhập của Ít-ra-en.

Từ bên ngoài thì lực lượng đáng gờm nhất vào thời ấy là dân Khết từ phía Bắc, nhưng lực lượng này lại mới bị Ram-xét II của Ai Cập loại khỏi vòng chiến. Chính đế quốc Ai Cập vĩ đại cũng bị tả tơi vì những cuộc tấn công liên tiếp của các “Dân biển”. Cuối cùng thì các dân này đã bị đánh tan, nhưng quân đội Ai Cập cũng bị buộc phải có thời gian để hồi sức.

Kết quả do tình hình suy nhược của các lực lượng lớn bên ngoài, xứ Ca-na-an tạm thời không bị chiếm cứ, hay đúng hơn, không bị ngoại bang bảo trợ chặt chẽ. Ít-ra-en sẽ khai thác được những điều kiện thuận lợi này.

b. Về quân sự

Ít-ra-en chắc chắn gặp khó khăn hơn nhiều. Thời liền trước khi họ xâm nhập, xứ Ca-na-an có một bộ mặt mang tính phong kiến có vẻ kỳ lạ, do các cuộc nhập cư của nhiều nhóm tạo nên. Một thứ chế độ quý tộc quân quản rải rác trong xứ. Các thành tự trị hầu hết nằm ở các miền đồng bằng và dọc theo bờ Biển Trung, nơi có sẵn nước và đất đai phì nhiêu hơn. Nhưng trên các vùng núi cũng không thiếu những công sự và pháo đài thật sự gây khiếp đảm cho đám dân mới đến, võ trang còn rất sơ sài. Làm sao tấn công vào những đồn lũy vững chắc kia? Và, dưới đồng bằng làm sao đương đầu với những xe trận di chuyển rất nhanh, gây kinh hoàng ngay cả cho các dân bản xứ, chứ nói gì đến nhóm bán du mục Híp-ri của chúng ta? Vậy mà lịch sử sau đó đã cho thấy đám dân này dần dần đã định cư được trên phần đất ấy, trước tiên là tại các vùng sơn cước thưa dân. Họ lập thành những làng mới và bắt đầu khai thác đất đai bằng công việc lâu dài hơn… Khảo cổ đã chứng minh điều ấy: vào cuối thế kỷ XIII tCn, miền núi đồi Pa-lét-tin đã có sự gia tăng dân số đáng kể; cũng vào thời này đã có thêm nhiều giếng nước. Mãi sau này, quân Ít-ra-en mới đánh chiếm được các vùng ven biển và các miền đồng bằng.

3. Tôn giáo

Cũng như tất cả các dân miền tây Á (trừ Ít-ra-en), dân Ca-na-an theo đa thần. Đứng đầu các thần của họ là El mà họ coi là cha sinh ra các thần và loài người, đồng thời là đấng tạo thành vạn vật. Nhưng đấy là lý thuyết. Thực tế, họ cho rằng việc cai quản thế giới nằm trong tay các thần khác đảm đang hơn thần El, đặc biệt có hai thần Ba-an và Mốt. Họ tin rằng chốn cư ngụ thường xuyên của chư thần là “các cửa sông” (“nơi xuất phát sông ngòi”), có lẽ phải hiểu là dưới vực thẳm, hay trên đỉnh núi cao.

Ba-an được gắn liền với những hiện tượng tinh tú, với đồng cỏ xanh tươi, với việc trồng trọt. Sở dĩ như vậy, là vì thần này đã chiếm chỗ của thần El và thắng được thần Yam (Biển) là tiêu biểu cho sức mạnh hỗn mang nguyên thủy. Nhưng Ba-an phải chia quyền với Mốt trong nửa năm; Mốt là thần của mùa hè nóng nực. Như thế người ta nhận ra rằng hai mùa trong năm của vùng này đã được thần hóa: mùa mưa/Ba-an và mùa khô/Mốt. Đối với dân Ca-na-an, thì dầu sao Ba-an cũng là “chúa tể trời cao” (Baal samim), ngự nơi “Cực Bắc” (đỉnh Xa-phôn). Biểu tượng của Ba-an là bò mộng.

Các nữ thần thì có A-sê-ra, Át-tác-tê và A-nát. Bà thứ nhất là vợ của El, hai bà sau đều là vợ của Ba-an; Át-tác-tê còn là em gái của thần El nữa. Cả ba đều được trình bày khỏa thân với các biệt hiệu là rắn, bồ câu và sư tử, có liên hệ chặt chẽ với sinh lý phái tính và đều là những thần chiến tranh. Người ta đã đào được nhiều tượng nhỏ của các bà bằng đất nung, thuộc nhiều thời khác nhau, rải rác từ quãng 1500 tCn tới thời Hy Lạp (thế kỷ IV tCn).

Dân Ca-na-an thờ cúng trên các “nơi cao” hoặc trong các Đền Thờ. “Nơi cao” là quãng đất lộ thiên, thường nổi hẳn lên khỏi mặt đất. Nơi đây có bia chôn xuống đất (massebah), bàn thờ, các bình đựng nước, lò để đốt hương, cột (trụ) thần (aserah). Có lẽ ban đầu aserah này là biểu tượng của nữ thần cùng tên; bia là bài vị của thần, tức là dấu thần hiện diện.

Phục vụ tại các nơi này là các tư tế, dưới quyền một thượng tế. Trong các hy lễ có cả việc sát tế nhân mạng. Bên cạnh các nơi cao hoặc các Đền Thờ, còn có những người (nam, nữ) làm điếm thờ nữa.

Dân Ca-na-an đặc biệt quan tâm đến người chết. Nhiều ngôi mộ (tại Minet el-Beida và tại Ras Shamra) được trang bị nước, vì người xưa tin rằng người chết có thể được giải khát. Hình như tại Ras Shamra người xưa cũng có thờ người chết cách nào đó.

4. Văn hóa

Trước khi bị Ít-ra-en chiếm, người xứ Ca-na-an đã trải qua giai đoạn cuối của Thời Đồng (1550-1200 tCn). Người ta đã tìm được rất nhiều đồ sành, đồ gốm thuộc nhiều đợt khác nhau ở thời này, nên có thể phân làm hai giai đoạn: từ 1550-1400 và từ 1400-1200. Nền văn minh này do chính người Ca-na-an tạo nên, nhưng không đạt mức hưng thịnh như vào cuối thời trước đó (2100-1550). Sự sa sút này là do nền thống trị của Ai Cập. Một đàng đế quốc bảo vệ các thành tự trị cho khỏi nạn xâm lăng, nhưng bù lại cũng bắt phải đóng góp lương thực và nhân sự.

Trong tình trạng bấp bênh như thế, người ta không thể mong có được những công trình nghệ thuật đáng kể. Thực ra, một vài tác phẩm, với một trình độ nghệ thuật nào đó, đã tìm được trên đất này, đều xuất phát từ Ai Cập. Nếu có được sáng tạo tại chỗ thì cũng nhái lại khuôn của Ai Cập, hoặc của người Khết… Các công sự chiến đấu và nhà cửa được xây dựng theo kỹ thuật thời trước. Vật liệu xây cất chủ yếu là đá.

Tiến bộ đáng kể duy nhất của thời này là chữ viết. Thời này, dân Ca-na-an đã biết bốn loại chữ viết khác nhau: chữ hình nêm của dân A-cát, chữ tượng hình của người Ai Cập, chữ vần abc (từ đó xuất phát chữ của người Âu châu sau này), chữ hình nêm tại Ras Shamra. Xét về văn học của miền Xi-ri và Pa-lét-tin trước khi người Ít-ra-en tới, thì ngày nay người ta chỉ còn biết có nền văn học của Ras Shamra mà thôi.

Các tài liệu chính đều mang tính huyền thoại và anh hùng ca. Nổi nhất là bài thơ về cặp Ba-an và A-nát, gồm nhiều khúc không mạch lạc với nhau lắm. Đại ý nói về Ba-an là thần của mùa xuân, cùng với suối nguồn và sông ngòi, giao tranh với thần Yam (Biển); nhất là về cuộc chiến tranh giữa Ba-an với Mốt, đã nói trên kia. Cuộc chiến thứ nhất kết thúc bằng việc Ba-an toàn thắng và trở thành vị thần tối cao. Cuộc chiến thứ hai đưa đến kết quả luân phiên: Mốt, thần mùa hè và âm phủ giết Ba-an, nên cây cỏ trên mặt đất bị xóa sạch. Bấy giờ chư thần thất vọng hết thảy và nữ thần A-nát, vừa là em gái vừa là vợ của thần Ba-an, đi xuống vực thẳm; gặp được Mốt bà nắm lấy áo và đòi trả lại Ba-an cho bà… Thế là anh/chồng bà được hồi sinh. Sau đó, Ba-an trở lại trái đất và đến lượt Mốt phải chết, đồng ruộng xanh tươi và phì nhiêu trở lại.

Một tài liệu khác có ý nghĩa là truyện Ắc-hát kể những nỗi buồn về người con trai mà vua Đa-nen nhờ ơn của thần Ba-an đã sinh được. Nữ thần A-nát xin Ắc-hát trao cho bà chiếc cung, đổi lấy sự trường sinh bất tử, nhưng Ắc-hát từ chối. A-nát liền biến kẻ thừa hành của mình là Giát-pun thành phượng hoàng, rồi sai đi phanh thây Ắc-hát. Được tin con chết, vua Đa-nen khóc thương thảm thiết và ra lệnh làm tang trong bảy năm. Sau đó phượng hoàng trả lại thi thể nạn nhân mà nó đã ăn thịt. Không biết bài thơ kết thúc ra sao, nhưng người ta phỏng đoán sau cùng Giát-pun bị giết và Ắc-hát lại sống. Trên đây là một vài truyện làm ví dụ.

5. Luật lệ

Không có bộ luật nào cho biết đầy đủ về quyền lợi cá nhân, gia đình và luật hình sự của Ca-na-an. Những điều người ta biết được về đời sống xã hội và pháp đình đều do những tài liệu mang tính kinh tế, xuất phát từ hai thành phố Alalakh và Ras Shamra. Theo đó, vua là nhân vật ưu tiên, thuộc giới thần minh, vì đã được hai nữ thần A-nát và A-sê-ra cho bú mớm. Công lý nằm trong tay vua, đặc biệt để bênh vực những kẻ cô thế cô thân, các cô nhi quả phụ… Vua ban phát hoặc đánh đổi tài sản. Ông cũng ấn định và điều khiển đời sống kinh tế. Sau hết, vua chỉ huy quân đội; bên cạnh vua có hàng quý tộc như là chư hầu.

Quân đội đóng vai trò nổi nang trong xã hội. Các tướng lãnh cũng như các người đứng đầu hàng tư tế xuất thân từ giai cấp lãnh đạo, kể cả hoàng gia. Luôn luôn có một tư tế đi theo quân đội, với nhiệm vụ thỉnh vấn thần minh và thi hành những nghi thức cầu may, hoặc bảo đảm cho cuộc hành quân đạt được thắng lợi.

Tại Ras Shamra cũng có ba giai cấp như ở Ba-by-lon: quý tộc, thứ dân và nô lệ. Thế nhưng, lớp người cuối cùng này có thể được chuộc, được kết hôn, kể cả đạt được những chức vụ cao. Trong gia đình, người chồng là chủ, nhưng người vợ được đặc biệt coi trọng, vì nếu có ly dị thì chồng phải trả lại của hồi môn cho bà. Bà có thể kiện, có thể nhận con nuôi, có thể lập hợp đồng mua bán. Luật nhận con nuôi rất thịnh hành. Nếu cha nuôi từ con nuôi thì buộc phải bồi thường bằng tiền.

Các tài liệu trên chỉ nói tới hình phạt tử hình trong một trường hợp duy nhất là nội công. Các tội khác, dù nặng đến đâu cũng chỉ bị đi đày hoặc ở tù là cùng. Xem thế thì luật hình sự của Ca-na-an rất  nhẹ, nhất là nếu so với luật Lưỡng Hà.

6. Ảnh hưởng của dân Ca-na-an đối với Ít-ra-en

Tiếp xúc với nền văn minh tiến bộ như thế, dân Ít-ra-en non dại không khỏi bị ảnh hưởng đáng kể. Trước hết là về văn thể, thơ phú. Tài liệu Ras Shamra cho thấy ngữ vựng rất gần Híp-ri, có những bản văn song đối với các Thánh vịnh, Giảng viên, Châm ngôn, Gióp. Phong tục, tập quán của người Ít-ra-en nhiều trường hợp cũng giống như thấy trong các tài liệu nói trên, ví dụ: những dấu hiệu tang chế, hôn nhân, gả bán con gái lấy tiền, trừng phạt một thành bằng cách móc mắt dân cư, trai tráng mới cưới vợ được miễn quân dịch…

Ảnh hưởng rõ nhất là trong lãnh vực tôn giáo và phụng tự. Một số tước hiệu dành cho Đức Chúa (Gia-vê), trước kia là của thần Ba-an Kha-đát, như: Đấng ngự giá đằng vân (Tv 68,5; Is 19,1…); tiếng sấm được coi như tiếng của Đức Chúa (Tv 29); núi đồi phía bắc, nơi chư thần hội họp, Bồng lai cực bắc là Kinh thành của Đức Đại Vương (Tv 48,3; Is 14,13). Một số các nơi cao không bị Kinh Thánh lên án (1Sm 9,12-24; 10,5) chắc chắn đã được lập nên theo kiểu Ca-na-an, có khác là tại các nơi ấy, không thể có hình ảnh hay biểu tượng nào, cũng chẳng có chuyện thờ ngẫu tượng và làm những nghi thức lăng loàn kiểu Ca-na-an. Có những danh xưng tư tế Híp-ri giống hệt như thấy trong các tài liệu Ras Shamra; nhiều hy lễ của Ít-ra-en cũng vậy. Vì thế, một số sử gia đã kết luận: người Ít-ra-en đã bắt chước dân Ca-na-an trong việc tổ chức phụng vụ. Có lẽ cũng đúng.

Đền Thờ Giê-ru-sa-lem cũng theo kiến trúc các đền Ca-na-an/Phê-ni-xi. Nguyên việc vua Sa-lô-môn sử dụng vật liệu và chuyên gia Phê-ni-xi do vua Khi-ram của Tia cung cấp cũng giả thiết điều đó. Nhưng chúng ta còn có bằng chứng từ khảo cổ nữa. Quả thế, Đền Thờ Phê-ni-xi thuộc thế kỷ X tCn, tìm được tại Tell Tainat miền Thượng Xi-ri cũng gồm ba phần như đền Sa-lô-môn. Một đền khác khám phá được tại Kha-xo vùng Ga-li-lê Thượng cũng có một hình thức như thế; giai đoạn cuối cùng đền này còn tồn tại là vào thế kỷ XIII tCn.

Dường như cả tổ chức ca viên của vua Đa-vít để phục vụ Đền Thờ cũng xuất phát từ môi trường Ca-na-an. Thực tế có những ca viên như Ê-than và Hê-man được Sách Thánh gọi là dân bản địa cũng nằm trong danh sách tìm được ở Ras Shamra.

Tương quan chặt chẽ Ca-na-an/Ít-ra-en như thế không phải không có vấn đề. Quả thật, Ít-ra-en đã thường du nhập các thần Ca-na-an vào việc phụng tự của họ; không loại trừ chuyện sát tế cả nhân mạng, nhất là các trẻ thơ, để kính thần Mô-lốc (x. Lv 18,21; 20,2-5; 1V 11,7; Gr 32.35…).

Chắc chắn Ba-an có nhiều tín hữu tại Ít-ra-en. Thậm chí có lúc, dưới thời hoàng hậu I-de-ven người Xi-đôn, chút nữa thì Ba-an thay thế luôn Đức Chúa (x. 1V 18).

Các nữ thần A-sê-ra, Át-tác-tê và A-nát cũng chiếm được cảm tình của người dân Ít-ra-en không ít, chủ yếu vì những nghi thức phóng túng và lạc hậu kính các nữ thần này. Nhưng, theo Sách Thánh thì căn tính của các thần này rất lơ mơ, không rõ ràng như trong các tài liệu ngoài. Các nơi cao là những chỗ người Ít-ra-en hay thờ Ba-an và các nữ thần Ca-na-an theo thói dân này. Thường khi tại các nơi này, người ta thờ cả Đức Chúa lẫn các thần Ca-na-an. Kể cả làm điếm thờ cũng có nữa (x. 1V 11,5-8; 14,23;  2V 12,4; 15,4 v.v.). Những người hành nghề này cũng mang một danh hiệu tôn giáo như ở Ras Shamra: các nhân vật thánh (nam: qơdêshim; nữ: qơdêshot).

Mặc dù Thập Điều cấm rất ngặt (Xh 20,3-5), người Ít-ra-en vẫn không tránh được việc tạc tượng theo thói dân Ca-na-an. Các cuộc khảo cổ không khám phá ra tượng nào của Đức Chúa tại Pa-lét-tin, nhưng từ những thành người Ít-ra-en ở vào thời kỳ từ 1200 đến 600 tCn lại có nhiều tượng nữ thần vú nuôi (Dea nutrix). Hẳn là chuyện thờ rắn trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (2V 18,4) cũng do ảnh hưởng dân Ca-na-an vốn nổi tiếng là dân thờ rắn.

Ảnh hưởng rõ rệt về việc dùng ảnh tượng theo kiểu Ca-na-an có thể thấy rõ trong hai trường hợp điển hình của lịch sử Ít-ra-en: thờ bò vàng tại Xi-nai (Xh 32) và dựng hai tượng bò vàng tại Bết Ên và Đan (1V 12, 28-29). Trong cả hai trường hợp, không phải người ta có ý thờ thần nào thay cho Đức Chúa, nhưng việc chọn hình bò mộng là do ảnh hưởng của Ca-na-an vẫn coi con vật này là biểu tượng của thần Ba-an Kha-đát.

Còn có thể kể thêm những ảnh hưởng khác, nhưng thiết tưởng bấy nhiêu cũng đủ cho ta có một ý niệm. Tuy nhiên, bên cạnh những nhượng bộ cho môi trường không thể tránh được đó, người Ít-ra-en vẫn cảm thấy lối sống của dân Ca-na-an là một cái gì đó xa lạ với mình. Vì thế họ đã lên án nền kỹ nghệ, thương mại, nông nghiệp là những nguồn lợi chính của nền văn minh đô thị của dân Ca-na-an. Mãi sau này, giới thương gia vẫn còn được gọi một cách khinh bỉ là người Ca-na-an (Is 28,8; Cn 31,24), là vì hoạt động của họ không thích hợp  với Ít-ra-en.

Đàng khác, về phương diện pháp lý, người Ít-ra-en quen với ý nghĩ cho rằng mọi thành phần tự do trong chi tộc đều bình đẳng với nhau, cho nên tự nhiên họ kỵ việc phân biệt giai cấp trong xã hội Ca-na-an thành thiểu số quý tộc được hưởng thụ, và đa số quần chúng phải vất vả lầm than. Một bằng chứng rõ về sự đố kỵ này đã do khảo cổ cung cấp: khi tiếp thu một căn nhà trưởng giả tại Bết Ên và ở Tell Bet Mirshim, người Ít-ra-en không ở lầu trên như các chủ cũ người Ca-na an. Họ ở dưới trệt, mà trước kia là kho chứa đồ và dành cho nông dân.

Việc dùng chiến xa, niềm tự hào của giới trưởng giả Ca-na-an, cũng thế. Trong một thời gian dài, người Ít-ra-en không chịu chấp nhận. Tuy nhiên, điều cấm kỵ lớn nhất vẫn là những điều dân Ca-na-an tin và thực hành trong lãnh vực tôn giáo. Dưới con mắt Ít-ra-en, những người Ca-na-an đều là những kẻ hư hỏng và dâm dật (St 9,20-27; 26,7-11; 34,1tt).

7. Việc đánh chiếm đất Ca-na-an

Theo lược đồ do các sách Dân số, Đệ nhị luật và Giô-suê cung cấp thì việc chiếm đất Ca-na-an là toàn diện và chớp nhoáng. Kết quả là Ít-ra-en đã thiết lập được một nền văn minh mới thay thế cho tổ chức cũ của dân bản địa Ca-na-an.

Thế nhưng thực tế lịch sử lại khác hẳn. Khai thác kỹ các dữ kiện trong chính các sách Dân số và Giô-suê, nhất là cẩn thận đọc sách Thủ lãnh, người đọc có thể thấy công trình do ông Giô-suê thực hiện chẳng mau lẹ, chẳng vinh quang, chẳng toàn vẹn như thầy ký lục theo chiều hướng Đệ nhị luật (thế kỷ VII tCn) và nhà viết sử theo khuynh hướng tư tế (thế kỷ VI-V tCn) tường thuật đâu.

Ngược lại với sách Giô-suê, tác giả sách Thủ lãnh cho thấy một công cuộc lấn chiếm rất chậm chạp và vất vả vô cùng. Ngay trong sách Giô-suê, người ta chỉ thấy sổ thống kê ba mươi vua thất trận, mà chẳng thấy sách nói gì thêm về những cuộc chiến thắng này. Như vậy có nghĩa là hơn một lần Ít-ra-en đã phải chiến đấu với Các vua ấy. Mặt khác, cho dù có chiến thắng vẻ vang đi nữa, thì vào cuối đời ông Giô-suê toàn bộ đất Ca-na-an đâu đã về tay Ít-ra-en và đã được bình định hết; mỗi chi tộc được chỉ định một phần đất để chiếm thì đúng hơn, và họ cũng chẳng giữ mãi được những gì họ đã chiếm. Tóm lại, theo sách Giô-suê thì đất ông Giô-suê chiếm được ít hơn đất ông chia cho các chi tộc rất nhiều.

Quả thật, theo cái nhìn của tác giả sách Thủ lãnh, cuộc đánh chiếm diễn ra khó khăn, lâu dài và bình thường hơn nhiều. Mỗi chi tộc, hoặc vài ba chi tộc hiệp lực với nhau, chứ không khi nào do toàn dân chung sức thực hiện, như sách Giô-suê nói, cuộc xâm chiếm này không phải là không có những thăng trầm lớn cho số phận của Ít-ra-en.

Khoa khảo cổ ngày nay cũng cho thấy công cuộc định cư của dân Ít-ra-en trên đất Ca-na-an thời kỳ này chỉ đạt một phần nào và có tính cách hạn chế thôi. Nói cho cùng thì con cái Ít-ra-en, thay vì dùng vũ lực trục xuất dân bản địa, đã đành lòng, trong nhiều trường hợp, phải sống trong những vùng xa xôi hẻo lánh, và trong nhiều trường hợp hơn nữa, đành ở những miền đồi núi trong xứ.