Khái Lược Sách Giosuê

0
2367


 

Lm. Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, OP.

 

Nhân vật chính của sách mang tên Híp-ri Giơ-hô-su-a (viết tắt: Hô-sê-a) có nghĩa là Gia-vê cứu thoát, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc chiến thắng lẫy lừng chống quân A-ma-lếch hung tợn tại Rơ-phi-đim (Xh 17). Cùng với ông Ca-lép, ông Giô-suê đã chống lại những kẻ bàn rùn trong việc tiến vào Đất Hứa (Ds 13,16; 14,5-9). Trước khi lìa thế, nhà lãnh đạo Mô-sê đã đặt tay lên ông Giô-suê chỉ định ông này thay thế mình (Đnl 34,9). Từ đó, ông Giô-suê bắt tay vào việc đưa dân qua sông Gio-đan vào chiếm đất Ca-na-an.

I. NỘI DUNG

Sách phân chia rõ thành hai phần chính, và kết thúc bằng ba chương cuối, với những chi tiết như sau:

a) Đánh chiếm đất đai (ch.1-12)

* Chuẩn bị:

Sau chương dẫn vào (ch.1), ông Giô-suê sai các thám tử đi trinh sát Giê-ri-khô, họ được cô Ra-kháp tiếp đón và đồng ý làm nội ứng cho họ (ch.2). Sau những chỉ thị cuối cùng của vị lãnh đạo, người Ít-ra-en qua sông Gio-đan ngay chỗ đối diện Giê-ri-khô và đóng trại tại Ghin-gan (ch.3-4). Tại đây, họ tiến hành việc cắt bì và lần đầu tiên mừng lễ Vượt Qua trên đất Ca-na-an (ch.5).

* Công cuộc đánh chiếm thực hiện theo ba hướng:

– Tại miền trung, bắt đầu là tấn công Giê-ri-khô (ch.6). Trận đánh Ai bị thất bại vì tội của A-khan (ch.7), nhưng rồi họ cũng đã chiến thắng và tru diệt thành ấy theo án lệnh (ch.8).

– Mặt trận thứ hai hướng về phía Nam: trong một trường hợp hy hữu, ông Giô-suê kết ước với dân Ghíp-ôn (ch.9), khiến vua Giê-ru-sa-lem tức tốc lập liên minh chống Ít-ra-en và tấn công Ghíp-ôn, nhưng ông Giô-suê đã thắng lớn và sau đó dễ dàng đánh chiếm các thành phía Nam (ch.10).

– Mũi dùi thứ ba hướng về phía Bắc Pa-lét-tin: Ông Giô-suê phải đương đầu với một liên minh khác do vua thành Kha-xo điều khiển, nhưng thành này cuối cùng cũng bị thiêu hủy (ch.11). Thế là cả xứ nằm trong tay ông Giô-suê và dân của ông. Tiếp theo là một bảng kê danh sách các thành đã chiếm được (ch.12).

b) Phân chia lãnh thổ (ch.13-21)

Sau những chỉ thị của Thiên Chúa, tác giả đề cập tới các chi tộc bên kia sông Gio-đan (ch.13), rồi tới ba chi tộc lớn phía tây sông Gio-đan (ch.14-17), và cuối cùng là tất cả các chi tộc khác (ch.18-19). Sau đó là danh mục các thành làm nơi trú ẩn (ch.20), và các thành dành cho các thầy Lê-vi (ch.21).

c) Phần kết  (ch.22-24)

Các chi tộc bên kia sông Gio-đan đã từng tham gia chiến đấu (x. 1,12-16) được ông Giô-suê cho quay về phần đất của họ. Nhân dịp này, sách kể việc dựng một bàn thờ như là cơ hội để mười hai chi tộc long trọng thỏa hiệp với nhau (ch.22). Sau đó là bài thuyết pháp cuối cùng của ông Giô-suê, người kế vị ông Mô-sê (ch.23). Sách kết thúc bằng Đại hội Si-khem (ch.24) trong một chương coi như nhị bội với chương trước.

II. SÁCH THÀNH HÌNH RA SAO

Phần nội dung trên đây cho ta thấy vai trò quan trọng của ông Giô-suê trong toàn bộ trình thuật của sách này. Trên đây đã nói tên của ông có hai hình thức trong tiếng Híp-ri; còn theo một truyền thuyết thì chính ông Mô-sê đã đổi Hô-sê-a thành Giơ-hô-su-a (Ds 13,16) để ghi dấu một vận mệnh mới của người anh hùng con ông Nun, thuộc chi tộc Ép-ra-im này (Ds 13,8.16; x. Xh 27,18-23; Đnl 31,7-8).

Tuy nhiên, sách Gs không thể được coi như một trình thuật khách quan, ghi lại từng điểm các giai đoạn đánh chiếm và định cư trên đất Ca-na-an. Càng ngày khoa bình luận càng nhìn nhận rõ hơn giá trị của các truyền thống cơ bản của sách này. Nhưng giữa những biến cố sách kể (xảy ra vào cuối thế kỷ XIII tCn) với thời gian sách được biên soạn lần cuối cùng, nhiều thế kỷ cũng đã qua đi. Mặt khác, bình luận lịch sử cũng đã cho thấy hình ảnh sách Giô-suê đưa ra về cuộc đánh chiếm không hợp thực tế, như đã nói ở trên. Đất Ca-na-an chỉ thật sự bị chiếm hoàn toàn dưới thời vua Đa-vít (thế kỷ X tCn). Trước thời này, người Ca-na-an vẫn còn chiếm giữ các vùng đồng bằng, và thường chung sống với người Ít-ra-en, như chính Gs cũng cho thấy (x. 15,63; 16,10; 17,12.18).

Vậy, sách Giô-suê thành hình như thế nào? Trước hết, chắc chắn ông Giô-suê không phải là tác giả, như truyền thống Do Thái cổ xưa (ghi trong sách Talmud) và một số người trước kia đã nghĩ. Sách Giô-suê gồm nhiều sử liệu khác nhau thuộc nhiều gốc. Các chương 2-10 có nhiều truyền thống riêng của các chi tộc Ép-ra-im và Ben-gia-min, tức là của các chi tộc miền trung; các truyền thống này liên quan tới các nơi thờ phượng Ghin-gan và Bết Ên.

Theo các nhà chuyên môn, các truyền thống cựu trào này đã được gom lại với nhau vào thế kỷ X tCn. Ở giai đoạn này của các truyền thống, ông Giô-suê điều khiển toàn dân (ý niệm dân đây chưa được định rõ trong sách) nhưng thực tế gồm những chiến binh thuộc một số chi tộc đã tham gia cuộc xuất hành khỏi Ai Cập với ông Mô-sê. Hẳn là mặt quân sự của cuộc đánh chiếm cũng quan trọng, nhưng các truyền thống quan tâm hơn tới chiều kích văn hóa, và tới cách trình bày mang tính phụng tự nhiều hơn. Điển hình là việc rước Hòm Bia qua sông Gio-đan (ch.3-4), được tường thuật như tương đương với việc vượt Biển Đỏ: đó là cuộc rước vào Đất Hứa. Chương 5 kể về việc cắt bì, và sau đó là lễ Vượt Qua, lần đầu tiên được cử hành với thổ sản trong xứ Ca-na-an, tất cả đều cho thấy một khung cảnh phụng tự rất rõ rệt.

Từ công trình cơ bản đó, một nhà biên soạn thuộc trường phái Đệ nhị luật đã đọc lại lịch sử và dựa vào đấy để suy tư về quá khứ của Ít-ra-en, dưới ánh sáng của những kinh nghiệm mới (thế kỷ VII-VI tCn). Lối suy tư này hiện rõ nhất là trong các bài thuyết pháp ở các chương 1 và 23, không kể vô số những chỗ hiệu đính đối với công trình cơ bản nói trên. Trong giai đoạn này, việc chiếm đất đai được trình bày như là do toàn thể Ít-ra-en thực hiện (x. 10,28-39). Vào thời này, thời mà sự thống nhất dân tộc đang là cả một vấn đề, thì không lạ gì người ta hay nhắc tới các chi tộc bên kia sông Gio-đan để nói lên ý muốn duy trì sự hợp nhất ấy (x. 1,12-16; 12,1-6; 13,8-32; 22,1-6).

Bên cạnh đó là mối bận tâm về lòng trung thành của Ít-ra-en đối với Thiên Chúa của họ, trong khi sự hiện diện của các dân ngoại lúc nào cũng có thể làm tổn thương sự trung thành ấy; mà Giao Ước thì đòi phải dấn thân không chia xớt. Chính trong viễn ảnh này mà người đọc Gs hiểu được tại sao sách nhấn mạnh chuyện phải triệt để thi hành lệnh tru hiến đối với các dân bản xứ (6,17-21; 11,12-14). Người đọc truyện này có thể bị dội, nhưng biện pháp tru hiến là lý thuyết nhiều hơn có thật; khi kinh nghiệm sau này đã cho thấy việc thờ ngẫu tượng là nguy cơ thật sự mà Ít-ra-en đã không thoát được, lúc đó người ta mới tưởng tượng thêm về luật tru hiến.

Một cách tích cực hơn, các nhà biên soạn đã chú trọng tới xứ sở mà Thiên Chúa đã hứa cho tổ tiên họ. Chính vì thế mà phần hai của sách (ch.13-19) – ít bị sửa đổi theo suy tư Đệ nhị luật – gồm một bản ghi ranh giới và danh sách các thành dành cho mỗi chi tộc Ít-ra-en. Những dữ liệu này rất có giá trị, vì ghi việc phân chia cổ điển về đất đai giữa các thành viên trong liên minh Ít-ra-en. Trong các tài liệu này, có thể có những cái thuộc về mãi thời trước khi Đa-vít làm vua, nhưng cũng không thể loại trừ những cái được bổ sung sau cho hợp với hoàn cảnh đã biến chuyển ở nước Giu-đa cũng như ở nước Ít-ra-en trong thời quân chủ.

Đàng sau việc soạn lại theo Đệ nhị luật vừa nói, người ta còn nhận ra ảnh hưởng của môi trường tư tế nữa trong sách Gs. Ảnh hưởng này xuất hiện ở những chỗ đề cao vai trò của tư tế Ê-la-da, hoặc của người con ông này là Pin-khát, đến độ thay thế cả ông Giô-suê (x. 14,1; 19,51; 21,1; 22,13.30.32); các trình thuật này hầu hết liên hệ tới đền Silô.

 

III. VĂN THỂ VÀ LỊCH SỬ TÍNH CỦA SÁCH GIÔ-SUÊ

Để ý tới tiến trình soạn thảo lâu dài như thế, chúng ta sẽ thấy phải nghĩ gì về cái nhìn lịch sử của sách này. Quả thật, đây là một thiên anh hùng ca để tán dương Đức Chúa thì đúng hơn. Cụ thể là theo loại văn này tác giả đã lý tưởng hóa và đơn giản hóa sự việc. Lý tưởng hóa để làm nổi rõ việc Thiên Chúa can thiệp, nên phóng đại và khai thác tuyệt đối những yếu tố khác thường. Đơn giản hóa vì trình bày cuộc đánh chiếm xảy ra rất có hệ thống, dưới quyền chỉ huy của một mình ông Giô-suê, trong một thời gian kỷ lục, với sự hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các chi tộc Ít-ra-en. Tuy nhiên, lối trình bày này không thể làm chúng ta quên đi tính phức tạp của các biến cố. Chẳng hạn sách không hề nói gì về việc chiếm Bết Ên mà sách Thủ lãnh có kể (Tl 1,22-26). Về cuộc chiếm Si-khem cũng thế; đó là dấu đã có một sự dàn xếp ôn hòa nào đó với cư dân ở đây. Gs 10,36-39 ghi công ông Giô-suê trong việc đánh chiếm Khép-rôn và Đơ-via, nhưng theo Gs 15,13. 14.17 và Tl 1,11-13 thì đó là công của hai ông Ca-lếp và Ót-ni-ên.

Để tìm hiểu lịch sử thời này, người ta thường khai thác khảo cổ học. Quả vậy, những cuộc khai quật tại các địa điểm của các thành cổ xưa thường chứng tỏ đã xảy ra những cuộc tàn phá dữ dội giữa thời kỳ chuyển tiếp từ thời đại Đồ Đồng III Ca-na-an kết thúc (quãng 1200 tCn) sang thời đại Đồ Sắt (tại Pa-lét-tin). Người ta ấn định cuộc xâm nhập của dân Ít-ra-en vào Ca-na-an vào quãng năm 1230 tCn, nên cũng dễ dàng cho rằng những sự tàn phá nói trên là do dân này thực hiện. Thế nhưng không thể không kể tới những cuộc tương tàn ngay giữa các thành/vương quốc tự trị của chính người bản địa Ca-na-an với nhau. Cũng còn có những kẻ xâm lăng khác nữa vào thời kỳ này. Như vậy, việc sử dụng bằng chứng khảo cổ cho lịch sử Ít-ra-en ở giai đoạn này không phải là dễ. Dầu sao thì việc phá hủy Khát-xo mà các nhà khảo cổ đã khẳng định xảy ra vào cuối thế kỷ XIII tCn rất có thể đã do quân Ít-ra-en thực hiện, như Gs 11,10-11 kể. Đối với Giê-ri-khô, các kết quả khảo cổ chẳng soi sáng gì cho thời kỳ này, và trình huật ở Gs 6 chỉ là một nghi thức ca tụng chiến tranh hơn là một bản báo cáo chi tiết về cuộc phong toả và tấn công thành.

IV. CHỦ ĐÍCH CỦA SÁCH: ĐẤT HỨA

Mục đích của sách Giô-suê là đề cao lòng trung thành của Thiên Chúa đối với dân Người trong việc trao Đất Hứa cho họ. Vì thế, đây là trung tâm điểm của sách, được nhấn mạnh hơn cả nhân vật Giô-suê. Điều Thiên Chúa hứa trong Ngũ Thư, nay thành sự thật. Đất này là bảo chứng của giao ước giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en, nhưng nó không phải là một biểu tượng vô hồn, mà là một lời kêu gọi sống động, khẩn thiết, mời con người đón nhận điều Thiên Chúa thực hiện để thánh hóa con người. Việc chiếm giữ và phân chia đất Ca-na-an giữa con cái Ít-ra-en làm cho lời Chúa đã hứa với các tổ phụ, rồi đã nhắc lại với ông Mô-sê, được nên trọn.

Sách Gs coi việc đánh chiếm đất Ca-na-an không phải là một biến cố chính trị, quân sự hay xã hội cho bằng một sự kiện tôn giáo và thần học. Song song với việc đề cao sự trung thành của Thiên Chúa, sách cũng nhằm thúc đẩy Ít-ra-en ghi lòng tạc dạ lời cam kết của mình đối với Thiên Chúa của Giao ước. Cũng vì lý do ấy mà tác giả nhiều lần dùng những kiểu nói đanh thép nhất, đòi áp dụng luật tru hiến (khê-rem); mặt khác người đọc Gs cũng phải cảm thấy vui lây khi tác giả thích thú mô tả tỷ mỷ phần gia sản Thiên Chúa tặng cho các chi tộc.

Sách Giô-suê muốn cho người Ít-ra-en hiểu rằng Đất Hứa một trật đã được trao ban, nhưng cũng phải luôn luôn đánh chiếm cho được. Đấy là một sự căng thẳng giữa hiện tại và tương lai, một sự căng thẳng chưa bao giờ chùng, tạo nên sự sống còn của dân Thiên Chúa.

V. THIÊN CHÚA CÁC ĐẠO BINH VỚI LUẬT TRU HIẾN

Dân nào đạo ấy, và ông thần là chủ tướng của dân tộc, hướng dẫn dân tấn công các bộ lạc thù nghịch, điều khiển mọi cuộc chiếm cứ đất đai, ra lệnh tàn sát kẻ thù… Quan niệm này dĩ nhiên xuất phát từ lãnh vực tôn giáo của các dân Sem cổ thời. Mọi nơi, mọi thời xa xưa, hình như con người cứ thích các thần minh phải cộng tác vào những việc tàn sát, những vụ giết người theo nghi thức. Dân nào cũng vậy. Ít-ra-en là một dân tộc Sem, nên cũng thuộc loại đó, họ cũng quy về cho Đức Chúa chuyện giết chóc như thế. “Đức Chúa là Thiên Chúa các đạo binh” là công thức nói lên ý niệm ấy. Sau này, khi mà tư tưởng giáo lý đã tiến triển, nhất là từ thời Lưu đày, công thức mang một ý nghĩa tinh tế hơn: Thiên Chúa chủ tể vũ trụ, điều khiển tinh tú trên trời được ví như những đạo quân; trong tiếng Việt vì thế mới có công thức Đức Chúa là Chúa Tể càn khôn.

Bên cạnh ý niệm trên là luật “tru hiến” (khe-rem): tru diệt tất cả dân cư, súc vật, nhà cửa… của những thành bị đánh chiếm, vì lý do tôn giáo. Theo tục lệ bán khai của dân du mục cổ xưa, người ta cắt cổ dân cư bại trận vì mạng sống của họ đã được hiến cho thần, giết súc vật, đốt xác chúng, thiêu hủy, triệt hạ nhà cửa, thành trì. Tuyệt đối không được chừa lại bất cứ vật gì như là chiến phẩm. Đó là luật chiến tranh rất cổ xưa, do thần chú mà ra.

Luật này do Đức Chúa truyền? Người xưa đã nghĩ như thế và đã ghi vào Sách Thánh như vậy. Với chúng ta ngày nay, lẽ dĩ nhiên chúng ta được phép nghĩ rằng đấy là việc của con người, hoàn toàn do con người, nhưng theo não trạng thô sơ của người xưa, người ta đã kêu cầu Thiên Chúa trợ giúp và họ đã quy cho Thiên Chúa tất cả. Thực tế, trong sách Giô-suê, khe-rem là một thực tại văn học, hơn là sự kiện lịch sử. Những cuộc chiến thắng của dân Ít-ra-en rất hiếm, và luật này không luôn luôn hiểu sát nghĩa, nhiều khi chuyện cắt cổ ông “vua” bị bắt tượng trưng cho việc tàn sát cả dân. Còn việc Sách Thánh gán cho Thiên Chúa thì đấy là bằng chứng rõ ràng về sự “hạ cố” của Người.

VI. QUA SÔNG GIO-ĐAN (GS 3,1-17)

Sau khi hai thám tử từ Giê-ri-khô về báo cáo tình hình thuận lợi, ông Giô-suê quyết định hành động tức khắc. Sáng hôm sau, ông ra lệnh nhổ trại từ Sít-tim tiến về sông Gio-đan: “Anh em hãy giữ mình cho thánh thiện, vì ngày mai Đức Chúa sẽ thực hiện những kỳ công giữa anh em” (3,5). Mệnh lệnh này cho thấy một ý niệm chiến tranh khác hẳn với quan niệm thời nay: đấy là một hành động cốt thiết linh thánh; người ta xác tín rằng Đức Chúa chiến đấu cho họ, và Hòm Bia Giao ước là dấu hiệu cụ thể cho sự hiện diện của Chúa. Điều này lý giải tại sao Hòm Bia được mang theo. Hơn nữa, người ta chuẩn bị lâm trận như thi hành một nghi thức phụng tự; phải giữ mình cho linh thánh theo lễ nghi cũng vì thế, nghĩa là phải kiêng cữ việc vợ chồng. Tiếng “hò reo xung trận” (“tơruah”) cũng mang ý nghĩa tôn giáo và là một phần trong nghi thức cung nghinh Hòm Bia. Cuộc chiến thắng sẽ được kết thúc bằng việc thi hành lệnh “khe-rem”.

Muốn qua sông Gio-đan, ông Giô-suê có hai địa điểm để chọn lựa: một là khúc đối diện Giê-ri-khô, tương đối rộng và nước sâu; hai là ở trên một chút, chỗ Wadi Fara (tây ngạn) chảy vào Gio-đan và bên kia là suối Giáp-bốc (đông ngạn) và dòng sông chỗ này như thắt lại ít nhiều. Ông Giô-suê đã chọn chỗ thứ nhất, một điều xem ra rất phiêu lưu. Quả thế, bấy giờ là “tháng giêng” (4,19), tức là vào tháng ba/tư dương lịch, thời kỳ nước cao, vì băng tuyết từ núi Khe-mon tan ra và đổ xuống sông Gio-đan; sách cũng kể rõ: “Bấy giờ là mùa gặt, sông Gio-đan tràn ra hai bên bờ suốt mọi ngày” (3,15). Trong quyết định này, chắc chắn ông Giô-suê đã tính toán rất kỹ. Quân phòng ngự Giê-ri-khô hẳn đã suy nghĩ rất hợp lý rằng ở thời điểm ấy thì chuyện băng qua sông lối thẳng Giê-ri-khô là không thể thực hiện được, nên họ không cần phòng thủ ở đây, họ đã bố trí một đơn vị tại phía trên. Nhưng họ đâu có học chữ ngờ!

Sách kể rằng: nước “dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài, ở A-đam là thành ở cạnh Xác-than” (3,16). Người ta đã xác định vị trí của A-đam là Tell ed-Damiyeh ngày nay, còn Xác-than thì không rõ lắm. Theo lịch sử thời Công nguyên thì đã hai lần nước sông Gio-đan ngưng chảy, mỗi lần tới nửa ngày. Ông Nuwairi, sử gia người A-rập, cho biết vào đêm mồng 6 rạng mồng 7 tháng 12, năm 1267, nước lũ khiến bờ phía tây sông bị sập cũng gần Tell ed-Damiyeh, và dòng sông tắc nghẽn tới nửa ngày. Trường hợp thứ hai xảy ra trong thời đại chúng ta, đó là vào năm 1927 do một trận động đất, và lần này nước cũng ngưng chảy tới 12 giờ 30 phút.

Sách Thánh không quyết cũng chẳng chối một hiện tượng tương tự, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể dùng những sự kiện tự nhiên để thực hiện chương trình của Người. Trong trường hợp nào thì chúng ta cũng phải nhìn nhận là có sự an bài của Thiên Chúa, một “phép lạ trong hoàn cảnh”, như người ta quen nói. Dầu sao, tác giả sách Giô-suê cũng muốn đối chiếu việc vượt sông Gio-đan ở đây với việc qua Biển Đỏ. Ở đây cũng như tại Ai Cập, trình thuật không kể gì tới các nguyên nhân tự nhiên, mà chỉ trực tiếp quy về Thiên Chúa.

VII. TẠI GHIN-GAN (4,1-5,12)

Trên đường giữa sông Gio-đan và Giê-ri-khô là Ghin-gan (bây giờ là Tell-Djeldjoul). Ông Giô-suê chọn nơi này làm bản doanh, và tại đây đã xảy ra ba sự kiện  có ý nghĩa:

a. Mười hai bia đá (4,1-24): Bản văn ở đây không rõ. Khó mà xác định được do đâu mà có các bia đá này, và chúng đóng vai trò gì trong chuyện người Ít-ra-en qua sông Gio-đan. Xem ra các bia đá dài này đã được dựng ở đấy vào thời Tân Thạch (từ 4500 tCn). Tác giả sách Giô-suê ghi lại hai truyền thống về sự việc này. Theo truyền thống thứ nhất, mười hai bia đá được dựng thành vòng tròn dưới lòng sông Gio-đan (c.9), trong khi theo truyền thống thứ hai thì việc ấy được thực hiện tại Ghin-gan (c.20). Song song với hai truyền thống, trình thuật cũng cho thấy sự việc có hai ý nghĩa: đối với con cái Ít-ra-en sau này, các bia đá ấy sẽ là “dấu hiệu” (c.6) việc vượt qua sông Gio-đan lạ lùng; còn với mọi dân khác thì “họ sẽ biết rằng tay Đức Chúa mạnh mẽ dường bao…” (c.24).

b. Cắt bì (5,2-9): Theo truyền thống xa xưa từ thời ông Áp-ra-ham (St 17) thì đúng ra con cháu tổ phụ đã phải mang dấu Giao ước này trên mình (Xh 12,43-44.48), nhưng trên thực tế tục lệ này đã không được giữ nghiêm nhặt bao nhiêu. Chính ông Mô-sê cũng không được cắt bì kia mà. Trên đất Ai Cập mà như vậy, thì suốt thời rong ruổi trong sa mạc, luật này lại càng bị rơi vào lãng quên. Về mặt lịch sử, các nhà nghiên cứu cho rằng thật sự chỉ từ Lưu đày Ba-by-lon về sau người Do Thái mới tuân thủ điều đó một cách gắt gao. Vào thời lưu vong này, người dân của Thiên Chúa sống giữa các dân Át-sua, Ba-by-lon và Ba Tư là những người không có thói quen cắt bì, nên họ phải lấy nghi thức này như dấu chỉ dòng tộc và tôn giáo riêng của họ. Dầu sao thì đối với tác giả sách Gs, đây cũng là một việc làm đầy ý nghĩa cho những người Ít-ra-en tại Ghin-gan, trước khi họ cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên trên đất Ca-na-an.

c. Cử hành lễ Vượt Qua (5,10-12): Theo như Xh 12,6 quy định và ở đây Gs 4,19 đã chuẩn bị, người ta mừng lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng giêng (Ni-san) trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô (5,10), chứ không ở nơi thờ phượng tại Ghin-gan, mghĩa là giữ đúng tính cách gia đình của lễ này (x. Xh 12,1-11). Luật cũng đã quy định rằng chỉ những người cắùt bì mới được tham dự nghi thức này. Vì thế tác giả sách Giô-suê kể về việc cắt bì nói ở trên.
Phong tỏa và chiếm Giê-ri-khô (5,13-6,27)

Nghi thức kiệu Hòm Bia Giao Ước chung quanh thành, trong sáu ngày đầu hoàn toàn thinh lặng, vừa là nghi thức tru hiến vừa là đòn tâm lý chiến: thành bị phong tỏa và cấm vận hoàn toàn (nội bất xuất, ngoại bất nhập), để kính Đức Chúa (6,17) ngự nơi Hòm Bia.

Ngày thứ bảy, nghi thức diễu hành được thực hiện đến bảy lần, trong khi các tư tế rúc tù và, còn dân thì vẫn hoàn toàn thinh lặng (con số bảy tượng trưng cho sự trọn vẹn). Tinh thần người Giê-ri-khô lúc này hẳn là rất căng thẳng. Sau vòng thứ bảy, ông Giô-suê quay mặt lại phía dân ra lệnh: “Hãy hò reo xung trận!”(6,16). “Dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ. Dân chúng ai nấy cứ thẳng trước mặt mình mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được. Họ dùng lưỡi gươm mà thi hành án tru hiến mọi sự trong thành, từ đàn ông cho đến đàn bà, từ người trẻ cho đến người già, đến cả bò lừa và chiên cừu” (6,20-21).

Về vụ “tru hiến” chúng ta đã nói rồi. Vấn đề bây giờ là chuyện tường thành sụp đổ. Có những sử gia cho rằng đã xảy ra một vụ động đất do Thiên Chúa an bài đúng lúc quân của ông Giô-suê tấn công. Người khác nghĩ tới chuyện quân Ít-ra-en đã bí mật đào hầm dưới chân tường thành trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, xem ra khảo cổ không chấp nhận có sự sụp đổ của Giê-ri-khô vào thời kỳ này. Quả thật, kết quả cuộc khai quật ở đây (bây giờ là Tell es-Sultan) cho thấy dấu vết của Giê-ri-khô 7000 năm tCn, qua nhiều đợt xây cất. Một bức tường thuộc thế kỷ XV tCn có dấu bị tàn phá khác thường: đổ ra bên ngoài như kiểu động đất, chứ không đổ vào bên trong như khi bị người ta phá. Còn Giê-ri-khô thời ông Giô-suê (quãng 1200 tCn) thì sao? Không có gì cả. Vậy, một là thời ấy thành này đã bị tàn phá từ lâu rồi, hai là vết tích của thời kỳ này đã bị các nhà khảo cổ vô tình đánh mất đi.

Có người muốn dựa vào từ ngữ để giải thích. Tường thành trong tiếng Híp-ri không chỉ hiểu nghĩa vật chất, mà còn có nghĩa bóng về “đội phòng ngự”, trên bình diện luân lý người ta cũng có thể dịch là “sức chống cự”. Vậy, theo cách dùng từ ngữ, bản văn có thể được dịch nhiều cách khác nhau: tường thành sụp đổ; hoặc: đội quân phòng ngự đầu hàng; hay là: sức chống cự tan rã. Trong trường hợp cuối cùng này, cuộc diễu hành trong thinh lặng suốt một tuần qua hẳn đã đạt kết quả tâm lý chiến rõ ràng.

Cũng có người nghĩ tới ý nghĩa truy nguyên về những đổ nát lâu đời tại Giê-ri-khô: những phế tích này được coi như do ông Giô-suê nguyền rủa, giới bình dân đã dựng chuyện để gán cho tổ tiên mình. Từ đó, tác giả Gs đã sử dụng câu truyện với ý nghĩa tôn giáo.

Sau cùng, có ý kiến cho rằng dân Ca-na-an cố thủ trong những tàn tích lâu đời ấy, nhưng đã bị quân của ông Gio-suê đánh bật ra. Sau này sự tích được kể lại như một thiên anh hùng ca, một đàng giảm nhẹ những yếu tố chiến thuật tự nhiên, đàng khác tô đậm những nét khác thường, gán cho Thiên Chúa.

VIII. TẤN CÔNG AI (8,1-29)

Đây là một vị trí chiến lược, vì nó kiểm soát con đường lên miền núi. Ông Giô-suê đánh chiếm nơi này bằng chiến thuật phục kích thần kỳ.

Người ta cho rằng thành Ai xưa nằm ở chỗ bây giờ là Et-Tell, gần Beitin của người A-rập và Sách Thánh gọi là Bết Ên. Theo kết luận của khoa khảo cổ, thì Ai đã bị phá hủy từ năm 2000 tCn, và đã bị bỏ hoang trong tám thế kỷ sau đó, nghĩa là cho tới khi dân Ít-ra-en đánh chiếm quãng năm 1200 tCn. Vậy dung hòa làm sao tình trạng hoang phế này với trình thuật của sách Giô-suê?

Có người hiểu rằng thuở đầu, truyện sách Giô-suê kể nói về Bết Ên là thành thật sự đã bị phá vào thế kỷ XIII, như việc khai quật ở Beitin minh chứng. Chỉ sau này, vì những lý do truy nguyên, vụ việc mới được đưa về Ai. Theo cha L.H. Vincent, O.P., địa điểm Et-Tell quả đã bị bỏ trống từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chưa bị phá hủy hoàn toàn, và quân Ca-na-an đã lấy đó làm tiền đồn cho Bết Ên. Giả thiết này giải thích tại sao Sách Thánh không hề nói tới thành hay tường thành, mà chỉ viết “Ai” (có nghĩa là “phế tích”) và “cư dân ở phế tích”; ta cũng hiểu tại sao quân Ca-na-an đã bỏ vị trí này, không để ai ở lại giữ cổng và tường thành. Điều này không thể hiểu được, nếu thật sự họ đã xây dựng vững chắc nơi đây như một thành lũy để phòng thủ. Thêm vào đó, chắc chắn trình thuật đã có những yếu tố phóng đại vẫn thường thấy trong các thiên anh hùng ca.

IX. ĐẠI HỘI SI-KHEM (8,30-35; 24,1-28)

Một khi Giê-ri-khô, Ai và Bết Ên đã bị chiếm, thì miền trung Pa-lét-tin coi như bị bỏ ngỏ trước dân Híp-ri. Họ tiến lên Si-khem, lập lại Giao Ước Xi-Nai.

Thung lũng Si-khem (500m) nằm giữa núi E-van (bắc) và núi Ga-ri-dim (nam). Nơi đây, xưa ông Áp-ra-ham (St 12,7) và ông Gia-cóp (St 33,20) đã tế lễ Đấng Tối Cao. Ông Giô-suê muốn thực hiện điều ông Mô-sê đã truyền là nhắc lại Giao Ước, đồng thời tuyên bố thống nhất mười hai chi tộc lại với nhau. Với mục đích ấy, ông dựng bàn thờ, rồi dâng lễ toàn thiêu và lễ hiệp thông. Hòm Bia Giao Ước được đặt giữa thung lũng, có các thầy tư tế vây quanh. Sáu chi tộc Si-mê-on, Lê-vi, Giu-đa, I-xa-kha, Giu-se (Mơ-na-se + Ép-ra-im) và Ben-gia-min leo lên sườn núi Ga-ri-dim phía nam; sáu chi tộc còn lại Rưu-ven, Gát, A-se, Dơ-vu-lun, Náp-ta-li và Đan lên triền Ê-van phía bắc.

Từ thung lũng, các tư tế đọc mười hai lời nguyền rủa; sau mỗi lời, các chi tộc trên Ê-van thưa “A-men” long trời lở đất. Sau đó đến các lời chúc phúc (có lẽ cũng mười hai lời), và sau mỗi lời, đến lượt các chi tộc trên Ga-ri-dim đáp “A-men” như vậy.

Một số chi tộc phía bắc (các nhóm Ga-li-lê) đã không xuống Ai Cập; họ đã không có mặt ở Xi-nai khi Giao Ước được thiết lập lần đầu. Vậy, hôm nay, trước tất cả mười hai chi tộc, ông Giô-suê cử hành Giao Ước là đúng lý. Xem ra chỉ từ sau biến cố này, người ta mới thật sự được phép nói tới “mười hai chi tộc” đúng nghĩa (x. Gs 24,25-28).

Cũng tại nơi đây, người ta tiến hành việc an táng thi hài (đã tẩm khô) của ông Giu-se đã được mang lên từ Ai Cập (Gs 24,32).

X. KẾT THÚC CUỘC ĐÁNH CHIẾM MIỀN TRUNG

Trong khi tất cả các dân trong xứ đều liên minh với nhau để đối phó với dân Híp-ri (9,1-2), thì thành Ghíp-ôn khôn khéo dùng mưu để kết thân với ông Giô-suê, nên đã không bị triệt hạ (9,3-27). Thế nhưng thành này lại bị Các vua E-mô-ri phong tỏa và đe dọa tiêu diệt (10,1-5); họ phải cầu cứu với ông Giô-suê, lúc ấy vừa mới kết thúc đại hội Si-khem xong. Ông nhanh chóng giải vây cho Ghíp-ôn, đánh bại liên minh năm vua, dồn họ tới Bết Khô-rôn và còn tiếp tục đuổi đánh tan nhiều toán khác nhau mãi tới tận Mác-kê-đa và A-dê-ca (10,6-27).

Chính trong cuộc chiến này đã xảy ra “phép lạ” nổi tiếng của ông Giô-suê về việc mặt trời ngưng lại (10, 12-13). Sự thật thì trước chi tiết vừa nhắc tới, sách đã cho biết: người E-mô-ri chết vì mưa đá nhiều hơn là vì gươm con cái Ít-ra-en giết (10,11). Về chuyện mặt trời ngưng, cũng nên để ý rằng ngày xưa người ta dễ tin như thế, vì người ta nghĩ chính mặt trời di chuyển, trong khi trái đất đứng yên, chứ không phải ngược lại. Ngày nay, có người cho rằng lúc xảy ra “phép lạ” thì mặt trời đã lặn, nhưng vừa mưa xong, nên ánh sáng vẫn còn, do khúc xạ của ánh thái dương. Người khác hiểu rằng mặt trời không ngưng lại, nhưng mây che khuất ánh nắng, giúp cho quân của ông Giô-suê dễ dàng rượt đuổi quân thù. Nói cách khác: phép lạ mặt trời trong mấy vần thơ chỉ nhắc lại một cách hoa mỹ sự kiện mưa đá đã kể trước. Quả thật, trong tiếng Híp-ri động từ “dừng lại” ở đấy chỉ có nghĩa là trời tối lại, khi Thiên Chúa dương oai, như trong câu này của Kha-ba-cúc: “Mặït trời và mặt trăng đứng nguyên tại chỗ, trước mũi tên lấp loáng, trước ngọn giáo chớp loè Người phóng đi” (3,11). Với những vần thơ bóng bảy, tác giả muốn làm nổi rõ tính cách lạ lùng của mưa đá trong chiến thắng Ghíp-ôn. Sự thật thì tác giả có dẫn chứng sự kiện này qua “Sách người công chính” (c.13). Chúng ta không biết sách này là sách gì, nhưng việc ghi chú này là điều đặc biệt, vì ở thời tác giả người ta không có lệ kể nguồn tham khảo kiểu đó. Sở dĩ ông trích như vậy, phải chăng vì ông không muốn hoàn toàn chịu trách nhiệm về truyện ông kể? Có điều là lời thơ đã thành câu hát và mang tính anh hùng ca.

Cuộc chiếm miền trung như thế đã trở thành vết dầu, cứ loang dần ra khắp xứ.

XI. CUỘC ĐÁNH CHIẾM MIỀN NAM (10,28-43)

Bản văn ở đây không có mấy chi tiết, chỉ một kiểu nói phóng đại quen thuộc, chúng ta không nên hiểu sát chữ: “Ông Giô-suê đánh chiếm toàn xứ: miền núi, miền Nê-ghép, miền Sơ-phê-la, các sườn núi, và giết tất cả Các vua. Ông không để một mạng nào sống sót. Ông tru hiến tất cả… theo mệânh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en.” (10,40)

Điều cần lưu ý là: rất có thể, tại miền nam, ông Giô-suê đã gặp lại một phần dân Ít-ra-en đã không đi với ông trước đó. Một vài nhóm, được may mắn hơn đại đa số dân mà ông Mô-sê lãnh đạo, đã có thể xâm lấn và định cư ở vùng này, cụ thể là tại Khoóc-ma, nhiều thập niên trước khi ông Giô-suê tiến vào Giê-ri-khô, có lẽ những nhóm nhỏ này thuộc các chi tộc Giu-đa và Si-mê-ôn. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng còn có những nhóm khác nữa của chi tộc Giu-đa đã không bao giờ rời khỏi miền nam xứ Pa-lét-tin, kể cả trong cuộc xâm nhập quy mô vào đất Ai Cập thời tổ phụ Gia-cóp.

XII. ĐÁNH CHIẾM MIỀN BẮC (11,1-23)

Gia-vin, vua Kha-xo (x. Tl 4), lo lắng vì quân Híp-ri xuất hiện trong xứ. Ông liền đứng ra lập liên minh quân sự để đẩy lùi những kẻ mới đến qua bên kia sông Gio-đan. Quân đồng minh họp nhau bên bờ suối ở Mê-rôm (11,5), một địa điểm tranh luận, nhưng có lẽ trong vùng đồi gần hồ Hu-lê. Ông Giô-suê bất ngờ tấn công trước và địch quân tan rã hoàn toàn. Ông chiếm Kha-xo và thi hành án tru hiến đối với thành này. Quả thật, khảo cổ đã chứng minh, vào quãng năm 1220-1175 tCn, nơi đây đã bị tàn phá và thiêu hủy.

Quân Híp-ri tiếp tục đánh đuổi quân thù theo ba hướng: phía bắc, tới tận Xi-đon, gần một trăm cây số từ Kha-xo; phía tây đến Mít-rơ-phốt Ma-gim, và phía đông tới thung lũng Mít-pê.

XIII. TỔNG KẾT VỀ SÁCH GIÔ-SUÊ

a. Các chi tộc Ít-ra-en xâm nhập đất Ca-na-an vào quãng từ 1200 đến 1175 tCn.

b. Trình thuật trong sách mang tính văn học (anh hùng ca) và thần học (chủ đích tôn giáo). Nhưng cũng nói đến những sự việc hoàn toàn có tính cách lịch sử.

c. Có những cuộc chiến cam go với các dân bản địa, để chiếm đất định cư. Nhưng cũng có những cuộc xâm nhập ôn hòa, nhờ kiên trì, mưu mô, khéo léo.

d. Cuối cùng thì mỗi nhóm đều có được một phần lãnh thổ riêng trên đất Ca-na-an.

Thế mà chỉ hai thế kỷ sau, một ông Đa-vít đã có thể đắc thắng ngồi trên ngai báu Ít-ra-en, nhân danh Thiên Chúa của dân tộc, làm vua tuyệt đối cai trị toàn cõi Đất Hứa đã từng là xứ sở của người Ca-na-an.