Công Đồng Vatican II: Một Cuộc Cách Mạng Hay Một Cuộc Cải Cách?

0
23802


Phaolô Phạm Xuân Khôi

Năm nay Hội Thánh long trọng kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vaticanô II. Công Đồng đã được khai mạc đã tròn nửa thế kỷ, nhưng cuộc bút chiến về Công Đồng vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Có người cho rằng Công Đồng đã thất bại vì sau Công Đồng, nếp sống đạo bị sa xút, số người bỏ đạo tăng gấp bội, số linh mục và tu sĩ giảm bớt rất nhiều, thêm vào đó là nạn lạm dụng tính dục trẻ em của các linh mục. Có người lại cho là Công Đồng thành công lớn vì số giáo dân tích cự tham gia các sinh hoạt giáo xứ càng ngày càng gia tăng, vai trò của giá dân trong Hội Thánh càng rõ ràng và tích cực hơn. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ cố gắng viết ngắn gọn nhưng đầy đủ về Công Đồng dựa trên các văn kiện của Công Đồng cũng như giáo huấn của Huấn Quyền thời hậiu Công Đồng để chúng ta hiểu rõ và sống những gì Mẹ Hội Thánh mong đợi nơi chúng ta.

Câu hỏi được đặt ra là Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc cải cách hoặc canh tân?

Thật khó mà tưởng tượng được một Hội Thánh hiện đại mà trong đó các tín hữu vẫn tiếp tục giữ đạo như họ đang sống trong thời đại hậu Công Đồng Trentô. Từ Công Đồng Trentô đến Công Đồng Vaticanô II, xã hội đã thay đổi quá nhiều, nhưng cách truyền đạo và sống đạo trong Hội Thánh không mấy thay đổi. Trong lúc nhân loại đang dùng máy bay thì phương tiện mà Hội Thánh sử dụng trước Công Đồng Vaticanô II có lẽ vẩn là xe ngựa hay xe bò. Như thế thay đổi để thích hợp với thời đại mới không những là điều chính đáng mà còn cần thiết đối với Hội Thánh. Và những thay đổi ấy ảnh hưởng đến đời sống đạo ra sao phần lớn tùy thuộc vào cách người ta giải thích Công Đồng Vaticanô II và các văn kiện của Công Đồng.

Trong phạm vi bài này chúng tôi cố gắng tóm tắt những gì xảy ra trước, trong và sau Công Đồng xem công đồng thực sự là một cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc cải cách hay canh tân Hội Thánh.

Sự khác biệt giữa cách mạng và cải cách.

Người Việt chúng ta ai cũng nghe biết từ “cách mạng” như cuộc cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Tháng Tám, Cách mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1961…. Có những cuộc cách mạng đổ máu và có những cuộc cách mạng không đổ máu, nhưng cuộc cách mạng nào cũng có ý lật đổ “chế độ cũ” và thiết lập một chế độ mới, hầu hết là theo một đường lối hoàn toàn trái ngược với chế độ cũ. Tất cả những tàn tích của chế độ cũ phải được loại bỏ. Ngay cả tư tưởng cũ cũng bị thanh lọc. Những người theo chế độ cũ mà không thay đổi tư tưởng sẽ bị thanh trừng, tẩy não bằng cách học tập cải tạo. Còn cải cách hay canh tân có nghĩa là sửa lại những sai lầm hay sửa chữa những gì đã lỗi thời cho phù hợp với thời đại.

Nếu chúng ta tham dự những buổi học tập để chuẩn bị mừng 50 năm khai mạc Công Đồng Vatcanô II, hay đọc các bài vở hoặc coi những video và trang web đã được đưa ra để giúp các tín hữu hiểu thêm về tinh thần Công Đồng, chúng ta sẽ thấy rõ ràng là có hai trường phái với hai quan niệm hoàn toàn khác nhau về Công Đồng Vaticanô II. Một trường phái cho rằng Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng, còn một trường phái kia cho rằng Công Đồng là một chỉ cuộc cải tổ cách làm việc của Hội Thánh chứ không phải là một cuộc cách mạng. Và cuối cùng chúng ta không biết phải theo trường phái nào.

1. Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng?

Có hai nhóm chính coi Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cách mạng.

Nhóm thứ nhất là những người theo phe bảo thủ. Họ cho rằng Công Đồng là một cuộc cách mạng vì họ giải thích rẳng nhiều giáo huấn trong Công Đồng trái ngược với giáo huấn của Huấn Quyền trước Công Đồng. Theo họ thì Hội Thánh trước Công Đồng là một Hội Thánh đang thời vàng son vì số linh mục và tuy sĩ rất đông, số giáo dân tham dự Thánh Lể và các sinh hoạt của Hội Thánh rất sốt sắng, và như thế tại sao lại cần thay đổi. Họ thấy mình có lý khi chứng kiến cảnh xuống dốc của Hội Thánh ở Âu Mỹ trong thời hậu Công Đồng: hàng ngàn linh mục và tu sĩ hồi tục, các trường Công Giáo lần lượt bị đóng cửa, số linh mục và chủng sinh càng ngày càng giảm đi, và số giáo dân bỏ đạo và li dị càng ngày càng gia tăng. Họ càng thấy mình có lý hơn khi nạn xách nhiễu tính dục trẻ em bùng nổ. Họ quy hết tối lỗi vào Công Đồng Vaticanô II và các Giáo Hoàng thời hậu Công Đồng. Họ kết án Công Đồng Vaticanô II là Công Đồng lạc giáo và các Đức Giáo Hoàng hậu Công Đồng là ngụy giáo hoàng vì đã đưa ra nhiều giáo huấn mới xem ra trái ngược với những giáo huấn của Huấn Quyền trước Công Đồng.

Nhóm thứ nhì là những người theo phe cấp tiến. Nhóm này cũng đồng ý với nhóm trên rằng Công Đồng là một cuộc cách mạng chứ không phải là một cuộc cải cách. Theo nhóm này sở dĩ các văn kiện của Công Đồng xem ra có quá nhiều nhượng bộ vì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là một người thiếu lập trường vững chắc nên đã bắt các nghị phụ phải dung hòa với nhóm bảo thủ khi viết các văn kiện Công Đồng. Cho nên trong các văn kiện ấy có những điều cũ không thích hợp với cái mà họ gọi là “Tinh Thần Vaticanô II”. Vì thế, họ chủ trương giải thích “những dấu chỉ” của thời đại theo tinh thần cách mạng của Công Đồng Vaticanô II, chứ không theo những gì được viết trong các văn kiện Công Đồng. Đối vời họ, cuộc cải cách của Công Đồng chỉ là bước đầu của một cuộc cách mạng và giải phóng toàn diện trong Hội Thánh ngõ hầu Hội Thánh có thể theo kịp những tiến bộ của nền văn minh dân chủ hiện đại. Để hoàn tất cuộc cách mạng này, Hội Thánh cần phải đi xa hơn nữa như chấp nhận ly dị, ngừa thai, phá thai, truyền chức linh mục cho phụ nữ và kết hôn đồng tính…. Họ đã kết án Chân Phước Giáo Hoàng Goan Phaolô II và Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là quá bảo thủ và đã phản bội “Tinh Thần Viaticanô II” của họ.
 

2. Công Đồng Vaticanô II là một cuộc cải cách?

Thực ra cả hai nhóm trên đều cắt nghĩa sai mục đích và tinh thần của Công Đồng. Mục đích của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII khi triệu tập Công Đồng không phải là đoạn để làm một cuộc cách mạng, nhưng để canh tân Hội Thánh. Ngài không chủ trương đoạn tuyệt với những giáo huấn của Hội Thánh trong quá khứ, nhưng tìm cách bảo vệ và trình bày chúng cho thích hợp với thời đại. Trong diễn từ tuyên bố triệu tập Công Đồng vào ngày 10 năm 1962, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXII tuyên bố: “Quan tâm chính của Công Đồng Chung là điều này: gia sản thánh của Chân Lý Kitô giáo được bảo toàn và giải thích một cách rõ ràng hơn.” ĐTC nói thêm rằng Công Đồng “mong muốn truyền lại giáo lý tinh tuyền và trọn vẹn, không bị giảm bớt hay bóp méo…. Nhưng những giáo huấn chắc chắn và bất dịch này … cần phải được nghiên cứu sâu xa và trình bày cách nào cho thích hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta.”

ĐTC đề cập đến cách mà Hội Thánh sẽ đối xử với những sai lầm trong diễn từ rằng: “Hội Thánh luôn luôn chống lại những sai lầm, và thường lên án chúng một cách rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày nay Hiền Thê của Đức Kitô muốn dùng thuốc thương xót thay vì dùng cánh tay mạnh mẽ.”

Như thế mục đích của Công Đồng Vaticanô II không phải là đoạn tuyệt với quá khứ như cả hai nhóm bảo thủ và cấp tiến lầm tưởng. Nhưng mục đích của Công Đồng là tìm một phương thức mới để trình bày những chân lý cố hữu của Đức Tin cho thích hợp với thời đại, tìm một phương thức mới để đưa đạo vào đời, không phải để cho đạo bị những sai lầm của thế tục làm cho mình thay đổi, nhưng để thay đổi thế gian và đưa nó trở về cùng Thiên Chúa.

3. Công Đồng Vaticanô II là một Công Đồng Tiên Tri

Mặc dù Công Đồng Vaticanô là sáng kiến của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ sau khi lên ngôi ba tháng, nhưng những tư tưởng cải cách Hội Thánh đã bắt nguồn cả hơn một trăm năm trước đó. Trước Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh tuy rất phồn thịnh, nhưng đang bị tấn công từ những thế lực bên ngoài cũng như bên trong. Không rõ là Chân Phước Gioan XXIII có nhìn rõ những gì hiện đang xảy ra trong thế giới mà chúng ta đang sống hay không, nhưng rõ ràng là Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho Ngài trong việc triệu tập Công Đồng. Khác với 20 Công Đồng chung trước đó, Công Đồng Vaticanô II không nhằm giải quyết những vấn đề mà Hội Thánh đang gặp phải như chống lại lạc giáo hoặc bàn thảo về tín điều, nhưng nhằm đương đầu với trào lưu thế tục bắt đầu lan tràn và sẽ là điều mà Hội Thánh phải đối diện trong tương lai. Công Đồng cũng nhìn thấy rõ những tiến triển khoa học và những trào lưu tư tưởng trong tương lai và đưa ra những hướng đi cho Hội Thánh.

Để hiểu điều này, chúng ta phải xác tín rằng Hội Thánh của chúng ta luôn luôn là một Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Đã là một Hội Thánh Duy Nhất thì không có bảo thủ hay cấp tiến. Đã là một Hội Thánh Thánh Thiện thì không bao giờ chấp nhận hay dung túng sự dữ dưới bất cứ hình thức nào. Đã là một Hội Thánh Công Giáo thì giáo huấn cũng như phụng vụ của Hội Thánh phải được thống nhất khắp nơi. Đã là một Hội Thánh Tông Truyền thì Thánh Truyền luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Chính vì thế mà Chân Phước Gioan XXIII đã nói trong cùng bài Huấn Từ rằng: “Hội Thánh tin rằng cách tốt nhất để phục vụ những nhu cầu hiện đại là giải thích đầy đủ hơn về mục đích của các giáo lý của mình hơn là đưa ra những lời kết án.” Ngài còn giải thích thêm rằng làm như thế “không có nghĩa là nhu cầu phải chống lại và đề phòng những giáo huấn sai lạc và những tư tưởng nguy hiểm hơn trước đây đã giảm bớt.” Ngài nhấn mạnh như lời của một ngôn sứ rằng: “Tất cả những giáo huấn sai lạc như thế quá rõ ràng là trái ngược với sự công chính, sự tốt lành và đưa đến những hậu quả tàn khốc, … đặc biệt là những cách sống chối bỏ Thiên Chúa và Luật của Ngài, cũng như cách sống đặt quá nhiều tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật và sự thịnh vượng hoàn toàn vật chất….”

Kết Luận

Sở dĩ có những bóp méo sự thật về Công Đồng là vì trong số các nghị phụ của Công Đồng thực sự có hai nhóm, tuy nhỏ nhưng ồn ào, là nhóm bảo thủ và cấp tiến. Đặc biệt là những tư tưởng của nhóm cấp tiến được các phương tiện truyền thông đại chúng ủng hộ và quảng bá rầm rộ. Còn đa số các nghị phụ theo nhóm thầm lặng, lắng nghe, cầu nguyện, suy nghĩ, làm việc, bàn thảo và biểu quyết, nhưng không rầm rộ quảng bá ý kiến của mình cho thế giới bên ngoài như hai nhóm trên. Ngoài trên 2.500 nghị phụ còn có rất nhiều thần học gia làm cố vấn cho các ngài, được gọi là periti, tại Công Đồng. Có thể nói rằng các thần học gia này là khối óc của Công Đồng. Tuy họ không có quyền bỏ phiếu nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định và văn kiện của Công Đồng vì họ là cố vấn tư cho các Nghị Phụ. Trong số đó, nổi danh nhất là các cha Karl Rahner, Edward Schillebeeckx, Henri de Lubac, Hans Kung, và một thần học gia trẻ người Đức là Cha Joseph Ratzinger. Ngay sau Công Đồng, nhóm linh mục này đã phát hành một tạp chí quốc tế tên là “Concilium” nhằm mục đích tiếp tục cổ võ tinh thần và những canh tân của Công Đồng. Hội đồng quản trị của “Concilium” gồm các cha Rahner, Kung, Schillebeeckx, de Lubac, Congar, Hans Urs von Balthasar, Ratzinger và nhiều thần học gia khác. Nhưng chỉ sau vài năm, các thần học gia de Lubac, Balthasar và Ratzinger đã rời Concilium để lập ra một tạp chí mới là “Communio”. Các thần học gia theo nhóm “Concilium” cho rằng mình là là một Huấn Quyền khác ngang hàng với Huấn Quyền Hội Thánh và kêu gọi mở Công Đồng Vaticanô III để đẩy mạnh cuộc cách mạng mà Công Đồng Vaticanô II không làm được vì đã phải nhượng bộ phe bảo thủ quá nhiều. Còn nhóm thần học gia thuộc “Communio” thì tiếp tục tư tưởng “trở về nguồn” để thích nghi những Truyền Thống phong phú của Hội Thánh vào thời đại mới và và coi đây là những tiến bộ thật sự.

Tiếc rằng ảnh hưởng của nhóm “Concilio” đã lan rộng nhanh chóng trong giới trí thức Công Giáo và trong các đại học Công Giáo trong 50 năm qua. Có thể nói rằng những tư tưởng nhóm này đã làm ô nhiễm Hội Thánh, đặc biệt là Hội Thánh ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Những tư tưởng này đã gây ra những chống đối Huấn Quyền, đặc biệt là Huấn Quyền của các Giám Mục Hoa Kỳ về luân lý và tín lý trong giới thần học gia, nữ tu, và trong các Đại Học Công Giáo, mà dẫn đầu lại là những vị lãnh đạo Hội Thần Học Gia Công Giáo Hoa Kỳ và một số giáo sư của Đại Học Công Giáo thời danh như Georgetown và Notre Dame.

Chính vì thế mà đọc những sách vở về Công Đống, ngay cả những bài vở được viết bởi những thần học gia nổi danh, vẫn có thể gây ra hiểu lầm và sai lạc. Cách duy nhất để hiểu và áp dụng đúng đắn “Tinh Thần Vaticanô II” là đọc chính văn kiện của Công Đồng và giải thích chúng như tiếp tục những Giáo Huấn và Truyền Thống cố hữu của Hội Thánh nhưng diễn tả bằng ngôn ngữ và phương tiện thích hợp với thời đại. Đó là những điều mà chúng tôi sẽ bàn đến trong những bài sau.

Có thể nói rằng tín hữu trong Hội Thánh cũng giống như những người con trong một gia đình. Chúng ta lớn lên theo năm tháng và trải qua những giai đoạn từ trẻ nhỏ đến trưởng thành. Ở thời tiền Vaticanô II chúng ta là những đứa trẻ nên cần phải được dạy dỗ bằng “roi vọt”. Giờ đây Hội Thánh coi chúng ta như những người con đã trưởng thành. Mặc dù Giáo Huấn của Chúa không thay đổi, nhưng cách Hội Thánh đối xử với chúng ta thay đổi vì không còn coi chúng ta là trẻ em nữa. Những điều chúng ta thấy xảy ra trong Hội Thánh trong 50 năm qua có thể nói là tương tự như những gì chúng ta thấy ở những thiếu niên đang trong tuổi vị thành niên mà thôi. Nhiệm vụ của chúng ta là học hỏi các văn kiện Công Đồng theo Huấn Quyền Hội Thánh để có thể sống như những tín hữu trưởng thành.