Thánh Kinh Công Giáo và Thánh Kinh Tin Lành: Nguyên Nhân Và Nguồn Gốc Của Sự Khác Biệt

0
25067


 

CMC.

Người lạc quan nhận định Thánh Kinh Công Giáo và Tin Lành có nhiều nét tương đồng. Người “bi quan” thí nói “hai bộ Thánh Kinh khác nhau nhiều lắm.” Tại sao? Công bằng mà nhận xét, rất khó để so sánh cách chính xác hai bộ Thánh Kinh Công Giáo và Tin Lành. Không phải vì qúa cao siêu hoặc khó khăn. Lý do chính là vì tuy Tin Lành “xem ra” có chung mộ bộ Kinh Thánh, nhưng cách giải thích của mỗi giáo phái rất khác nhau. Ngay trong cùng một phái, mỗi người giải thích Thánh Kinh theo ơn  linh ứng của mình; nghĩa là không có ai có quyền giáo huấn tối thượng, như Giáo Hoàng và Giám Mục bên Công Giáo. Chính vì vậy mà tuy chia sẻ danh hiệu Tin Lành, gần như mỗi nhà thờ là một nơi giảng đạo khác nhau; mỗi người do một ơn thánh linh khác nhau soi dẫn. Nhà thờ Tin Lành đầu phố chống phong trào đồng tính luyến ái kịch liệt, nhà thờ Tin Lành cuối phố nhiệt liệt  ủng hộ! Nhìn giáo phái Lutherô chẳng hạn, nhiều nhóm còn chịu ảnh hưởng mạnh của Luther, xem Đức Mẹ như đấng thánh, đáng kính trọng; trong khi đó, cộng đoàn mới thành lập gần đây, thì coi việc tôn kính này là thờ ngẫu tượng!!!

THÁNH KINH CÔNG GIÁO

Học giả có công lựa chọn, soạn thảo, sao lục, kiểm soát các sách Thánh Kinh, và ghi nhận đâu thực sự là sách thánh, đâu chỉ là “ngụy thư”: là thánh Jerome1. Ngài là người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang La-tinh, được gọi là bản dịch Vulgata – nghĩa là bộ phổ thông. Bản Cựu Ước Hy Lạp còn được gọi là bản Bảy Mươi – Septuagint –  vì theo truyền thuyết, thì bản dịch tiếng Do Thái này do 72 vị thông thái viết vào thế kỷ thứ 3 trước Chúa giáng sinh.

Để hoàn thành, thánh Jerome đã dành rất nhiều thời giờ và nghiên cứu các nguồn sử liệu cũng như bằng chứng khác nhau. Trong số “tài liệu hỗn đỗn” của nhiều sách Cựu ước với các truyện về tiên tri Isaia lên trời, khải huyền theo ông Maisen, rồi đến huyền thoại Tân ước, như gia đình thánh gia đi trốn sang Ai-cập đều bị lọc bỏ.  Cho đến năm 1522, đây là bộ sách Thánh Kinh duy nhất mà Công Giáo xử dụng. Bộ Vulgata có 27 sách tân ước và 46 sách cựu ước, tổng cộng 73 cuốn.

Đức thánh Giáo Hoàng Damaso I cho phép phổ biến và dùng bản dịch này như văn bản Thánh Kinh chính thức của giáo hội. Công Đồng Rôma (năm 382), công đồng địa phương Hippo (393) và Carthage (397) cùng chấp nhận ý kiến trên. Công Đồng Tridentinô (năm 1545 – 1564) tu sửa, và đến nay vẫn là văn bản chính thức của Giáo hội Công Giáo Rôma.

LUTHER VÀ THÁNH KINH TIN LÀNH

Nhưng người khởi xướng đầu tiên viết lại Thánh Kinh là Luther2. Sau đó, các giáo phái Tin Lành khác cũng đồng ý với ông. Luther không chấp nhận môt số điểm quan trọng mà Đức Giáo Hoàng thời đó là Leo X cho phép hoặc gián tiếp chấp nhận. Để biết nguyên nhân tại sao Luther làm như vậy, chúng ta nên hiểu đâu là những động lực sâu xa tiềm ẩn bên trong và bên ngoài sự lựa chọn này.

Luther là một người nhậy cảm. Một lần, ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, khi trời mưa tầm tã và một cơn sét giáng xuống ngay bên cạnh. Đó là ngày định mệnh 2 tháng 5 năm 1505, khi ông 22 tuổi. Chỉ trệch một chút thôi, ông đã chết. Ông tự hỏi, nếu mình chết lúc đó, liệu có được cứu rỗi hay không? Niềm ám ảnh này cứ dày vò suốt cuộc đời. Sợ hãi, ông quyết định vào dòng khổ tu Augustinô. Trong thời gian này, ông ăn chay, đánh tội, đi hành hương, xưng tội thường xuyên, nhưng không bình an. Bề trên nhà dòng muốn ông đi học thần học và Thánh Kinh với hy vọng rằng khi học những thánh khoá, ông sẽ có bình an. Là người thông minh, Luther học giỏi. Năm 1512, ông trở thành giáo sư thần học tại đại học Wittenberg, và dạy học suốt đời nơi đây. Vấn nạn: “làm sao để được cứu rỗi” luôn hiện diện trong tâm trí. Lời của Gióp “qủa thật, tôi biết rõ thế này. Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được3?” luôn ám ảnh ông. Sách Sáng Thế Ký từng kể lại rằng con người đã một thời vui hưởng ân sủng của Chúa, mà còn sa ngã, phạm tội, thì mong gì người thường nên công chính?

Đang lúc ông suy tư về sự công chính và ân sủng của Chúa thì một biến cố khác khiến ông thêm chán nản. Một số vị trong Giáo hội dùng ân xá như việc mua bán đời sau!!! Với ông, quả thực là một xì-căng-đan nặng nề.  Ông không thể chấp nhận lối “buôn thần bán thánh” như thế. Số tiền dùng trong việc chuộc ân xá này dùng để trang trải chi phí xây đại giáo đường. Nhìn thấy cảnh khổ của nhiều người nghèo, ông đặt vấn đề với vị Giám mục tại sao không dùng tiền giúp người nghèo, mà lại đi mua ân xá?

Ông viết tập “95 luận án” phản đối và lên án những lạm dụng trong Giáo hội. Vì tình trạng chính trị và bị dồn vào thế bí, ông chối luôn quyền Đức Giáo Hoàng. Nói cách khác, ông không nhìn nhận quyền của Đức Giáo Hoàng hay bất cứ vị nào trong hàng giáo phẩm. Các cuộc nói chuyện và thương thảo giữa ông với các vị đại diện Đức Giáo Hoàng không đi đến đâu. Hai phía đều qúa khích. Ngày 2-1-1521, ông bị vạ tuyệt thông.

Ngay sau đó, Luther viết sách giáo lý cho những người theo ông. Đương nhiên, làm nền tảng cho sách giáo lý phải là Thánh Kinh. Khởi xướng từ năm 1522, ông cho xuất bản bộ Tân Ước. Đến năm 1534, ông hoàn thành toàn bộ Thánh Kinh, bao gồm cả Cựu Ước, dựa trên văn bản Do Thái. Thế nào là văn bản Do Thái? Văn bản Do Thái đã có từ lâu, nhưng không phổ thông. Vào thế kỷ I trước Chúa giáng sinh, để chống lại “văn chương Hy Lạp” là thứ văn chương mà người Do Thái bảo thủ gọi là ngoại đạo, các học giả Do Thái quyết định nhuận sắc4. Trong lần nhuận sắc này, họ bỏ 7 cuốn từ bộ Bảy Mươi. Bảy cuốn đó là: Quyển 1 và 2 Maccabees, Baruch, Tobit, Judith, Sách Khôn Ngoan Salomon, Siruch (Ecclesiasticus). Một số chương trong sách Esther và Daniel cũng bị bỏ5.

TẠI SAO LUTHER CHỌN VĂN BẢN DO THÁI THAY VÌ BẢN BẢY MƯƠI?

Anh em Tin Lành nói chung theo lựa chọn của Luther và chấp nhận bản Do Thái. Nhiều giáo phái – trừ Luterô và Anh giáo – còn bỏ luôn các sách không hợp quy, và cho là ngụy thư! Luther muốn tìm ra câu trả lời cho sự cứu rỗi của con người, trong đó có ông. Vì vậy, tất cả những sách, dù Cựu Ước hoặc Tân Ước, nếu ngược với 5 nguyên tắc do ông đề ra đều bị loại bỏ hết. Năm nguyên tắc đó là: Chỉ một mình Chúa Kitô (Solus Christus), và qua Chúa Kitô (Sola Christo); Chỉ một mình Thánh Kinh (Sola Scriptura);  Chỉ một đức tin (Sola Fide); Chỉ một ân sủng (Sola Gratia) và Soli Deo Gloria, nghĩa là chỉ dành vinh quang cho mình Thiên Chúa mà thôi. Thí dụ quyển 2 Macabeo 12: 43-46 nói về luyện ngục  và cầu nguyện cho người qúa cố: “Ông Giuda quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gởi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực tế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi,” ngược với quan niệm Solo Christo; hoặc thư thánh Giacobê đoạn 2: 14-17 “thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, và mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần,, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì qủa là đức tin chết ngược với lý luận Sola Fide, ông bỏ luôn!!!

NĂM TIÊU CHUẨN CHỌN VÀ DỊCH SÁCH THÁNH KINH TIN LÀNH

1. Chỉ một mình Chúa Kitô (Solus Christus) và qua Chúa Kitô (Solo Christo) mang lại ơn cứu độ. Luther muốn nhấn mạnh vai trò duy nhất của Chúa Kitô và không ai khác chia sẻ vai trò này. Luther tiếp tục tôn kính Đức Mẹ Maria và các thánh, nhưng bài bác chức linh mục. Những nhóm Tin Lành khác sau đó dẹp bỏ Đức Mẹ và các thánh. Luther chủ trương mọi người, qua bí tích rửa tội, đều là linh mục. Do đó không không có hàng giáo phẩm, và đương nhiên, không có hàng giáo phẩm thì không cần nhiều bí tích! Tuy nhiên, trong sách “Small Catechism”, Luther nói đến vai trò của người giải tội, như hình thức chấp nhận bí tích xá giải và xức dầu, mà ông nói vì ân sủng (Sola Gratia) Chúa ban cho hối nhân.

2. Chỉ mội mình Thánh Kinh (Sola Scriptura) là nguồn gốc mọi niềm tin và thực hành. Đây là lý luận căn bản và mấu chốt của Luther. Với ông, duy nhất Thánh Kinh có thẩm quyền làm căn bản nền tảng cho đức tin Kitô giáo. Mỗi tín hữu được ơn soi sáng và linh ứng để hiểu Thánh Kinh. Thánh Kinh là phương tiện Chúa dùng để cứu độ, do đó, không cần phương tiện nào khác.

3. Chỉ một mình Đức tin (Sola Fide) mới có khả năng cứu rỗi con người. Chỉ một mình đức tin, nghĩa là sự công chính hóa nơi con người, chỉ xảy ra qua đức tin, chứ không nhờ việc làm tốt hoặc công nghiệp cá nhân. Đức tin là sự thánh hoá Thiên Chúa làm nơi con người qua Thánh Kinh.

4. Chỉ một mình ân sủng (Sola Gratia) của Chúa mới cứu rỗi con người tội lỗi. Con người được cứu đỗ, không vì công nghiệp của mình, nhưng do ân sủng, tức tình thương của Chúa. Con người tội lỗi, dù cố gắng thế nào chăng nữa cũng không xứng đáng với ơn cứu độ. Nhờ công nghiệp của Chúa cứu thế, qua cái chết và phục sinh, mà ân sủng của Chúa xuống với người tín hữu, nhờ đó, họ được cứu thoát. Luther cũng chủ trương “gratia universalis” nghĩa là ân sủng chung, tức là, Chúa muốn mọi người được cứu độ.

5. Tiêu chuẩn nữa là Soli Deo Gloria nghĩa là chỉ dành vinh quang cho mình Thiên Chúa mà thôi. Theo tiêu chuẩn này thì không nên gọi ai là “thánh”, và không nên tôn vinh thánh hay bất cứ phàm nhân nào. Nếu ai sống đời đạo hạnh, thì nên ca tụng Thiên Chúa trong họ mà thôi, vì Thiên Chúa là đấng làm cho họ nên thánh!

Từ những tiêu chuẩn trên, Luther, sau khi nghiên cứu hai bộ Thánh Kinh Cựu Ước, thấy gần gũi với văn bản Do Thái. Bộ này thích hợp với quan niệm và tiêu chuẩn của ông, nên ông chọn phiên dịch. Nói cách khác, ông loại bỏ 7 cuốn – mà ông cho rằng, không am hợp với tiến trình cứu độ. Còn với Tân Ước, ông coi thư của thánh Giacobê, thư thánh Giuđa, thư Do Thái và sách Khải Huyền là không hợp quy. Từ đó có Thánh Kinh Tin Lành.

Về sau, các nhà nghiên cứu tôn giáo nhận định, một số ý kiến của Luther đúng, nhưng quá khích; một số ý kiến khác đúng nhưng không thích hợp với thời đại đó.

1. Về vấn đề “Solus Christus, Chỉ một mình Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ” và “Solo Christo, qua Chúa Kitô” mà thôi, Giáo hội Công Giáo hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên, nhưng nhắc nhở vai trò cộng tác của con người với Thiên Chúa trong ơn cứu độ.

Sự cộng tác này có thể được nhận ra từ hai góc cạnh: cộng tác khi rao giảng và cộng tác khi lãnh nhận. Chúa Giêsu, và riêng mình Chúa Giêsu, mang lại ơn cứu độ, nhưng Chúa đã bằng lòng sinh ra làm con người từ Đức Mẹ Maria. Sau đó, Chúa đã gọi các tông đồ cùng cộng tác với Chúa đi rao giảng Tin mừng. Như vậy, nhiều người đã đến với Chúa qua các tông đồ, qua Đức Mẹ; rồi về sau, qua các thánh. Khi “cắt” các thánh khỏi Chúa Giêsu, Luther đã cắt nhiều nguồn cộng tác từ Chúa.

Cũng nên ghi nhận nơi đây, đôi người qúa chú tâm đến Đức Mẹ, và các thánh khi cầu khẩn, tạo cho người khác cảm tưởng Chúa bị bỏ rơi. Nên nhớ, Giáo Hội Công Giáo không bao giờ dạy các thánh có thể cứu rỗi chúng ta. Chỉ mình Chúa Kitô mà thôi. Cũng nên ghi nhận, người Công Giáo không “thờ kính” Đức Mẹ hoặc các thánh. Người Công Giáo “tôn kính” các vị như con cái tôn kính cha mẹ là những người đã khuất, đã nêu gương sáng cho mình noi theo6.

2. Về “Sola Scriptura – Chỉ một mình Thánh Kinh là nguồn gốc mọi niềm tin và thực hành, Luther cũng đúng nhưng không đủ. Giáo Hội Công Giáo cho rằng bên cạnh Thánh Kinh là thánh truyền, tức là truyền thống đã có từ thời cựu ước đến thời các tông đồ. Sau đó giáo huấn của các giám mục cũng như của Giáo hội giải thích thêm7. Không cần phải là chuyên viên nghiên cứu sử cũng biết một bộ sách, dù viết dài và nhiều thế nào đi nữa, (khó) có thể kể lại hết mọi sự. Thánh Kinh cũng vậy. Thánh Gioan đã chẳng ghi nhận ”Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra8” đấy ư?

Đương nhiên, còn có nhiều truyền thống áp dụng không đúng, nhưng khi loại bỏ mọi truyền thống thì lý luận này trở thành qúa khích và sai! Nên phân biệt rõ truyền thống và áp dụng truyền thống. Công Giáo muốn có thăng bằng giữa truyền thống và Thánh Kinh. Điển hình là truyền thống cầu nguyện thay cho người khác, nhất là những người đã qua đời. Luther không tin vào truyền thống “cầu thay nguyện giúp”, nên phản đối sự áp dụng xin ân xá cho người quá cố. Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước rất nhiều lần kể lại nhờ lời cầu nguyện của một người mà người khác được Chúa ban ơn. Câu truyện rõ ràng và cụ thể nhất là lời khẩn cầu của Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana, khiến Chúa thay đổi cả chương trình “giờ con chưa đến9!”  Rồi câu truyện của người đội trưởng mà nhờ đó người đầy tớ của ông khỏi bệnh10. Thời Luther, người ta bán ân xá. Rõ ràng, đó là sự lạm dụng; nhưng không thể vì thế mà cho rằng mọi ân xá là sai và đòi huỷ bỏ. Ngày nay, người Tin Lành đang phải đối diện với nhiều khó khăn ngược lại quan điểm này, thí dụ: làm dấu Thánh Giá. Rất nhiều người Tin Lành làm dấu thánh giá và mang thánh giá, vì thánh giá là một hành động biểu lộ lòng tin, là một tuyên xưng đức tin ngắn của người tin vào Thiên Chúa, vào một Chúa Ba Ngôi. Nhưng phong tục làm dấu thánh giá và mang thánh giá không có trong Thánh Kinh!

Phải nhìn nhận, nhiều truyền thống bị hiểu lầm và bị lạm dụng. Nhưng không vì thế mà huỷ bỏ mọi truyền thống, và giới hạn sứ vụ của Chúa vào chữ viết mà thôi. Mà thật ra, ngay cả câu “chỉ có Thánh Kinh” cũng chẳng có trong Thánh Kinh! Như vậy, tạo ra một câu ngoài Thánh Kinh để ghi nhận Thánh Kinh nên nó phi lý ngay tự căn gốc!

3. Về cộng tác khi lãnh nhận, liên quan đến vấn đề “Chỉ một mình đức tin – Sola Fide – mới có khả năng cứu rỗi con người.” Trong khi Giáo hội Công Giáo chủ trương đức tin và việc làm tốt phát sinh sự công chính – tức là ơn cứu độ -, thì Luther chủ trương một mình đức tin phát sinh sự công chính11. Công Giáo đồng ý sự công chính hóa nơi con người là nhờ Chúa thông truyền ơn Chúa, rửa sạch tội lỗi và thăng tiến người thành con Chúa. Nhưng khi con người lãnh nhận ơn Chúa, họ biểu dương bằng các việc làm tốt lành, đạo đức. Đức tin cần đi song đôi với hành động. Đức tin cần biểu lộ bằng việc làm cụ thể để tránh tình trạng “Dân này Kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta12.”  Như vậy, trọn vẹn con người trở nên thánh thiện.

Luther quên mất, Thiên Chúa cho con người sự tự do và trí khôn ngoan. Không cần phải trích dẫn lời nói của thánh Augustinô “Thiên Chúa dựng nên tôi, không cần tôi, nhưng không thể cứu rỗi tôi nếu tôi không chịu hợp tác,” chúng ta cũng nhận ra, Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của mỗi người. Con người có quyền lựa chọn Thiên Chúa hay tội lỗi, thiện hay ác, thiên đàng hay hoả ngục. Chúa không hạn hẹp ban đức tin và ân sủng cho con người, nhưng lãnh nhận nhiều hay ít, hoặc hoàn toàn từ chối là do mỗi người.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng mà về sau nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh lên án sự “thiếu thành tín” của Luther, là ông đã thêm một chữ vào nguyên bản thư gởi giáo đoàn Roma. Nguyên văn: (27) vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin. (28)Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy13.” Luther sửa thành (27) vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa duy nhất vào lòng tin. (28)Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.  Luther giải thích rằng khi đọc thư và đoạn này của Thánh Phaolô, thì phải hiểu rõ ràng Phaolô đòi hỏi như vậy14!!!

Còn Sola Gratia – Chỉ riêng Ân Sủng, liên quan nhiều đến Sola Fide15. Dựa trên thư gửi giáo đoàn Galat 2: 16 “Vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, vì nhờ lòng tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy  anh em Tin Lành lý luận, sự công chính hóa xảy ra vào thời gian đức tin vào Đức Kitô xuất hiện. Nhờ công chính, con người lãnh nhận ân sủng. Qua đức tin và nhờ đức tin mà nên công chính.  Điểm giống nhau giữa Công Giáo và Tin Lành, là cả hai đều tin có sự công chính hóa, có thông ban ân sủng, nhưng thời điểm và phương tiện thì khác nhau.  Theo thời điểm, với Công Giáo, ân sủng phải đi song đôi với đức tin và hành động. Theo phương tiện, qua bí tích Chúa thông ban ân sủng cho người lãnh nhận. Dĩ nhiên, con người lãnh nhận ân sủng và ơn cứu chuộc không do công sức của mình, nhưng do tình thương của Chúa; nhưng con người có tự do, có lựa chọn, có lý trí và có khả năng. Nhìn vào Thánh Kinh, Chúa ban ân sủng cho các môn đệ. Những vị này sống gần Chúa, trông thấy và ngay cả đã từng làm phép lạ nhân danh Chúa, nhưng Giuđa đã phản bội Chúa! Nói cách khác, không phải Chúa không ban ơn, nhưng con người không lãnh nhận.

Dĩ nhiên, cũng cần lưu ý nơi đây, khi một số vị trong Công Giáo nhấn mạnh qúa nhiều đến hiệu năng của bí tích, khiến người nghe cảm tưởng rằng, chỉ có bí tích mới mang lại ơn cứu chuộc, điều này cũng sai lầm. Lại có người “xin” bí tích mê tín, suốt cuộc đời sống tội lỗi, khi gần chết, gia đình muốn linh mục tới xức dầu. Đôi khi Chúa bị sánh ví như chiếc máy ban ơn! Chúa vô biên, không cần lệ thuộc vào bất cứ điều gì để cứu chuộc con người, nhưng bí tích là dấu hiệu hữu hình giúp con người lãnh nhận ân sủng, và tin mình đã lãnh nhận ân sủng. Chính Chúa cũng dùng các dấu hiệu khi rao giảng Tin mừng. Chúa đã dùng nước miếng của Người, trộn với đất thành bùn mở mắt người mù16, đã biến nước thành rượu nơi tiệc cưới thành Cana … Thêm vào đó, khi Luther bài bác các bí tích, ông đã không dứt khoát loại bỏ mọi bí tích. Ông và các hệ phái Tin Lành vẫn nhìn nhận bí tích rửa tội, và coi đó như điều kiện trở thành con Thiên Chúa. Nếu hoàn toàn chấp nhận “Chỉ một mình đức tin mới có khả năng cứu rỗi con người (Sola Fide) thì cần gì bí tích rửa tội? Nói cách khác, rửa tội có phải là bí tích không? Rửa tội có phải đức tin không?

Cuối cùng là Soli Deo Gloria nghĩa là chỉ dành vinh quang cho mình Thiên Chúa mà thôi; do đó, không được tôn vinh hiển thánh phàm nhân, dù là mẹ Thiên Chúa, Đức Maria. Tin Lành cũng nhấn mạnh, nếu Chúa là đấng ban ơn, đấng cứu chuộc duy nhất, thì khi cầu nguyện, chỉ cầu nguyện với Chúa mà thôi. Cầu nguyện với các thánh làm giảm vinh quang của Chúa. Điểm này liên hệ nhiều với Solus Christus và Solo Christo. Người Công Giáo hoàn toàn đồng ý với Soli Deo Gloria. Nhưng tôn vinh hiển thánh một người phàm nhân sống cuộc đời thánh thiện và tốt lành khi ở trần gian, không có nghĩa là thờ lạy vị thánh đó. Gọi một vị lành thánh là thánh chỉ giúp người khác học hỏi và nhận ra gương lành, đạo đức của vị đáng kính đó mà thôi. Vinh quang Chúa càng thêm tỏa sáng nơi những vị theo chân Chúa.

THÁNH KINH CÔNG GIÁO VÀ TIN LÀNH KHÁC NHAU RA SAO?

Từ những trình bày trên, có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng rất nhiều khác biệt giữa hai bộ Thánh Kinh. So sánh một vài điểm chính, chúng ta thấy:

Theo các nhà nghiên cứu thì về phương diện thần học và Thánh Kinh, ít nhất có đến 35 điểm khác biệt quan trọng, và khi áp dụng vào luân lý thì thêm 12 điểm khác nữa giữa hai bộ Thánh Kinh.

Không ai chối được Thánh Kinh Tin Lành và Thánh Kinh Công Giáo là hai bộ Thánh Kinh khác nhau, vì thế mang lại những kết qủa và suy luận khác nhau. Là những người Chúa ban cho trí khôn suy luận và tự do lựa chọn, chúng ta chọn và sống bộ Thánh Kinh nào?
 

Niềm Tin Thần Học và Thánh Kinh Công Giáo Tin Lành
Bí tích Bảy bí tích Một hoặc hai hoặc ba bí tích
Quyền bính và giải thích Thánh Kinh, thần học Đức Giáo Hoàng, hàng giáo phẩm Tuỳ mỗi cá nhân giải thích Kinh Thánh
Nguồn gốc tìm hiểu Thánh Kinh và Thánh Truyền Thánh Kinh mà thôi
– Hàng giáo sĩ
– Vị lãnh đạo tối cao
– Độc thân. Được tuyển chọn.
– Đức Giáo Hoàng có ơn vô ngộ
– Lập gia đình. Bầu cử
– Phủ nhận
Đời sau Thiên Đàng – Hỏa Ngục – Luyện Ngục Thiên Đàng – Hỏa Ngục
Các Thánh – Có các thánh
– Tín điều về Đức Mẹ
Phủ nhận
Cầu nguyện Với Chúa. Nhờ các thánh cầu bầu Với Chúa
Cứu độ Do ơn Chúa, bí tích, việc lành Do ơn Chúa

 

———————————————-
Endnotes:

1: Chào đời khoảng 347 tại Stridon, Nam Tư, qua đời 30 tháng 9 năm 420 tại Bethlehem.

2: Sinh năm 1483, qua đòi 1546 tại Đức quốc

3: Sách Giop 9:2

4: Theo www.cathtruth.com/catholicbible

5: Gần đây nhất, trong các tài liệu Qumran, tức là tài liệu cổ xưa nhất, tìm thấy tại Biển Chết, người ta thấy có sách Tobia.

6: Chúng ta có thể coi thêm phần Soli Deo Gloria

7: Vì Tin Lành chủ trương không có ai có thẩm quyền giải thích Thánh Kinh, nhưng do ơn linh ứng của từng cá nhân, nên có rất nhiều hệ phái Tin Lành. Mỗi hệ phái giải thích và áp dụng Thánh Kinh cách khác nhau.

8: Gioan 21:25

9: Gioan 2:4

10: Matthew 8:8

11: Trong thần học và Thánh Kinh, công chính hóa tức là lãnh nhận ơn cứu độ.

12: Mt. 15:8.

13: Roma 3: 27-28

14: Xin coi “Lindberg, Carter. The European Reformations: Sourcebook. Blackwell Publishing Ltd., 2000. Trang. 49

15: Xin coi thêm trong phần Sola Fide. Vì Sola Fide và Sola Gratia có nhiều điểm chồng chéo lên nhau, nên một số ý tưởng sẽ được nhắc lại trong bài.

16: Gioan 9

CMC