Luận Lý Học Hình Thức (Logique Formelle)

0
23055


Lm. Matthias Ch’ en Wen Yu, SJ.

Dẫn nhập

I.- Luận lý học hình thức : vị trí của vấn đề.

1/. Trong phán đoán (jugement) (1), nhận thức (connaissance) (2) được trở nên hoàn hảo. Cũng trong phán đoán, có vấn đề chân lý luận lý (3); chân lý này được định nghĩa là sự tương ứng hữu hướng (conformité intentionnelle) giữa trí năng nhận thức (intellect conaissant) với đối tượng được nhận thức (objet connu).

2/. Những chân lý như thế được đạt tới bằng nhiều cách khác nhau:  

a) – cách trực tiếp, trong trường hợp một đối tượng:
    – vừa cụ thể, vừa có thể quan sát ngay được, ví dụ : Đại chủng viện X…….       
    – hoặc trừu tượng nhưng lại trực tiếp hiển nhiên, vd : toàn thể thì lớn hơn thành phần.

b) – bằng suy diễn (inférence) hay diễn dịch (déduction-hậu kết) nghĩa là trong một số trường hợp, người ta có thể suy ngay ra được một chân lý mới từ một chân lý đã biết rồi, vd : Anh A đang đi dạo, vậy anh ta có khả năng đi dạo.

c) – cách gián tiếp hay suy luận, trong trường hợp một đối tượng:
   – vừa cụ thể vừa nắm bắt được cách gián tiếp. Vd : nơi nào có lửa, nơi đó có khói…Hoặc : Tôi trông thấy khói trong những khu rừng xa kia ; vậy ở đó có lửa.
   – hoặc trừu tượng và gián tiếp hiển nhiên. Vd : A>B ; vậy mà B = C ; suy ra A>C . Hoặc A>B ; vậy mà B>C ; suy ra A>C… Nhưng từ : A =/ B và B =/ C, hay từ A > B và C > D, ta không thể suy diễn ra được gì.       

3/. Về việc suy diễn hay diễn dịch, có những qui luật cần phải theo để được hợp pháp. Phương chi là trong vấn đề suy luận (raisonnement), càng cần phải theo những qui luật để việc suy luận dẫn ta đến một kết luận đúng đắn và xác thực. Đối tượng của Luận lý học hình thức chính là những qui luật khác nhau này.

Do khuynh hướng tự nhiên, con người suy luận luôn muốn ôm trọn chân lý và tránh xa lầm lỡ. Vì thế, trong các  suy luận thuộc trí năng của mình, con người tự nhiên hành sử theo những qui luật luận lý. Nói cách khác, con người hành sử theo một luận lý học tự phát ( hay tự nhiên ) (4)  Sau khi đã suy tư về tiến trình tự nhiên này của lý trí, Aristote đã minh giải và xếp đặt những qui luật này lại, do đó, tạo ra môn Luận lý học khoa học (gọi không hay mấy là Luận lý học “nhân tạo”) (5)
 
II.- Định nghĩa Luận lý học hình thức

1/.Theo ngữ căn : chữ “luận lý” bắt nguồn từ chữ “logos” của Hy Ngữ (logique/logos), nghĩa là khả năng suy diễn, tương đương với chữ Ratio của La ngữ. Như thế, Luận lý học có nghĩa là khoa học về lý trí.       

2/. Định nghĩa thực : Luận lý học là khoa học về lý trí, nhờ đó, trong suy diễn, diễn dịch và suy luận, con người hành sử đúng đắn và dễ dàng đạt được chân lý. Định nghĩa này có thể được giải thích theo nhiều phương diện khác nhau :         

a) – Trong những gì liên quan đến những yếu tố của luận lý học :                           
    – luận lý học là khoa học về lý trí (raison), vì nó đề cập đến lý trí một cách khoa học, bằng cách đặt ra những qui luật phải theo và xếp đặt những qui luật ấy lại thành một hệ thống có cơ cấu rõ ràng.(6)
    – mục đích thiết yếu trực tiếp của luận lý học là cái đúng lý (rectitude) trongû suy diễn, diễn dịch và suy luận.         
    – mục đích thiết yếu kế tiếp là chân lý phải đạt đến nhờ những tranh biện này.  
   – mục đích thứ yếu của luận lý học là cung cấp một sự dễ dàng chắc chắn trong việc khai triển tư tưởng cho đúng, nhờ biết những qui luật luận lý (règles logiques) và nhờ áp dụng đúng những qui luật đó.                 

b) – Trong những gì liên quan đến đối tượng của luận lý học:                               

+ Đối tượng chất thể (objet matériel) của Luận lý học là sự suy luận cũng như những suy diễn và những diễn dịch nằm trong những phán đoán và những ý tưởng. Chiếu theo đối tượng chất thể này thì luận lý học có liên hệ với tâm lý học (psychologie) và khoa phê bình (critique). Hai khoa này cũng đề cập đến những hoạt động trí tuệ (opérations mentales) đó.         

+ Đối tượng mô thể (objet formel) của Luận lý học là sự chính lý (rectitude) của đối tượng chất thể hoặc cách trí năng hành sử đúng trong những suy luận của mình. Chiếu theo đối tương mô thể này, thì luận lý học  được phân biệt khỏi tâm lý học và khoa phê bình.
 
III.- Tầm quan trọng của  luận lý học hình thức

Mọi khoa học đều được hình thành do việc sử dụng đúng lý trí, nhờ nhiều suy luận và thường là những suy luận phức tạp ; như thế, để hình thành khoa học, luận lý học tự phát (spontanée) không còn đủ nữa, dù đó là thứ luận lý làm người ta thoả mãn trong đời sống đơn giản hàng ngày. Do đó,  luận lý học hình thức được gọi là khoa học của các khoa học, hay từ Aristote, nó được gọi là “organum”, nghĩa là khí cụ của các  khoa học (instrument des sciences). Cũng vì lý do này mà luận lý học được học hỏi trước mọi nghiên cứu quan trọng khác.

Trong thời chúng ta, việc dạy luận lý hay huấn luyện lý luận thật cần thiết hơn bao giờ hết, để có thể đương đầu với mọi ý kiến sai lạc và  những tuyên truyền đầy nguỵ biện tinh vi (subtilité sophistique).
 
IV.- Những thành phần của Luận lý học hình thức

Như chúng ta vừa thấy, đối tượng chất thể của luận lý học là sự suy luận và suy diễn hay diễn dịch, trong đó hàm chứa những phán đoán và những ý tưởng. Nên luận lý học gồm ba phần :

– Ý tưởng và Từ ngữ (Từ ngữ là sự diễn tả ý tưởng ra bên ngoài)  

– Phán đoán và Mệnh đề ( Mệnh đề là sự diễn tả phán đoán ra bên ngoài) 

– Suy luận và Luận cứ (Luận cứ là sự diễn tả suy luận ra bên ngoài)

————————————————–
Chú Thích:

(1) Phán đoán – Jugement : là sự xác quyết hay phủ nhận mối tương quan giữa nhiều sự kiện hay nhiều thực tại. Mỗi mệnh đề là một phán đoán gồm Chủ từ, Động từ, Thuộc từ ,vd : Hôm nay trời tốt lắm.
 
(2) Nhận thức – connaissance : hiểu biết sự vật hay hiểu biết chính mình. Nhận thức đôi khi được gọi là tri thức. Thực ra tri thức là nhận thức đã được tinh luyện, vd : Tri thức là cuộc gặp gỡ giữa chủ thể và đối tượng. Người ta chia ra :

a/- Tri thức cảm giác (connaissance sensorielle) : tri thức nhằm đối tượng khả giác nhờ thần kinh hệ, vd : Thú vật có tri thức cảm giác như người.

b/- Tri thức cụ thể (- concrète) : tri thức nhằm đối tượng nào đấy với những chi tiết của nó, vd : Tri giác thường là tri thức cụ thể. Tri thức trừu tượng (- abstraite) : không nhằm đối tượng nào, vd : Hai với hai là bốn.

c/- Tri thức gián tiếp (- indirecte) : biết đối tượng qua trung gian, đó là suy luận. Tri thức trực tiếp (- directe) : biết không qua trung gian, vd : Tôi biết tôi đau khổ.

d/- Tri thức phản tỉnh (- réflexe) : biết sau khi nghĩ lại, vd : Tôi biết lý do tại sao tôi đau khổ.

e/- Tri thức lý luận (- discursive) : dùng trí mới biết được, vd : Xem qủa biết cây.

f/- Tri thức tinh thần (- intellectuelle) có đối tượng là khả niệm hay tinh thần, vd : Tri thức về Thượng Đế.
 
(3) Phân loại chân lý :

a/- Chân lý luận lý – Vérité logique (xem trên, trong bài)

b/- Chân lý hữu thể học – V. ontologique : sự tương ứng giữa tư tưởng và đối tượng của tư tưởng, trong đó đối tượng là mẫu mực cho tư tưởng, vd : Thực có cuốn sách trước mặt nên tôi bảo nó có.

c/- Chân lý chất thể – V. matérielle : sự tương ứng giữa tư tưởng và đối tượng của tư tưởng, nhưng đối tượng ấy khác với tư tưởng, vd : Tôi tư tưởng cuốn sách trước mặt tôi -. Nếu đối tượng là chính tư tưởng thì gọi là chân lý mô thể – V. formelle : tư tưởng phù hợp với chinh mình, vd : Tôi quyết đoán về những khả hữu (không mâu thuẫn với chính tư tưởng)

d/- Chân lý lý thuyết – V. théorique , vd : Nguyên lý đồng nhất A = A , khác với chân lý thực tiễn – V. pratique, vd : Phải thảo kính cha mẹ.

e/- Chân lý đệ nhất, tuyệt đối – V. première, absolue : chân lý bao gồm mọi chân lý, khác với chân lý tương đối – V. relative : chưa bao quát được mọi khía cạnh sự thật, vd : Con người là thú vật.

f/- Chân lý cứ lý – V. de droit : cứ lý mà nói thì thật, vd : Có thể có hình tỷ giác.

g/- Chân lý gía trị học – V. axiologique : chân lý xét theo khía cạnh gía trị, thoả mãn được nhu cầu tinh thần thể xác của ta.
 
(4) Khởi điểm của Luận lý học :

Con người là “tinh thần nhập thể” (esprit incarné) hay “thân xác được thần linh hoá” (corps spiritualisé) hay “hữu thể tại thế” (Être au monde) : con người đi vào thời gian và không gian, trao đổi với ngoại giới để thu thập kiến thức nhờ học nói và học tư tưởng. Do đó có hai đường lối tư tưởng : SUY LÝ và NGOẠI LÝ.

Suy lý , đó là của Tây phương, ăn nói đầu cuối mạch lạc. Đây là điều kiện để thu thập kiến thức. Suy lý thấy có trong luận lý học, nhất là Luận lý học hình thức- NGOẠI LÝ, của Đông phương, mập mờ, cố hữu, kỳ cựu, được xưa trọng , nay bị khinh, kiểu này ăn sâu vào bản chất con người. Ngoại lý  thường có trong huyền thoại, nhất là tôn giáo ; tư tưởng được biểu tượng hoá.

Kinh nghiệm cho thấy sai lầm bao giờ cũng là sai lầm của một phán đoán, một tư tưởng. Như thế chỉ con người mới sai lầm vì chỉ con người mới có phán đoán. Có hai loại sai lầm : khi tư tưởng không phù hợp với thực tại , và khi tư tưởng không phù hợp với tư tưởng. (mâu thuẫn, ngụy biện lưỡng nghĩa, kết luận vượt qúa tiền đề)

Vì vậy, Mouy viết :” Vì thấy mình phán đoán sai nên con người tự hỏi mình phải phán đoán như thế nào ? Và luận lý học bắt đầu từ đó. “
 
(5) Lịch sử môn Luận lý học.

a/- Thời Thượng cổ Hy lạp (antiquité)

– Aristote (384-322 AC) lập ra môn Luận Lý Học Hình Thức với tác phẩm Organon.

– Phái Ngụy Biện Tiền Socrate (Protagoras & Gorgias) biết lý luận nhưng hay ngụy biện để đánh lừa hầu thu phục nhân tâm… Ngụy biện không xây trên lý trí. Mối liên lạc trong tư tưởng của ngụy biện có vẻ chặt chẽ nhưng không là lý luận thực sự.

– Các triết gia tiền Socrate và thời Socrate cũng sử dụng suy luận nhưng chưa rút tỉa được những quy tắc và điều kiện để suy luận đúng. Chỉ Aristote làm công việc này.

– Nhóm triết gia khắc kỷ đề cao Duy Danh Tự.     

b/- Thời Trung Cổ (Moyen Âge): Boetius (470-525) làm hoàn bị Luận lý học… Phái Scolastique thu thập văn phẩm Aristote và dung nạp những lối suy luận gỉa thiết của Phái Khắc Kỷ. Từ thế kỷ 14, Triết học Kinh viện xuống dốc ; Luận lý học cũng tàn.

c/- Thời Cận Đại (Moderne)

– Descartes nhìn nhận Luận lý học cổ điển chứa nhiều luật đúng nhưng không có gía trị thiết thực.

– Bacon đặt nền cho Khoa Luận lý mới với cuốn Novum Organum, đưa ra những nguyên tắc của Luận lý khoa học.

– Leibniz đề xướng một Luận lý học có một gía trị phổ quát, diễn tả đường lối tư tưởng bằng hệ thống ký hiệu (Logistique)       

d/- Thời Hiện Đại (Contemporaine) tiếp tục luận lý toán học với hai mục tiêu :

– dùng ký hiệu toán đại số để xác định những ý nghĩa không rõ ràng của ngôn ngữ thông dụng.

– hy vọng diễn tả được những khía cạnh tư tưởng bằng cách kê khai tất cả mối tương quan luận lý chỉ có trong tư tưởng.   

Vài xướng xuất mới :

    + Logique ambivalence : luận lý học lưỡng gía.

    + Logique polyvalence : LLH đa gía.
 
(6) Khoa Học về Lý Trí

Ta đã thấy Luận lý học được định nghĩa là khoa học về lý trí, đề cập đến những qui luật phải theo để suy luận cho đúng và đạt được chân lý. LLH chính là khoa học có mục đích xác định trong những động tác trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý : động tác nào đúng, động tác nào sai.

Những động tác trí tuệ được điều khiển bởi lý trí và phải theo một số nguyên tắc căn bản. Do đó, xin nói thêm một chút về Lý trí và những nguyên tắc căn bản của nó.

a/- Lý Trí : Có lý trí cấu tạo (raison constituante) và lý trí được cấu tạo (- constituée) – Lý trí cấu tạo là lý trí đích thực, một tài năng thiên bẩm, làm nên lý trí được cấu tạo. Lý trí được cấu tạo là lý trí hình thành qua thời gian và được sửa đổi cho thích ứng với từng thời đại.

Các định nghĩa và phê bình các định nghĩa về lý trí :

    + Định nghĩa chung : “lý trí là toàn thể nhưùng nguyên lý thuần lý” – : chỉ nói lên một khía cạnh.

    + Descartes : “Lý trí là tài năng cho phép ta phán đoán chính xác, phân biệt đúng sai “ – : có nói nhưng chưa rõ về những nguyên lý thuần lý.

   + Kant : “ Lý trí là khả năng có những nguyên lý “ – : đề cập đến những nguyên lý mà không nói gì đến những động tác phán đoán và suy luận như Descartes.

    + Tự điển Hàn Lâm Viện : “ Lý trí là tài năng trí thức nhờ đó con người nhận thức, phán đoán và sinh hoạt.” – : nói tới phán đoán, suy luận mà không nói tới nguyên lý.

Kết Luận :  Lý trí là tài năng có những nguyên lý và điều động mọi động tác tinh thần như phán đoán và suy luận. – Lý trí là tài năng thiết lập những tương quan hay nối liền những ý tưởng.

b/- Những nguyên tắc căn bản của lý trí hay những nguyên lý thuần lý :

– Nguyên lý Đồng Nhất (principe d’identité) :” Cái gì có là có ; cái gì không có là không có ” : một vật nào đó là chính nó chứ không thể là vật khác , A là A ;Tôi là tôi ; Ngồi học là ngồi học, không phải là đi dạo.

– Nguyên lý Mâu Thuẫn (P. de contradiction) :” Cùng một vật, không thể vừa có, vừa không có “ – đây là hình thức tiêu cực của nguyên lý đồng nhất.

– Nguyên lý Triệt Tam (P. du tiers exclu) :” Một vật hoặc có hoặc không có, không thể có trường hợp thứ ba. “

– Nguyên Lý Túc Lý (P. de raison suffisante) :” Mọi sự vật đều có lý do “

– Nguyên Lý Cứu Cánh (P. de la finalité) :” Mọi sự vật hoạt động đều vì một mục đích nào đó “.

– Nguyên Lý Nhân Qủa (P.de causalité) :” Trong cùng một hoàn cảnh, một nguyên nhân bao giờ cũng sinh cùng một hậu qủa “.

– Nguyên lý Tất Định (P. de déterminisme) :” Các hiện tượng đều xảy ra một cách cố định bất biến “.    Các nguyên lý này đều có đặc tính : phổ quát : đúng cho tất cả mọi người và cho tất cả mọi vật, mọi người phải tuân theo những nguyên lý này ;  tất yếu :  tất yếu đối với chủ thể, không thể không theo những nguyên lý này – và tất yếu đối với sự vật, sự vật luôn phản ánh mối tương quan giữa nhau ; hiển nhiên :  xác thực, chắc chắn, ai cũng nhận thấy, không cần chứng minh, cũng không chứng minh được.