Hiểu Sống Đức Tin: Ai Là Vị Thánh Trẻ Nhất Trong Lịch Sử Giáo Hội?

0
6186


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Trong chuyến viếng thăm Fatima từ ngày 12-13/05/2017, vào dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra cho 3 thiếu nhi, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong hiển thánh cho hai thiếu nhi Francisco Marto và Jacinta Marto, qua đời lúc hơn kém 10 tuổi đời. Đây có phải là những vị thánh trẻ nhất trong lịch sử Giáo Hội không?

Khi nói đến các thánh trẻ, chúng ta nên xác định cho rõ: “thánh” được hiểu theo theo nghĩa chặt hay theo nghĩa rộng? bởi vì theo một nghĩa rộng, các chân phúc và các vị đáng kính cũng có thể coi như là thánh rồi.

Một sự phân biệt khác nữa cần lưu ý là: các thánh “tử đạo” hay “không tử đạo”? Nếu muốn kể cả các thánh tử đạo nữa, thì phải đặt các thánh anh hài ở đầu danh sách. Tiếp đến, lịch sử Giáo Hội còn ghi lại khá nhiều vị thánh trẻ tử đạo. Trong số những vị nổi tiếng hơn cả, ta có thể kể đến thánh Agnes (cuối thế kỷ III, lễ kính ngày 21/1), thánh Maria Goretti (đầu thế kỷ XX, 11 tuổi, lễ kính 6/7), cách riêng là các thánh tử đạo ở các quốc gia ở miền Viễn Đông: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong hàng ngũ các thánh tử đạo tại Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1597, có 3 thiếu niên: Anton Nagasaki và Lui Ibarki, 13 tuổi cùng với Toma Cosaki 15 tuổi (lễ kính 6/2). Ở Hàn Quốc, chúng ta có thánh Phêrô Yu Tae-ch’ol, 13 tuổi, bị giết ngày 21/10/1839 (lễ kính 20/9). Bên Trung Quốc, bốn cô: Lucia Vương Thành 18 tuổi, Maria Phạm Khôn 16 tuổi, Maria Tề Ngọc 15 tuổi, và Maria Trịnh Tự 11 tuổi; tất cả 4 thiếu nữ đều thuộc cô nhi viện Vương-Gia-La, huyện Kinh Châu, chịu tử đạo vào ngày 28/6/1900 (lễ kính 9/7). Nên nhớ là tại Việt Nam, Anre Phú yên lớn tuổi hơn (18 tuổi) và mới chỉ là chân phước; tuy rằng một thầy giảng cùng tuổi và được phong chân phước cùng ngày 5/3/2000, nhưng đã được phong hiển thánh ngày 21/10/2012, đó là thánh Phêrô Calungsod, người Philippin.

Tại sao phải phân biệt giữa các vị tử đạo và các vị không tử đạo?

Trong thủ tục phong thánh dành cho các vị không tử đạo, Giáo luật đòi hỏi hai điều kiện: một là thực hành các nhân đức tới mức độ anh hùng; hai là phép lạ. Điều kiện thứ nhất đã từng gây khó khăn cho việc mở hồ sơ phong thánh cho các thiếu nhi. Khái niệm “thực hành nhân đức đến mức anh hùng” không chỉ đòi hỏi một công việc gì khó khăn mà thôi, nhưng còn muốn đến tính bền bỉ của nó. Thời nào cũng có những “anh hùng tí hon” hoặc những “thần đồng”, nhưng đó chỉ là hiện tượng “anh hùng rơm”, nổi lên chớp nhoáng rồi sớm tắt lịm. Vì vậy, Giáo luật đòi hỏi để đáng gọi là “thực hành nhân đức anh hùng” thì cần có thời gian để chứng tỏ ý chí kiên trì, nghĩa là khoảng chừng 10 năm. Thế nhưng làm sao có thể áp dụng tiêu chuẩn này cho các em bé dưới 15 tuổi (bởi vì không tính từ lúc mở mắt chào đời, nhưng kể từ khi có ý thức về việc thực hành nhân đức).

Nói tóm lại, vấn nạn được đặt ra như thế này: các thiếu nhi có thể thực hành các nhân đức anh hùng hay không? Những ý kiến trả lời “có” đã manh nha từ hồi đầu thế kỷ XX, do Đức Giáo Hoàng Piô X. Ngài muốn hạ tuổi rước lễ lần đầu từ 12 tuổi đến 7 tuổi, vì xác tín rằng, các em có thể sớm nên thánh nhờ tiếp xúc với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, ngài chưa đi đến một quy định cụ thể, và giao hồ sơ nghiên cứu cho các nhà thần học.

Năm 1935, Bộ Phong Thánh đã chính thức nêu lên một câu hỏi cho các chuyên viên thần học, luân lý, tu đức, giáo dục, giáo luật, tâm lý, như sau: “Đến tuổi nào, một thiếu niên có khả năng thực hành một hành vi nhân đức anh hùng?”. Kết quả của cuộc nghiên cứu này được trình lên Đức Thánh Cha Pio XI ngày 24/2/1937. Nhưng Đức Thánh Cha không đi tới một quyết định nào dứt khoát. Phải chờ cho đến phiên họp khoáng đại của Bộ Phong Thánh vào đầu tháng 4 năm 1981, người ta mới đi tới quyết định là có thể mở hồ sơ phong thánh cho các thiếu nhi đã tròn 7 tuổi. Với quyết định này, hồ sơ của hai thiếu nhi Fatima có thể tiến hành.

Nói như thế, có phải là Francisco Marto và Jacinta Marto là hai thánh trẻ nhất trong lịch sử Giáo Hội không?

Câu trả lời là: vừa có vừa không.

– Phải trả lời “CÓ”, bởi vì đây là hai vị thánh (không tử đạo) trẻ nhất: Francisco Marto chưa tròn 11 tuổi và Jacinta Marto chưa tròn 10 tuổi.

– Nhưng cũng có thể trả lời là “KHÔNG”, bởi vì còn nhiều hồ sơ của những thiếu nhi trẻ tuổi hơn nữa.

Theo ngôn ngữ và tiến trình hiện hành của Bộ Phong Thánh, khi đã nộp hồ sơ thì đương sự được gọi là “Tôi tớ Chúa”; nếu đã được xác nhận thực hành các nhân đức anh hùng thì gọi là “Đáng kính”, và còn chờ 1 phép lạ để được phong “chân phúc”, và 1 phép lạ nữa để được phong “hiển thánh”. Đối với các thiếu nhi, hiện nay có thể kể đến các trường hợp sau:

– Có lẽ người trẻ nhất là em Antonietta Meo, sinh ngày 15/12/1930 tại Roma và qua đời ngày 3/7/1937 cũng tại Roma (6 tuổi rưỡi) sau khi bị cắt một chân vì ung thư. Cô bé đã để lại trong nhật ký 150 lá thư, trong đó 7 lá viết cho mẹ, 6 lá cho Chúa Ba Ngôi, 106 lá gửi Chúa Giêsu, 17 lá gửi Đức Mẹ, 2 lá gửi thánh Agnes.

– Kế đó là Gustavo Maria Bruni sinh ngày 6/5/1903 và qua đời ngày 10/2/1911 (7 tuổi) ở Torino.

– Một hồ sơ của một thiếu nữ 9 tuổi người Tây Ban Nha, Maria Del Carmen Gonzalez Valerio, sinh ngày14/3/1930 và qua đời ngày 17/7/1939 tại Madrid, và đã được tuyên bố “Đáng kính”.

– Sau cùng, Nelson Santana, thiếu nhi người Brasil, sinh ngày 31/7/1955 và qua đời ngày 24/12/1964 (9 tuổi).

Những vị vừa nêu trên đây đều đã tiến hành thủ tục phong thánh theo Giáo luật. Nhưng có một trường hợp kỷ lục mà chắc là sẽ không làm hồ sơ, đó là bé Nellie Organ, người Ai-len, qua đời ngày 2/2/1908 lúc mới được 4 tuổi, 5 tháng, 8 ngày, nhưng đã kết hiệp sâu xa với Chúa. Em đã được Đức Giám Mục ban phép rước Mình Thánh Chúa 2 tháng trước khi lìa đời. Em đã chấp nhận những đau khổ của bệnh tật để chia sẻ với cuộc khổ nạn của Chúa. Khi nghe tin này, Đức Thánh Cha Pio X đã xác tín hơn nữa để hạ tuổi rước lễ lần đầu xuống 7 tuổi thay vì 12 tuổi, với “Sắc lệnh Quam singulari” ngày 8/8/1910, như đã nói trên đây.

Vậy cho đến nay, hai anh em Francisco Marto và Jacinta Marto được coi là hai vị thánh trẻ nhất. Kế đó còn những vị thánh trẻ nào nữa không?

Có chứ. Một vị thánh khá quen thuộc với chúng ta là Dominico Savio, đệ tử đầu tiên của thánh Gioan Bosco, qua đời năm 1857 khi mới lên 14 tuổi. Lịch phụng vụ kính ngày 9/3, nhưng vì ngày này thường trùng vào mùa Chay, cho nên Dòng Salesien mừng lễ vào ngày 6/5.

Nhân nói đến gia đình thánh Gioan Bosco, cũng nên nhắc đến chân phước Laura Vicuna, sinh tại Santiago di Chile ngày 5/4/1891 và qua đời ngày 22/1/1904 lúc 12 tuổi. Tuổi cao hơn chút nữa là các thánh tu sĩ còn là tập sinh, chẳng hạn như: Stanislas Kotska, một tập sinh Dòng Tên, người Ba Lan, nhưng qua đời tại Roma năm 1568, lúc mới 18 tuổi; không lâu sau đó, vào năm 1591, Luy Gonzaga, một tu sĩ Dòng Tên qua đời lúc 23 tuổi. Ba chục năm sau, vào năm 1621, đến lượt một sinh viên Dòng Tên người Bỉ qua đời tại Roma khi mới 22 tuổi, đó là Jean Berchmans. Trở về với các tập sinh gần thời đại chúng ta hơn, nên nhắc tới Teresa de los Andes, một tập sinh Dòng kín Cát-minh, người Chile, qua đời năm 1920 lúc 19 tuổi; Gabriel Addolorata, tập sinh Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, qua đời năm 1862 lúc 23 tuổi; một tập sinh khác cùng Dòng Tên là Grimaldo, qua đời năm 1902, lúc 19 tuổi, nhưng mới là chân phước. Vị thánh quen thuộc nhất với chúng ta hẳn là Têresa Hài Đồng Giêsu, qua đời năm 1897 lúc 24 tuổi. Chúng ta kết thúc danh sách với chân phước Giorgio Frassati, một sinh viên Torino, qua đời năm 1921, cũng vào lúc 24 tuổi, và bức chân dung được treo tại lễ đài nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakovia năm 2016.

Chúng ta đã kể tên tuổi các vị thánh trẻ. Bây giờ đi vào trường hợp cụ thể của hai vị thánh mới được tôn phong, Francisco Marto và Jacinta Marto. Tại sao hai thiếu nhi này được phong thánh? Có phải vì được Đức Mẹ hiện ra không?

Đối với câu hỏi cuối cùng, thì cần phải trả lời là “KHÔNG”. Không phải tất cả những người được Chúa hay Đức Mẹ hiện ra đều là những người thánh. Một thí dụ: người thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ-Đức năm 1858 là thánh Bernardette, nhưng hai thiếu nhi được Đức Mẹ hiện ra La Salette năm 1846 thì không thấy hồ sơ phong thánh. Một cách tương tự như vậy, không có hồ sơ phong thánh cho người được Đức Mẹ hiện ra ở Banneux bên Bỉ năm 1933.

Trở về với trường hợp chúng ta đang bàn, nên biết là nguồn tài liệu về anh em Francisco Marto (tên đầy đủ là: Francisco de Jesus Marto) và Jacinta Marto (tên đầy đủ là: Jacinta de Jesus Marto) là do người chị họ Lúcia Santos (tên đầy đủ là: Lúcia de Jesus dos Santos) cung cấp.

Vào tháng 9 năm 1935, Đức Giám Mục Leiria yêu cầu chị Lúcia Santos viết tập Hồi ký về Jacinta Marto, và chị đã hoàn tất vào lễ Giáng Sinh năm 1935. Tuy nhiên, chưa thỏa mãn về tập này, hai năm sau, Đức Giám Mục yêu cầu viết chi tiết hơn nữa. Thế là tập Hồi ký thứ hai được hoàn thành vào tháng 11 năm 1937. Đến năm 1941, chị Lúcia Santos được yêu cầu kể lại tỉ mỉ hơn; đó là lý do của tập Hồi ký thứ ba được hoàn tất vào tháng 8. Đức Cha Leiria thấy còn nhiều điểm uẩn khúc cho nên truyền phải tường thuật tất cả những chi tiết còn nhớ được. Điều này được tuân hành vào ngày 8 tháng 12 năm ấy.

Qua các tập Hồi ký này, chúng ta biết Francisco Marto là một cậu bé hiền từ và nhẫn nhục. Khi chơi đùa với chúng bạn, em chấp nhận chịu thua, hoặc bị ăn hiếp. Em bé chẳng tha thiết gì với mấy chuyện lặt vặt. Em thích thinh lặng và cầu nguyện, sẵn sàng hy sinh hãm mình. Khi Lúcia Santos đến tuổi đi học, Francisco Marto nói với người chị họ rằng: “chị được đến trường học; còn em, em chỉ thích đến nhà thờ để cầu nguyện. Chừng nào đi học về, chị đến gọi em nhé”. Khi được hỏi: em làm gì trong nhà thờ, em thưa: “em nhìn Chúa và Chúa nhìn em”. Francisco Marto cảm thấy sứ mạng của mình là an ủi Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Jacinta Marto nhỏ hơn anh 21 tháng. Tính tình em vui tươi, nhí nhảnh hơn. Em thích nhảy múa và thích thi ca. Tuy nhiên, sau khi đã được thấy Đức Mẹ, em đã thay đổi hẳn: em trở nên nghiêm trang, từ tốn, và sẵn sàng chịu đau khổ.

Bên cạnh các hãm mình tự nguyện, cả hai anh em đều mắc đại dịch cúm vào ngày 23/12/1918 (nghĩa là 14 tháng sau khi được Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng). Francisco Marto qua đời ngày 4/4/1919; còn Jacinta Marto thì còn sống thêm 10 tháng nữa, và qua đời ngày 20/2/1920. Nỗi khổ của em gia tăng khi em buộc phải xa làng xóm, thân thuộc để lên bệnh viện Lisbona điều trị. Em tình nguyện dâng những đau khổ để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, và các người tội lỗi được ăn năn trở lại.

Hồ sơ phong thánh bắt đầu với những cuộc điều tra từ năm 1945 và kết thúc năm 1979. Ngày 15/2/1988, các em được nhìn nhận là đã thực hiện các nhân đức cách anh hùng. Cũng nhân vụ án này, người ta đã xác định lại ý nghĩa của thuật ngữ “anh hùng”. Dĩ nhiên là không thể đòi hỏi các em phải thực hiện các nhân đức như là những người lớn tuổi. Tuy vậy, trong mỗi trường hợp, cần phải cứu xét bản thân của đương sự, tuổi tác, phái tính, khung cảnh xã hội, cách thức đáp lại những ơn thánh Chúa ban. Cụ thể, kể từ sau khi được thấy Đức Mẹ hiện ra, hai em đã dành trót cả cuộc sống theo thánh ý Chúa, và góp phần vào việc cứu rỗi nhân loại bằng việc cầu nguyện và đền tội. Dù sao, chúng ta cũng đừng nên quên rằng, việc nên thánh cũng là ân huệ của Thiên Chúa. Chúa muốn dùng các em bé như tấm gương thúc giục chúng ta nên thánh, cũng như nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều được mời gọi góp phần vào việc cứu rỗi nhân loại. Nhờ tâm hồn trong trắng, các em có khả năng chuyển cầu cho thế giới, trong đó có cả chúng ta nữa. Qua các em bé này, Thiên Chúa bày tỏ tình Cha âu yếm của Ngài cho chúng ta.