Hôn Nhân Gia Đình: Khơi Lại Nguồn Mạch Trung Tín

0
5580


Phêrô Phạm Duy Khánh, OP.

 
I. TIẾNG GỌI ĐÒI HỎI SỰ ĐÁP TRẢ
 

Đầu tháng 12 năm 2009, nghiên cứu sinh Nguyễn Khánh Linh cùng Giáo sư Jack Dash Harris đã trình bày trong Hội thảo Việt Nam học lần III đề tài: “Nghiên cứu hiện tượng ngoại tình là cách nhìn đặc sắc về giai đoạn phát triển sau Đổi mới ở Việt Nam.”[1] Báo cáo đã nêu lên một hiện tượng lạ rằng nếu phương Tây chỉ có ba khái niệm cho các mối quan hệ ngoài vợ chồng: nhân tình, qua đường, gái điếm, thì ở Việt Nam có đến ít nhất 8 nhóm khác nhau, từ vợ nhỏ, em út, tình nhân cho đến các dạng “ăn bánh trả tiền” từ rẻ tiền đến cao cấp, và cả thể loại tình yêu không tình dục nơi công sở. Kết quả nghiên cứu đã khiến nhiều người đọc phải giật mình vì con số gần 20% người được phỏng vấn nhận là có quan hệ ngoài hôn nhân, nhưng có đến trên 90% số người được hỏi nói là có biết ai đó có quan hệ ngoài hôn nhân. Các con số đó đã cho phép hai tác giả của nghiên cứu nghĩ rằng chuyện ngoại tình rất phổ biến ở Việt Nam, “phổ biến đến mức khiến đa số người nghĩ đó là chuyện có thể chấp nhận”[2]. 

Từ báo cáo có tính cách khoa học trên về hiện tình đời sống hôn nhân tại Việt Nam, ta không khỏi ái ngại trước tính bền vững của đời sống gia đình, cách riêng là giá trị hôn nhân trong gia đình Kitô giáo. Tại các lớp giáo lý hôn nhân, các bạn trẻ thường được nhắc đi nhắc lại rằng hôn nhân công giáo có hai đặc tính: Một là đơn nhất, nghĩa là một vợ một chồng; Hai là bất khả phân ly, trung thành yêu thương nhau trọn đời.[3] Thế nhưng như báo cáo nghiên cứu ghi nhận: “Quá trình công nghiệp hóa cũng khiến cho ngành công nghệ tình dục phát triển, đồng thời với khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn, tạo ra lực lượng phụ nữ nghèo từ miền quê sẵn sàng lên thành phố làm gái điếm và phục vụ cho những người đàn ông giàu tìm kiếm dịch vụ ‘vui vẻ’ để chi tiền.”[4] Biết đâu trong những cô gái hoặc những người bỏ tiền mua vui ấy chẳng có những người đã từng đứng giữa cộng đoàn Hội thánh để thề hứa trọn đời chung thuỷ với một người khác?
 
Quả thực từ xưa tới nay, đòi hỏi sống chung thuỷ trong đời sống gia đình luôn là một thách đố đặt ra cho những người nam và người nữ đã thành hôn. Trong một xã hội đang biến chuyển mạnh mẽ như xã hội Việt Nam, tình hình càng đáng quan ngại hơn.[5] Vì thế thiết tưởng trong bối cảnh đó, lời mời gọi sống đời trung tín nơi đời sống gia đình ngày càng trở nên khẩn thiết. Bởi lẽ: “Nơi đời sống hôn nhân, tình yêu liên kết người nam và người nữ cách mật thiết đến nỗi họ không còn phải là hai, mà chỉ là một xương một thịt. Tình yêu hôn nhân còn phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành.”[6] Dẫu biết thế, nhưng vấn đề đặt ra là trước sự “chuyển dịch” quá nhanh trong xã hội cũng như tronng đời sống riêng của mỗi người, người ta phải thích ứng thế nào đây để giữ mãi lòng trung tín?[7] Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ ta cần nhận diện một vài lạch nước mát lành của đời sống gia đình, khiến tạo nên dòng suối dồi dào của sự trung tín.
 
II. NHỮNG LẠCH NƯỚC NGUỒN
 
Phải nói trước rằng tuỳ theo quan điểm mà mỗi người có thể chỉ ra những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan và cho đó là nguyên nhân dẫn đến sự sung mãn trong đời sống gia đình.[8] Theo cách nhìn này chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra quan điểm của riêng mình về một vài nguyên nhân góp phần vào việc củng cố sự trung tín trong hôn nhân.
 
1. Dự phóng tương lai
 
Cô em họ tôi kể cho nghe về tình duyên của cô ấy. Quen biết nhau đã bốn năm, từ khi cô ngập ngừng đặt chân vào giảng đường Đại học. Anh là sinh viên năm cuối. Cuộc tình của họ nhẹ nhàng và êm ả, có lúc thăng lúc trầm, đến nay đã đủ chín để đi đến hôn nhân. Gia đình bên kia đã nhiều lần đánh tiếng hỏi cưới nhưng cô thấy chưa phải lúc. “Em định là sau khi tốt nghiệp, ra ngoài đi làm chừng một hai năm đã rồi mới tính đến chuyện cưới hỏi. Anh ấy cũng đồng ý với em thế dẫu gia đình không ngừng thúc ép. Em nghĩ nếu hai đứa thật lòng với nhau và hướng đến tương lai thì một vài năm chẳng có nghĩa lý gì. Điều đó càng khiến cho tương lai của chúng em thêm vững chắc.” Nghe đến đấy, tôi mừng vì suy nghĩ chín chắn của cô em họ kia. Trộm nghĩ, để chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, rất cần thiết khi các đôi bạn vạch cho mình một định hướng. Họ cần có những trao đổi về dự phóng của tương lai. “Đôi bạn cần trao đổi với nhau về những vấn đề quan trọng như: vấn đề sinh sản và giáo dục con cái, công việc làm ăn, sử dụng tiền bạc, sống đạo, làm việc tông đồ… Bởi vì sau khi kết hôn mà không nhất trí với nhau về những vấn đề quan trọng, hoặc phát hiện ra những chuyện tình cảm của quá khứ bị giấu giếm, hạnh phúc có nguy cơ bị đổ vỡ.”[9] Thế nhưng cũng phải nói rõ rằng tất cả những dự phóng của các bạn trẻ trong giai đoạn tiền hôn nhân, thậm chí là sau này cũng vậy, phải có đích điểm chính là Thiên Chúa. “Chỉ có thể nói về dự phóng của ta khi ta có ý thực hiện kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa, nghĩa là để cho kế hoạch thần linh nhập thể vào những dự phóng của con người.”[10]
 
2. Và sự thấu hiểu
 
Trong rất nhiều nhu cầu của đời sống con người, một số nhu cầu chỉ có thể được đáp ứng trong hôn nhân, qua người phối ngẫu. Nơi quyển sách nói về nhu cầu của vợ và chồng, tiến sĩ Willard Harley cho biết, trong đời sống vợ chồng, người nam và người nữ có những nhu cầu riêng cần được đáp ứng.[11]
 
Tất nhiên những chỉ báo gợi ra của tiến sĩ Willard Harley không hẳn ai trong chúng ta cũng đồng tình. Nhưng hẳn ta phải đồng thuận với nhau rằng, tại những lễ cưới, đôi vợ chồng mới nào cũng hứa nguyện chung thủy với nhau cho đến đầu bạc răng long, nghĩa là cho đến cuối cuộc đời. Trừ những trường hợp người ta cố tình lừa dối nhau, còn không chẳng ai trong ngày cưới nghĩ rằng mình sẽ có ngày phản bội người bạn đời và san xẻ tình yêu cho người khác. Tuy nhiên sau năm năm, bảy năm hay mười năm sự việc bắt đầu thay đổi, vợ chồng có những điều buồn giận nhau, không vui thỏa với nhau, và rồi một người, hoặc cả hai người, không dành trọn vẹn tình yêu cho người bạn đời nhưng hướng tình cảm về một người khác hay một điều nào khác. Vì sao vậy? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính đó là vì những điều vợ chồng trông mong ở nhau đã không thành sự thật, những ước mơ chính đáng và thầm kín không được người bạn đời thỏa đáp. Và một trong những nguyên do chính dẫn đến chuyện sứt mẻ tình cảm là vì chúng ta không biết nhu cầu của nhau. Nguyên nhân sâu xa này không chỉ bắt đầu khi họ đã thành hôn với nhau. Có khi chúng khởi đi ngay từ hai người còn đang trong giai đoạn tìm hiểu, có nhiều trường hợp đã xảy ra giống như nhận định của Giáo sư Nguyễn Khắc Viện khi ông cho rằng: “Họ ‘tìm’ mà không ‘hiểu’, nên đến khi lấy nhau mới vỡ lẽ ra là ‘chúng ta không thể sống với nhau được’.”[12]
 
Tiến xa thêm một chút ta nhận thấy việc tìm hiểu lẫn nhau không dừng lại trước ngưỡng cửa của ngày cưới. Chúng phải được nối dài cho đến tận ngày cuối của cuộc đời mỗi người. Các nhà chuyên môn đã chỉ ra trong đời sống gia đình có rất nhiều cuộc khủng hoảng[13]. Đơn cử là khi sinh con đầu lòng[14]; khi bước qua ngưỡng cửa 40[15]; khi con cái trưởng thành và ra ở riêng[16]… Nói chung, đời sống gia đình rất dễ rơi vào tan vỡ nếu như không có sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Đây là chặng đường dài cần sự tinh tế và khéo léo. Thông thường các ông không biết vợ mình cần gì hay trông mong ở mình điều gì và các bà cũng không biết chồng cần hay trông mong nơi mình điều gì. Nhiều đôi vợ chồng rất là thương nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau, nhưng vì cứ “suy bụng ta ra bụng người,” nên đã không đáp ứng đúng nhu cầu của nhau. Thế nhưng người ta sẽ chẳng thể có sự kiên nhẫn đủ nếu giữa hai người không còn tình yêu, không còn những nỗ lực tốt đẹp dành cho nhau hay bồi đắp chính gia đình nhỏ bé của họ.
 
III. UỐNG DÒNG NƯỚC MÁT
 
Như trên đã gợi nên một vài yếu tố cần thiết giúp giữ mãi sự tươi mới của tình yêu. Trong phần này, chúng tôi sẽ tái khám phá những nét đẹp của khía cạnh trung thuỷ trong gia đình. Bởi quan niệm nhiều người cho rằng, việc sống chung thuỷ được gói gọn trong việc chịu đựng nhau, suốt cuộc đời không tơ tưởng đến một ai khác ngoài người phối ngẫu. Chúng tôi nhận thấy, nhưng khía cạnh đó chỉ là những yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Điều khiến cho đủ chính là việc những người sống trong chiều kích ấy phải cảm thấy sung mãn, thấy từng hành vi mình cố gắng thực hiện mang lại ý nghĩa không những cho ta mà cho những thành viên khác trong gia đình.
 
1. Trung thành kiến tạo tự do
 
Người ta vẫn lầm tưởng khi thề hứa trung thành với nhau là họ tự nhốt mình lại trong nhà tù của hôn nhân. Họ sợ bị người khác quản lý những gì là thâm sâu, mang tính bản sắc riêng của ta nhất. Vì thế không thiếu bạn trẻ thời nay sợ phải sa chân vào con đường hôn nhân. Nhưng thực ra, thốt lên và sống lời hứa trung thành không những mang lại sự tự do đích thực cho ta mà còn mang lại sự sung mãn cho cả người phối ngẫu. 
 
Trong nhãn quan Kitô giáo, người ta được dạy cho biết có hai thứ tự do. Thứ nhất là thứ tự do khỏi (freedom from). Đây là thứ tự do theo quan niệm thông thường. Chúng có nghĩa là được giải phóng khỏi những ràng buộc, những giới hạn, những hình thức ức chế và áp lực. Bên cạnh thứ tự do khỏi, tự do để (freedom to) xem ra được con người thời nay thường áp dụng hơn cả. Điều này ta có thể đọc thấy trong đạo lý Ki-tô giáo. Chiều kích tự do để đặt nổi yếu tố tích cực của ơn gọi làm người và động lực để dấn thân. “Tự do ở đây không chú trọng ở quyền lợi của mỗi người để lựa chọn cái này hay cái khác, hoặc làm hay không làm những gì mình muốn, mà là khả năng hy sinh chính tự do của mình cho lý tưởng cao đẹp hơn.”[17] Lý tưởng cao đẹp ấy là gì? Theo chúng tôi đó chính là “Tiến bước hướng về Thiên Chúa, hướng về ‘Đấng duy nhất Tốt Lành’, con người phải thực hiện điều thiện, né tránh điều dữ cách tự do.”[18]
 
Nơi cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Ki-tô đã chuộc lại thân phận tôi đòi của con người trước tội lỗi và lề luật. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (6,14t). Nhờ sự vượt qua của Đức Ki-tô, người tín hữu không phải lo lắng về khuôn khổ của những luật lệ sao cho được trọn lành. Họ không phải áy náy thiệt hơn về ân phúc, công nghiệp trước mặt Chúa. Bởi những công phúc ấy liệu có bù đắp hay so sánh với những gì ta được lãnh nhận. Qua cuộc lãnh nhận này, người ta được mời gọi trao hiến cuộc đời mình cách tự do cho Thiên Chúa và cho tha nhân, cụ thể là cho những người trong gia đình của mình. Vì thế có thể nói khi ta thề hứa và sống sự trung tín của ta trong hôn nhân là ta đang thể hiện sự tự do trao hiến của mình một cách rõ nét. Có sự tự do nào lớn lao cho bằng hình ảnh Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ? Có sự tự do nào vĩ đại cho bằng một Đức Giêsu hiến mình treo trên cây thập giá? Người sống đời gia đình cũng được mời gọi hoạ lại tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh nơi người phối ngẫu của mình cách tự do.[19] Chính cung cách hoạ lại này thể hiện nét đẹp của Kitô giáo, nét đẹp đó chính là sự trao tặng. Sự trao tặng không dừng lại nơi người phối ngẫu nhưng được chuyển dịch sang những đứa con trong gia đình. 
 
Là con người, ai cũng mong cho mình “được”, cái được của một lối nhìn lấy mình làm trung tâm: được có, được yêu, được chấp nhận, được sung sướng … Đó là qui luật chung của thái độ con người. Và trước khi làm cha mẹ ai cũng có thái độ ấy. Thế nhưng, khi một thanh niên làm cha, một thiếu nữ làm mẹ, tất cả những cái được ấy đều dần dần thay đổi. Thay vì mong muốn được chiều chuộng, cha mẹ bắt đầu biết chiều chuộng đứa con bé bỏng của mình. Thay vì mong muốn được yêu, cha mẹ bắt đầu yêu, yêu vô điều kiện đối với đứa con của mình. Và thay vì được muốn thêm thu nhập, muốn được sung sướng hơn, khi làm cha làm mẹ, người ta kinh nghiệm như đời mình bị đảo lộn tất cả: sẵn sàng hao tổn thu nhập vì con, sẵn sàng chịu vất vả khổ sở vì con. Cuối cùng, người cha người mẹ còn nghe thấy lời thúc bách như thể dám chấp nhận “chấm dứt tương lai” của mình để mở đường cho tương lai của con cái. Nhìn vào cuộc đời ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp vô cùng của cuộc đời làm cha mẹ. Thế nhưng ta sẽ chẳng thể được một lần chứng kiến sự phát triển hài hoà của đứa trẻ nếu cha mẹ chúng có những bất ổn về lòng chung thuỷ. Lòng chung thuỷ không những mang lại những hệ quả tốt cho con cái mà chúng còn làm cho đời sống gia đình phong nhiêu vô cùng.
 
2. Mô hình hai đường song song
 
Đặt trên nền tảng tìm kiếm sự tự do ngay trong chính lời hứa trung thành, chúng tôi nghĩ trung thành của đời sống hôn nhân là quá trình dám liều buông mình để phiêu lưu. Quá trình này không phải viển vông, bởi một mặt chúng thể hiện chữ tín, nhân cách của người đưa ra lời thề hứa (có ai trong đời không một lần đưa ra lời hứa và chưa từng giữ lời hứa?). Mặt khác chúng đang hoạ lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tuy nhiên chúng được gọi là quá trình bởi chúng không phải chỉ một lần cho xong. Chúng không dừng lại trong ngày cưới. Sống với một con người, khả năng đón nhận nhau trong từng biến cố là một chuyện rất quan trọng. Nhưng mối tương quan với con người sẽ là một sự bay lượn. Sự bay lượn này được khởi đi từ cái liều, từ đó mở ra những hoàn cảnh, biến cố mới để rồi bước tiếp một bước nữa, một tiến trình tự quyết mới trong bầu khí tự do với hoàn cảnh. Có thể minh hoạ vấn đề tự do của con người trong đời sống trung tín vợ chồng giống như hai đường song song nhau. Nét đẹp của hai đường ấy không phải là sẽ trở thành một, bởi khi nhập thành một như thế hoặc là ta kéo người kia phải thuận theo ý ta luôn mãi; hoặc là ta phải thuận theo ý người kia luôn luôn. Nếu vậy thì còn gì là tự do nơi ta? Hai đường ấy cũng không phải là hai đường thẳng song song. Nếu thế thì sự tự do nơi ta sẽ trở thành vấn đề chọn nhau “một lần cho xong”. Kể từ đấy cuộc đời ta cứ như quỹ đạo đã định sẵn. Mà tự do thì không bao giờ có thể chọn một lần cho xong, chúng sẽ mở ra những mối tương quan, hoàn cảnh mới. Vậy hai con đường ấy phải như thế nào? Theo chúng tôi, hai con đường ấy là hai con đường bay lượn. Điều ấy có nghĩa là con đường này uốn cong, con đường kia cũng uốn cong theo; con đường kia gấp khúc, con đường này cũng gấp khúc. Cứ thế, hai đường song song ấy bay lượn trong cuộc sống với những biến cố của chúng. Vấn đề con lại là vấn đề của sự hoà điệu.
 
Nếu những ai mê bóng đá, ta có thể minh hoạ bằng hình ảnh hai cầu thủ của cùng một đội. Trong bóng đá chẳng có trận cầu hoặc những pha bóng nào được lập trình sẵn. Tất cả được diễn tiến theo tình huống. Tuy vậy các cầu thủ của đội bóng dành chiến thắng là những cầu thủ ngoài kỹ năng bản thân, tuân thủ đấu pháp chiến thuật, họ cần nhiều thời gian tập luyện chung với nhau, nhất là phải hiểu ý. Đôi khi trong những trận bóng ta có cảm giác cầu thủ này, danh thủ nọ dường như có “mắt sau gáy”. Họ phối hợp với đồng đội nhuần nhuyễn. Tấn công và phòng thủ nhịp nhàng. Tại các pha ghi bàn, thường xuyên từ sự phối hợp ăn ý. Tôi nhận được banh và tấn công thế này, anh chạy cánh tìm chỗ trống để tôi chuyền bóng. Khi chuyền xong, tôi không đứng lại đó như kẻ rũ bỏ trách nhiệm. Trái lại tôi phải di chuyển tìm chỗ thích hợp để có thể nhận banh… Cứ thế trận bóng gây hào hứng cho người xem; cứ thế sự lên xuống trong biến cố thường ngày càng củng cố sự trung tín trong đời sống của các đôi vợ chồng. Cứ thế, một khi cảm nghiệm thấy sự tự do trong chính lời hứa trung tín của mình, ta sẽ nhận ra sự tự do đó không ngừng thúc bách ta xoay sở để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. “Ai trung thành thì không ngừng để ý chăm sóc đến mình và bạn mình, và đến mối quan hệ. Với sự khiêm nhường và kiên nhẫn, họ không mệt mỏi tìm cách đối diện và chấp nhận đối diện… Ai trung thành thì liên tục có sáng kiến dù lớn hay nhỏ trong đời sống thường ngày để gìn giữ mối quan hệ sao cho được sống động.”[20]
 
Tóm lại, chung thuỷ suốt đời với người phối ngẫu là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn nhân Công giáo. Điều này ngày nay càng mang một ý nghĩa đặc biệt khi sự ly dị được xem như giải pháp thường thấy trong những cuộc hôn nhân rạn nứt. Qua đó chúng ta nhận ra quả thực chung thuỷ là một thách đố không nhỏ. Vì thế ta cần cầu nguyện và cậy dựa vào ơn Chúa có sẵn trong Bí tích Hôn phối. Bởi ta tin rằng “Do hôn nhân hợp pháp, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất từ bản chất. Hơn thế nữa, trong Kitô giáo, vợ chồng được Thiên Chúa tăng sức và thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt để chu toàn những bổn phận và sống xứng đáng bậc sống của mình.”[21]
 
Song song đó ta cũng cần khám phá thấy sự mới mẻ trong chính lời cam kết sống với nhau trọn đời. Khám phá này không hoàn toàn đồng nhất giữa những người hay hoàn cảnh khác nhau. Chỉ nói riêng chiều kích tự do như trên đã trình bày, hẳn mỗi người sẽ cảm nghiệm thấy sự sung mãn khác nhay trong từng biến cố khác nhau của đời sống gia đình. Cuối cùng, nhân năm thánh Phaolô, chúng ta cùng đọc lại những suy tư rất sâu sắc dựa trên cuộc đời và giáo huấn của thánh nhân, chứa đựng trong lá thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: 
 
“Giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình mở ra cho ta những chân trời mới khi mặc cho gia đình những chiều kích sâu xa: chiều kích Ba Ngôi và vĩnh cửu. Theo Thánh Phaolô, mỗi một con người ra đời được kêu gọi vào sự sống ‘trong chân lý và tình yêu’ (Ep 4,15). Sự kêu gọi đó không chỉ liên hệ đến cuộc sống trần gian nhưng còn hướng tới sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa Cha chính là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời dưới đất, là tình phụ tử mẫu mực tuyệt hảo (x. Ep 3,14-15). Mang mẫu mực tuyệt hảo đó trong mình, Kitô hữu, xuất phát từ gia đình, lên đường xây dựng một nền văn minh tình thương nhờ tình yêu ‘Thánh Thần đổ lai láng trong lòng chúng ta’ (Rm 5, 5), giúp con người có thể kiên tâm phục vụ và ‘chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13, 7). Tuyệt vời hơn cả là nhờ Đức Kitô, nền giáo dục của con người được diễm phúc mang chiều kích cứu độ và đạt đến đỉnh điểm của nhân tính nơi mầu nhiệm Phục sinh (x. Ep 3, 14-15).” [22]
 
————

[1] Xc. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081215_viet_masculinity.shtml 

[2] Ibid. 

[3] Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin (HĐGMVN), Giáo lý Hôn nhân và Gia đình (Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2007), tr. 25. 

[4] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081215_viet_masculinity.shtml 

[5] Xem thêm: Thư chung HĐGMVN, Môi trường giáo dục gia đình Công giáo, 2008, s.10-11. 

[6] Ibid., s.4. 

[7] Xc. John L. Thomas, S.J., Bước Vào Đời Sống Gia Đình, Nguyễn Văn Dụ và Nguyễn Thị Phú chuyển ngữ (Hà Nội: nxb Tôn Giáo, 2007), tr.27. 

[8] Xc. http://vitinfo.com.vn/Muctin/SKDS/HNVGD/LA49002/default.htm 

[9] Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, ibid., tr. 59. 

[10] Équipe Notre-Dame Italia, Tình yêu và Hôn nhân, Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ (Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2008), tr. 121. 

http://www.hopeway.org/family/minhnguyen/reader.asp?src=/family/minhnguyen/ngoaitinh.txt&name=Bai&enc=2&nl=1&id=4&max=20 Willard Harley cho rằng nhu cầu đối với các ông chồng là: (1) Được vợ đáp ứng nhu cầu tình yêu chăn gối. (2) Được vợ kính trọng và vâng phục. (3) Có vợ là người bạn đồng hành, hỗ trợ những việc mình làm. (4) Có người vợ xinh xắn dễ thương. (5) Có người vợ giỏi việc nội trợ để tạo một mái ấm gia đình. Còn đối với các bà vợ, nhu cầu trong đời sống gia đình thì lại: (1) Được chồng yêu thương, trìu mến. (2) Được chồng dành thì giờ trò chuyện với mình. (3) Có người chồng mình có thể tin cậy. (4) Được chồng bảo đảm về mặt kinh tế. (5) Chồng biết thương con và lo cho con. 

[12] Trích lại trong: Lê Thị Bừng, Tâm lý học ứng xử (nxb Giáo Dục (in lần 3), 2001), tr.42. 

[13] Xc. Xc. John L. Thomas, S.J., ibid., tr.43-47. 

[14] Xc. Gilbert Tordjman, Giới tính theo cuộc đời, Đức Anh và Ngân Đăng dịch (Hà Nội: nxb Phụ Nữ, 2002), tr. 267-273. 

[15] Xc. Jacques Gauthier, Khủng hoảng tuổi bốn mươi (Sarment: Fayard, 1999), tr. 19-58. 

[16] Xc. Gilbert Tordjman, ibid., tr. 191-320. 

[17] Nguyễn Thái Hợp, Đạo đức học (Gò Vấp: Trung tâm Học vấn Đaminh, 2006), tr. 217-218. 

[18] Thông điệp Ánh Rạng Ngời Của Chân Lý (Splendor Veritatis), s. 42. 

[19] X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s.1646-1648. 

[20] Équipe Notre-Dame Italia, ibid., tr.132. 

[21] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s.1638; Bộ Giáo Luật, s.1134. 

[22] Thư Mục vụ năm 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Môi Trường Giáo Dục Gia Đình Công Giáo, s. 19.