Hội Nhập Văn Hóa: Dân Tộc Của Sự Sống Và Vì Sự Sống

0
5598


Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP.

Hội nhập Văn hóa
DÂN TỘC CỦA SỰ SỐNG VÀ VÌ SỰ SỐNG
[1]
 
Tin mừng sự sống là trung tâm sứ điệp của Đức Giêsu, được khai mở ngay buổi bình mình của ơn cứu độ: “Này ta báo cho anh em một niềm vui lớn là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em Vị Cứu Tinh, Ngài là Kitô, Đức Chúa, trong thành của Đavít” (x. Lc 2,10-11). Tin mừng đó đã được Giáo Hội đón nhận và không ngừng loan truyền cho con người thuộc mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Việc bảo vệ và làm thăng tiến giá trị sự sống trước những đe dọa của nền văn hóa sự chết phải là sứ vụ tiên quyết của mọi Kitô hữu vì qua Mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào.[2] Huấn quyền của Công đồng Vaticanô II về giá trị thánh thiêng của sự sống vẫn khẳng định tính thời sự và lập trường của Giáo Hội trước những thế lực đang nhằm thao túng sự sống của chính con người trong thế giới đa diện hôm nay: tất cả những gì chống lại sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, an tử; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn con người cả về thể xác và tinh thần; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người biến con người trở thành ngang hàng như dụng cụ thuần túy để thu lợi. Tất cả những hành động đó là hành vi xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hóa.[3]
 
Một nghịch lý mà chúng ta phải đối diện trong bối cảnh hiện nay là tất cả những giá trị luân lý trước đây bị cấm đoán thì ngày nay dần trở nên được trân trọng về mặt xã hội. Với những lý lẽ biện minh cho sự cân bằng dân số và ổn định xã hội, các thể chế chính trị đã thỏa hiệp cho những tội ác chống lại sự sống con người. Nhưng sự sống vẫn luôn là một giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm, không chỉ được tôn vinh trong nền luân lý tôn giáo mà còn được khẳng định trong các giá trị văn hóa khác biệt. Việt Nam, một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Châu Á. Với những nét đặc thù về lịch sử, chính trị, văn hóa đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa diện không những về chủng tộc mà còn về đời sống tinh thần. Bằng tiến trình lịch sử hội nhập, tiếp biến lâu dài giữa văn hóa bản địa với các giá trị văn hóa ngoại lai dần cố kết nên bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước, đó là lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, cùng các giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân.[4] Nhưng hôm nay, Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặc văn hóa được ghi dấu bằng những dấu hiệu đe dọa đến sự sống con người, thể hiện qua số liệu báo động về thực trạng nạo phá thai và bằng sự kiện Bộ Y Tế Việt Nam đã quyết định chính thức từ ngày 19-08-1997 cho phép bệnh viện phụ sản Từ Dũ thực hiện công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm, một hình thức can thiệp trực tiếp trên các phôi thai người. Sự thỏa hiệp này có thể dẫn đến sự lạm dụng nguy hiểm cho những mục đích khác nhau: chẩn đoán, trị bệnh, khoa học và cả thương mại. Điều này đi ngược lại lập trường của Giáo Hội: “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối, ngay từ lúc thụ thai”.[5] Dù có những vấn nạn phải đối diện, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn là một dân tộc của sự sống và vì sự sống, một dân tộc có lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống. Nền tảng luân lý này không chỉ được cố kết trong nền văn hóa bản địa mà còn được thể hiện cách phong phú nơi những giá trị văn hóa ngoại lai như: Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo và Kitô giáo. Bằng cái nhìn hội nhập, thật hữu ích khi chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để khám phá giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và một cách nào đó thể hiện trách nhiệm của người Kitô hữu trước vấn nạn sự sống đang tồn hiện trong xã hội Việt Nam hôm nay.
 
DÂN TỘC CỦA SỰ SỐNG VÀ VÌ SỰ SỐNG
 
Giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa và tín ngưỡng bản địa
 
Việt Nam là dân tộc có đời sống tâm linh khá phong phú và sâu đậm. Theo dòng biến chuyển của lịch sử, có những tín ngưỡng đã hoại vong nhưng cũng có những tín ngưỡng tôn giáo, ngoại sinh cũng như nội sinh, tiếp tục xuất hiện trong đời sống của người Việt Nam. Có thể nói, cho đến hôm nay sinh hoạt tâm linh vẫn là một sinh hoạt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Từ việc kính ngưỡng sức mạnh vô hình thể hiện trong việc thờ cúng vong linh ông bà tổ tiên cho đến tâm thức thần hóa những sức mạnh siêu nhiên gắn với khái niệm quỷ thần, tiên phật đã trở thành nhịp điệu thường ngày trong đời sống của người Việt Nam.
 
Với tâm thức thần hóa vạn vật, người Việt Nam quan niệm vạn vật hữu linh, từ các hiện tượng tự nhiên như trời đất, rừng núi, sông suối, sấm chớp… đến nhà cửa, làng mạc, hòn đá, gốc cây đều có hồn mà tùy theo dân tộc được sùng bái theo những hình thức khác nhau. Tâm thức kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống, nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước, đã trở thành căn tính trong bản sắc văn hóa và tín ngưỡng cổ truyền. Bản sắc này này không ngừng được bảo tồn và phát triển nhờ quá trình giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa ngoại lai như: văn hóa Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa… Quá trình giao thoa văn hóa này đã góp phần tạo nên sự đa diện, phong phú trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tô-tem giáo tiến dần đến những hình thức tín ngưỡng mang nhiều dấu vết văn hóa ngoại lai (Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo) như đạo thờ Tổ Tiên, chư Thánh, Thành Hoàng, đạo thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng các anh hùng dân tộc… Tất cả những hình thức tín ngưỡng phong phú này đều ăn sâu, bám rễ, trở thành bản sắc văn hóa bởi khi du nhập vào Việt Nam, chúng hòa điệu với tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước là tâm thức hài hòa và kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống thể hiện trong sinh hoạt cộng đồng, trồng trọt, giao tiếp, lễ hội, âm nhạc…
 
Tín ngưỡng nông nghiệp – tín ngưỡng phồn thực
 
Dân tộc Việt Nam là dân tộc gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Quanh năm lệ thuộc vào sự hòa điệu của tự nhiên. Vì vậy, ngay từ thời xa xưa, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ âm dương tương khắc tương sinh, sự hòa điệu, luân chuyển âm dương chính là nguyên lý phát sinh sự sống của con người và vạn vật. Hơn nữa sự lệ thuộc thái quá vào tự nhiên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp dần hình thành nên tâm thức thần hóa vạn vật, một tâm thức thể hiện sự bất lực của con người trước sức mạnh tự nhiên. Từ hòn đá vô tri, cây đa, giếng nước đến mây mưa, sấm chớp…đều có những mối liên hệ, tác động trực tiếp đến con người. Thế giới tự nhiên là hồn sống siêu nhiên mà con người phải kính ngưỡng bằng những hình thức sùng bái, lễ nghi để cầu mong sự trợ giúp, sự sing sôi nảy nở của cây trồng. Và biểu hiện rõ nét nhất chính là tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng tôn thờ Mẹ Lúa – Thần Lúa – Vía Lúa, được nhân cách hóa bằng hình ảnh người mẹ với nghi thức Mẹ Lúa gieo hạt và thu hoạch bông lúa đầu tiên, đúc tượng lúa, rước mạ ra đình, thờ vỏ trấu, khấn vía lúa và gọi gạo: “Gạo ơi, gạo ơi, gạo ơi. Nắm cơm, bát nước, nấu xôi, gạo à”.[6]
 
“Phồn thực” có nghĩa là sự sinh sản, sinh sôi dồi dào. Cư dân nông nghiệp liên tưởng nó với một lực lượng siêu nhiên như nguồn gốc sự sống của vạn vật. Lối quan niệm này chịu ảnh hưởng sâu sắc của vũ trụ luận phương Đông: Âm-Dương là hai nguyên khí căn nguyên của vũ trụ; sự kết hợp Âm – Dương là nguyên nhân khởi phát sự sống muôn loài. Quan niệm “âm dương-lưỡng phân lưỡng hợp” của vũ trụ luận phương Đông khi đi vào tín ngưỡng bản địa được chuyển hóa thành hai biểu tượng đặc trưng về sự sống của cư dân nông nghiệp là Đực-Cái. Con người muốn tiếp nối sự sống, cây cối muốn sinh trưởng ra hoa kết quả phải có sự giao hòa Âm-Dương, Đực-Cái. Vì vậy, trong tín ngưỡng phồn thực bản địa, trước mùa gieo cấy, bao giờ người ta cũng thờ cúng và tái hiện việc giao hòa Âm-Dương cùng các trò diễn giao phối nam –nữ qua biểu tượng sinh thực khí nam-nữ, một cách tôn vinh và kính ngưỡng sự sống như một thực tại siêu hình chi phối các hoạt động xã hội của con người.
 
Dấu vết lịch sử – đền thờ và lễ hội
 
Có thể nói, những hình thức nghi lễ phồn thực không còn phổ biến trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam nhưng những dấu vết của nó vẫn còn tồn tại trong tâm thức và di chỉ lịch sử. Theo sử liệu, khi nước ta chịu sự đô hộ của cường quyền nước lớn phương Bắc-Trung Hoa. Tư tưởng Nho giáo du nhập và dần chi phối mọi hoạt dộng chính trị-tư tưởng-xã hội. Nền luân lý Nho giáo xem tín ngưỡng phồn thực bản địa là một hình thức “dâm thần” nên tìm cách hạn chế và xóa bỏ. Nhưng những di chỉ còn xót lại cùng những lễ hội dân gian vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, một cách nào đó khẳng định tâm thức kính ngưỡng sự sống là một bản sắc đặc trưng của văn hóa cổ truyền Việt Nam.
 
Trên vùng đất Thăng Long-Hà Nội ngày nay, có một ngôi chùa khá nổi tiếng-Linh Quang Tự- còn gọi là chùa bà Đanh. Trong chùa có đặt tượng một người phụ nữ ngồi xổm, phô bày sinh thực khí, một biểu tượng đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực. Truyền thuyết dân gian “vắng như chùa bà Đanh” xuất phát từ trào lưu chống đối của Nho giáo đối với các tín ngưỡng phồn thực bản địa.[7]
 
Tín ngưỡng tôn thờ phồn thực, sinh thực khí con được thể hiện trong các bia ký và nghệ thuật trang trí đình chùa. Như hình tượng người phụ nữ phô bày sinh thực khí hay hình tượng rắn bao phủ thân thể người phụ nữ, biểu tượng phồn thực âm-dương được điêu khắc ở đình đình Phù Lão, chùa Thổ Hà (Lạng Giang-Bắc Giang)…bên cạnh các di chỉ thờ phượng còn có các nghi thức lễ hội dân gian tái hiệm tâm thức phồn thực trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc ta, tiêu biểu là lễ hội ông Đùng-bà Đà (làng Đông An-Hưng Yên), múa Mo và rước sinh thực khí.
 
Lễ hội phồn thực ông Đùng-bà Đà
 
Ông Đùng –bà Đà là vị thần thành hoàng của làng Đông An (Hưng Yên). Lễ hội bắt đầu từ mồng 6 đến mồng 10 thánh ba âm lịch hằng năm. Lễ hội tái diễn hai mặt trái ngược trong tâm thức tôn giáo của người Việt Nam. Một mặt lễ hội phê phán, lên án tội loạn luân bởi điển tích: ông Đùng, bà Đà là hai chị em. Họ đã lớn tuổi mà vẫn chưa nên vợ nên chồng. Một hôm, cả hai nảy ra ý định đi quanh núi nếu gặp ai sẽ nên vợ nên chồng, nhưng đi mãi vẫn không gặp được người nào, nên cuối cùng họ đành kết duyên vợ chồng. Điển tích này diễn xướng vào ban đêm tái diễn những hình phạt của nhà vua vì tội loạn luân, một biểu hiện cụ thể của luân lý Nho giáo. Nhưng bên cạnh đó, lễ hội cũng thể hiện tâm thức kính ngưỡng sự sống của văn hóa phồn thực cổ truyền qua nghi thức đám rước diễn xướng cảnh hai hình nhân ôm chầm lấy nhau tỏ rõ sự hoan lạc của quan hệ nam nữ. Một lễ hội pha trộn, đan xen nhiều giá trị văn hóa khác biệt. Ở tầng sâu nhất của cổ tục này là nghi lễ nông nghiệp đặc trưng với hình thức hiến sinh đôi trai gái trong trạng thái giao hoan để dâng vị thần nghề nông cầu mong sự sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó còn có dấu vết tô-tem giáo thông qua nghi thức lấy nước ở khúc sông ngâm xác hai ông bà để đồ xôi cúng thần sau đó cả làng cùng hưởng lộc. Một nghi lễ phản ánh hình thức thị tộc giết chết Tôtem (tổ tiên) của mình và sau đó ăn thịt tổ tiên như một biểu hiện của việc đồng thân, nhập xác với tổ tiên.[8] Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, tâm thức thần hóa vạn vật và bầu khí tâm linh chi phối cách mạnh mẽ mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội của dân tộc Việt Nam ngay từ buổi sơ khai.
 
Tục rước sinh thực khí và trò diễn phồn thực dân gian
 
Tục rước sinh thực khí là hình thức biểu hiện cụ thể nhất của tín ngưỡng phồn thực, tôn vinh giá trị sự sống của cư dân nông nghiệp. Vũ trụ luận Việt Nam và phương Đông là âm dương tương khắc tương sinh. Sự hòa hợp âm-dương, đực-cái theo quan niệm dân gian sẽ mang lại phong đăng cho mùa màng và sức khỏa con người. Vì vậy tục rước sinh thực khí khá phổ biến trong các lễ hội dân gian ở miền Bắc Việt Nam như tục rước sinh thực khí ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn-Bắc Ninh): đoàn rước gồm các bô lão, chức sắc trong làng, tay cầm hai lễ vật là hai sinh thực khí nam-nữ, vừa đi vừa làm động tác lồng vào nhau, biểu tượng của sự giao hòa trời đất, cội nguồn phát sinh sự sống vạn vật và mùa màng. Bên cạnh tục rước sinh thực khí còn có các hình thức múa Mo[9] (âm vật), lễ hội bắt trạch trong chum[10] (Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc), rước và cướp Nõ Nường trong các lễ hội phồn thực ở Sơn Đông (Hà Đông), Khúc Lạc, Dị Nậu (Phú Thọ)… Như vậy, rõ ràng khác với tục ông Đùng-bà Đà, các lễ hội nêu trên đã thể hiện cách công khai cổ tục phồn thực dưới dạng nguyên thủy, thể hiện ước vọng sinh sôi nảy nở của những cư dân nông nghiệp trong xã hội cổ truyền.
 
Hát đối đáp giao duyên trong lễ hội mùa xuân
 
Hát đối đáp giao duyên trong lễ hội ngày xuân dù ở hình thái “thuần khiết” nhất  vẫn là một biểu hiện phổ biến nhất của tín ngưỡng phồn thực của người Việt và nhiều dân tộc thiểu số khác ở Bắc Bộ. Hình thức hát đối đáp nam nữ có thể kể đến là hát quan họ, hát ví, hát trống quân, hát xoan, hát dặm, hát ghẹo…

Hát quan họ là dân ca xuất xứ từ Kinh Bắc. Nam giới mặc áo lương quần trắng, mang ô, khăn nhiễu, thiếu nữ kháo áo mớ ba, đội nón quai thao. Có thể hát đối nam-nữ hoặc đôi nam-đôi nữ, làn điệu rất phong phú, vừa đối giọng vừa đối lời.

Hát ví Nghệ Tĩnh là hình thức hát đối đáp trong lao động: ví phường nón, ví phường vải, phường gặt… Hát xoan tức là hát vào mùa xuân ở Phú Thọ. Dịp này, nam nữ tổ chức hát giao duyên. Xưa kia trong cuộc hát đối đáp, nam nữ có thể tự do giao hoan vì tín ngưỡng như vậy mùa màng sẽ tươi tốt, súc vật sẽ sinh sản nhiều, con người sẽ khỏe mạnh.
 
Hát trống quân là hình thức đối đáp nam-nữ, thường diễn ra vào dịp mùa thu. Trai gái tập họp thành nhóm tại các sân đình, chùa để hát đối đáp bằng những hình thức diễn xướng: vè, ca dao, dân ca dân gian, thơ văn bình dân…Họ có thể hát từ đêm nay sang đêm khác.
 
Với tất cả những dấu vết lịch sử từ đền thờ, nghi thức cổ tục phồn thực đến lễ hội, trò diễn, hát xướng đối đáp còn bảo tồn cho đến ngày nay là một minh chứng rõ ràng về tâm thức kính ngưỡng sự sống như một thực tại siêu hình chi phối mọi sinh hoạt xã hội của người Việt ngay từ buổi ban sơ. Tín ngưỡng nông nghiệp là sinh hoạt tinh thần chủ yếu của người Việt. Nó thật gần gũi, gắn bó như máu thịt bởi sinh hoạt của dân tộc Việt buổi ban sơ gắn liền với môi trường tự nhiên. Đất, nước, sông ngòi, cây cối… thật gần gũi đến nỗi được nhân cách hóa như một người Mẹ có thể chở che, bảo vệ, hộ phù. Không một dân tộc nào trên trái đất này lại dùng danh từ “đất-nước” để chỉ lãnh thổ sinh hoạt của mình. Đất-Nước, hai biểu tượng sự sống gắn liền với hoạt động trồng trọt nông nghiệp, phản ánh khát vọng sống hòa hợp với môi trường tự nhiên,  một nét đặc trưng của vũ trụ luận phương Đông âm dương hòa hợp tương sinh vạn vật.
 
Từ tâm thức thần hóa vạn vật, hình thức cổ xưa nhất của tín ngưỡng nhiên thần, dân tộc Việt Nam dần tiến thêm một bước quan trọng trong lãnh giới tinh thần là việc nhân cách hóa các thần tự nhiên thành hệ thống nhân thần.[11] Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa cái sống và cái chết trở thành mối bận tâm của con người. Dân tộc Việt Nam quan niệm rằng con người có phần hồn và xác. Thể xác và linh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt, chúng gắn bó khi sống và phân tách khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại, để tiếp tục đón nhận một kiếp sống mới ở thế giới bên kia. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng sống mới trong môi trường khác. Giữa thế giới người sống và người chết vẫn có một mối dây liên hệ mật thiết, gọi là hiện tượng âm phù-người chết phù trợ cho người sống trong tâm thức người Việt. Chính tâm thức này làm phát sinh một một hình thức tín ngưỡng khác, gọi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đây là bước nhảy vọt trong lãnh giới tinh thần của người Việt. Từ tín ngưỡng phồn thực, kính ngưỡng giá trị sự sống như một thực tại siêu hình bên ngoài tiến đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam bắt đầu quay trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người.
 
Giá trị sự sống trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự tiếp nối sự sống giữa thế giới người sống và người chết trong mối dây liên hệ, gắn bó về mặt huyết thống. “Gia đình như một đền thờ lớn. Các thành viên còn sống đứng ở trụ lang, ở cổng vào. Lần lượt kẻ trước người sau, họ vượt cái ngưỡng khủng khiếp, đi qua cửa của sự chết vào phần kia của đền thờ, vào trong cung thánh. Nhưng người này cũng như kẻ kia đều luôn trú ngụ dưới cùng một mái nhà. Các mối dây liên kết họ trong cuộc sống không bị cái chết tháo cởi, trái lại, nó trở thành vững vàng và trường cữu”.[12]
 
Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn hiện diện trong tâm thức của con cháu, và con cháu cảm thấy có trách nhiệm về vật chất lẫn tinh thần như một sợi dây nối kết vững vàng và trường cữu: một nén nhang thơm, một bông hoa đượm mùi hương, một chén nước tinh khiết và cả tiền vàng để tiêu dùng nơi thế giới bên kia. Dường như không có sự khác biệt giữa hai lãnh giới sống-chết trong tâm thức người Việt. Sự sống tiếp nối liên tục và cái chết chỉ là một dạng sống mới. Trong nghi thức thờ cúng, ông bà vẫn được hưởng dùng những vật phẩm của thế giới hiện tại và con cháu quan niệm ông bà đang hiện diện như một thực thể sống động. Một quan niệm tâm linh thật dung dị, gần gũi phản ánh tâm thức kính ngưỡng sự sống sâu xa của dân tộc Việt Nam. Một nét đẹp, một bản sắc văn hóa thật đáng trân quý và tôn vinh.
 
Nền tảng lịch sử
 
Có nhiều nhận định khác nhau về nguồn gốc phát sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam. Đây là một tín ngưỡng bản địa hay có nguồn gốc phát sinh trong qua trình hội nhập, tiếp biến văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ Bắc thuộc? Về phương diện lịch sử, đây là một tín ngưỡng tín ngưỡng bản địa, một bước tiếp nối trong lãnh giới tinh thần từ tín ngưỡng Tô-tem của người Việt cổ. Truyền thuyết Cha Rồng-Mẹ Chim (Lạc Long Quân-Âu Cơ) đã phán ánh rõ nét tâm thức này. Ngay từ buổi ban sơ, người Việt cổ đã xây dựng một hình tượng vật tổ như nguồn gốc phát sinh dân tộc và khát vọng tiếp nối sự sống. Nhưng ý thức về mối quan hệ giữa tổ tiên và con cháu được phát triển thành hệ thống lý thuyết và nghi thức thực hành chặt chẽ như một tín ngưỡng, tôn giáo chỉ xuất hiện ở hình thái xã hội phụ hệ phụ hệ, tức là thời kỳ thống trị của Nho giáo “Hệ tư tưởng Nho giáo đã có công thổi vào quan điểm bản địa mộc mạc này một triết lý, một tổ chức, một nghi thức, một niềm tin sâu sắc”.[13]
 
Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời trong những điều kiện lịch sử-xã hội nhất định. Từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy tiến đến hình thức liên kết gia đình sơ khai. Từ chế độ mẫu hệ với tín ngưỡng vật linh tiến đến thời kỳ phụ hệ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gắn liền với quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa. Trong gần 1000 năm Bắc thuộc, nền văn minh trồng lúa nước ở châu thổ sông Hồng đã hòa mình vào nền văn minh chung của Á Đông, mà Trung Quốc là trung tâm, trên tất cả các phương diện bao gồm cả phong tục tín ngưỡng. Sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ khi dòng người Hán di cư vào nước ta ngày càng đông suốt từ thời Tây Hán cho đến đời Đường và sau này trở thành một bộ phận cư dân Việt Nam. Thành phần cư dân này là nhân tố quan trọng góp phần hội nhập văn hóa Hán vào nước ta, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo với chủ thuyết xem trọng gia đình như nhân tố nền tảng của xã hội, “tề gia” được xem là nấc thang trong quá trình tu thân. Hơn nữa, luân lý Nho giáo đề cao chữ hiếu như một nền tảng đạo lý “đạo hiếu”. Hiếu là biểu hiện của nhân “hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là vâng mệnh người trên, đem những điều đó mà thi thố ra thiên hạ, thì không có điều gì là không làm được”. Như vậy, Nho giáo chính là mảnh đất thuận lợi để những hạt giống tâm linh bản địa nẩy mầm và phát triển, cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hệ thống, lễ nghi hóa trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội của các thể chế phong kiến tại Việt Nam. Quốc Triều Hình Luật của nhà Lê đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về luật hương hỏa (điều 399 và 400): Ruộng hương hỏa, dù con cháu nghèo khó, cũng không được đem bán trái pháp luật, có người tố cáo phải ghép vào tội bất hiếu. Vì đây là nguồn tài sản được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác dành cho việc thờ cúng tổ tiên, không được xâm phạm. Hơn nữa, các vương triều phong kiến còn có chế độ khen thưởng bổng lộc cho các “hiếu tử” – những người mà lúc “cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng”. Như vậy, về phương diện lịch sử, những giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa bản địa không hề suy tàn trong quá trình tiếp biến văn hóa nhưng được tiếp nối và phát triển phong phú nhờ những yếu tố văn hóa ngoại, mà trong giới hạn bài viết này, chỉ đề cập đến những đóng góp của Nho giáo trong việc tiếp nối và phát triển giá trị sự sống trong nền văn hóa bản địa.
 
Giá trị sự sống trong tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên
 
“Thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo…mà là lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với người đã khuất.”[14] Đạo lý thờ cúng tổ tiên xuất phát từ quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa giữa người đã chết và người sống. Sự sống tiếp nối không ngừng theo quy luật luân chuyển sự sống của trời đất. Một tâm thức gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước, cả cuộc đời gắn bó với thiên nhiên, hòa mình nên một với sự sống của vũ trụ.
 
Lòng kính ngưỡng sự sống còn thể hiện trong mối tương liên giữa con người với con người, giữa người đã khuất và người còn sống như một sự tiếp nối lần lượt từng người bước qua cửa của sự chết vào phần bên kia của đền thờ, vào trong cung thánh. Nơi đó, các mối dây liên kết họ trong cuộc sống không bị cái chết tháo cởi, trái lại nó trở thành vững mạnh và trường cửu.[15]
 
Vì vậy, thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện tâm thức kính ngưỡng vật tổ, nét văn hóa-tín ngưỡng Tôtem của người Việt cổ mà còn biểu lộ đạo lý uống nước nhớ nguồn.
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhắc nhở con cháu về lòng thành kính, nhớ ơn các bậc sinh thành như một trách nhiệm luân lý. Trách nhiệm không chỉ thể hiện trong các hành vi sống (gìn giữa danh dự và tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn trong các hành vi cúng tế “Các thành viên trong gia đình kính dâng các đồ cúng lễ là tuyệt đối cần thiết để linh hồn tổ tiên có được sự yên nghỉ thanh thản ở thế giới bên kia.”[16] Khi cúng lễ tổ tiên, người Việt Nam không chỉ mong nhận được phúc ấm của tổ tiên mà còn chuẩn bị phúc đức cho con cháu đời sau. Một quan niện sống duy tình – quy hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình) và chuẩn bị hành trang đạo lý cho thế hệ tương lai. Chính quan niệm tâm linh này đã giúp bảo tồn và tiếp nối những giá trị sự sống từ nền văn hóa bản địa, không ngường phát triển cho đến ngày nay.
 
Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng:[17] Con người chỉ có thể tồn tại trong các mối tương quan xã hội. Và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng rất lớn trong việc gắn kết các thành viên trong một cộng đồng, cụ thể là trong một dòng tộc, một gia đình cơ bản. Chúng ta không ngạc nhiên khi có người nhận định bản sắc văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã. Cộng đồng làng, xã chính là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người Việt Nam. Yếu tố văn hóa này chịu ảnh hưởng của nền đạo đức luân lý Nho giáo. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự tiếp nối các thế hệ: ông bà, cha mẹ, bản thân. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên gắn kết các thành viên trong mối liên hệ dòng họ. Với tư cách là một tập thể – bao gồm người đang sống và người đã khuất- gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng tộc có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên trong cộng đồng. với nền tảng tâm linh cố kết của mình, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã bảo tồn và phát triển cách phong phú những giá trị sự sống của nền văn hóa bản địa, và một cách nào đó đã hợp nhất sự hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng là một trong những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đến thời điểm này, dân tộc Việt Nam đã định hình một nền tảng đạo đức xã hội khá rõ nét dù chưa có hệ thống, cơ cấu chặt chẽ.
 
Đến những năm 110 TCN – 39 CN, nền văn hóa bản địa trải qua giai đoạn giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa lớn: Aán Độ, Nhật Bản, Trung Hoa. Chính tư tưởng khoan hòa trong tâm thức người Việt đã dung hòa những khác biệt trong văn hóa ngoại lai, tạo nên hiện tượng đồng nguyên tôn giáo. Tín ngưỡng bản địa tiếp nhận những nét đặc sắc của văn hóa ngoại lai góp phần làm phong phú bản sắc vốn có của mình. Đặc biệt là sự đóng góp của Nho giáo trong việc xây dựng hệ nguyên lý cho việc thờ cúng tổ tiên “chính Nho giáo đã có công thổi vào quan điểm bản địa mộc mạc này một triết lý, một tổ chức, một nghi thức, một niềm tin sâu sắc.”[18]
 
Nho giáo – nhân tố bảo tồn và phát triển giá trị sự sống trong văn hóa bản địa
 
Nền tảng lịch sử
 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nho giáo du nhập vào nước ta vào thời Tây Hán (khoảng 110 TCN – 39), khi cường quyền nước lớn Trung Hoa đặt ách thống trị, khởi đầu 1000 năm Bắc thuộc. Chính quyền phong kiến nhà Tây Hán đặt các thái thú Tích Quang và Nhâm Diên trị sở về mặt hành chính quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Theo sử liệu, chính thái thú Tích Quang và Nhâm Diên với đường lối nghĩa giáo, lễ trị là những người có công đầu trong việc truyền bá và phát triển tư tưởng Nho giáo trên vùng đất Lĩnh Nam. Đến những năm 187-226, thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp, một người am tường các sách kinh điển Nho gia, đã góp phần làm phát triển học thuyết Nho giáo qua việc giáo hóa dân chúng, vì vậy ông đã được dân tộc ta tôn xưng là Nam Giao Học Tổ. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại: “Sau khi Hán Linh Đế mất, thiên hạ loạn lạc, chỉ có Giao Châu, trị sở của Sĩ Nhiếp, người khoan dung, nhân hậu, kính trọng kẻ sĩ, là còn hơi yên tĩnh, nên nhân tài, danh sĩ nhà Hán sang lánh nạn khá đông, trong số đó có nhiều người làm nghề dạy học truyền bá đạo Nho.”[19]
 
Chính Nho giáo là nhân tố góp phần xây dựng hệ nguyên lý cho việc thờ cúng tổ tiên vốn có nguồn gốc từ bản địa, ở cả ba phẩm trật: gia đình, dòng tộc và nhà nước. Khổng Tử là người đầu tiên xây dựng một học thuyết hoàn chỉnh cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong học thuyết Nho giáo. Ơû nước ta, việc cúng tế tổ tiên từ khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo mới phân theo thức bậc và lễ tiết. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: các rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười gọi là tam nguyên, các nhà đều thờ cúng tổ tiên.[20] Các vương triều phong kiến ủng hộ tín ngưỡng này vì nó góp phần quan trọng vào việc tổ chức xã hội, đảm bảo trật tự cơ cấu từ gia đình, dòng tộc cho đến quốc gia. Nhưng nguyên nhân sâu xa bởi tín ngưỡng bản địa này đã tiếp biến và phát triển phong phú trong mảnh đất Nho giáo. Đạo hiếu – tư tưởng cốt lõi trong hệ thống luân lý Nho giáo đã góp phần bảo tồn và thăng hoa giá trị sự sống, bản sắc của nền văn hóa bản địa. Một sự dung hợp hiếm thấy. Chính yếu tố này giúp Nho giáo ngày càng bám sâu và ảnh hưởng cách mạnh mẽ trên đời sống tinh thần và thiết chế xã hội Việt Nam trong hơn 1800 năm.
 
Đạo Hiếu của Nho giáo – nhân tố bảo tồn và phát triển giá trị sự sống của văn hóa bản địa
Nho giáo thiết chế xã hội dựa trên ba quan hệ căn bản theo chiều dọc gọi là “tam cương”, đó là vua-tôi, cha-con, chồng-vợ. Trong ba quan hệ đó, có hai quan hệ thuộc thiết chế gia đình, đó là cha-con, chồng-vợ. Vì vậy, tư tưởng Nho giáo xác định việc tề gia là điều kiện tiên quyết để có thể trị quốc. Thiết chế gia đình thuộc lĩnh vực gia quy, còn quan hệ vua-tôi thuộc quy phạm quốc pháp. Sự thống nhất giữa nhà và nước cần thiết như thế nào thì sự thống nhất giữa quy và pháp cũng cần thiết như vậy. Vì vậy, để xây dựng thiết chế gia đình ổn định, Nho giáo đề cao đạo hiếu như nền tảng bảo đảm sự ổn định xã hội.
 
Về phương diện chiết tự, theo các nhà khảo cứu văn tự cổ của Trung Quốc thì chữ “Hiếu” kết cấu theo thể loại hội ý[21], nghĩa là chữ viết phản ánh cả một quan niệm xã hội. Phía trên chữ hiếu tượng trưng nam nữ giao phối, phía dưới là chữ “tử”, tượng trưng cho sự sống phát sinh từ hành vi tính giao nam nữ. Như vậy ngay trong ý nghĩa từ ngữ, chữ hiếu đã bao hàm ý niệm về sự sống trong tâm thức của người xưa. Một sự hòa điệu kỳ lạ giữa đạo hiếu của nho giáo với tín ngưỡng phồn thực bản địa liên quan đến ý thức tôn trọng sự sống.
 
Khổng tử nói: “Chặt một cái cây, giết một con thú không đúng thời điểm, như vậy không thể gọi là hiếu được” – (đoạn nhất thụ, sát nhất thú, bất dĩ kì thời, phi hiếu dã). Đối với Nho giáo, đạo đức lớn nhất chính là sự sống (đại đức viết sinh – ). Không chỉ những hành vi can thiệp hay phá hoại sự sống mới bị xem là “bất hiếu” mà ngay cả những hành vi không tiếp tục tạo ra sự sống cũng bị quy gán vào tội “bất hiếu”. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” – “Có ba điều bất hiếu, điều bất hiếu lớn nhất là không tạo sinh, duy trì nòi giống”.
 
“Thận chung, truy viễn” – “kính nhớ tổ tiên và duy trì sự sống qua việc tạo sinh” là lẽ sống bất di dịch của đạo đức Nho giáo, chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ mọi thiết chế gia đình thời xưa. Cúng bái tổ tiên là hiện tượng ít nhiều liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Hạt giống tín ngưỡng phồn thực ở những mảnh đất khác nhau mọc thành những cây khác nhau.[22] Khi du nhập vào Việt Nam, chính Nho giáo đã khoác lên tín ngưỡng phồn thực bản địa một hệ nguyên lý, một cơ cấu nghi thức, phẩm trật khiến cho tín ngưỡng này mang nặng tính xã hội hơn tính tôn giáo. Cúng bái tổ tiên là biểu hiện bên ngoài của “đạo hiếu” bên trong. Đạo hiếu trở thành giá trị đạo đức vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính xã hội. Mang tính tự nhiên vì tạo sinh và duy trì sự sống là đặc tính căn bản của đạo hiếu. Nhưng trong cơ cấu xã hội vẫn có những ngăn trở về mặt đạo đức như trong thời gian để tang bố mẹ, người con không được quan hệ tính giao nam nữ, đó là hiếu tử.
 
Đạo Hiếu trong luân lý Nho giáo bao hàm cả ba nghĩa: cúng bái để tỏ lòng tưởng nhớ  tổ tiên, sinh con đẻ cái để kế tục giống nòi, phụng dưỡng và kính trọng cha mẹ.[23] Văn hóa chữ “Hiếu” của phương Đông dựa trên quan hệ huyết thống ăn sâu bám rễ từ nghìn đời và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ý thức quan hệ huyết thống là biểu hiện cụ thể của tâm thức kính ngưỡng sự sống, một giá trị văn hóa phương Đông nói chung và là một bản sắc của văn hóa Việt Nam nói riêng. Chính sự tương đồng này là nguyên nhân lý giải về sự dung hợp và đồng nguyên văn hóa giữa Nho giáo và văn hóa truyền thống Việt Nam. Nho giáo trở thành nhân tố góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị sự sống trong văn hóa bản địa. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự đối với Phật giáo và Đạo giáo khi du nhập vào Việt Nam. Phật giáo từ Ấn Độ không xem “đạo hiếu” là nền tảng đạo đức. Quan niệm đạo đức của Phật giáo Ấn Độ khác về cơ bản với quan niệm đạo đức Nho giáo ở chỗ “cảnh giới đạo đức cao nhất là đạo đức ngược lại với đạo đức thế tục.”[24] Chữ “hiếu” của Nho giáo thuộc văn hóa trần tục còn đạo đức của Phật giáo thuộc văn hóa siêu trần tục. Phật giáo tuy cũng đề cập đến Tứ Ân[25], trong đó báo ân cha mẹ được đặt ở hàng đầu, nhưng ân và báo ân của Phật giáo không tương đồng về nội dung với hiếu và báo hiếu của Nho giáo. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, yếu tố văn hóa bản địa, đặc biệt là đạo lý hiếu nghĩa của Nho giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên giáo lý Phật Giáo tại Việt Nam. Vì vậy, thật không lạ khi chỉ có Phật Giáo Việt Nam có kinh Vu Lan, còn được gọi là Hiếu Kinh Phật Giáo hay kinh Phụ Mẫu Ân Trọng, một kinh Phật không hề có trong hệ thống kinh điển Phật Giáo Aán Độ. Điều này cho ta thấy, đạo Hiếu đã chi phối các giá trị văn hóa mạnh mẽ như thế nào.
 
Sách Hiếu kinh được phương Tây gọi là Kinh Thánh của phương Đông đã hệ thống hoá những hành vi đạo đức như những chuẩn mực về đạo hiếu:
 
“Hiếu là cái gốc của đạo đức, giáo hóa bắt đầu mà ra” (phù hiếu, đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã).
 
“Việc đầu tiên của đạo hiếu của đạo Hiếu là không được hủy hoại thể xác, da tóc do cha mẹ sinh ra. việc cuối cùng của chữ Hiếu là thực hành đạo lý, làm nên sự nghiệp lưu danh hậu thế, vẻ vang cho cha mẹ” – “Thân thể phát phu, thọ cho phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi trung dã”. Đạo “Hiếu” theo luân lý Nho giáo không chỉ giới hạn ở hành vi phụng dưỡng, tôn kính cha mẹ khi còn sống hay trách nhiệm thờ kính khi cha mẹ đã khuất. Đạo hiếu thể hiện ngay trong thái độ tôn trọng những giá trị sự sống nơi bản thân “không hủy hoại thể xác, da tóc do cha mẹ sinh ra”. Sự sống con người là kết quả giao hòa trời- đất, là hội tụ khí huyết của bậc sinh thành. Vì vậy, tự bản chất, sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả xâm phạm. Tôn trọng sự sống của chính mình và người khác là biểu hiện tinh thần hiếu để Nho giáo.
 
Sách Thuyết Văn đã tóm lược giá trị tinh túy của đạo hiếu Nho giáo: “Thờ mẹ, kính cha trọn đạo” (thiện sự phụ mẫu). Trọn đạo ở đây khái quát thành bốn chữ: “dưỡng” (nuôi nấng), “kính”(thái độ kính trọng), “gián” (can gián những điều sai), “thuận” (không làm phật lòng, trái ý cha mẹ). Nho giáo xem chữ “hiếu” là nền tảng của đạo đức nhân ái, hay nói cách khác, toàn bộ kiến trúc Nho giáo được xây dựng trên nền tảng chữ “hiếu”. Chính trị có vững vàng hay không phụ thuộc vào đạo đức, đạo đức có ổn định hay không phụ thuộc vào chữ hiếu: “Người quân tử phải giữ lấy cái gốc, gốc vững thì đạo lý tự khắc hình thành. Cho nên hiếu đễ chính là cái gốc của học thuyết nhân” – “Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu để giả kì vi nhân chi bản dư”.
 
Đạo hiếu Nho giáo vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội. Về mặt xã hội, là chỗ dựa vững chắc của thể chế chính trị phong kiến. Vì vậy chế độ phong kiến càng lỗi thời, thì nội dung của chữ hiếu càng lạc hậu và bảo thủ, theo kiểu ngu hiếu, ngu trung. Khi đó, nó tước đoạt giá trị nhân văn vốn có là lòng kính ngưỡng và tôn trọng sự sống. Có thể, tư tưởng Nho giáo nặng về cơ cấu, hình thức tổ chức nên đôi lúc làm phai mờ nét đặc trưng tự nhiên của đạo hiếu là tâm thức kính ngưỡng sự sống “hiếu sinh, ố tử”. Vì vậy, trong bài viết này, tôi muốn bứt phá khỏi cái nhìn phiến diện mang tính xã hội của Nho giáo, để trở về nguồn khám phá những nét nhân văn trong tinh thần hiếu đễ Nho giáo, một mảnh đất màu mỡ đã nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển những giá trị sự sống của nền văn hóa bản địa. Chính Nho giáo là một trong những nhân tố góp phần định hình bản sắc văn hóa Việt Nam. Viên ngọc được mài giũa đã lộ rõ những đường nét sắc xảo. Nhưng những đường nét này ngày càng tinh xảo hơn khi một lần nữa, văn hóa Việt Nam trải qua quá trình tiếp biến với văn hóa Tây phương, cụ thể là văn hóa Kitô giáo vào những năm đầu thế kỷ XVI. Về mặt xã hội, đây là một cuộc hội nhập không thành công. Nhưng nhìn từ khía cạnh đạo đức, chính nền tảng luân lý Kitô giáo về nhân vị, tự do và phẩm giá con người đã góp phần làm phong phú và thăng hoa bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng trong hơn 400 năm hiện diện của mình, Kitô giáo vẫn còn xa lạ với nền văn hóa dân tộc. Cho đến hôm nay dân tộc Việt Nam đang đứng trước những vấn nạn về sự sống và trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người. Vì vậy, người Kitô hữu  phải có trách nhiệm trình bày Tin Mừng Sự Sống như trung tâm sứ điệp rao giảng của Đức Kitô: “Này ta báo cho anh em một niềm vui lớn là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em Vị Cứu Tinh, Ngài là Kitô, Đức Chúa, trong thành của Đavít” (x.Lc 2,10-11)
 
 
 
 

 

[1] “Anh em là dân tộc thuộc về Thiên Chúa, có nhiệm vụ loan báo những kỳ công của Người” (x.1 Pr 2,9).
[2] Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, vui mừng và hy vọng, số 22.
[3] Hiến chế mục vụ Vui mừng và hy vọng, số 27.
[4] Trích lược nội dung sứ điệp của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23 tháng 08 năm 2004
[5] Hiến chương Quyền gia đình do Tòa Thánh công bố: báo Osservatore Romano, 25-11-1983.
[6] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 28.
[7] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 344.
[8] Tôcarép, Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát tiển của chúng (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 1994), tr. 34.
[9] Lễ hội múa Mo khai hội ngày 6 tháng 2 âm lịch tại Sơn Đông (Hà Tây). Vật dâng cúng gồm báng dầy và bánh cuốn, biểu tượng sinh thực khí nam và nữ. Sau nghi lễ phồn thực, một người tung khúc tre và mo cau để mọi người tranh cướp lấy may, còn bành dầy bánh cuốn thì đem biếu các làng lân cận. Sau đêm hội, trong ba tháng xuân trai gái được tự do luyến ái mà không bị phạt vạ theo lệ làng.
[10] Lễ hội bắt chạch trong chum khai hội mồng 6 tháng Giêng tại làng Văn Trưng (Vĩng Phúc) với trò chơi đầy tính phồn thực, trai gai vừa ôm nhau vừa bắt trạch trong chum. Ban giám khảo là các bô lão có nhiệm vụ quan sát các đôi trai gái cho họ cùng nhau phải làm được hai việc một lúc: vừa đùa nghịch, vừa cùng nhau bắt chạch.
[11] Đông Phong, Về nguồn bản sắc dân tộc (TPHCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), tr.21.
[12] L. Cadierre, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 1997), tr. 40.
[13] Đặng Nghiêm Vạn, Điểm qua tình hình tôn giáo hiện nay (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1994), tr. 43.
[14] Toan Ánh, Nếp cũ-tín ngưỡng Việt Nam (TPHCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992), tr. 23-24.
[15] L. Cadierre, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 1997), tr. 40.
[16] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1994), tr.100.
[17] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 54.
[18] Đặng Nghiêm Vạn, Điểm qua tình hình tôn giáo hiện nay (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1994), tr. 43
[19] Hà Thúc Minh, “Nho giáo-vấn đề lý luận và thực tiễn,” tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 3.
[20] Đại Nam nhất thống chí, tập I (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1971), tr. 116.
[21] Trung Hoa hiếu văn hóa chuyên tập, bản Việt ngữ Nguồn gốc chữ “Hiếu” và giá trị hiện đại, Trương Lệ Hồng dịch (Ngũ Châu văn minh, 2004), tr. 71.
[22]  Hà Thúc Minh, “Chữ “Hiếu” từ tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đến đạo đức văn minh hiện đại,” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 4.
[23] Hà Thúc Minh, “Chữ “Hiếu” từ tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đến đạo đức văn minh hiện đại,” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 5.
[24] Kỳ Chí Tường, Phật học và văn hóa Trung Quốc (Học Lâm xuất bản xã, 2000), tr. 355.
[25] Xc. Kinh Tâm Địa Quán, quyển 2, Tứ Aân gồm ân cha mẹ, ân quân vương, ân chúng sinh và ân Tam bảo.