Hiểu Sống Đức Tin: Lời Khấn Thứ 4 Trong Các Dòng Tu

0
740


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
 
Thường thường các tu sĩ phải giữ ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Nhưng nghe nói có Dòng có tới bốn, năm lời khấn. Tại sao như vậy?

Trong mục “Tìm hiểu Giáo luật”, tôi đã nói qua sự tiến triển về các hình thức của sự cam kết mà các tu sĩ phải tuyên giữ. Tôi đã có dịp nói tới trường hợp của Dòng Đaminh chỉ tuyên một lời khấn, lời khấn vâng lời, thay vì số ba như các Dòng khác. Lần này thì chúng ta bước sang trường hợp ngược lại, tức là những dòng thêm lời khấn thứ tư hay nhiều hơn nữa. Lịch sử bắt đầu từ thời Trung cổ. Chúng ta nên nhớ rằng từ thế kỷ IV hình thức tu trì thịnh hành trong Giáo hội là đời sống đan tu. Sang tới thế kỷ XII, bắt đầu xuất hiện những Dòng làm việc tông đồ. Các Dòng này, ngoài các nghĩa vụ cổ truyền của đời tu, còn thêm một lời cam kết nữa sẽ đi phục vụ công tác chuyên biệt của Dòng. Theo các sử gia, hai công thức cổ nhất của lời khấn thứ tư là Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi và Dòng thánh Clara, cả hai vào thế kỷ XIII. Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi thêm lời khấn sẽ đi cứu những người công giáo bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ; còn lời khấn của Dòng Clara là giữ nội vi. Từ đó, nhiều Dòng đã thêm lời khấn thứ tư vào ba lời khấn cổ truyền, ra như muốn biểu lộ đặc sủng riêng của Dòng mình. Thêm vào đó, có những thời buổi mà đời tu xuống dốc quá, nên các vị sáng lập hay cải tổ muốn thêm một lời khấn nhằm bài trừ một khuynh hướng mà họ cho là nguyên nhân của sa đoạ.

Cha có thể kể vài tỉ dụ?

Chúng ta có thể lấy tỉ dụ thuộc cả hai động lực, nghĩa là hoặc là nhằm biểu lộ mục tiêu hoạt động riêng biệt của Dòng hoặc là nhằm bài trừ một tệ đoan. Dĩ nhiên là loại thứ nhất có nhiều và đáng kể hơn. Thí dụ: phục vụ người đau yếu (Dòng thánh Camillo de Lellis), phục vụ bệnh viện (Dòng thánh Gioan Thiên Chúa), phục vụ người nghèo (Dòng Thừa sai truyền giáo), giáo dục thiếu niên (Dòng sư huynh Lasan), suy gẫm sự thương khó của Chúa (Dòng Passionisti). Còn loại thứ hai ta có kể vài trường hợp tựa như khấn sẽ không mơ ước làm Giám mục (Dòng Chúa Ba ngôi, Dòng Tên, Dòng Camillô), khấn sẽ trình Bề trên nếu bị Toà thánh bắt nhận chức Giám mục (Dòng Tên), lời khấn sẽ không làm linh mục (Dòng Escolapiô và một số trợ sĩ trong các Dòng Augustinô, Carmêlô). Đối với các Dòng nữ, cần phải kể tới lời khấn giữ nội vi. Sau cùng còn phải kể tới lời khấn vâng phục Đức Thánh Cha. Theo một thống kê vào năm 1987, thì trải qua lịch sử đã có 140 loại lời khấn thứ tư, trong số đó loại thứ nhất chỉ chiếm một phần ba.

Có nhiều Dòng thêm lời khấn thứ tư không?

Tôi không rõ cho lắm, nhưng có điều là thái độ của Giáo hội khi thì khuyến khích, khi thì làm ngơ, lúc thì cấm thêm lời khấn thứ tư. Như đã nói, lời khấn thứ tư xuất hiện từ thế kỷ XIII với các Dòng chuyên biệt hoạt động tông đồ. Công đồng Trentô mặc nhiên chấp nhận tục lệ đó trong sắc lệnh bàn về đời tu. Sang thế kỷ XVII-XVIII, con số các Dòng hoạt động tông đồ tăng lên, và vì vậy việc khấn lời khuyên thứ tư coi như là chuyện thường tình, xét vì mỗi Dòng thấy cần phát biểu căn cước riêng của mình.

Thế nhưng, vào cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, Toà thánh không cho phép các Dòng mới được phát biểu lời khấn thứ tư nữa, viện lẽ rằng ba lời khấn đã đủ để diễn tả các nghĩa vụ căn bản của đời tu rồi; các nghĩa vụ khác không nói ra thì đã bao hàm trong lời khấn vâng lời. (Một khi đã khấn vâng lời, thì tất nhiên là phải tuân giữ những gì bề trên truyền dựa theo hiến pháp của Dòng). Lập trường của Toà thánh được xác nhận trong Quy luật về việc châu phê Dòng ban hành năm 1901. Tuy nhiên, hai bộ giáo luật ban hành năm 1917 và 1983 thì không đả động tới điểm này nữa. Sự làm thinh như vậy được coi như là không cấm. Vì vậy từ sau công đồng, khi duyệt lại Hiến pháp, thì nhiều Dòng hoặc tái khẳng định lời khấn thứ tư nếu đã có, hay sửa đổi lại công thức cho phù hợp với thời đại hơn. Nhưng cũng có Dòng trước kia không có lời khấn thứ tư, thì nay cũng du nhập vào. Và rồi các bản Hiến pháp ấy vẫn được Toà thánh châu phê, chứ không bị làm khó dễ. Thiết tưởng sự thay đổi thái độ của Toà thánh đối với lời khấn thứ tư không hệ tại bản chất thần học của lời khấn cho bằng tại quan niệm pháp lý về các Dòng tu.

Trong các thế kỷ gần đây, và nhất là từ năm 1900, Toà thánh ra như muốn cho tất cả các Dòng phải giữ một luật như nhau. Thậm chí, nhiều Dòng nữ được thành lập trong thời gian này đã phải chấp nhận một mẫu Hiến pháp tiền chế mà Toà thánh đã soạn, và chỉ châm chế về tên gọi và kiểu áo Dòng. Phải chờ tới công đồng Vaticanô II, thì tính chất đặc sủng đa diện của các Dòng tu mới được nhìn nhận. Bộ giáo luật hiện hành (đ.578) đã nhấn mạnh rằng mỗi Dòng có quyền và nghĩa vụ bảo vệ gia sản của mình. Hiểu như vậy, ta có thể kết luận rằng nếu Dòng nào đã có lời khấn thứ tư như gia sản thì cứ việc giữ. Dù sao nên lưu ý là phần lớn các dòng có lời khấn thứ tư thuộc vào số mới thành lập trong hai thế kỷ gần đây.

Nhưng mà qua ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, tu sĩ đã hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa rồi; thế thì còn gì mà dâng trong lời khấn thứ tư nữa?

Đó là lập luận của văn kiện Toà thánh hồi đầu thế kỷ như tôi đã nói trên đây. Và có lẽ đó cũng là lập luận của nhiều tu sĩ Dòng Đaminh, cho rằng chỉ cần khấn vâng lời là đủ rồi: bởi vì vâng lời có nghĩa là vâng giữ tất cả những nghĩa vụ đời tu ghi trong Hiến pháp. Thực ra, chúng ta nói “lời khấn thứ tư” là nói cho gọn vậy thôi, chứ không phải tất cả đều gọi lời khấn thứ tư như ngang hàng với ba lời khấn chính yếu của đời tu. Một số Dòng gọi rõ là lời khấn riêng là “lời khấn tùy” (votum accidentale, votum accessorium), ra như muốn phân biệt hệ cấp của nó, sánh với ba lời khấn chính (vota substantialia, vota essentialia); có Dòng thì gọi là “lời khấn riêng biệt” (votum peculiare, votum speciale), theo nghĩa là một đặc sủng riêng của Dòng, nhằm xác định rõ hơn mục tiêu riêng biệt của Dòng họ.

Ngoài ra cũng nên biết rằng có thể một Dòng có tới hai hay ba lời khấn phụ như vậy, tuy rằng có thể không phải tất cả các phần tử đều phải khấn, nhưng chỉ có một vài hạng thôi. Thí dụ lời khấn không làm linh mục chỉ buộc các trợ sĩ; còn lời khấn không nhận chức Giám mục hay tuân phục Giáo hoàng thì có lẽ buộc các bề trên nhiều hơn. Bên cạnh các lời khấn theo nghĩa chặt (votum), có Dòng chỉ đòi hỏi một lời thề (iuramentum) (hình như ở Việt Nam người ta gọi là “lời giao”), tỉ như khi cần phải đi phục vụ ở miền truyền giáo xa xăm, hay phải thi hành một sứ mạng nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì có những quan niệm khác nhau về bản chất của lời khấn thứ tư như vậy, nên khó có thể tạo ra một học thuyết tổng quát về ý nghĩa của nó. Đại khái thì người ta vạch ra ba ý nghĩa chính sau đây:

1) Lời khấn thứ tư muốn củng cố và bảo đảm ý chí của tất cả các phần tử trung thành với mục tiêu riêng biệt của Dòng. Ý nghĩa này rõ rệt trong các lời khấn có tính cách cải tổ, vào những lúc Dòng sa sút hay bị nguy cơ lạc hướng, thì lời khấn thứ tư muốn xác quyết ý chí trung thành với ý hướng nguyên khởi, đặc biệt là sự khiêm nhường, khó nghèo, nhiệm nhặt. Dĩ nhiên có một só lời khấn ra đời vào một hoàn cảnh lịch sử riêng biệt nhưng nay đã qua rồi và trở nên lỗi thời: thí dụ sự vâng phục Đức Thánh Cha, là điều mà giáo luật hiện nay bắt buộc hết các tu sĩ (đ. 590 $2); hoặc luật nội vi Toà thánh dành cho các Dòng kín (đ.667 $3).

2) Còn đối với những Dòng mà lời khấn thứ tư nhằm tới một hoạt động chuyên biệt, thì họ cho rằng ba lời khấn căn bản quá mơ hồ trừu tượng; vì vậy cần phải xác định rõ ràng hơn ý nghĩa của việc dâng mình cho Chúa. Lời khấn thứ tư nhằm xác định cụ thể lý do của sự dâng mình: tôi tình nguyện dâng hết cả đời tôi để phục vụ người nghèo, người bệnh, người bị tù đày chẳng hạn.

3) Một chiều hướng khác nữa thì lập luận rằng: mỗi Dòng tu có một đặc sủng riêng; mỗi vị sáng lập đã nhận được một ơn gọi riêng để phục vụ Hội thánh và nhân loại. Lời khấn thứ tư nhằm biểu lộ khía cạnh đặc sủng của Dòng; và như vậy các lời khấn thứ tư biểu lộ tính cách đa dạng của đời tu, nhằm hoạ lại những nét phong phú của việc đi theo đức Kitô.