Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo: Một Cái Nhìn Mới Từ Thông Điệp Rerum Novarum Đến Thông Điệp Laudato Si’ – Phần V.a

0
2452


 GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO:

MỘT CÁI NHÌN MỚI

TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

*************

                                                  

Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.

chuyển dịch từ tác phẩm

CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESIS
RERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’

By Daniel Schwindt

 

 

PHẦN V. ĐỜI SỐNG KINH TẾ

Sau khi đã đặt các nền tảng cho nghiên cứu của chúng ta bằng việc khảo sát vai trò của Giáo Hội,[1] bản tính con người,[2] quy luật đạo đức,[3]và các nguyên tắc trong Giáo huấn Xã hội Công giáo,[4]giờ đây chúng ta có thể chú ý đến việc áp dụng cụ thể tất cả các ý tưởng trên đây trong lãnh vực kinh tế.

1. Bốn giai đoạn trong hoạt động kinh tế

Điều đâu tiên phải nói tới quan điểm của Công giáo về hoạt động kinh tế đó là quan điểm này dường như không hoàn toàn đơn giản như quan điểm về những hệ thống ý thức hệ hiện thời. Thực tế là không những phức tạp mà còn rất tinh vi nữa. Thí dụ, Giáo Hội nhấn mạnh đến công bằng không chỉ nhắm đến một ý nghĩa trực tiếp và nông cạn, nhưng hướng đến mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn xác nhận rằng công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế, vì công bằng liên hệ đến con người và những nhu cầu của họ. Việc khám phá tài nguyên, việc tài chính, sản xuất, tiêu thụ và mọi giai đoạn khác trong chu kỳ kinh tế luôn có những dính líu đến luân lý. Vì thế mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả luân lý. Các khoa học xã hội và những xu hướng kinh tế ngày nay nhấn mạnh đến cùng kết luận này. Có một thời gian người ta nghĩ rằng kinh tế được trao cho việc sản xuất của cải, còn chính trị có trách nhiệm phân phát sự giàu sang đó. Ngày nay điều này xem ra khó hơn, vì những hoạt động kinh tế không bị hạn hẹp trong ranh giới địa lý, trong khi thẩm quyền chính trị bị hạn hẹp trong ranh giới địa phương. Vì thế các luật lệ công bằng ngay từ đầu phải được tôn trọng khi tiến trình kinh tế bắt đầu, chứ không phải sau đó hay cách tình cờ.”[5]

Ý niệm về các “giai đoạn” trên đây hơi xa lạ đối với cách nhìn kinh tế hiện đại, mặc dù nó quen thuộc với các quan điểm truyền thống về kinh tế chính trị. Theo truyền thống của Giáo Hội từ Thánh Augustinô đến Thánh Tôma, có bốn giai đoạn riêng biệt phải được xem xét. Đó là: sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu thụ.

Một trong những nỗi ám ảnh nhất của thời cận đại là việc tùy tiện đơn giản hóa mọi sự.[6]Mọi thứ phải được tối giản nhất có thể. Và như vậy có thể dễ dàng đoán được rằng, sự tinh tế không còn phù hợp với xu hướng phát triển này nữa. Với Adam Smith và sự ra đời của học thuyết kinh tế hiện đại, học thuyết cổ thời và toàn diện hơn trên đây đã bị cắt xén chỉ còn là sản xuất và trao đổi mà thôi (và thậm chí, bốn giai đoạn trên chỉ được giữ lại trong một hình thức hết sức nghèo nàn). Rốt cuộc là các nhà kinh tế “tân cổ điển” lại thêm vào hình thức của yếu tố thứ ba, yếu tố phân phối. Nhưng không ai thực sự sẵn sàng để khám phá lại yếu tố cuối cùng và là mảnh ghép quan trọng nhất – việc tiêu thụ sản phẩm – và vì thế, những tiếp cận đó không đầy đủ.

2. Ba yếu tố kinh tế bị hiểu sai thành hàng hóa: đất đai, sức lao động, tiền bạc

Phong trào đơn giản hóa mọi sự luôn luôn dẫn đến kết quả là phớt lờ đi những nét đặc trưng liên quan đến sự sống. Người ta đã thực hiện những cuộc tổng quát hóa toàn diện và làm biến chất chính các sự vật để chúng có thể được gom vào trong những hạng mục đơn giản và dễ dàng xử lý hơn. Đây là những hạng mục mà các nhà kinh tế học hiện nay dùng cho các chủ đề của họ. Thí dụ, chúng ta có thể đề cập đến nỗ lực biến tất cả các yếu tố kinh tế riêng biệt thành “hàng hóa,” trong khi có thể nói rằng chúng không phải là hàng hóa tí nào. Đất đai, sức lao động và tiền bạc nằm trong trường hợp này. Chúng minh họa cho điều mà nhà kinh tế học phân phối John Medaille gọi là “hàng ảo.”[7]

Hàng hóa là “những đối tượng và dịch vụ linh hoạt, có thể tái sản xuất vốn được tạo ra chính yếu là để trao đổi trên thị trường.”[8]Điển hình là chúng ta có thể phân biệt một sự vật có là hàng hóa hay không bằng cách quan sát hoạt động của nó trên biểu đồ cung cầu truyền thống. Nếu chúng ta có thể điều chỉnh mức giá và số lượng theo cách thức nào đó tỷ như làm trệch đồ hình của cung và cầu, chúng ta sẽ nhận ra điểm cân bằng của từng thị trường cụ thể, và điều đó sẽ làm nảy ra giải đáp cho câu hỏi hàng hóa hay dịch vụ là gì, hoặc ít là trong một mức độ chính xác nào đó, cũng giúp chúng ta xem xét sự vật nào là hàng hóa. Ba loại “hàng ảo” trên đây không đáp ứng được đòi hỏi thông thường khi đặt chúng trên biểu đồ cung cầu, điều đó cho thấy rằng, chúng không phải là hàng hóa, và rằng, nếu cứ một mực xem chúng là hàng hóa, thì điều đó sẽ làm cho học thuyết của chúng ta không còn mạch lạc và dẫn đến những lầm lẫn nghiêm trọng trong việc thực hành.

Sự thất bại của phép thử trên đây là một lý lẽ biện minh có tính cách lý thuyết cho việc từ chối xem những sự vật nào đó, tỷ như lao động của con người, như hàng hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ sai lầm khi cho rằng đó là lý do duy nhất để loại bỏ những cuộc phân loại kiểu như thế. Giáo lý Công giáo từ chối việc biến sức lao động con người thành hàng hóa vì đó là điều bất nhân hay “việc đối tượng hóa” dẫn đến một não trạng như thế và sẽ tiếp tục bác bỏ thái độ này trên nền tảng nhân phẩm, dù là nó khả thi về mặt lý thuyết. Sự chống đối đó vì thế sẽ được đề cập trong diễn biến của nó, tuy nhiên điều quan trọng đối với chúng ta là thừa nhận rằng quan điểm tân cổ điển đã thất bại ở cả hai khía cạnh: luân lý và lý thuyết. Giờ đây chúng ta sẽ lần lượt đi vào ba loại hàng ảo này.

a. Đất đai

Đất đai không thể được kể là một loại hàng hóa bởi một lý do hết sức đơn giản rằng nó không được làm ra do sức lao động của con người. Đất đai là cái mà nhờ công lao vất vả của con người để làm ra các hàng hóa. Nó được giả định trước, và vì thế là điều trước hết, bởi tất cả các hoạt động kinh tế. Trong một nghĩa hạn hẹp nào đó, nhờ lao động của con người, đất đai có thể sẽ trở nên mầu mỡ hơn hoặc sẽ xơ xác đi. Thế nhưng, các khái niệm về sản xuất và tái sản xuất đều sụp đổ khi áp dụng cho đất đai.[9]

Nếu buộc phải sắp xếp đất đai theo những thuật ngữ quy ước, chúng ta có thể gọi chính xác đất đai là một hình thức “vốn liếng.” Quả vậy, nó là hình thức nguyên thủy nhất của vốn liếng. Mặc dù chúng ta có thể định giá, mua hoặc bán một phần đất nào đó, nhưng với bản chất độc nhất vô nhị của mình, nó ngăn không để mình bị đối xử như một loại hàng hóa khi chịu sức ép của thị trường. Đó là lý do tại sao đất đai lại được quan tâm cách đặc biệt trong suốt lịch sử. Thí dụ, Cựu ước có nói về đất đai như sau: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta.”[10] Hơn nữa, vào thời trung cổ, duy chỉ có nhà vua mới có quyền “làm chủ” đất đai, còn tất cả những người khác – công tước, hiệp sĩ, nông dân, nông nô – chỉ là kẻ làm thuê trung thành của nhà vua, là kẻ duy nhất giữ vai trò của Chúa (được thừa nhận như thế), Đấng là chủ nhân thực sự.

Truyền thống Năm Đại Xá là bằng chứng cho bản tính độc nhất vô nhị của quyền sở hữu đất. Hơn nữa, chúng ta cũng nên đề cập đến một hình thức truyền thống khác về quyền sở hữu đất được biết đến như là “công thổ.” Hình thức sở hữu chung này, được bổ túc nhờ nhấn mạnh lên sự phân phối đất cách công bằng giữa những cá nhân, được công nhận lại cách liên tục trong GHXH.[11]Thực tế, việc phân phối lại đất đai cách công tâm phải được khuyến khích mở rộng, đặc biệt là trong những quốc gia mà sự tập trung đất đai đưa đến tình trạng điền thổ bị bỏ hoang (latifundium).[12]

b. Lao động

Người ta có thể nói nhiều điều, và đã nói nhiều như thế về bản chất lao động của con người cũng như phẩm giá lao động. Tuy nhiên, trong thời hiện đại từ buổi đầu kỷ công nghiệp, chân lý về lao động của Kitô Giáo đã bị chống đối bởi nhiều khuynh hướng tư tưởng kinh tế và duy vật khác nhau. Điều đáng kể nhất trong những xu hướng đó là ước mong biến sức lao động thành một món hàng, dựa trên việc giả định rằng, giá cả của nó phải được xác định và chỉ dựa trên các nhân tố thị trường mà thôi: “Đối với một số người theo các trào lưu tư tưởng này, việc lao động được hiểu và bị đối xử y như một loại “hàng hóa” mà người lao động và đặc biệt là người công nhân – bán cho người chủ thuê là người đồng thời làm chủ vốn, nghĩa là làm chủ toàn bộ các dụng cụ lao động và những phương tiện để sản xuất… Cái nguy cơ của khuynh hướng muốn coi lao động như một loại “hàng hóa” đặc biệt (biệt loại) hoặc như một thứ “lực lượng” vô danh cần cho sản xuất vẫn luôn tồn tại (có người dùng đến cả danh từ “lực lượng lao động”), đặc biệt khi toàn bộ cách thức xem xét các vấn đề về kinh tế dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa kinh tế duy vật.”[13]

Những lời trên đây được trích từ Thông điệp Laborem Exercens (lao động của con người), được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1981. Mười năm sau, trong Thông điệp Centesimus Annus (bách chu niên), ngài đã khen ngợi những ai đã thành công trong việc dung hòa những nguyên tắc trên đây với quan điểm chính trị của họ, cũng như với nỗ lực “giải thoát việc lao động ra khỏi tình trạng bị coi chỉ là một ‘món hàng.’ “… Chúng ta thấy rằng trong một số quốc gia và theo một vài quan điểm, người ta tham gia vào một nỗ lực tích cực nhằm tái thiết một xã hội dân chủ được gợi hứng bởi công bình xã hội, làm cho chủ nghĩa cộng sản mất đi tiềm lực cách mạng phát xuất từ đám người bị bóc lột và áp bức. Cách chung những cố gắng này tìm cách duy trì những bộ máy của thị trường tự do bằng cách bảo đảm những điều kiện của một sự tiến triển kinh tế vững chắc và lành mạnh, nhờ sự ổn định tiền tệ và hài hòa trong những tương quan xã hội, nhờ đó con người có thể dùng lao động mà kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho chính mình và cho con cái. Đồng thời, người ta tìm cách để những cơ cấu thị trường không còn là điểm quy chiếu duy nhất của đời sống xã hội, và người ta muốn bắt những bộ máy ấy phải phục tùng sự kiểm soát công khai được gợi hứng từ nguyên tắc của cải trần thế được dành cho mọi người. Công ăn việc làm dồi dào, hệ thống an ninh xã hội vững chắc, huấn nghệ, tự do lập hội và hoạt động mạnh mẽ của các nghiệp đoàn, sự bảo trợ xã hội trong trường hợp thất nghiệp, những phương tiện tham gia dân chủ vào đời sống xã hội, tất cả những điều ấy, trong bối cảnh như thế làm cho lao động tránh khỏi hoàn cảnh trở thành một ‘hàng hóa’ và bảo đảm phẩm cách của lao động.”[14]

Chủ đề về lao động vẫn sẽ là một đề tài liên tục xuyên suốt phần còn lại trong nghiên cứu của chúng ta.

c. Tiền bạc

“Tiền phải là tôi tớ chứ không phải ông chủ!”[15]Thế nhưng tiền không thể bị kiềm chân ở vị trí đó và thực sự nó sẽ luôn luôn là ông chủ, nếu như bản chất và mục đích của nó bị hiểu sai, hoặc nếu nó biến thành công cụ dùng riêng, cũng như biến thành công cụ thao túng của một tầng lớp đặc biệt nào đó.

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều điểm bất đồng liên quan đến chính sách về tiền tệ bắt nguồn từ những quan niệm sai, những lầm lẫn và sự thiếu thốn có tích cách phổ quát về tri thức liên can đến bản chất của chính đồng tiền. Khi đối diện với câu hỏi: “tiền là gì?” dường như hầu hết chúng ta điều đề cập đến nó như một khái niệm, bao lâu chúng ta xem bản chất của nó như một cái gì đó hợp tình hợp lý; nhưng nếu chúng ta dừng lại và xem xét chi tiết câu hỏi ấy, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta chẳng biết gì về hệ thống tiền bạc thực sự hoạt động thế nào. Vì lẽ đó, để tránh rủi ro đi lạc quá xa khỏi chủ đề chính, chúng tôi sẽ cố gắng diễn tả ngắn gọn về tiền và những hoạt động của nó trong hệ thống hiện hành.

i. Bản chất và mục đích của tiền bạc

Tiền không phải là một khối tài sản, nhưng đúng hơn nó tượng trưng cho một khối tài sản. Nó là một đơn vị tài khoản được dùng trong giao dịch vốn đòi hỏi phải có sự luân chuyển khối tài sản trong nền kinh tế. Chính vì thế, tất cả tiền đều là tiền giấy, có nghĩa là nó được tạo ra “từ hư vô” và được thiết lập bởi sự đồng thuận của xã hội.

Việc thiết lập một loại tiền tệ mang tính “chính thức” chứng minh rằng chính quyền tuyên bố nắm giữ tiền hợp pháp và chấp nhận nó qua việc chi trả các loại thuế. Điều đó cũng gợi ý phương thức điều khiển sự cung ứng tiền bạc: khi chính quyền cần sự cung ứng tiền chậm lại thì chính quyền có thể đánh thuế lên tiền hiện hành – khi cần sự cung ứng tiền được tăng lên, chính quyền chỉ đơn giản là “tung” một loại tiền mới ra thị trường. Điều đó sẽ tạo nên “động lực” và sự cung ứng tiền được dàn xếp.

Một sự cung ứng tiền mang tính động lực sẽ là một thành tố rất cần thiết cho một nền kinh tế vững chắc vì lý do đơn giản, các nền kinh tế là yếu tố chính cho những giao động không ngừng. Một ví dụ đơn giản dễ hiểu:

Cứ tưởng tượng thế này, trong một khu làng nào đó, sản phẩm duy nhất ở chợ là lúa mì và sản lượng mùa vụ trong một năm thu được là 1000 giạ. Cộng đồng chấp nhận một loại tiền giấy được in với mệnh giá 1000 đô la. Trong tình huống này, 1 đô la tương đương với 1 giạ lúa. Đó là giá trị của đồng đô la ấy. Nhưng qua năm sau, nông dân ở đây sáng chế ra một cách thức luân canh cũng như cách bón phân mới cho mùa vụ và thu được 2000 giạ lúa trong năm đó. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế mở rộng gấp đôi. Trong tình huống này, nếu như sự cung ứng tiền vẫn giữ nguyên 1000 đô la, thì giá trị của đồng tiền sẽ tăng lên gấp đôi, dẫn đến những kết quả không mong muốn cho những hạng mục trong các khoản tiết kiệm và khoản cho vay tồn đọng. Đó là lý do tại sao nếu những nhà kinh tế trong làng chú ý tới tình thế ấy hẳn nhiên họ sẽ đơn thuần tiêu tốn 1000 đô la khác vào trong nền kinh tế, có thể là cơ sở hạ tầng hay giáo dục. Việc cung ứng tiền sẽ vì thế mà phát triển cân bằng với nền kinh tế. Khi chắc chắn việc cung ứng tiền phản ảnh thị trường thì thị trường sẽ duy trì được thế vững bền. Mặt khác, nếu những nhà kinh tế trong làng chấp thuận vàng, hay một loại tiền hàng hóa nào khác, họ sẽ phải gánh chịu sự rối loạn bởi khối lượng vàng không những không ổn định mà còn phụ thuộc trực tiếp vào việc cung ứng. Đặt dưới một “chuẩn vàng” như thế, giá trị của tiền sẽ không thể nào điều chỉnh phù hợp với thị trường được và những giá trị đó sẽ rơi vào tình trạng nghiêng lệch. Không lâu sau, nền kinh tế sẽ trở thành chủ thể cho những thăng trầm của sự lạm phát và giảm phát.

Đó là lý do tại sao, dù nghe có vẻ nghịch với trực giác, lượng tiền phải có khả năng co giãn, bởi chính nền kinh tế luôn luôn co giãn – cũng như các thị trường càng ngày càng trở nên mở rộng và phức tạp. Đó là lý do tại sao chắc chắn sẽ thất bại khi cố gắng dùng những loại hàng hóa ở tình trạng tĩnh (hay gần như ở tình trạng tĩnh) – chẳng hạn như vàng – để làm hệ thống tiền tệ chính thức. Các mặt hàng đó có thể là độc quyền hoặc có thể khan hiếm. Nền cung ứng cũng vì thế mà đi vào sự đồng bộ hóa cùng với thị trường cách toàn cục ở điểm mà giá trị của tiền tăng lên hoặc thụt giảm mà không có bất cứ một mối liên kết tất yếu nào với các nhu cầu của thị trường. Mục đích duy nhất của tiền là để cho việc giao dịch được dễ dàng, nếu không như thế, tiền sẽ trở thành vật cản trở. Chính thị trường sẽ trở thành chủ thể cho sự cung ứng vàng hoặc một loại hàng hóa nào đó tình cờ được sử dụng như một loại tiền.

ii. Tiền như một loại hàng hóa

Như đã nói trên đây, tiền không phải để giao dịch: nó được dùng để việc giao dịch được dễ dàng. Điều này có nghĩa là, tiền không được sản xuất cho thị trường, dẫu cho nó sẽ chẳng có ý nghĩa khi tách rời khỏi thị trường. Việc có một thứ gọi là “thị trường tiền” tự nó là dấu chỉ của một hoạt động bất thường. Khi bị coi là một món hàng – tức là khi chúng ta tin rằng có thể “bắt tiền lao động” cho mình – chúng ta rơi vào tình thế giống với những người tích lũy tiền cũng đồng thời thực sự tích lũy những mặt hàng mà họ được khuyến khích “bán” hóa giá để thu về lợi nhuận vậy. Người ta bắt đầu “cho thuê” tiền của mình, cũng giống như bạn cho thuê một chiếc xe và trả tiền để sử dụng vậy. Nói cách khác, những người có tiền có thể cho vay và thu lời.

Điều này không giống với chuyện đầu tư – vì đầu tư là trả công tương xứng với sự cố gắng. Khi sự cố gắng không còn khả năng sinh lời, nhà đầu tư sẽ bị mất lợi nhuận. Nhưng khi thu được lợi nhuận từ tiền mà không quan tâm đến các lợi nhuận kiếm được từ việc thực sự sử dụng tiền, khi đó nó được gọi là cho vay nặng lãi, và đã bị kết án ngay từ thời ông Môsê đến thời Đức Kitô và thời Trung cổ, dù nó đã trở thành nền tảng của toàn bộ nền kinh tế hiện đại ngày nay. Vấn đề quan trọng nhất đối với một hệ thống mà cho vay nặng lãi được bình thường hóa đó là một cách tự động nó khiến người nghèo lâm vào tình cảnh khó khăn. Nếu tiền tạo ra tiền, khi đó, càng có nhiều tiền, bạn càng ở vị trí làm ra tiền. Kẻ ăn không hết người lần không ra, và điều này sẽ tạo ra một thế bất lợi vĩnh viễn trong thị trường hướng về những ai thấp kém phải chịu đựng tình thế bất lợi đó. Tương tự, nó sẽ mang lại lợi ích vĩnh viễn cho những ai không cần đến sự thuận lợi đó.

iii. Hệ thống dự trữ nhỏ lẻ

Ta đã có thể tiến thêm một bước xa hơn, không chỉ chịu đựng hình thức cho vay nặng lãi nhưng còn tiếp nhận nó như một nền tảng cho chính hệ thống tiền tệ. Đây chính xác là điều đã xuất hiện trong nền kinh tế hiện hành trong một hình thức mang tên là Hệ thống dự trữ nhỏ lẻ. Henry Ford đã nhận thấy hệ thống này quá ngớ ngẩn đến nỗi đã phát biểu một câu nổi tiếng rằng: Người Mỹ mà hiểu được hệ thống này thì cách mạng sẽ hoàn tất trước điểm tâm.

Phương thức của hệ thống này ẩn tàng sau tên gọi của nói: “ngân hàng dự trữ nhỏ.” Trong hệ thống này, mỗi ngân hàng chỉ bị đòi hỏi phải có trong khoản tiền gửi một khoản nhỏ trích từ khoản họ cho mượn, 10% chẳng hạn. Thí dụ thế này, nếu bạn gửi tiết kiệm 10.000 đô la vào ngân hàng, ngân hàng sẽ được yêu cầu giữ 1.000 đô la “để dành.” Nhờ đó ngân hàng có thể tạo ra những khoản vay cho 9.000 đô la còn lại. Tuy nhiên, không một khoản tiền gửi gốc nào được cho vay một cách thực sự. Đó là lý do tại sao, khi bạn quay trở lại ngân hàng, họ sẽ không bao giờ trả lời rằng: “Xin lỗi, tiền của bạn đang được cho vay.” Trái lại, họ đơn giản “tạo ra” một tài khoản cho vay mới như một khoản nợ trong tài khoản của những người vay mượn. 9.000 đô la của khoản tiền cho vay đã tạo ra bây giờ được tính như một khoản tiền gửi mới trong sổ sách của ngân hàng và vì thế ngân hàng giờ đây đã có 19.000 đô la “trong khoản tiền gửi,” mặc dù khoản gửi ban đầu chỉ là 10.000 đô la. Ngoài ra, điều này nghĩa là 900 đô la tiền ảo đó sẽ được ghi nhận từ 10% tiền dự trữ, và từ đó phần còn lại của “khoản tiền tiết kiệm” có thể được dùng để tạo ra một khoản cho vay khác từ 8.100 đô la. Một lần nữa, “khoản tiền mới” này không được trừ từ những khoản tiền gửi tiết kiệm, nhưng thay vào đó, được tạo ra, bằng cách vẫy nhẹ cây viết, như một khoản nợ mới trong sổ sách của ngân hàng. Cứ như thế, 10% của khoản tiết kiệm mới sẽ được đánh dấu từ khoản dự trữ và phần còn lại được dùng để tạo ra những khoản cho vay, và tiếp tục cho đến khi khoản tiền tiết kiệm 10.000 đôla nguyên thủy được chuyển đổi thành 90.000 đô la bằng phép màu dữ trữ nhỏ. Hầu như toàn bộ quá trình này bao gồm những khoản cho vay thuần túy là ảo trong các sổ sách ngân hàng. Và trong tất cả những khoản nợ đó, vốn được tạo ra từ làn sương ảo này, ngân hàng sẽ có lời.

Tiến trình này là cách tiền được sinh ra trong nền kinh tế hiện đại dù rằng ở đây chúng ta có đơn giản hóa nó một chút cho mục đích của chúng ta. Điều này có nghĩa là, những đoạn video mà chúng ta được xem trong trường học vốn cho thấy những đồng đô la giấy thực tế đang chuyển động qua máy in trong “xưởng in tiền” không thực sự diễn tả hết được tiến trình thực của việc sản xuất tiền. Tiền giấy chỉ lên khuôn khoảng 3% trong số tiền cung ứng. 97% còn lại được tạo ra thông qua ngân hàng lưu giữ nhỏ, vì lợi nhuận của các ngân hàng và nơi đó các ngân hàng thu về lợi tức.

iv. Tiền bạc xét như khoản nợ

Người đọc tinh ý sẽ hoàn toàn nhận ra rằng, bên dưới một hệ thống như thế, hầu như toàn bộ số tiền luân chuyển đó thực sự là khoản nợ. Những đồng đô la mà bạn có trong tài khoản ngân hàng thực sự tượng trưng cho sự cân bằng của một khoản cho vay mà bạn hoặc một người nào đó lấy ra ở cùng một điểm và sự cân bằng mà tự nó chẳng được dựa trên cơ sở nào ngoại trừ tờ giấy ủy quyền được cấp cho một ngân hàng tư nhân.

Dĩ nhiên, giờ đây, điều đó là đúng với khái niệm tiền được làm ra từ hư vô (tiền giấy, “fiat”), trừ việc khái niệm đó bị xuyên tạc và làm cho sai lạc. Trong những trường hợp đúng đắn, lành mạnh, tiền tệ được điều chỉnh (tăng lên hoặc giảm đi) dựa trên những yêu cầu của nền kinh tế, trong khi đó, trường hợp của hệ thống lưu giữ nhỏ, quốc gia bị đặt vào vị trí đòi buộc phải vay chính tiền của mình… để làm lời cho những ngân hàng tư nhân. Trong hệ thống đó, các ngân hàng sở hữu nguồn cung cấp tiền và phần còn lại của quốc gia thì mượn nó.

Khỏi cần phải nói, điều đó phá hỏng mục đích công khai của nguồn cung ứng tiền có khả năng điều chỉnh và thay vào đó, tạo ra cái được gọi là “động cơ sai lạc” trong bộ phận của các ngân hàng để tạo ra thật nhiều những khoản cho vay bao nhiêu có thể, bởi mỗi một khoản cho vay mới đồng nghĩa với một khoản thu nhập mới theo hình thức lợi tức. Điều đó không những phá đổ sự bình ổn của nguồn cung ứng tiền, mà còn gây ra rủi ro khiến thị trường tín dụng nghiêng lệch hoàn toàn. Dù khi nhìn vào sự khởi đẩu như các ngân hàng đây thực sự có nhiều rủi ro vì luôn luôn có thể xảy ra tình trạng người vay bị vỡ nợ, thế nhưng, các kết quả của cuộc suy sụp năm 2008 đã chứng minh rằng, điều thực sự xảy ra trong những hệ thống như thế thì hoàn toàn khác. Khi người vay vỡ nợ, các ngân hàng, vốn “quá lớn đến nỗi không thể vỡ nợ,” nghiễm nhiên được Nhà nước cứu giúp, nói đúng hơn, được những người đóng thuế cứu giúp. Như thế, người vay vẫn cứ thua là thua trong khi chủ ngân hàng vẫn cứ thắng là thắng. Và gốc rễ của toàn bộ hệ thống này chính là hiệu lực của cùng những nguyên tắc cho vay nặng lãi vốn đã bị lên án suốt nhiều thiên niên kỷ qua.

v. Các tiềm năng

Tiếp tục với cái nhìn là Giáo Hội không quan tâm đến những giải pháp mang tính kỹ thuật, chúng tôi buộc phải tự hạn chế việc trình bày bản chất của hệ thống, đồng thời đề cập cách ngắn gọn những lựa chọn thay thế có thể tương hợp với các nguyên tắc của lý trí cũng như truyền thống Kitô giáo. Mục đích ở đây không phải là tranh luận để ủng hộ bất kỳ một giải pháp nào, cũng không phải để đề xuất một ưu tiên mang tính kỹ thuật về phần Giáo Hội. Tuy rõ ràng là hệ thống lưu trữ nhỏ không phù hợp với giáo lý của Hội Thánh, thế nhưng bất kỳ đề xuất nào vượt quá chuyện nói về giải pháp nào là thích hợp thì đều là sự đơn giản thái quá, và chỉ đơn thuần mang đến những kết quả trái ngược mà thôi. Tức là, bất kỳ giải pháp thực tế nào cũng sẽ phức tạp hơn việc đơn giản bỏ đi hệ thống lưu trữ nhỏ, dẫu hành động như thế có thể là một khởi đầu tốt đẹp.

3. Về chủ nghĩa tư bản và xã hội chủ nghĩa

a. Bản chất của tư bản chủ nghĩa

Thuật ngữ “tư bản chủ nghĩa” báo hiệu bản chất sai lầm mang tính ý thức hệ của nó: giống với cuộc cách mạng “nhân văn” đã quá chú trọng nhấn mạnh duy nhất trật tự loài người, cũng vậy, cuộc cách mạng tư bản là một bước lùi đi vào vết xe đổ. Trong khi chủ nghĩa nhân văn chuyển đổi vị trí trọng tâm từ Thiên Chúa sang con người thì chủ nghĩa tư bản lại đổi vị trí trọng tâm từ con người vào đồ vật. Nền văn minh truyền thống đặt Thiên Chúa làm trung tâm, còn nền văn minh phục hưng lại đặt vào con người, và văn minh hiện đại thì đặt vào nền kinh tế. Sự chuyển đổi cuối cùng này chẳng khác gì là một cuộc đảo lộn mối tương quan có thứ tự cấp bậc rõ rệt giữa hàng hóa vật chất với con người – hoặc giữa tư bản và lao động.

Từ những bước đầu khai triển GHXH, Giáo Hội đã thừa nhận tính thiết yếu của sự cộng tác giữa hai yếu tố này trong tiến trình kinh tế: “Tư bản không thể làm gì nếu không có lao động, và lao động không thể làm gì nếu không có tư bản.”[16]Thế nhưng con người phải luôn luôn giữ vị trí ưu tiên, và chính xác quyền ưu tiên đó đã bị lạc mất do “sự phát triển của nền văn minh thiên về vật chất.”[17]

Một khi chủ nghĩa duy vật đã dành được quyền thống trị, thì sớm muộn gì thành phần vật chất của tiến trình kinh tế cũng thay thế chỗ của con người: “Trong tất cả mọi trường hợp thuộc loại này và trong mỗi hoàn cảnh xã hội thuộc kiểu đó, có một sự hỗn độn hay thậm chí là một sự đảo lộn trật tự đã được xác nhận từ lúc khởi đầu theo ngôn từ của sách Sáng thế: Lúc đó con người bị coi như một công cụ sản xuất, trong khi họ — và chỉ mình họ, không phụ thuộc công việc họ làm — phải được coi là chủ thể chính của lao động, là người thực hiện và sáng tạo ra lao động. Chính sự đảo lộn trật tự này mà bất kỳ chương trình hay tên gọi nào đi theo chiều hướng đó đều đáng gọi là “chủ nghĩa tư bản.”[18]

Sai lầm đặc biệt đó sẽ tái xuất bất cứ khi nào con người,“… bị xếp ngang hàng với toàn bộ phương tiện vật chất dùng để sản xuất, bị coi như một dụng cụ mà đáng lý ra theo đúng giá trị của lao động phải được coi như một chủ thể, một tác giả, nói cách khác, như chính mục đích của tất cả tiến trình của sản xuất.”[19]

Ở đây, độc giả được khuyến khích nhớ lại điều đã được nhấn mạnh trong phần thảo luận về luân lý ở phần trước rằng, không bao giờ được phép xem chủ thể con người đơn thuần là công cụ hay phương tiện.[20] Một khi làm suy thoái bản chất con người theo cách này, mối tương quan giữa con người và của cải vật chất bị đảo lộn. Khi đó tư bản lật đổ con người, vốn là nhân tố quan trọng nhất trong những lý do của nền kinh tế.

b. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu với lao động

Xét theo niên đại cũng như theo tính hợp lý, sự đảo ngược mối tương quan giữa tư bản và lao động được dọn chỗ cho sự phát triển khác ẩn sâu bên dưới. Để tư bản và lao động được đặt vào vị thế đối chọi nhau thì trước hết chúng phải khác biệt nhau. Thí dụ, một người có một cửa hàng và làm việc trong cửa hàng đó như chủ nhân sẽ không bao giờ có thể hiểu được hoạt động của mình mang tính hai mặt “tư bản và lao động.” Với ông, không có sự xung khắc. Để tính lưỡng diện tư bản – lao động xảy ra, ông buộc phải mang lấy một vai trò và từ bỏ vai trò kia. Ví dụ, ông có thể chuyển sang vai trò của một ông chủ trả lương cho người làm công để họ điều hành cửa hàng. Trong trường hợp đó, ông đã giới hạn mình vào vai trò của một người chủ cơ sở kinh doanh (tư bản) và thuê người làm việc (lao động) hằng ngày để duy trì cơ sở, thực hiện các đơn đặt hàng, trông coi cửa hàng, v.v… Và chính lúc này chúng ta mới bắt đầu nhận thấy hai yếu tố đã đề cập trên đây – một đại diện cho tư bản và một đại diện cho lao động.

Hơn nữa, vì chủ nghĩa tư bản xem cạnh tranh như là một động lực tích cực trong lý luận của mình nên nó càng làm trầm trọng hơn sự phân cách giữa tư bản và lao động. Từ đó chúng ta mới hiểu được lời than vãn của Đức Lêô XIII: “Việc thuê mướn lao động cũng như việc quản trị kinh doanh chỉ tập trung vào tay của một số ít người; để rồi chỉ một số ít người giàu có đó có thể đặt lên vai đám dân lao động nghèo khổ một cái ách chẳng khác gì cái ách của người nô lệ.”[21] Chính tại đây, người ta đã gieo những hạt giống của sự tập trung, bất bình đẳng và xung đột.

c. Gỡ bỏ các lực lượng tập quyền

Ngôn sứ Isaia đã từng cảnh bảo dân Israel rằng: “Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ?”[22]

Rõ ràng, ở đây, nỗi ác cảm của người Công giáo đối với sự tập trung quyền sở hữu và của cải đã có nguồn gốc từ xa xưa. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các đời Giáo hoàng luôn lên án nó. Để hiện thực hóa nguyên tắc tư hữu tài sản, phải ngăn ngừa các hệ thống kinh tế ủng hộ việc tập quyền. Lý do là vì một xã hội chỉ có vài người sở hữu tài sản, xã hội đó đang bệnh hoạn trong cơ chế sở hữu, bởi làm sao có thể coi là cơ chế khỏe mạnh khi đại đa số bộ phận dân chúng lại không được quyền sở hữu tài sản? Đây chính là cái mà trong nền kinh tế người ta gọi là lực lượng “ly tâm,” đối lại với lực lượng “hướng tâm” của chủ nghĩa tư bản.[23]

d. Chủ nghĩa tư bản xét như chủ nghĩa tự do kinh tế

Nhiều vị Giáo hoàng đã gần như đánh đồng hai khái niệm về Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa tự do kèm theo một ý nghĩa tiêu cực: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đổi mới ý thức hệ tư bản tự do. Trào lưu này tự khẳng định mình, hoặc nhân danh tính hiệu quả kinh tế, hoặc để bảo vệ cá nhân chống lại những ảnh hưởng ngày càng lan tràn của các tổ chức, hoặc để chống lại các khuynh hướng độc tài về quyền lực chính trị. Hẳn nhiên là sáng kiến cá nhân phải được duy trì và phát huy. Nhưng phải chăng các Kitô hữu đang dấn thân trên con đường này, đến lượt họ có khuynh hướng lý tưởng hóa chủ nghĩa tư bản tự do, như một tiếng kêu đòi quyền tự do? Họ muốn một mô hình mới phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, nhưng lại dễ dàng quên rằng, trong chính cội rễ của nó, chủ nghĩa tự do triết học là một khẳng định sai lầm về sự độc lập của cá nhân, trong hành động, động cơ, sự thực hành quyền tự do của nó.”[24]

Sự “khẳng định sai lầm về độc lập của cá nhân” này nằm tại tâm điểm lời ca ngợi mà chủ nghĩa tư bản dành cho chủ nghĩa cá nhân, tư lợi và sự cạnh tranh vốn dẫn đến thuyết tiến hóa xã hội của Darwin.

e. Chủ nghĩa xã hội xét như con đẻ của chủ nghĩa tư bản

Rõ ràng, trong GHXH không có chỗ cho ý thức hệ tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng đồng thời, chúng ta phải thận trọng hầu tránh gây ra sai lầm lớn hơn, một sai lầm phát sinh từ việc chữa sai căn bệnh tư bản chủ nghĩa, vốn tệ hại hơn cả chính căn bệnh đó mà ta gọi là chủ nghĩa xã hội: “Để chữa trị những sai lầm của chủ nghĩa tư bản, các nhà chủ nghĩa xã hội, vốn khai thác sự đố kỵ của dân lao động nghèo khổ đối với người giàu có, ra sức loại trừ quyền tư hữu và khẳng định rằng tất cả của riêng đều phải trở thành của chung, và được Nhà nước hay các hội đồng thành phố quản lý. Họ tin rằng bằng việc chuyển đổi quyền tư hữu sang quyền chung hưởng, mọi việc sẽ được trở nên đúng đắn, ở mức độ là khi đó, mỗi công dân sẽ được quyền hưởng bất cứ thứ gì mình thích. Thế nhưng, những lý lẽ này rõ ràng không có khả năng kết thúc cuộc tranh luận mà chúng ảnh hưởng đến dân lao động, vốn là những người phải chịu đựng đầu tiên. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa xã hội thật sự là bất công bởi vì họ cướp đoạt của những người sở hữu hợp pháp, bóp méo chức năng của Nhà nước, và hoàn toàn gây xáo trộn cộng đồng.”[25]

Những lời này là của Đức Lêô XIII, người mà sau này được Đức Piô XI ca tụng vì đã bác bỏ cả hai chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Xã hội: “Đức Lêô XIII đã không tìm kiếm sự trợ giúp nào từ chủ nghĩa tự do cũng như chủ nghĩa xã hội, bởi một cái thì chứng thực rằng hoàn toàn không thể giải quyết vấn đề xã hội cách đúng đắn, còn cái kia, vốn đề xuất một phương thuốc còn tệ hại hơn chính cái tệ hại, sẽ nhận chìm xã hội loài người vào trong những nguy hiểm to lớn hơn.”[26] “… tất cả hãy nhớ rằng, chủ nghĩa tự do là cha đẻ của chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa đang thâm nhập nền đạo lý – văn hóa, và đã được chủ nghĩa Bônsêvich kế thừa.”[27]Chủ nghĩa tự do, như đã dùng trong bối cảnh này, cũng như luôn được tìm thấy trong GHXH, có can hệ trực tiếp đến các nguyên lý mang tính ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản, vốn là danh xưng đơn giản khác của chủ nghĩa tự do kinh tế.

f. Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, xét như hai ý thức hệ cần phải ngăn chặn

Đoạn văn dưới đây trích từ bài báo Công Bằng Kinh tế cho Tất cả mọi người biểu trưng cho thái độ của GHXH dành cho những thái cực của ý thức hệ: “Vài người lập luận rằng một nền kinh tế thị trường tự do không bị ràng buộc, nơi mà các ông chủ, công nhân và người tiêu thụ được phép theo đuổi tư lợi cách minh bạch, sẽ cung cấp quyền tự do lớn nhất có thể, mang lại sự sung túc, và cả sự công bằng. Hàm ý của quan điểm mang tính cách giải quyết vấn đề trên đây là phải ít can thiệp vào nền kinh tế bao nhiêu có thể bởi vì việc đó là một cơ chế tế nhị đến độ bất kỳ nỗ lực nào giúp cải thiện nó đều có thể gây ra những ảnh hưởng đối nghịch. Số khác cãi lại rằng, tư bản chủ nghĩa tự nó đã là bất công và vì thế mâu thuẫn với các đòi hỏi luân lý Kitô giáo, bởi nó được đặt nền trên sự hám lợi, cạnh tranh, và chủ nghĩa cá nhân quy ngã. Họ khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản là một lỗ hổng chết người và phải bị thay thế triệt để bởi một hệ thống khác vốn bãi bỏ quyền tư hữu, động cơ lợi nhuận, và thị trường tự do. Theo truyền thống, Giáo huấn xã hội Công giáo vẫn bác bỏ cả hai thái cực mang tính ý thức hệ này vì chúng có khả năng gây ra những hệ quả mâu thuẫn với phẩm giá con người cũng như công bằng kinh tế.”[28]

GHXH là người bảo vệ của “tính trung lập bất biến” – “con đường hẹp” – nghĩa là, GHXH cổ võ những nguyên lý phổ quát về chân lý cũng như công bằng và theo nghĩa đó, GHXH miễn khỏi sự phiến diện của ý thức hệ, vốn luôn nhấn mạnh một chân lý và gạt bỏ tất cả những chân lý còn lại.

g. Chống lại những hình thái của ‘chủ nghĩa duy kinh tế’ thiên về vật chất.

Để tóm kết những than phiền của Giáo Hội trước những bước đi của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể dựa vào ý niệm khái quát chung của chủ nghĩa duy kinh tế (economism). Chủ nghĩa duy kinh tế giản lược các bận tâm xã hội xuống cấp độ kinh tế và vật chất, dựa trên giả định rằng, nếu kinh tế thành công, kéo theo đó, mọi lợi ích xã hội sẽ được thành toàn. Mặc dù hiếm khi được thừa nhận cách rộng rãi và tiếp nhận, thế nhưng loại hình duy kinh tế đó vẫn rất phổ biến trong thực hành. Điều này thậm chí đúng với cả các quốc gia vốn dứt khoát phủ nhận chủ nghĩa duy vật trong lý thuyết.

Một khi chủ nghĩa duy kinh tế trở thành quan điểm thống trị xã hội, “ý niệm” về con người đương nhiên bị xấu đi. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả tiến trình lịch sử của nó như sau: “Sau một thời gian dài ấp ủ trong đời sống thực hành, ý niệm nhất quán này, nơi mà nguyên tắc con người ưu việt hơn sự vật hoàn toàn được bảo vệ, đã bị đổ vỡ trong tư tưởng nhân loại. Sự đổ vỡ đó đã xuất hiện theo cách thức mà trong đó lao động bị tách rời và bị đặt vào tư thế đối nghịch với tư bản, và ngược lại, tư bản đối nghịch với lao động, như thể chúng là hai lực lượng phi nhân, hai nhân tố sản xuất song đối trong cùng một chiều kích “kinh tế” vậy. Lối phát biểu vấn đề như thế chứa đựng một sai lầm căn bản, điều mà chúng ta gọi là sai lầm của chủ nghĩa duy kinh tế, vốn chỉ xem lao động con người theo mục đích kinh tế mà thôi. Tư tưởng sai lầm căn bản này có thể và phải được gọi là sai lầm của chủ nghĩa duy vật, trong đó chủ thuyết duy kinh tế, cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hoàn toàn tin tưởng vào tính ưu việt và ưu tiên của vật chất, đồng thời, trực tiếp hoặc gián tiếp, đặt giá trị tinh thần và nhân vị (hành vi nhân linh, các giá trị luân lý cùng những vấn đề thuộc loại này) vào vị trí suy phục thực tại vật chất. Tuy đây vẫn chưa phải là chủ nghĩa duy vật lý thuyết theo nghĩa đầy đủ, thế nhưng chắc chắn nó là chủ nghĩa duy vật thực hành, một loại hình duy vật được xét là có thể thỏa mãn được các nhu cầu của con người, không phải trên nền tảng các tiền đề bắt nguồn từ lý thuyết duy vật, mà là trên những nền tảng của một cách thức đánh giá sự vật cụ thể, và vì thế, trên nền tảng của một hệ trật lợi ích nào đó được đặt nền trên sự hấp dẫn tức thời lớn lao hơn của những gì thuộc về thế giới vật chất.”[29]

h. Giáo huấn về việc tư hữu phổ biến

Giải pháp mà Giáo Hội đề xuất cho những sai lầm trên đây được đặt nền trên bản chất và nhu cầu của con người, giờ đây có thể nêu lên trong ba trích đoạn ngắn lấy từ Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự). Thông điệp tiêu biểu cho ý tưởng về một nền kinh tế “ly tâm,” trong đó tiêu chuẩn chính là việc tài sản được phân phối cách rộng rãi.

Đầu tiên Đức Giáo hoàng Lêô XIII lưu ý đến những hoàn cảnh đáng buồn mà chủ nghĩa tư bản vô độ gây ra: “… Việc thuê mướn lao động cũng như việc quản trị kinh doanh chỉ tập trung vào tay của một số ít người; để rồi chỉ một số ít người giàu có này có thể đặt lên vai đám dân lao động nghèo khổ một cái ách chẳng khác gì cái ách của người nô lệ.”[30]

Tiếp đó, Ngài lên án giải pháp của chủ nghĩa Matxit: “Để chữa trị những sai lầm của chủ nghĩa tư bản, các nhà chủ nghĩa xã hội, vốn khai thác sự đố kỵ của dân lao động nghèo khổ đối với người giàu có, ra sức loại trừ quyền tư hữu và khẳng định rằng, tất cả của riêng đều phải trở thành của chung… Thế nhưng, những lý lẽ này rõ ràng không có khả năng kết thúc cuộc tranh luận mà chúng ảnh hưởng đến dân lao động, vốn là những người phải chịu đựng đầu tiên.”[31]

Cuối cùng, Ngài đề xuất một giải pháp đúng đắn, đối nghịch với cả hai chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội: “… quyền sở hữu cá nhân phải là quyền dành riêng và bất khả xâm phạm. Vì thế, luật pháp nên ủng hộ quyền sở hữu, cũng như nền chính trị phải thuyết phục bao nhiêu có thể các người dân trở thành những chủ sở hữu.”[32]

4. Lao động của con người

a. Lao động là lợi ích

“Lao động mang đến ích lợi cho con người, một lợi ích cho nhân tính của họ – bởi vì, nhờ lao động, không những con người biến đổi thiên nhiên bằng cách thích ứng nó với nhu cầu riêng của mình, mà còn có thể đạt tới sự thành toàn xét như một hữu thể người và thực sự, theo một nghĩa nào đó, nhờ lao động, ‘con người trở nên người hơn.’”[33]

Giống như ngày Sabát, lao động là vì con người, chứ không phải con người vì lao động.[34]Lao động là lợi ích. Và không chỉ là lợi ích nhưng còn là một bổn phận: “Như đã nói, lao động là một bổn phận, tức là một nhiệm vụ, thuộc về phận người… Con người phải làm việc không phải chỉ vì đó là mệnh lệnh của Đấng Sáng Tạo, nhưng còn vì chính nhân tính của họ, vốn phải lao động để có thể duy trì và phát triển thêm. Con người phải lao động vì người khác, nhất là đối với gia đình mình, cũng như đối với xã hội mà họ thuộc về, đối với đất nước mà họ là công dân, đối với toàn thể đại gia đình nhân loại mà họ là thành viên, lý do vì họ là người thừa hưởng công sức lao động của những thế hệ đi trước và đồng thời cũng là người đồng lao cộng tác trong việc tạo dựng tương lai cho những kẻ đến sau trong tiến trình lịch sử.”[35]

Bởi vì ý thức được những lợi ích đó nên chúng ta có thể thừa nhận rằng, trong những hoàn cảnh thông thường, con người khao khát lao động. Con người không cố nhiên lười biếng như những người bi quan về xã hội muốn chúng ta tin thế. Con người cảm thấy bị thúc bách hành động qua nỗ lực phát triển những tài năng cũng như rèn luyện nhân cách của mình qua hoạt động sản xuất. Đó là cái lao động mang lại, và qua việc hoàn thành mục đích đó, chứ không chỉ đơn thuần thỏa mãn các nhu cầu vật chất, lao động được xem là lợi ích. Thiếu đi những lợi ích “siêu kinh tế” như vậy, lao động không ích lợi gì cả bởi nó không còn nhân tính nữa. Khi bị coi là một công cụ sản xuất vật chất và không là gì khác thì lao động trở thành sự nặng nhọc đơn thuần mà thôi.

Sự kiện con người thời hiện đại được dạy phải biết ơn bất kỳ loại hình lao động nào, đơn giản vì nó ít nhiều “mang tính sản xuất,” là bằng chứng cho một kiểu ngẫu tượng lao động.[36]Việc khả thể có loại lao động mang tính sản xuất nhưng không mang tính lợi ích không có chỗ đứng trong suy tư của chúng ta, thế nhưng lại được tìm thấy trong triết học Kitô giáo. C.S. Lewis công nhận điều đó và một số ít người gọi C.S. Lewis là kẻ bi quan: “… Đại đa số dân chúng thuộc các xã hội công nghiệp hóa toàn diện đã trở thành nạn nhân của một hoàn cảnh mà nơi đó ý tưởng về Lợi ích Lao Động gần như bị loại trừ ra bên ngoài. Một đồ vật nếu không được làm ra theo cách như vậy, nó sẽ trở thành phế thải trong vòng một hoặc hai năm, cho nên phải bị thay thế, và như vậy, bạn sẽ không thu lại đủ doanh số. Trước đây 100 năm, khi một người đàn ông đi lấy vợ, anh ta làm cho mình một cỗ xe ngựa (nếu đủ giàu có) và mong có thể sử dụng đến hết phần đời còn lại. Giờ đây, người ta mua một chiếc xe hơi và mong có thể bán lại trong vòng hai năm. Lao động ngày nay không được phép mang tính lợi ích.”[37]

Lewis đưa ra hai ví dụ – mại dâm và quảng cáo – mà ông xem là cùng loại với nhau (dẫu không tương đương về mặt luân lý).[38]Trong thế giới vật chất, để một yếu tố có thể làm cho lao động mang tính ích lợi, ngoài việc mang lại một hiệu quả tốt đẹp, nó còn phải thỏa mãn được những nhu cầu chủ quan của con người.[39]

b. Mục đích chủ quan và khách quan của lao động

Sự phân biệt là quan trọng, và vì cuộc chiến chống lại ý thức hệ hiện đại chính là cuộc chiến tìm lại sự phân biệt, mà một phần quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi chính là một lần nữa đưa sự phân biệt tinh tế ấy vào trong khung cảnh của nền kinh tế. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt khi chúng ta đang thảo luận về giá trị của lao động con người, vốn khác với “lao động” thuần túy cơ giới như sự vận hành của máy móc, phải được suy xét dưới cả hai quan điểm chủ quan và khách quan, mỗi quan điểm đều có một mục đích chính đáng riêng.

Ý nghĩa khách quan của lao động là quen thuộc với chúng ta nhất, và thực vậy, nó thường là ý nghĩa duy nhất vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay. Ý nghĩa này được thể hiện qua lệnh truyền “hãy thống trị mặt đất” và được diễn tả qua việc canh tác ruộng đất, thuần dưỡng súc vật, và hoàn thiện công nghệ để định hình các năng lực sáng tạo vật chất theo ý chí con người.[40] Những bước tiến lớn lao trong khoa học và nghiên cứu, vốn được Giáo Hội nắm bắt đầy đủ trong những giới hạn phù hợp của chúng, mỗi thứ đóng một phần trong việc hiện thực hóa ý nghĩa khách quan của lao động.

Nếu giờ đây chuyển sang ý nghĩa chủ quan của lao động, chúng ta sẽ tự thấy mình lạc vào một vùng đất khá xa lạ. Và tuy vậy, trở lại với lệnh truyền “hãy thống trị mặt đất,” vốn gắn liền với ý nghĩa khách quan của lao động, chúng ta nhận thấy rằng, chỉ trong ý nghĩa chủ quan mà chúng ta có thể hiểu tại sao con người được ban cho lệnh truyền ấy. Quyền gì mà con người thống trị thế giới thọ tạo? Ở đây chúng ta thấy rằng, ý nghĩa khách quan giả định trước một chủ thể có trách nhiệm, tức là một nhân vị:

“Con người phải chế ngự trái đất, phải bắt nó phục tùng, vì họ là ‘hình ảnh của Thiên Chúa,’ họ là một nhân vị, nghĩa là một chủ thể, một chủ thể có khả năng hành động một cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng tự quyết định và hướng tới sự thành tựu của bản thân mình. Chính vì là một nhân vị, nên con người mới là chủ thể của lao động, bất kể nội dung khách quan của nó như thế nào, các hoạt động này phải thực hiện nhân tính của con người và hoàn thành thiên chức của một nhân vị hay ơn gọi làm người của mình.”[41]

Chân lý về “các nguồn gốc phẩm giá của lao động không thể tìm thấy nơi chiều kích khách quan nhưng phải tìm nơi chiều kích chủ quan của nó,”[42]nằm ở trọng tâm của truyền thống Công giáo. Điều chúng ta phải đòi hỏi trước tiên nơi lao động là yếu tố con người, và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bắt đầu đo lường được hiệu quả công nghiệp của nó. Sự vô tri của chúng ta trước quyền ưu tiên của yếu tố chủ quan, tức tính ưu việt của nhân vị trong lao động, là bằng chứng xa hơn nữa của sự đảo lộn các nguyên tắc vốn sẽ xảy ra khi não trạng duy kinh tế kiểm soát một nền văn minh.

c. Chủ thuê trực tiếp và gián tiếp

Một sự phân biệt hữu dụng khác mà nếu thiếu nó trong việc ứng dụng sẽ gây ra tai hại nghiêm trọng đó là sự phân biệt giữa chủ thuê trực tiếp và gián tiếp: “Sự phân biệt giữa chủ thuê trực tiếp và gián tiếp được nhìn nhận là rất quan trọng khi người ta xem xét cả cách thức tổ chức lao động thực sự, lẫn khả năng hình thành nên những mối tương quan công bằng hoặc bất công trong lĩnh vực lao động.”[43]

Việc công nhận chỉ có một hình thức chủ thuê trực tiếp đã trở thành thói quen, nhiều đến nỗi ngày nay khi có ai đó bàn về khái niệm thuê mướn lao động, đó là họ đang muốn nói đến loại hình thuê mướn duy nhất này. Giả như chúng ta một lần nữa đưa khái niệm về chủ thuê gián tiếp vào, thì ngay lập tức chúng ta bị buộc phải công nhận sự tương thuộc thực sự giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân trong một quốc gia. Vậy thì, đâu là ý nghĩa của hai hạn từ này?

“Nếu chủ thuê trực tiếp là người hoặc là cơ quan ký kết với người thợ hợp đồng lao động theo những điều kiện ấn định rõ ràng, thì chủ thuê gián tiếp phải hiểu là những nhân tố khác biệt nhau, cùng với chủ thuê trực tiếp, tạo một ảnh hưởng nhất định đối với cách thế lập thành hợp đồng lao động, và do đó, là những mối quan hệ công bằng hay bất công trong lãnh vực của con người… Ý niệm chủ thuê gián tiếp bao gồm: những người, những cơ cấu tổ chức các loại, cũng như những hợp đồng tập thể về lao động, những nguyên tắc xử trí do những người và cơ cấu tổ chức nói trên thiết lập ra để xác định cả một hệ thống xã hội kinh tế, hoặc xuất phát từ hệ thống đó.”[44]

Tuy chủ thuê gián tiếp được cấu thành từ một tổ hợp cố định các yếu tố chính trị và xã hội, dầu vậy nó vẫn là một thực thể phân biệt phải được công nhận bởi vai trò của nó trong hoạt động kinh tế. Và vì cả chủ thuê trực tiếp lẫn gián tiếp đều có vai trò chính đáng nên cả hai cũng có những bổn phận tương xứng phải thi hành cùng một lúc: “Trách nhiệm của chủ thuê gián tiếp với chủ thuê trực tiếp – chính các từ ngữ cũng chỉ rõ như thế: trách nhiệm sẽ không trực tiếp bằng – nhưng đó vẫn là một trách nhiệm thực sự: người chủ thuê gián tiếp ấn định bản chất hình thái này hay hình thái khác của quan hệ lao động và như thế, họ sẽ xác định luôn cách xử trí của chủ thuê trực tiếp, khi người này ấn định một cách cụ thể bản hợp đồng và các quan hệ lao động. Nhận xét đó không mục đích giải tỏa trách nhiệm cho người chủ thuê trực tiếp, vì họ có trách nhiệm của riêng họ, nhưng có ý lưu tâm đến những yếu tố chồng chất ảnh hưởng đến cách xử trí của họ. Khi cần đưa ra một chính sách lao động hợp với đạo đức, cần phải lưu ý đến tất cả những yếu tố đó. Chính sách này được coi là hợp với đạo đức khi các quyền lợi khách quan của người lao động được tôn trọng.”

“Ý niệm chủ thuê gián tiếp có thể đem áp dụng cho mỗi xã hội và trước hết cho chính phủ. Quả vậy, chính phủ có nhiệm vụ phải đưa ra áp dụng một chính sách lao động thật công bằng.”[45]

Tóm lại, vì xã hội chính trị hình thành nên khuôn khổ tổng quát trong đó những thỏa thuận lao động, điều kiện làm việc, và lương bổng đã được xác định, cho nên, khi tạo ra và định hướng những thỏa thuận đó, xã hội chính trị có trách nhiệm vượt lên trên và vươn xa hơn trách nhiệm của “chủ thuê trực tiếp.” Đó là một suy xét cần thiết trước khi tiếp tục đến với thỏa thuận cụ thể giữa chủ thuê và người lao động – thỏa thuận đó mang tên “hợp đồng lao động.”[46]

d. Những thỏa thuận giữa chủ thuê và người lao động

Trong phần thảo luận về công bằng, chúng ta đã phân biệt giữa công bằng giao hoán, công bằng phân phối và công bằng xã hội. Các thỏa thuận trực tiếp giữa chủ thuê và người lao động được xếp vào phạm vi của công bằng giao hoán, vốn là loại công bằng trong trao đổi và là trật tự cơ bản nhất trong công bằng kinh tế. Tuy nhiên, những thỏa thuận này phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể vượt xa “sự thỏa thuận đôi bên” để được xét là công bằng. Các thỏa thuận đó không nghiễm nhiên công bằng bởi chủ thuê đưa ra hợp đồng và người lao động chấp nhận, bởi vì quyền của người lao động không được chính họ quyết định, nhưng bởi một tiêu chuẩn khách quan khác: “Hãy để cho công nhân và chủ thuê tự thỏa thuận với nhau và đặc biệt là cứ để đôi bên đồng ý về lương bổng; tuy nhiên, các điều đó nằm dưới một điều luật công bằng tự nhiên vừa cấp thiết hơn và lâu dài hơn bất cứ giao kèo nào giữa con người với nhau, cụ thể, lương bổng đó phải đủ cung cấp cho người lao động một mức sống đạm bạc và phù hợp với phong tục lành mạnh. Nếu như công nhân vì tình thế khẩn thiết hay bởi sợ hãi mắc họa ghê gớm hơn, phải chấp nhận những điều kiện khắt khe mà chủ lao động hay chủ hợp đồng đưa ra, thì anh ấy bị coi như nạn nhân của sự áp bức và bất công.”[47]

Thêm nữa đối với công bằng giao hoán, hợp đồng đó phải có thể được đưa vào xem xét như các yêu cầu của công bằng phân phối và xã hội.[48]Đây là kiểu “logic chính trị” vốn phải tham gia vào và hướng dẫn toàn bộ “logic kinh tế.”

“Đời sống kinh tế đòi hỏi những hợp đồng để điều chỉnh việc trao đổi dựa theo giá cả thích hợp. Nhưng đời sống này cũng cần đến những luật lệ thật công bằng và những hình thức tái phân phối do chính trị điều hành, và vượt lên trên là những công việc mang tinh thần của quà tặng. Kinh tế mang tính toàn cầu xem ra đề cao logic thứ nhất, tức là việc trao đổi theo hợp đồng, nhưng trực tiếp và gián tiếp cũng cho thấy nó cũng cần đến hai hình thức khác, đó là logic chính trị và logic quà tặng vô điều kiện.”[49]

e. Những người liên hệ trực tiếp đến doanh nghiệp vượt trên những cổ đông

Sẽ thật tắc trách nếu chúng ta không đề cập đến vai trò của việc đầu tư trong tình hình kinh tế hiện nay, vốn được Giáo Hội công nhận trong các giáo huấn của mình. Tuy nhiên, để việc xem xét đó hợp chỉnh chúng ta phải giới thiệu một kiểu phân biệt thứ ba, vốn chỉ ra sự khác nhau giữa những người liên hệ trực tiếp đến doanh nghiệp và những cổ đông.[50]

“Không nghi ngờ gì nữa, một trong những nguy hiểm lớn nhất rõ ràng là việc kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm đối với những người đầu tư, và cuối cùng giá trị xã hội phải bị bào mòn. Do sự tăng trưởng những chiều kích và nhu cầu vốn liếng ngày càng quan trọng, càng ngày càng ít những công ty có chủ điều hành ổn định, chịu trách nhiệm về đời sống và kết quả của công ty về lâu về dài, kể cả ngắn hạn cũng không, đồng thời việc kinh doanh ít khi lệ thuộc vào một vùng đất duy nhất. Ngoài ra, điều được gọi là di chuyển địa điểm hoạt động sản xuất sẽ làm giảm ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư đối với những người nhận lợi ích, như công nhân, nhà cung cấp, người tiêu thụ, môi trường tự nhiên và nhìn xa hơn, xã hội chung quanh, vì những người hoạt động không bị ràng buộc vào một địa điểm xác định, luôn di chuyển bất thường. Thị trường tài chính quốc tế ngày nay thật sự là một sân chơi rộng lớn. Đồng thời, ý thức về sự cần thiết một trách nhiệm xã hội rộng khắp cũng đang lớn dần. Nếu như không phải mọi quan niệm đạo đức xác định sự tranh luận về trách nhiệm xã hội của kinh doanh, đều có thể được chấp nhận từ cái nhìn giáo huấn xã hội của Giáo Hội, thì thực tế có một xác nhận căn bản đang được phổ biến, theo đó việc hướng dẫn kinh doanh không được phép chỉ chú tâm vào lợi ích của những nhà tài chính, nhưng còn phải chú tâm đến lợi ích của những nhóm người khác nhau đã góp phần vào đời sống kinh doanh, như: những công nhân, những khách hàng, những người cung cấp các thành phần khác nhau trong sản xuất, cộng đoàn lệ thuộc vào đó.”[51]

Không thể nghiên cứu chi tiết riêng lẻ sự đa dạng của các quan điểm được đưa ra đây, tuy nhiên nó phải phục vụ cho việc minh họa nhu cầu phân biệt cần thiết trong các suy xét của chúng ta về nền kinh tế. Các thực thể liên hiệp đó có thể phải chịu áp lực từ những chủ tài chính “vắng mặt” với những lợi ích nhỏ hay ngắn hạn trong hoạt động kinh doanh, và không có ràng buộc nào với lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp, dẫn đến khó thỏa thuận được với những người liên hệ trực tiếp đến tương lai của một doanh nghiệp.

 


[1] Xem Phần I.

[2] Xem Phần II.

[3] Xem Phần IV.

[4] Xem Phần III.

[5] CV, 37.

[6] LS, 92, 107.

[7] John Medaille, Toward a Truly Free Market: A Distributist Perspective on the Role of Government, Taxes, Health Care, Deficits, and More (Wilmington, 2011), p. 70.

[8] Ibid., p. 72.

[9] Xin nhắc lại những nhận xét trên đây nói về sự sở hữu thân thể: chúng ta không “sở hữu” thân thể như người ta thường nghĩ. Ta không thể sở hữu như động sản, cái mà chúng ta không tạo ra.

[10] Lv 25, 23.

[11] HTXHCG, 180.

[12] PP, 23; HTXHCG, 300.

[13] LE, 7.

[14]CA, 19.

[15]EG, 58.

[16]RN, 28.

[17]LE, 7.

[18] Ibid.

[19] Ibid.

[20] Xem Phần IV, 6d.

[21] RN, 3.

[22] Is 5,8.

[23] OA, 44.

[24] OA, 35.

[25] RN, 4.

[26] QA, 10.

[27] QA, 122.

[28] Economic Justice for All (Văn kiện của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, 1/11/1986), 128-129.

[29] LE, 13.

[30]RN, 3.

[31]RN, 4.

[32]RN, 46.

[33]LE, 9.

[34] LS, 128.

[35] LE, 16.

[36] SRS, 28.

[37] C.S. Lewis, “Good Work and Good Works,” The World’s Last Night and other essays.

[38]Ibid.

[39]SRS, 29.

[40] LE, 5.

[41] LE, 6.

[42] Ibid.

[43] LE, 16.

[44]LE, 16-17.

[45]LE, 17.

[46]Xem LE, 18-19.

[47] RN, 45.

[48] CV, 35.

[49] CV, 37.

[50] On the priority of stakeholders, xem LS, 183.

[51] CV, 40.