Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Ga 20,19-23 [1]
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
***
1.- Ngữ cảnh
Dựa theo bố cục tổng quát của Tin Mừng Gioan, đoạn văn này nằm trong chương 20 là chương cuối cùng của phần B (Sách về Giờ của Đức Giêsu), kèm theo lời kết cho thấy mục tiêu của tác giả khi viết Tin Mừng.
Trong tình trạng tranh tối tranh sáng lúc bình minh, Maria Magdalena đi đến mộ Đức Giêsu và thấy mộ đã được mở và trống không. Cho tới nay, có hai sứ điệp của Đức Giêsu Phục Sinh đã bao trùm ngày Phục Sinh (Ga 20,2.17).[2] Vào buổi chiều ngày dài này, Đấng Phục Sinh đã đến gặp các môn đệ Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng kín: họ còn đang ở trong mộ của nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống của Người. Đức Giêsu đã đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc do phản bội, do sợ hãi. Và Người đã trao sứ mạng để các ông trở thành sứ giả đi khắp nơi mà ban ơn tha tội, ban sự bình an.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
– 1) Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh sự Phục Sinh (Ga 20,19-20);
– 2) Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và trao ban Thánh Thần (Ga 20,21-23).
3.- Vài điểm chú giải
– Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần (19): Cuộc hiện ra xảy ra tại Giêrusalem vào ngày Chúa nhật. Bản văn Lc 24,33-49 [3] cho biết Đức Giêsu hiện ra vào buổi chiều, bởi vì vào lúc xế chiều, Người đã ngồi ăn với hai môn đệ tại Emmau, rồi hai ông đã trở lại Giêrusalem ngay trước khi Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm. Rất có thể tác giả dùng từ ngữ “ngày ấy” mà chỉ ngày Chúa nhật ấy là có ý coi đây là ngày cánh chung, ngày mà Đức Giêsu ban Thánh Thần để ở lại mãi mãi với các môn đệ (xem thêm: Ga 14,20; 16,23.26).[4]
Tác giả dùng công thức “Ngày thứ nhất trong tuần” cho cả hai lần hiện ra ở đây (lần sau đúng một tuần sau) rất có thể là vì ngài muốn nhắc đến thói quen của các Kitô hữu cử hành Thánh Thể vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Cv 20,7; xem thêm 1Cr 16,2).[5]
– Các cửa đều đóng kín (19): Lý do nêu ra trong bản văn là “vì các ông sợ người Do Thái”, nhưng có lẽ tác giả cũng còn muốn cho thấy là thân thể Đức Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa đóng kín.
– Bình an cho anh em (19): Trong tiếng Hipri, “shâlôm” (= bình an) là một lời chào thông thường. Nhưng trong văn cảnh long trọng ở đây, lời của Đức Giêsu có ý nghĩa khác, không phải chỉ là “Cầu chúc anh em được bình an”, như thể họ còn phải chờ đợi sự bình an đến trong tương lai. Ở đây, lời Đức Giêsu nói là một nhận định về thực tại: chắc chắn họ đang có sự bình an của Người.
– Như Chúa Cha đã sai Thầy (21): Trong các Tin Mừng khác, cũng có lời sai đi này (x. Mt 28,19; Lc 24,47),[6] nhưng ở đây, mẫu mực cho việc sai đi là quan hệ của Con với Cha (một đề tài thần học của Gioan, xem Ga 17,18).[7]
– Người thổi hơi vào các ông… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (22): Hành động này nhắc nhớ đến làn hơi sáng tạo của Thiên Chúa trong St 2,7.[8] Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần. Trên thập giá, Người đã “trao Thần Khí” (“paredôken to pneuma”; trước đây, vì không quan tâm đến thần học của tác giả Gioan, người ta đã dịch là “trút hơi thở”: Ga 19,30):[9] Người đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân thập giá, đặc biêt cho thân mẫu Người, tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu.
– Anh em tha tội cho ai…; anh em cầm giữ ai… (23): Câu này có vọng lại Ds 22–24 bằng tiếng Hy Lạp (Bản LXX), Truyện Bilơam: chẳng hạn so sánh Ga 20,23 // Ds 22,6 LXX. [10] Theo bản văn Hipri, vua Balác xác tín rằng “kẻ nào bị ông nguyền rủa thì mắc họa/bị nguyền rủa” (Ds 22,6 Hipri), nghĩa là sẽ bị nguyền rủa qua lời nguyền Bilơam tuyên bố. Ông không bận tâm với quyền năng của Thiên Chúa Israel, là Đấng có đồng ý thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa (Ds 22,12; 23,8).[11] Ngược lại, trong bản văn Hy Lạp, lời của Balác ở Ds 22,6 có một ý nghĩa hàm hồ: có thể hiểu “được phúc” (eulogêntai) và “mắc họa/bị nguyền rủa” (kekatêrantai) vừa theo nghĩa một hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai gần (bản văn Hipri: dạng phân từ và vị-hoàn), vừa theo nghĩa một lời thú nhận không chủ ý rằng chỉ những ai đã được Thiên Chúa chúc phúc hoặc bị Thiên Chúa nguyền rủa thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa. Đó chính là điều Thiên Chúa đã nói với Bilơam: “Ngươi không được đi với chúng! Không được nguyền rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc (estin gar eulogêmenon)”. Bilơam không thể nguyền rủa kẻ đang sống trong tình trạng được chúc phúc, từ đó chúng ta hiểu là kẻ nào ông nguyền rủa được, kẻ ấy đã đang bị Thiên Chúa nguyền rủa rồi. Balác đã nói như thế và ông có lý, mà ông không biết.
Dạng hoàn thành “apheôntai” (“được tha”) và “kekratêntai” (“bị cầm giữ”) ở Ga 20,23 có thể được hiểu như thế.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Sau khi Đức Giêsu đã bị bắt, bị xử tử và được an táng, tình trạng của các môn đệ thật đáng thương: các ông về nhà đóng kín tất cả các cửa, vì sợ người Do Thái. Các ông hoàn toàn mất bình an. Trong khi các môn đệ còn ở trong tình trạng bế tắc cùng cực, Đức Giêsu Phục Sinh đã đến với họ, tự mình đi vào ngày giữa lòng tình trạng thê thảm đó.
* Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh sự Phục Sinh (19-20)
Khi hiện ra với các ông, điều đầu tiên Đức Giêsu nói là: “Bình an cho anh em!” (19,19). Nhưng nói mà thôi thì không đủ, Người còn cho các môn đệ thấy rằng các ông có Người đang sống giữa các ông. Người không chỉ nói về bình an, Người cung cấp nền tảng chắc chắn cho lời của Người: các vết thương. Vậy Người chính là Đấng đã chết trên thập giá, nhưng nay Người đã trở lại với cuộc sống trong tư cách vừa là Đấng Tử Nạn vừa là Đấng chiến thắng cái chết. Các vết thương cũng là dấu chỉ cho thấy tình yêu vô biên của Người. Trong cùng một lúc, Người cho các ông được gặp Người như Đấng Chịu Đóng Đinh và Đấng Phục Sinh. Do đó, Người chính là sự bình an và nguồn mạch tuôn trào niềm vui cho các môn đệ (câu 20).
Đoạn văn này còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Lời Đức Giêsu chào “Bình an cho anh em” (“eirênê hymin”) khiến chúng ta nghĩ đến ý nghĩa Thần Khí học của đoạn văn: “eirênê” lần đầu tiên được dùng ở Ga 14,27,[12] ngay sau một lời nhắc đến Đấng Bảo Trợ sẽ đến (Ga 14,26).[13] Câu tiếp theo “Thầy ra đi và đến với anh em” (Ga 14,28) là một quy chiếu về việc Đức Giêsu ra đi và Thánh Thần đến (x. Ga 16,7).[14] Như thế, lời Đức Giêsu nói về sự bình an của Người ở câu 27 rất có thể cũng phải được giải thích như là một quy chiếu về việc ban Thánh Thần trong tương lai, do chỗ các động từ “Thầy để lại” (“aphiêmi”) và “Thầy ban” (“didômi”) đều có nghĩa tương lai, cũng như “Thầy đến” (“erchomai”) ở câu 28. Các lời hứa – sai Thánh Thần, ban bình an, và lại đến – nay đã được hoàn tất.
Một chi tiết nữa cũng liên hệ đến Thánh Thần, là “cạnh sườn” (pleura); từ này tạo một liên kết với cuộc đóng đinh và hành vi người lính đâm cạnh sườn Đức Giêsu (Ga 19,31-36).[15] Rất có thể coi nước chảy từ cạnh sườn Đức Giêsu là một biểu tượng về Thánh Thần: nước và Thánh Thần được đặt song song tại Ga 3,5 [16] và cái chết của Đức Giêsu là một điều kiện cần thiết để Thánh Thần đến (Ga 7,39; 16,7).[17] Ở Ga 7,38-39,[18] tác giả minh nhiên đồng hóa những dòng nước hằng sống, sẽ chảy ra từ Đức Giêsu, với Thánh Thần. Điều này được hoàn tất ở Ga 19,34.[19] Bây giờ, khi Đức Giêsu cho các môn đệ xem cạnh sườn bị đâm, Người không chỉ chứng minh Người là con chiên Vượt Qua đã chết trên thập giá, nhưng nay đã sống lại; Người còn cho thấy rằng Thánh Thần đã tuôn trào ra từ Người và bây giờ có thể được ban cho các môn đệ.
* Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và trao ban Thánh Thần (21-23)
Sau khi chúc bình an lần thứ hai, Đức Giêsu nói đến việc sai phái các môn đệ (câu 21). Trước đây, tác giả Tin Mừng thứ IV cũng đã nói đến một việc sai phái các môn đệ tương tự việc Chúa Cha sai phái Đức Giêsu (Ga 13,20; 17,18).[20] Thiên Chúa sai phái Đức Giêsu đi nói các lời của Thiên Chúa và giảng dạy (Ga 3,34; 7,16; 8,26; 12,49; 14,24),[21] để thực hiện ý muốn và các công việc của Thiên Chúa (Ga 4,34; 5,30.36; 6,38-39; 9,4),[22] và cứu độ thế gian (Ga 3,17).[23] Từ ngữ “như” (kathôs) ở Ga 20,21 khiến nhớ lại nhiều đoạn trong Tin Mừng thứ IV cho hiểu rằng các môn đệ phải làm việc như các ngôn sứ của Đức Giêsu, y như Đức Giêsu đã làm việc như là ngôn sứ của Cha Người. Như Đức Giêsu đã thấy Chúa Cha, họ cũng đã thấy Đức Giêsu; qua việc thấy Đức Giêsu, họ cũng đã thấy Chúa Cha (Ga 14,7-9).[24] Bởi vì Đức Giêsu đã cho họ tất cả được biết những gì Người nghe được từ Chúa Cha (Ga 15,15),[25] những gì họ đã nghe được từ Đức Giêsu bây giờ là lời của Chúa Cha (Ga 14,24).[26] Các lời (rhêmata) đã được Chúa Cha ban cho Đức Giêsu, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ (Ga 17,8).[27] Như Đức Giêsu đã làm chứng về những gì Người đã thấy và nghe (Ga 3,11.32),[28] các môn đệ Người cũng phải làm chứng về Người (Ga 15,27).[29] Như một cành nho không thể sinh hoa trái tự mình (aph’ heautou) nhưng chỉ nhờ ở lại trên cây nho, họ cũng phải ở lại trong Đức Giêsu, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5). Đức Giêsu đã ban cho họ vinh quang (doxa) mà Chúa Cha đã ban cho Người (Ga 17,22).[30] Như vậy, các đặc điểm ngôn sứ trong sứ mạng của Đức Giêsu nay được gán cho các môn đệ sau khi Người đã chết, sống lại và lên trời vinh hiển.
Nói xong, Người “thổi hơi vào” (enephysêsen) các môn đệ; nói như thế là tác giả giải thích rằng hơi thở của Đức Giêsu là Thánh Thần. Y như sự cố Thần Khí xuống đã đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu (Ga 1,32-33),[31] nay ân ban Thần Khí khai mạc sứ mạng của các môn đệ. Trước đây Đức Giêsu đã nói đến Thần Khí sự thật, Đấng ở lại (menei) với các môn đệ (Ga 14,17) [32] như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (Ga 1,32). Đây là Thần Khí ngôn sứ, theo như Đức Giêsu đã giải thích: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13). Ở đây nhiều đặc tính ngôn sứ được áp dụng cho Thần Khí: Ngài vừa nghe vừa nói/loan báo những điều giấu kín, và Ngài là trung gian truyền tải sứ điệp. Ngài sẽ làm chứng cho Đức Giêsu và như thế cung cấp cho các môn đệ một điển hình (Ga 15,26-27).[33]
Động từ “emphysian” (“thổi hơi vào”) ở Ga 20,22 đã được dùng tại St 2,7 LXX là chỗ nói về việc Thiên Chúa thổi hơi mang sức sống vào Adam. Dựa vào đó, có những nhà chú giải đã giải thích rằng, chức năng của Thần Khí là rửa sạch các môn đệ khỏi tội lỗi và làm cho họ thành một tạo thành mới. Nhưng ở đây Thần Khí được ban cho các môn đệ không phải vì lợi ích cá nhân họ, nhưng vì những kẻ khác.
“Anh em tha tội ai… anh em cầm giữ ai…” (câu 23): Câu này nói đến quyền tha và buộc tội. Dưới ánh sáng của Chu kỳ Bilơam (Ds 22–24), các thì hoàn-thành của Ga 20,23 không có ý nói là Thiên Chúa cứ “nhắm mắt” phê chuẩn bất cứ hành vi tha tội và cầm tội nào mà các môn đệ tự do công bố. Đúng hơn, các thì này diễn tả điều này: nhờ Thánh Thần ngôn sứ được ban cho các ông, các môn đệ sẽ có khả năng tha tội cho những người và chỉ cho những người mà Thiên Chúa hoặc Đức Giêsu đã tha tội cho.
+ Kết luận
Ân ban căn bản của Đấng Phục Sinh là sự bình an (Ga 20,19.21.26). Ngay trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã hứa ban sự bình an này cho các môn đệ. Người có tư cách để ban sự bình an này vì Người về cùng Chúa Cha (Ga 14,27) và vì Người thắng thế gian (Ga 16,33).[34] Nay Người đã thực sự thắng cái chết, là dấu chỉ tối hậu về sức mạnh tiêu diệt của thế gian, và đã thật sự lên cùng Chúa Cha. Người đã đạt tới mục tiêu của Người, Người lại đang sống giữa các môn đệ trong tư cách là Đấng chiến thắng. Chính Người là nền tảng của sự bình an của các ông, hoặc nói theo thư Êphêxô: “chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Các ông có thể ra đi thực hiện chương trình cứu độ, nhớ Thánh Thần của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Kitô mà chúng ta gặp trong Lời Chúa, trong các buổi cử hành Phụng vụ, trong giờ cầu nguyện giữa cộng đoàn anh chị em, là Đức Kitô Phục Sinh. Người ban cho chúng ta bình an và Thánh Thần, và sai chúng ta đi hân hoan chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng ấy. Chúng ta cần phải để Người đưa chúng ta ra khỏi ngôi mộ của sợ hãi, của ích kỷ, của những sai lầm, để tin tưởng đi vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền (x. Ga 16,33), nhưng ban cho chúng ta sự vững vàng, không lay chuyển và sự tin tưởng an bình.
2. Các môn đệ của Đức Giêsu cần xác tín rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá; các ông cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích của cuộc Thương Khó, dù đã sống lại; Người chính là “Con Chiên đứng như thể đã bị giết” (Kh 5,6). Các vết thương ấy là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng là dấu cho thấy sự tàn ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn luôn tin tưởng dấn thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực tế, biết rằng mình dấn thân vào trong thế giới nào.
3. Khi ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Ngài như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Ngài mạnh mẽ, Ngài len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài, Ngài sẽ bẻ gãy, Ngài nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Ngài cũng làm cho các con tim nên dồi dào phong phú. Ngài liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà [liên tục] kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).
4. Nếu chúng ta chờ đợi một sự biến đổi đột ngột, tức khắc và lạ lùng sau khi được rửa tội, chắc chắn chúng ta phải thất vọng. Thánh Thần triển khai các hành động của Ngài như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả.
5. Với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã kết thúc 50 ngày mùa Phục Sinh. Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ làm chứng, như trong các bản văn Tân Ước, về đời sống mà Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta gọi hôm nay là “sinh nhật của Giáo Hội”. Rõ ràng chính thái độ mâu thuẫn của các Tông Đồ trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Giêsu và sự phân tán khi Người bị bắt và bị giết chết, cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì đã không có một Giáo Hội đi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô – đó là tầm quan trọng và sự cần thiết của Lễ Hiện Xuống (Siciliano).
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Ga 20,2.17: 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’”.
[3] Lc 24,33-49: 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”. 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
[4] Ga 14,20; 16,23.26: 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 16 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.
[5] Cv 20,7: 7 Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.; xem thêm: 1Cr 16,2: 2 Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên.
[6] x. Mt 28,19: 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Lc 24,47: 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
[7] Ga 17,18: 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.
[8] St 2,7: 7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.
[9] Ga 19,30: 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
[10] Ga 20,23: 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. // Ds 22,6: 6 Bây giờ xin ông đến nguyền rủa dân đó cho ta, vì nó mạnh hơn ta. May ra nhờ thế ta có thể đánh bại được nó và đuổi nó ra khỏi lãnh thổ của ta. Vì ta biết kẻ nào được ông chúc phúc thì được phúc và kẻ nào bị ông nguyền rủa thì mắc hoạ”.
[11] Ds 22,12; 23,8: 12 Bấy giờ Thiên Chúa phán bảo ông Bi-lơ-am: “Ngươi không được đi với chúng! Không được nguyền rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc”. 23 8 Làm sao tôi trù được kẻ Thượng Đế không trù? Làm sao tôi rủa được kẻ ĐỨC CHÚA không rủa?
[12] Ga 14,27: 27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
[13] Ga 14,26: 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
[14] x. Ga 16,7: 7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
[15] Ga 19,31-36: 31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.
[16] Ga 3,5: 5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí”.
[17] Ga 7,39: 39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.
[18] Ga 7,38-39: 38 Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. 39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.
[19] Ga 19,34: 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
[20] Ga 13,20; 17,18: 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. 17 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.
[21] Ga 3,34; 7,16; 8,26; 12,49; 14,24: 34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 7 16 Đức Giê-su trả lời: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. 8 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói”. 12 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 14 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
[22] Ga 4,34; 5,30.36; 6,38-39; 9,4: 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 5 30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi. 36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 6 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 9 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.
[23] Ga 3,17: 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
[24] Ga 14,7-9: 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”. 8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. 9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?
[25] Ga 15,15: 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
[26] Ga 14,24: 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
[27] Ga 17,8: 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
[28] Ga 3,11.32: 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.
[29] Ga 15,27: 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
[30] Ga 17,22: 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một.
[31] Ga 1,32-33: 32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
[32] Ga 14,17: 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.
[33] Ga 15,26-27: 26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
[34] Ga 16,33: 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”.