Bí Quyết Hạnh Phúc Cho Gia Đình Kitô Giáo

0
887


Jos. Nguyễn Đình Chiến, OP.
 
 

Khi đề cập đến hoàn cảnh của gia đình trong thế giới hôm nay, ngoài những điểm tích cực, đức Gioan Phaolô II còn nói đến những tiêu cực mà ngài gọi là những thoái hoá về những giá trị căn bản: quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập hai vợ chồng, những mập mờ về tương quan quyền uy của cha mẹ và con cái, các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, sự ích kỷ … Và trong Thư Mục vụ năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng ưu tư về hình ảnh đẹp của gia đình Việt đang dần bị đánh mất: hình ảnh một gia đình “trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm”. Những nguy cơ này ít nhiều đều ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà nguyên nhân gián tiếp được nêu lên là: sự xáo trộn trong sinh hoạt, sự hưởng thụ ích kỷ, lối sống sa đoạ, tệ nạn xã hội, sự suy giảm đạo đức … Tất cả những nguyên nhân này cho thấy một nguyên nhân sâu xa khác, đó là thiếu sự giáo dục căn bản nơi gia đình, mà Thư Mục Vụ 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập.[1]

Hạnh phúc gia đình là điều mong ước của mọi người, nhất là Kitô hữu và họ tìm cách để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình. Một trong những bí quyết để kiến tạo và bảo vệ hạnh phúc gia đình, đó là sự cầu nguyện. Thực ra, bí quyết này không có gì mới lạ. Nói đến cầu nguyện, thì Kitô hữu nào mà chẳng biết. Nhưng chính cái gần gũi nhất lại là cái mà người ta hay lãng quên nhất. Vậy, chúng ta cùng xem xét cầu nguyện sẽ bảo vệ hạnh phúc gia đình như thế nào và cả cách thực hành cầu nguyện trong gia đình Kitô giáo nữa.

 
I. CẦU NGUYỆN BẢO VỆ HẠNH PHÚC TRONG GIA ĐÌNH
 
Trước hết, cần có một định nghĩa về cầu nguyện. Thực ra có rất nhiều định nghĩa về cầu nguyện[2] nhưng tựu chung lại có thể nêu vắn gọn thế này: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa (elevatio mentis ad Deum). Đây là cách định nghĩa của thánh Gioan Đamascô (+749), trong đó gồm ba yếu tố : nâng lên, tâm hồn và Thiên Chúa. Đỉnh cao của cầu nguyện là việc kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu. 
 
Cách chung, khi cầu nguyện, con người đi vào cuộc đối thoại thẳm sâu với Thiên Chúa như hai người bạn. Anh mở rộng tâm hồn để biểu lộ những tâm tình, những ưu tư của mình; anh lắng nghe tiếng Chúa nói và nhận thêm được sức mạnh từ nơi Người. Thiên Chúa là Đấng mà anh tin tưởng tuyệt đối, là Đấng nhân từ luôn ban cho anh hạnh phúc, cũng như cho gia đình mà anh đang sống. Chính Thiên Chúa, qua việc cầu nguyện, sẽ chỉ cho mỗi thành viên trong gia đình biết cách sống làm sao để kiến tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình.
 
Do vậy, việc cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa là thiết yếu. Nhưng không phải lúc nào mỗi người đều có thể cầu nguyện dễ dàng. Dĩ nhiên, việc gì cũng phải có sự cố gắng và tập tành. Cầu nguyện cũng cần phải khởi đi từng cấp độ của nó, nhưng trước hết là dần ý thức sự hiện diện của Chúa trong từng lời nói, trong từng cử chỉ và trong từng hành động của mình, rồi dần đến việc cảm nghiệm Chúa qua từng biến cố cuộc sống và tâm tình với Người ngay trong những sự kiện cuộc đời.[3]
 
Thánh Augustinô tóm gọn cầu nguyện trong 2 sự: tâm tình cầu nguyện và tác động cầu nguyện. Tâm tình cầu nguyện hệ tại việc kết hiệp với Thiên Chúa[4]. Theo đó, việc cầu nguyện không bị giới hạn về không gian và thời gian, nghĩa là cầu nguyện liên lỉ mà chúng ta vừa nói trên. Còn tác động cầu nguyện thì nhắm đến thời khắc được dành ra để cầu nguyện. Theo đó, việc cầu nguyện bị giới hạn về thời gian, nghĩa là chỉ có những thời giờ nhất định để cầu nguyện, và người ta còn phải dành thời gian để làm những việc bổn phận khác. Đó là cách cầu nguyện chung hay kinh nguyện chung mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây.
 
Tiếp đến, việc cầu nguyện được khuyến khích và thúc đẩy với mẫu gương của đức Giêsu. Quả vậy, chính đức Giêsu đã dạy cho biết về sự thiết yếu của cầu nguyện trong đời sống và Người đã thực hành để minh chứng điều Người dạy. Người đã cầu nguyện liên lỉ trong khi giảng dạy và chữa bệnh, trong suốt cả ngày sống. Người luôn sống kết hiệp với Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Những tâm tình cầu nguyện có thể thấy cụ thể nơi kinh Lạy Cha. Qua đó Người dạy cho biết cách thức cầu nguyện và ý hướng cầu nguyện là như thế nào.
 
Kitô hữu sẽ không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc đời theo đức Kitô nếu không cầu nguyện. Đức cha Têôphanô so sánh việc cầu nguyện như là hơi thở của tâm thần. Giống như thân xác mà không ăn không thở là chết, thì tương tự như thế, tâm thần cần sự cầu nguyện bởi vì nó mang lại lửa đức ái sưởi ấm tâm hồn. Thánh Gioan Climacô ca ngợi rằng “cầu nguyện là cứu độ thế gian, là bình an với Chúa, là thứ tha tội lỗi, là thành luỹ chống lại cơn cám dỗ, là sự hoà giải các cuộc tranh giành, là công tác duy nhất của các thiên thần, là lương thực cho các linh hồn, là niềm vui mai hậu, là hoạt động kéo dài đến mãn đại.”[5]
 
Thế nên, gia đình Kitô giáo cũng cần sự cầu nguyện là điều hiển nhiên. Mỗi thành viên trong gia đình (ông bà, cha mẹ, con cái …) đều cần cầu nguyện. Cầu nguyện nâng đỡ đời sống gia đình và làm cho gia đình hạnh phúc vì mọi người đều sống theo sự hướng dẫn của Chúa. Có Chúa ngự trong gia đình và mỗi người cảm nghiệm như vậy, thì hạnh phúc sẽ luôn có trong gia đình là chắc chắn. Nếu như gia đình không tránh khỏi những bất hoà và xung đột thì cầu nguyện sẽ là sự hoà giải. Nếu trong gia đình người này có lỗi với người kia thì cầu nguyện sẽ là sự tha thứ. Nếu gia đình có những lo âu buồn phiền giữa bao thử thách gian nan thì cầu nguyện sẽ đem lại niềm vui và bình an. Nếu gia đình, xét như là một tế bào của xã hội, sống giữa những cám dỗ của sự xấu trong xã hội, thì cầu nguyện sẽ là thành luỹ che chở gìn giữ. 
 
Đối tượng của cầu nguyện mà các thành viên nhắm tới là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, Đấng đã kết hợp cha mẹ, Đấng đã ban con cái như hoa trái của tình yêu vợ chồng, sẽ là điểm nối kết mọi thành viên trong gia đình. Chính Thiên Chúa luôn ngự trong gia đình nếu họ luôn biết cầu nguyện với Người. Những hoa trái của cầu nguyện đều phát sinh từ Thiên Chúa. Nếu họ biết kết hiệp với Thiên Chúa thì họ sẽ nhận được những hoa trái ấy, đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Tất cả sẽ tạo nên hạnh phúc cho gia đình.
 
II. GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?
 
Trước tiên cần khẳng định rằng cha mẹ phải là những người tiên phong và mẫu gương cho con cái trong việc cầu nguyện. Điều đó giả thiết rằng cha mẹ trong trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái, cũng dạy chúng cầu nguyện. Làm sao để cha mẹ và con cái có thói quen cầu nguyện: cầu nguyện liên lỉ và cầu nguyện theo các giờ nhất định. Về điểm này, chúng ta hãy nghe giáo huấn của đức Phaolô VI dành cho các bậc cha mẹ:
 
“Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho con cái của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? […] chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: ‘Bình an cho nhà này’. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội thánh.”
 
1. Cầu nguyện chung
 
Như đã nói, một mặt mọi người trong gia đình không phải lúc nào cũng cầu nguyện mà không làm gì cả, mặt khác họ phải lo nhiều công việc bổn phận: học hành, buôn bán, giao dịch, thăm hỏi … Thế nên, gia đình, vì không thể bỏ qua việc kinh nguyện chung, cần phải có giờ nhất định để cầu nguyện với nhau. Thiết nghĩ, tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình, có thể dành giờ cầu nguyện chung vào ban sáng hay buổi tối. Ở Việt Nam, các gia đình thường đọc kinh tối với nhau, sau bữa cơm gia đình. Đó là giờ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc và trong giờ này họ dâng lên lời nguyện tạ ơn Chúa và xin Người chúc lành cho một đêm nghỉ ngơi bình an. 
 
“Vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái, vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa tội và Hôn phối mang lại.”[6] Khi cầu nguyện chung như vậy, chính đức Giêsu hiện diện giữa gia đình và những lời cầu xin của gia đình xứng đáng được Chúa Cha nhận lời (x. Mt 18,19-20).
 
2. Cầu nguyện bằng Lời Chúa
 
Khi xác tín rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), một cách gián tiếp, Vịnh gia muốn nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc đời mình, đến nỗi có thể nói Lời Chúa là lẽ sống cho cả gia đình. Cộng đoàn Hội thánh cũng được Lời Chúa quy tụ lại để được giáo huấn và kín múc sức mạnh nơi Lời, mà cụ thể là trong Thánh lễ mỗi ngày. Chính trong Lời Chúa, mà “Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.”[7] Và Lời Chúa trở thành lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái trong Hội thánh. Gia đình, xét như là Hội thánh tại gia, cũng được Lời Chúa quy tụ, trong đó cha mẹ và con cái hiệp nhất trong Lời. Lời Chúa sẽ hướng dẫn mỗi thành viên cách sống để kiến tạo hạnh phúc cho gia đình mình. 
 
Một cách cụ thể, chính việc đọc kinh chung (thường giờ kinh tối) là thời gian phù hợp để mọi người trong gia đình quy tụ lại để lắng nghe Lời Chúa. Đó là lời dạy của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2000: “Bậc cha mẹ phải cố gắng biến những giây phút cả gia đình qui tụ bên nhau thành cơ hội để cầu nguyện, đọc và suy niệm Sách Thánh”[8]. Lời Chúa thấm nhuần vào tâm hồn sẽ phát sinh những hoa trái thánh thiện cho gia đình. Để được như vậy, mỗi thành viên trong gia đình, bắt chước gương đức Maria, luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa và áp dụng vào đời sống hằng ngày.
 
3. Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi
 
Có thể nói trong các việc đạo đức, việc đọc kinh Mân Côi là một phương cách cầu nguyện dễ dàng nhất. Mọi người, từ trẻ em đến người già, đều có thể đọc kinh Mân Côi mọi lúc mọi nơi. Lời kinh này tuy giản dị, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa cao sâu, đến nỗi kinh Mân Côi được coi là bản Phúc Âm tóm gọn. Đọc và suy niệm kinh Mân Côi chính là đọc và suy niệm về công trình cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi đức Giêsu và mẹ Maria. 
 
Việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình được các vị giáo hoàng đề nghị, nhất là đức Gioan Phaolô II, ngài đã dành một Tông huấn (Rosarium Virginis Mariae) để nói về tầm quan trọng của kinh Mân Côi trong đời sống Hội thánh. Đức Phaolô VI khuyến dụ: “Tràng chuỗi kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi là một trong những kinh nguyện chung tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Hội thánh mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau. Tôi vui sướng tưởng nghĩ và tha thiết hy vọng rằng, khi gia đình sum họp để cầu nguyện, việc lần chuỗi Mân Côi sẽ là một hình thức được quý chuộng và thực hành thường xuyên”.[9] Và đức Gioan Phaolô II thêm rằng việc đọc kinh Mân Côi là cách thức trung thành với đức Maria và noi theo cuộc sống của Mẹ, nhờ đó, sự hiệp thông trong gia đình được nuôi dưỡng và là yếu tố phát triển linh đạo gia đình mà đạt tới hạnh phúc.[10]
 
Kết luận
 
Một lần nữa, chúng ta khẳng định lại với nhau rằng việc cầu nguyện trong gia đình hết sức cần thiết. Nó được thể hiện cụ thể cách riêng nơi mỗi thành viên qua việc cầu nguyện cá nhân với Thiên Chúa và cách chung là cầu nguyện chung với nhau trong giờ kinh nguyện gia đình. Chính khi cầu nguyện, gia đình có Thiên Chúa hiện diện, hướng dẫn và gìn giữ. Nhờ đó, gia đình trở nên hạnh phúc. Thiên Chúa cũng là nguyên nhân chính tác động nơi mỗi thành viên cầu nguyện để luôn ý thức và xây dựng hạnh phúc trong gia đình. Không cầu nguyện, chắc chắn, gia đình không sớm thì muộn sẽ có những xung đột, những bất hoà, những đổ vỡ và những đau khổ, bởi vì không có sự ý thức Thiên Chúa hiện diện qua việc cầu nguyện. Xin Thiên Chúa chúc lành và ban hạnh phúc cho mỗi gia đình và cho toàn thể gia đình nhân loại.
___________
 
[1] Xc. Thư mục vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, các số 10-12. 
[2] Về các định nghĩa cầu nguyện, độc giả có thể xem trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) với các số 2559, 2560, 2564, 2565, 2709, 2715. 
[3] Xc. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 59. 
[4] Thánh Augustinô dựa theo giáo phụ Origène, Oratio, 12. Xc. Sách GLHTCG, SỐ 2745. 
[5] Trích lại của Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh – tập 3, Rô-ma, 2003, tr. 144. 
[6] Gioan Phaolô II, sđd, số 59. 
[7] Vaticanô II, Hiến chế Dei Verbum, số 21. 
[8] Thư Mục vụ của HĐGMVN 2000, Thánh hoá các gia đình, số 9. 
[9] Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus, số 52 và 54. 
[10] Gioan Phaolô II, sđd, số 61.